Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Tôi có tự do?



Người đăng: DangTrinh | 29.06.2012 


Tác giả J. Q. Tomanek
Trầm Thiên Thu
chuyển ngữ từ IgnitumToday.com
Có nhiều lý do để trở thành người Công giáo. Tính lịch sử của các Phúc âm, cách dùng lý luận dẫn đến đức tin, một trải nghiệm thần bí, vẻ đẹp trong các loại hình nghệ thuật, cuộc gặp gỡ một thánh nhân, và nhiều nữa…
Đối với tôi, một trong các lý do đó là sự tự do mà tôi trải nghiệm khi tôi thực hành đức tin của mình. Dù không là thầy dạy cách sống đạo đức, chúng ta vẫn phải xác định ngày nay quan trọng về cách hiểu kho tàng đức tin vô giá. Nhưng ngày nay, nhiều người hiểu sai đức tin chung và nghĩ rằng vị trí cao nhất trong Giáo hội là làm linh mục, giám mục hoặc giáo hoàng. Với ảnh hưởng của Thánh Josemaria Escriva (*), mọi người được giới thiệu về lời mời gọi thánh hóa. Trước đây không phải không là giáo huấn chung, mà chỉ không được giảng dạy thường xuyên. Với đà tiến của chủ nghĩa tục hóa, tôi cho rằng thời của Thánh Escriva vẫn thích hợp. Thánh Escriva nhắc cho thế giới biết rằng mọi thứ đều có thể được thánh hóa. Thiên Chúa không chỉ cho các giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ vào Thiên đàng, mà Ngài mời gọi mọi người, bất kể giai cấp hoặc ngành nghề nào.

Chính xác sự thánh thiện là gì? Nói ngắn gọn là sự tự do. Những người tự do nhất là những vị thánh. Thánh hóa là gì? Giáo lý Công giáo giải thích rõ trong số 828: “Bằng cách phong thánh một số tín hữu, nghĩa là bằng cách long trọng tuyên bố rằng họ đã thực hiện các nhân đức một cách anh dũng và sống trung thành với Ơn Chúa, Giáo hội nhận biết quyền năng Thánh Thần của sự thánh thiện nơi Giáo hội và duy trì niềm hy vọng của các tín hữu bằng cách đề xuất các vị thánh là những tấm gương sáng và la những người cầu thay nguyện giúp. Các vị thánh luôn là nguồn canh tân trong những hoàn cảnh khó khăn nhất trong lịch sử Giáo hội”. Các vị thánh là những người kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, Đấng giúp họ thực hiện sứ vụ. Danh hiệu cao cả nhất dành cho giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân là được phong thánh.
Tại sao tôi hạnh phúc được là người Công giáo?  Rất đơn giản, đó là tự do. Đời sống nhân đức, mặc dù đôi khi tôi không thực sự nhân đức, là lời mời gọi sống tự do. Thánh Phaolô nói về điều này khi ngài nói phạm tội là sống nô lệ, đó là trái ngược với tự do. Ai cũng muốn sống tự do. Vì thế Đức Kitô đã đến sống giữa chúng ta, cho chúng ta tự do để chúng ta có thể nên thánh.
Việc phát triển nhân đức giúp người ta khước từ thói xấu. Thói hư tật xấu làm hại con người. Nhờ từ bỏ thói xấu, con người được hành động tự do nhất. Chẳng hạn, khi sống theo thói hư, tôi cũng bị nghiện. Càng nghiện tôi càng bị kìm kẹp, và càng ít tự do để chọn lựa điều tốt – tức là bị nô lệ cái xấu. Thói xấu tạo ra một loại quái vật cần phải được thuần hóa. Thói xấu có thể là ham muốn nhục dục, thích xem phim ảnh “đen” hoặc vô liêm sỉ; có thể là ham muốn về ma túy (buôn bán hoặc sử dụng), rượu bia, mê ăn uống; có thể là trộm cắp, cướp bóc, ăn chặn, hối lộ, tham những; có thể là lười biếng, ưa hưởng thụ, ích kỷ; có thể là muốn trả thù, ghen ghét, đố kỵ; có thể là kiêu căng, tự mãn, coi mình hơn người. Rất đa dạng. Những người như vậy là quái vật chứ không là con người. Làm điều xấu là tôi khước từ bản chất tốt của tôi và của người khác.
Tại sao tôi là người Công giáo? Tôi muốn tự do và tôi đã tìm thấy tự do trong cách sống của tôi. Cũng như cha mẹ dạy con cái đừng chạm vào lò nóng, tôi đã “lãnh đủ” khi tôi bỏ ngoài tai lời dặn dò đó: Tôi đã bị phỏng.
(*) Thánh Josemaria Escriva (Đức Ông José María Escriva de Balaguer) sinh ngày 9-1-1902 tại ây Ban Nha, qua đời lúc 12 giờ trưa ngày 26-6-1975 tại Rôma. Ngài là vị sáng lập Hội Opus Dei (Thần vụ, Công việc của Chúa). Đây là Hội của các tín hữu Công giáo dấn thân vào công tác tông đồ và sống đời hoàn thiện Kitô giáo trong thế giới. Tuy nhiên, họ không từ bỏ môi trường xã hội và tiếp tục sống nghề nghiệp của mình. Hội này được thành lập tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 2-10-1928, hội nhận được sự chuẩn y sau cùng của Tòa thánh ngày 16-6-1950. Tên chính thức đầy đủ của hội là Societas Sacerdotalis Sanctae Crucis (Tu Hội Linh Mục Thánh giá), có trụ sở tại Rôma. Có hai nhánh của hội Opus Dei, một dành cho nam và một dành cho nữ, nhưng hai nhánh độc lập với nhau như hai tổ chức riêng, chỉ thống nhất trong con người của vị giám quản chung. Nhánh phụ nữ được thành lập năm 1930. Một tổng công hội, gồm người của nhiều quốc gia, trợ giúp vị giám quản trong việc điều hành hội. Các linh mục thuộc về Hội Opus Dei và thành viên của Hội Opus Dei được truyền chức linh mục. Những người đã kết hôn cũng có thể thuộc về Hội Opus Dei, tự hiến sống đời hoàn thiện Kitô giáo trong bậc sống của mình. Các cộng tác viên, không là thành viên chính thức của Hội, giúp đỡ trong nhiều công tác tông đồ khác nhau (chú thích của người dịch).

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang