Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

CUỘC SỐNG LÀ GÌ?

Có khi nào bạn tự hỏi: Cuộc sống là gì? Chắc có lẽ câu hỏi này sẽ làm nhiều người phải ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì hai từ cuộc sống nghe rất quen thuộc, vừa nghe ai cũng có thể hình dung và nghĩ ngay đến những hoạt động như: Ăn uống, ngủ nghĩ, vui chơi, học hành, tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, chính trị, văn hóa... cũng như những sắc thái tâm lý khác nhau: Vui, buồn, yêu thương, giận hờn, ghen ghét ....
Những hoạt động và sắc thái này đan xen vào nhau, tạo nên một cuộc sống riêng biệt gắn với từng cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên để có thể đưa ra câu trả lời có tính cô đọng, như là phương châm sống cho tất cả mọi người, mỗi khi trả lời cho câu hỏi: Cuộc sống là gì? Thì quả thật là một điều không phải dễ.
Cuộc sống – Vấn đề rất gần, rất quen thuộc, nhưng khi đào sâu xuống trong suy nghĩ về hai từ cuộc sống thì lại cảm thấy lúng túng, vì dường như hai từ cuộc sống chứa đựng trong đó cả một sự huyền nhiệm. Tưởng quen nhưng lại rất lạ, tưởng gần nhưng lại rất xa, tưởng bình thường nhưng hóa ra là huyền nhiệm . Đó chính là sự ngỡ ngàng về hai từ: Cuộc sống. Vậy cuộc sống là gì?
Thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Cô-rin-tô, ngài viết: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”[1]. Lời nhắn nhủ của thánh nhân cho thấy: Yêu thương phải được đặt lên hàng đầu trong đời sống, và trong mọi hoạt động, yêu thương phải là động lực cho tất cả.
Còn thánh Gioan trong thư thứ hai, ngài mời gọi một cuộc sống tình thương, nhưng lại nhấn mạnh đến nguồn gốc của tình thương khởi đầu nơi Thiên Chúa: “Yêu thương là sống theo các điều răn của Thiên Chúa, như anh em đã được nghe từ lúc khởi đầu, điều răn này là: anh em phải sống trong tình thương.” [2]
Đến đây hoàn toàn có cơ sở để trả lời: CUỘC SỐNG, TẤT CẢ CHỈ LÀ YÊU THƯƠNG. Chính vì yêu thương bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa, mà cuộc sống tất cả chỉ là yêu thương, cho nên cuộc sống có sự huyền nhiệm là vậy.
Khi trả lời: “Cuộc sống, tất cả chỉ là yêu thương” như là phương châm sống cho mọi người. Vậy thử hỏi khi thực hiện phương châm sống này sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho con người?
Chúa Giê-su trong buổi ăn cuối cùng với các môn đệ, đã truyền lại lời di chúc trước khi bước vào cuộc khổ nạn: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”[3] Khi cuộc sống tất cả chỉ là yêu thương, thì ngay lập tức cuộc sống luôn hướng đến tha nhân (hy sinh tính mạng vì bạn hữu) mà không phải là quy về bản thân mình.
Có thể nói lợi ích hàng đầu khi cuộc sống là yêu thương mang lại, đó chính là cuộc sống vị tha (vì tha nhân) mà không phải là cuộc sống vị kỷ (vì bản thân). Khi cuộc sống luôn là biểu hiện của những nghĩa cử yêu thương dành cho người khác. Vậy thử hỏi: Có ai lại bực tức khó chịu hay ganh ghét một người mà cuộc sống của người đó luôn là yêu thương người khác hay không? Lẽ bình thường chắc chắn rằng không, trái lại người ta càng dễ dàng yêu thương người đã yêu thương mình.
Vậy kết quả kéo theo cách vô hình từ cuộc sống yêu thương là nền hòa bình được kiến tạo, nền hòa bình được sinh ra từ tình thương mà không phải là hòa bình theo kiểu: “Si vis pacem, para bellum”(nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh)[4].
Ước gì “Cuộc sống, tất cả chỉ là yêu thương” là phương châm sống cho mọi người. Vì khi cuộc sống là yêu thương, những rạn nứt những đổ vỡ trong gia đình giữa vợ chồng con cái sẽ được hàn gắn, những bất đồng hay những thù hằn, những toan tính bất chính hay những hành động trả đũa trả thù giữa người với người, sẽ ngày một được đẩy lùi khỏi xã hội và cuộc sống của con người. Quả thật hai từ cuộc sống đầy những thú vị và bất ngờ.
 
Lm. Pet Trần Trọng Khương

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang