Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

ÁP DỤNG HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI HỌC SINH HỌC GIÁO LÝ

Trong bài viết về những vui buồn trong một năm học giáo lý trên website Công giáo Vietcatholic News mới đây, chúng tôi đã nêu lên những băn khoăn khi thấy tinh thần thế tục của xã hội Việt nam ảnh hưởng đến các em giáo lý khá nhiều. Bây giờ nhìn vào khía cạnh khác, chúng ta lại thấy ảnh hưởng của xã hội cũng phần nào tác động đến giáo lý viên nữa, trong đó có việc trách mắng và xử phạt nặng nề đối với các em.

Khi dò tìm từ khoá “phạt học trò nặng nề” trên các website, người ta có thể tìm thấy hàng trăm ngàn kết quả. Trong xã hội này dường như hình phạt được áp dụng quá đáng trong giáo dục, và có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân làm giáo dục sa sút.
Trong việc giảng dạy giáo lý, việc áp dụng hình phạt nặng nề hoặc không đúng lúc do ảnh hưởng từ xã hội bên ngoài có thể làm các em chán học hoặc lỗi bác ái với các em. Do đó, khoa sư phạm giáo lý xác định “kỷ luật là quan trọng nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng”. Và giáo lý viên chỉ nên lên án cái sai, cái xấu, chứ không nên chú tâm trừng trị các em.
Xin đưa ra một ví dụ cụ thể. Mới đây, trong một lớp Chiên non, các em bị giáo lý viên phạt ngồi nán lại trong lớp, ngồi im không làm gì, cả lớp bị cho ra trễ vì các em ồn ào, không giữ trật tự. Cũng cần nhắc lại là ở lớp Chiên non, các em mới chỉ lên 6 hay 7 tuổi.
Nếu xét về mặt sư phạm, lối xử phạt như thế hơi tàn nhẫn và thiếu bác ái. Khi các em bị phạt ngồi im trong lớp thì hai giáo lý viên ra ngoài đứng nói chuyện, phòng học thì nóng bức vì nắng chiếu thẳng vào, phụ huynh thì phải đứng chờ các em dưới sân.
Việc giữ trật tự trong lớp thuộc về kỹ năng và nghiệp vụ của người dạy học, không phải hễ cứ lớp ồn ào là phạt cả lớp. Điều này chúng tôi sẽ phân tích ở một dịp khác. Ở đây chúng tôi muốn nói đến ý nghĩa và cách sử dụng hình phạt đối với các em, nhất là các em nhỏ tuổi.
Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và Chúa ban cho họ một nhân vị. Nhân vị là một trong các giá trị nền tảng mà Giáo huấn Xã Hội Công giáo đề cao.
Dạy giáo lý chính là phát triển nhân cách để con người sống xứng đáng phận người và giúp họ phát triển “khả năng hướng về siêu việt” mà thánh Augustine đã đề cập đến và Hội Thánh không ngừng nhắc lại.
Trên con đường đi tìm Thiên Chúa, con người có thể vấp ngã. Trong suốt dòng lịch sử Cứu độ, Thiên Chúa đã nhiều lần áp dụng những hình thức phạt dân Ngài. Tất cả các hình phạt mà Chúa dùng trên dân thánh đều có hai đặc tính này: một là vì Chúa quá yêu con người và không muốn họ phải ở lại trong sự hư hỏng, hai là vì Chúa muốn cảnh báo để họ không vấp phạm trong tương lai.
Các em đến lớp giáo lý cũng là cất bước trên cuộc hành trình đi tìm Thiên Chúa. Giáo lý viên không thể giả định là các em đã hoàn thiện để rồi sẵn sàng trách phạt các em. Và nếu trách phạt, chúng ta cũng không quên hai điểm vừa nói.
Thật ra không nên kết án các em hay phạt các em dễ dàng quá, vì các em còn bé. Ngày xưa khi các trẻ em đến với Chúa Giêsu mà bị các Tông đồ bảo “đi chỗ khác chơi”, có thể các em cũng nghịch ngợm quậy phá nên các ông mới bực bội. Nhưng với lòng yêu mến bao dung, Chúa Giêsu nói: “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời là của chúng”.
Lỗi mà chúng ta gán cho các em nhiều khi chỉ do tâm lý lứa tuổi, và một phần do cách chúng ta dạy các em nữa. Chẳng hạn các em mới làm quen với lớp học, ở lứa tuổi ấy các em không thể nghiêm trang được lâu giờ, mà lớp học thì kéo dài và không có các hoạt động phù hợp ngoài lời giảng đơn điệu, thì không thể bắt các em chú ý.
Lỗi của các em cũng có thể do hoàn cảnh. Có giáo lý viên bắt các em về nhà đổi dép có quai sau hay mặc áo trắng đúng qui định mà lại không hỏi em có sẵn không, bởi vì không thiếu trường hợp nhà các em nghèo quá, không đủ ý phục và giày dép như các bạn khác.
Cũng có thể các em có lỗi thật sự. Các em vì lười mà không học bài, các em cố ý trêu chọc bạn bè quá mức hay các em hỗn hào, không vâng lời giáo lý viên. Ngay cả trong trường hợp ấy, giáo lý viên cũng phải dùng lòng bác ái và kiên nhẫn khi trách phạt các em.
Theo chúng tôi, hình phạt trong các lớp giáo lý chỉ nên áp dụng theo một số nguyên tắc như sau:
Thứ nhất, lỗi mà các em phạm là cố ý và có hại đến cá nhân các em hay làm gương xấu cho bạn bè khác. Muốn thế giáo lý viên cần tìm hiểu cặn kẽ trước khi quyết định phạt . Nếu lỗi các em hoàn toàn do sơ ý hoặc không có hại gì, giáo lý viên nên nhắc nhở cho em nhớ cũng đủ rồi. Chẳng hạn em bất ngờ nhớ đến chuyện vui nào đó ngoài sân rồi bật cười trong lớp, thì có lẽ chưa đến nỗi phải phạt em.
Thứ hai, trước khi phạt, giáo lý viên nên cầu nguyện và tự hỏi mình “Nếu Chúa Giêsu ở địa vị tôi bây giờ, Người sẽ làm gì?”. Đây là phương thế tối ưu để giúp cho quyết định của chúng ta đúng đắn và có kết quả tốt nhất.
Thứ ba, hãy đặt mình vào vị trí các em. Ở lứa tuổi ấy, trong tình huống ấy, tôi có đủ khả năng để làm theo lời dặn của giáo lý viên một cách hoàn hảo như bây giờ tôi mong chờ hay không. Hãy chú ý rằng các em không thể tập trung lâu giờ, tuổi các em thường đầy hiếu động, hoặc muốn khẳng định mình, và các em lại hay quên!
Thứ tư, hình phạt phải hợp lý và vì ích lợi các em, chứ không phải để cho giáo lý viên hả giận. Chúng ta thường nghĩ rằng thấy mình giận, học sinh sẽ sợ và chừa! Nhưng trong thực tế, chính tình yêu nhà giáo dành các em và lời cầu nguyện cho các làm cho các em tăng trưởng, chứ không phải sự phẫn nộ hay đòi hỏi riêng.
Và một nguyên tắc rất quan trọng mà lắm khi giáo lý viên chúng ta quên: “Nói với Chúa với các em nhiều hơn nói với các em về Chúa”. Khi chúng ta tâm sự với Chúa và tìm gặp Ngài nơi các Bí Tích và nơi Thánh Kinh, chúng ta sẽ học được cách sống với các em, cách dạy dỗ các em và cách xử phạt với lòng yêu thương nhân hậu.
Người lớn chúng ta cũng có lỗi lầm. Chúng ta thường trách các em nói chuyện trong lớp, nhưng chúng ta đã soạn bài kỹ để tìm mọi phương thế giúp các em chú ý bài học chưa? Những buổi học thêm dành cho giáo lý viên, chúng ta có thực sự chăm chú không? Cứ đặt ra những câu hỏi như thế, thì cuối cùng sẽ dẫn đến một chỗ rất tuyệt vời, ấy là: bao dung!
Xin Chúa là Đấng chúng con đang nhiệt tâm rao giảng cho các em, giữ chúng con trong tình yêu và sự bao dung vô bờ bến của Chúa.
Gioan Lê Quang Vinh
Nguồn: VietCatholic

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang