Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha ÔI (số 233)

CẢM ƠN CHÚA VÌ CON VÀ VỢ CON ĐAU
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, cơm chạy ăn từng bữa. Từ nhỏ tôi luôn phải gánh chịu nhiều sự rẻ khinh của người đời. Nhục nhã ê chề vì cái nghèo, tôi đâm hận đời. Học xong Thêm Sức là tôi nghỉ giáo lý, kinh nguyện quên hết. Cũng may là hàng ngày tôi vẫn còn đọc sơ sài ba kinh: Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh. Gia đình tôi cũng chẳng còn đọc kinh chung với nhau nữa. Tôi chỉ giữ được một số điều răn, cứ phạm tội rồi lại đi xưng tội. Nhiều khi vừa xưng tội xong ra ngoài liền phạm tội tiếp. Đời sống tôi kéo dài trong nỗi ám ảnh: tôi chỉ biết có tiền và tiền. Cũng có những lúc tôi làm ra rất nhiều tiền, nhưng rồi lại nướng hết vào sòng bạc, đề đóm. Mối quan hệ giữa tôi và bố mẹ, gia đình ngày càng trở nên gay gắt vì tôi đã làm khổ họ quá nhiều.

Khi đứa em tôi đã lập gia đình có đến đứa cháu thứ sáu, ở nhà ai cũng muốn tôi lập gia đình cho xong. Thế là năm 2001, tôi cưới vợ. Tôi vẫn làm ra tiền, cộng thêm tiền cưới hai họ cho, tôi lại lao vào bia rượu. "Rượu vào lời ra" tôi thường về nhà gây sự ồn ào, phần vợ tôi là cô dâu mới không khéo léo, nên cha con, dâu cháu gây nhau liên miên. Một lần giận mất khôn, tôi đập tan tành căn nhà nhỏ của hai vợ chồng xây bên cạnh nhà bố mẹ. Tôi nghĩ mình sẽ bỏ đi thật xa, không cần anh em bà con gì hết. Nhà bên vợ gọi chúng tôi về cho ở nhờ. Tài sản hai vợ chồng lúc ấy chỉ còn một chiếc xe máy. "Chó chui gầm chạn" thế nào cũng có xích mích, một thời gian sau, tôi buộc phải đưa vợ đi làm ăn. Chúng tôi vào Sài Gòn, ra Vũng Tàu, rồi lại lên Đà Lạt. Khi thì không tìm được việc, khi tìm được thì sức khỏe vợ tôi kém không thể làm nổi. Không kham nổi tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, cuối cùng chúng tôi lại quay về Bảo Lộc. Bán xe máy mua một miếng đất nhỏ, tôi cho vợ ở nhà, còn bản thân thì đi làm xa, một hai tuần mới ghé về nhà. Vợ tôi ngày càng yếu, ngay cả việc nhà như cơm nước, giặt giũ, cô ấy còn làm không nổi. Nhưng họ hàng hai bên nhiều người không tin vợ tôi bị bệnh, trái lại còn xúc phạm chúng tôi. Buồn chán, tôi cứ quay quẩn trong rượu chè và cờ bạc.
Biết tôi đang cần kiếm vài trăm ngàn đưa vợ đi thành phố khám bệnh, một nhóm đọc kinh, chia sẻ Lời Chúa đến xin cầu nguyện cho chúng tôi và góp cho một ít tiền. Tôi rất cảm động và lo không biết lấy gì trả ơn mọi người. Đi khám, bác sĩ cho biết vợ tôi bị tiểu đường rất nặng, phải kiên trì chữa trị tốn kém. Họa vô đơn chí, chẳng bao lâu sau, tôi phát hiện mình bị thoái hóa cột sống và đau bao tử do quá trình làm việc cực nhọc trước đây. Đang cần tiền thì bệnh tật lại khiến tôi không thể làm gì để kiếm ra tiền. Nhiều người giới thiệu tôi đến nhờ một cô tên Chi cầu nguyện giúp, sau một thời gian sẽ khỏi bệnh. Tôi không tin, nhưng vẫn tìm đến và gặp cô cùng nhóm cầu nguyện của mình (sau này tôi mới biết họ thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Dòng Chúa Cứu Thế). Họ đã cầu nguyện cho hai vợ chồng tôi. Khi thấy họ cầm Kinh Thánh nói về Lời Chúa, tôi cảm thấy như họ đang được ăn một loại bánh thật ngon, trông họ thật hạnh phúc và rất sống động. Tôi thấy như Chúa đang ở trong họ. Cô Chi nói với tôi "Các em không cần xin gì cho khỏi bệnh hay có tiền để đi chữa bệnh. Chỉ cần xin Chúa Giêsu ở trong mình, dâng cả hồn xác cho Chúa để Chúa làm chủ đời mình." Cô đã khuyên và chỉ dẫn cho chúng tôi đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày.
Dần dà, tôi cảm nghiệm tình yêu của Chúa dành cho con người, cho chúng tôi quá lớn lao. Mỗi lần đọc về cuộc thương khó, hai hàng nước mắt tôi lại trào ra. Nghĩ tới tội lỗi của mình, tôi rất hối hận. Chúng tôi siêng năng cầu nguyện hơn, thậm chí không xem tivi, lại càng bỏ hẳn rượu chè.
Cuộc sống vẫn trăm ngàn khó khăn và bệnh tật, nhưng giờ đây vợ chồng chúng tôi sống rất bình an và hạnh phúc. Trước đây tôi thường mơ có xe hơi, nhà cao tầng. Nhưng tôi nhận ra Chúa còn cho tôi một món quà lớn lao hơn, quý giá hơn gấp trăm lần. Đó là vợ tôi đang đau yếu trở nên mạnh mẽ, tôi từ một người tội lỗi đã ăn năn trở về cùng Chúa.
Cảm ơn Chúa vì con và vợ con đau, chính nhờ đó chúng con trở về với tình thương bao la của Chúa! Con xin cảm tạ và ngợi khen Chúa!
Phêrô NGUYỄN HUY THÀNH Bảo Lộc, Lâm Đồng (NGUYỄN biên tập)
Á CHÂU TÌM KIẾM MÔ HÌNH ĐÀO TẠO
1. CÁC CHỦNG SINH CHÍNH THỐNG GIÁO ĐẦU TIÊN CỦA BẮC HÀN NHẬM CHỨC PHÓ TẾ
Bốn người Bắc Hàn vừa tốt nghiệp chủng viện Chính thống Nga ở Moscow, và ít nhất đã có hai người được phong chức phó tế. Đức Tổng Giám mục Evgeny, giám đốc Chủng viện và Học viện Thần học Moscow, đã cấp bằng cho bốn sinh viên Bắc Hàn hôm 18-5. Theo linh mục Daniel Na Chang-kyu, quản hạt của Giáo hội Chính thống Hàn Quốc, thì ngài đã nhận được một thư điện tử từ Giáo hội Chính thống Nga hôm 22-5 thông báo rằng hai trong số bốn người này đã được phong chức phó tế. Ngài nói thêm, "các giáo sĩ Chính thống Bắc Hàn đầu tiên này sẽ phục vụ tại nhà thờ Bình Nhưỡng" hiện đang được xây dựng.
Đan viện Chính thống Nga đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên được thành lập ở Seoul năm 1903, nhưng đan viện đang được xây dựng trong quận Jongbaek của Bình Nhưỡng là đan viện đầu tiên ở Bắc Hàn. Ngoài Ủy ban Chính thống, Bắc Hàn còn có bốn tổ chức tôn giáo đã được chính thức công nhận, đó là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và tín đồ của Chondogyo, một tôn giáo bản xứ Triều Tiên. Bắc Hàn có một nhà thờ Công giáo và hai nhà thờ Tin lành, tất cả đều nằm ở thủ đô. Không có một linh mục Công giáo nào cư trú ở Bắc Hàn kể từ cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953).
2. LINH HOẠT PHỤNG VỤ
Những người tham dự vào một hội nghị được Ủy ban phụng vụ của các giám mục Myanmar tổ chức cho tổng giáo phận Mandalay từ ngày 11-12/5 tại Tiểu Chủng viện Thánh Lu-y ở Pyin Oo Lwin nói họ đã hiểu hơn về Thánh lễ và cách làm người khác thích thú tham dự Thánh lễ.
Các đề tài nói chuyện trong hội thảo bàn về: "Phụng vụ và Tu đức," "Giới thiệu Tổng quát về Sách Lễ Rôma," Thánh nhạc," "Phụng vụ và Lời Chúa," Cộng đồng Giáo hội Tích cực" và "Phụng vụ và Nhân phẩm." Linh mục Peter Sein Hlaing Oo, phó giám đốc Chủng viện Thánh Tôma ở Mandalay, nói: "Tôi biết được những điều trước đây tôi không biết. Nếu chúng ta biết nhiều hơn về phụng vụ, chúng ta sẽ tích cực hơn." Linh mục Win Shwe, chánh xứ Ye Oo, thừa nhận một số linh mục nói họ cảm thấy "chán Thánh lễ hàng ngày." Ngài nói, có "sự chán nản" này là do họ chưa biết hết về phụng vụ, và hội nghị giúp ngài hiểu được cần làm cho phụng vụ sinh động.
Linh mục Bosco Kyaw Htun Myint, chánh xứ Zawgyi, nói:"Nếu chúng ta không biết cách cử hành phụng vụ, thì sẽ làm cho những người tham dự Thánh lễ cảm thấy khó chịu." Và "chúng ta nên hội nhập văn hóa bằng cách cử hành Thánh lễ phù hợp với văn hóa Myanmar."
QUANH.NET, theo UCAN
CUỘC ĐỐI THOẠI MỚI GIỮA KHOA HỌC VÀ GIÁO HỘI
Qua một năm đầu tiên được xem là thành công, vừa qua, Đức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội đồng giám mục về Văn hóa, đã công bố bắt đầu giai đoạn hai của "Công trình nghiên cứu về Khoa học, Thần học và Bản thể học" (viết tắt STOQ). Đây là một dự án nhằm nghiên cứu về mối liên hệ giữa khoa học và tôn giáo, vốn bị cho là còn tồn tại nhiều thành kiến và nghi ngờ. Tổng cộng có sáu học bổng tiến sĩ đã được trao để phát triển dự án này.
Dự án STOQ được tiến hành theo ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu – giai đoạn giáo dục, hơn 300 học sinh sẽ tham gia vào 12 khóa học lý thuyết và 04 hội nghị chuyên đề tại ba trường đại học ở Roma dưới sự giảng dạy của nhiều vị giáo sư tiến sĩ lừng danh, như Werner Arber từng đoạt giải Nobel, như linh mục Stanley Jaki thuộc ĐH Seton Hall, Hoa Kỳ… Khoảng 1.200 người sẽ tham dự vào 32 hội nghị và 02 hội thảo công khai.
Giai đoạn hai của dự án – giai đoạn nghiên cứu – được phân vùng tùy theo chuyên môn của ba trường đại học tham gia dự án. ĐH Gregorian tập trung vào nền tảng triết học của khoa học và tự nhiên. ĐH Lateran tiến hành hình thức hóa một cách có hệ thống mối quan hệ giữa khoa học và chủ nghĩa nhân văn, đồng thời sử dụng bộ môn mới hình thành "bản thể học mô thức" và đặc biệt chú trọng đến "nhân loại học dành cho thiên niên kỷ thứ ba". Còn Regina Apostolorum đào sâu hơn về mối liên hệ giữa thần học, triết học và các môn khoa học về cuộc sống, nghiêng về các sắc thái luân lý.
Những kết quả của các cuộc nghiên cứu này dự định sẽ được tổng hợp và công bố trong một bộ sách gồm 06 cuốn vào khoảng cuối năm 2006.
Giai đoạn cuối của dự án sẽ là các hoạt động tích cực tham gia vào công cuộc trao đổi thông tin với các trường đại học quốc gia và tư nhân khác nhằm đạt được sự công nhận chung và hợp tác để viết các luận án tiến sĩ này.
Trước mắt, một hội nghị quốc tế về "Sự vô tận trong khoa học, triết học và thần học" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2005. Hội nghị kéo dài ba ngày với sự tham gia thảo luận của các nhà vật lý học, toán học, logic học, triết học và thần học.
TIN TIN


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang