Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 230)

GIÁO HỘI Á CHÂU : TRUYỀN GIÁO TRONG GIÁ TRỊ LÀM NGƯỜI
1. KHÔNG TẠO RA MỘT THẾ HỆ ĐẠO GẠO MỚI
Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn Độ là Đức Tổng Giám mục Pedro Lopez Quintana vừa kêu gọi cần có một cách "tiếp cận ôn hòa" trong việc rao giảng Tin Mừng. "Chúng ta nên biết cách nói chuyện và cách giữ im lặng," Đức Tổng Giám mục Quintana phát biểu với 300 giáo sĩ và tu sĩ của giáo phận Ootacamund tại bang miền nam Ấn Độ là Tamil Nadu. Đức tổng giám mục nói tại cuộc họp hôm 5.5 được tổ chức như là một phần trong hoạt động mừng kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận: "Đừng bao giờ ép buộc bất kỳ người nào theo đường lối của mình. Chúng ta phải khôn ngoan."
Đây là lời cảnh báo đối với những nhà truyền giáo muốn mau chóng có kết quả, đã dùng các biện pháp phát triển xã hội như là cơ hội để lôi kéo người ngoại theo đạo hay để tiếp cận họ.

2. GIÁ TRỊ NỮ GIỚI TRONG TÂM NGƯỜI TRẺ
Sinh viên Công giáo Châu Á đã tập trung ở Dhaka, Bangladesh, thảo luận các biện pháp "nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hiểu biết về não trạng gia trưởng và những chuyện hoang đường về phụ nữ. "35 sinh viên đến từ Ấn Độ, Bangladesh, Hồng Kông, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Philippines và Sri Lanka đã gặp nhau từ ngày 8-15/5 tại trung tâm Hội đồng Giám mục Công giáo Bangladesh ở Dhaka. Một trong những người phát biểu là Theresa Lim Chin Chin, người Malaysia theo thuyết nam nữ bình quyền, nói về "Bình đẳng giới trong Giáo hội." Theo chị, các cơ cấu do nam giới nắm quyền và thân phận lệ thuộc của phụ nữ luôn gây ra bạo lực dựa theo giới tính chống lại phụ nữ trong vùng. Linh mục tuyên úy của sinh viên Công giáo Bangladesh là James Shyamal Gomes nói: "Giáo hội đang từ từ trao quyền cho phụ nữ, và sẽ thực hiện nhiều hơn khi chúng ta sẵn sàng. Thiên Chúa đâu có giới tính." Malathie Kalpana Ambrose, cựu sinh viên phong trào sinh viên Công giáo Sri Lanka đang tham dự hội thảo, nói: "Tôi hy vọng chúng tôi có thể tìm thấy cơ hội vượt lên trên những não trạng và phân biệt đối xử," và nhu cầu thực sự của người phụ nữ phải được thảo luận và hiểu rõ.
3. NGÀY NGƯỜI BẢN XỨ
Người thiểu số lo ngại chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ phổ biến trong lối sống đô thị đang lôi kéo các thành viên trẻ tuổi trong các cộng đồng của họ xa rời các giá trị văn hóa truyền thống. Họ bày tỏ những quan ngại này tại một sự kiện do Ủy ban các Nhóm Thiểu số Công giáo của các giám mục Thái Lan tổ chức nhằm đánh dấu Ngày Người Bản Xứ. Hội đồng giám mục Thái Lan đã chọn Chúa nhật thứ hai của tháng năm hàng năm là Ngày Sắc Tộc Thiểu Số. Theo nữ tu Lucienne Suksawat, người dân tộc Karen, giới trẻ đang đánh mất bản sắc dân tộc của mình. Một số cô gái cảm thấy xấu hổ vì mình là người Karen và mặc y phục truyền thống Karen. Một linh mục, nhân viên của Ủy ban các Nhóm Thiểu số Công giáo của các giám mục Thái Lan và là giảng viên tại Đại Chủng Viện Quốc gia Saengtham, cảnh báo rằng nếu vấn đề này không được giải quyết thì nó sẽ trở thành khủng hoảng. Ủy ban các Nhóm Thiểu số Công giáo trước đây có gởi một thông điệp đến tất cả các giáo phận trong nước nhân Ngày Người Bản Xứ. Thông điệp nhấn mạnh "các giá trị sáng suốt" của người thiểu số và cảnh báo về sự lôi cuốn của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ nơi giới trẻ trong các bộ tộc.
QUANH.NET (Theo UCAN)
MẶT SAU CHIẾC ĐIỆN THOẠI
Đọc "Những bông hoa trong túi quần" tôi bỗng nhớ ra và muốn kể lại một chuyện. Đó là chuyện cái mặt sau của chiếc điện thoại di động.
Mặt sau điện thoại di động của tôi có một khoảng trống nho nhỏ. Người ta hay dán vào đấy chú mèo Kitty xinh xắn, quả dâu đỏ thắm, hai quả tim lồng vào nhau, hay hình người yêu. Tôi đã định dành khoảng trống đó cho đứa cháu trai bé bỏng đáng yêu của mình.
Đám bạn tôi gặp nhau, một đứa chìa ra một tấm sticker trong đó có nhiều tấm hình Chúa Giêsu, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Thánh Giuse… Nó nói "Cho mỗi đứa một tấm, muốn dán ở đâu thì dán" Tôi nhanh nhẩu xí dành tấm Chúa Giêsu đẹp trai và lãng tử nhất. Sẵn cái điện thoại đang cầm trên tay, tôi vô thức lật mặt sau và dán vào.
Nhiều lần bỏ điện thoại vào túi quần, tôi thấy áy náy dễ sợ. Để trên bàn, tôi lại sợ trầy mặt Chúa! Mà ai lại úp cái bàn phím xuống bao giờ? Nhưng tôi cũng không biết làm sao, chẳng lẽ lại xé ra? Vừa mất hình, vừa xấu điện thoại.
Cách đây một tuần, một người thân lại xúc phạm tôi nặng nề. Đây không phải là lần đầu nên như giọt nước tràn ly, tôi thật sự rất tức giận. Tôi muốn hét thật lớn, muốn đập phá một cái gì đó. Chiếc điện thoại đang trên tay, tôi không ngăn được ý nghĩ sẽ quăng cho nó vỡ tan. Tôi muốn vùng chạy, rồi muốn ra sao thì ra, vì tôi không thể chịu đựng nổi nữa. Tay bóp chặt chiếc điện thoại, tôi bỗng nhìn thấy Chúa. Cơn giận đột ngột hạ xuống, chỉ vì tôi thấy thất lễ với Chúa, nếu tôi ném điện thoại tức là tôi quăng Chúa. Cứ nắm điện thoại trong tay, tôi nhìn Chúa. Người ấy vẫn tiếp tục nhiếc móc tôi. Tôi cứ ngồi im như thế, rồi bàn tay tôi từ từ giãn ra. Tôi bình tĩnh trở lại. Tôi hết sức ngạc nhiên về sức chịu đựng và khả năng kềm nén của mình. Tôi nghĩ chắc người ấy cũng bất ngờ không kém về phản ứng khác lạ của tôi hôm ấy. Tôi vẫn ngồi im cho đến khi người ấy ngừng làm tổn thương tôi. Thật lạ là lòng tôi bình an!
Kể từ hôm đó, mỗi lần để điện thoại lên bàn, tôi luôn để ý úp bàn phím xuống.
HOA VÀNG RƠI
ABBA - CHA ƠI: Bạn ơi, hãy kéo Chúa vào mọi ngóc ngách đời sống bạn! Chúa Giêsu không ngần ngại bị treo trần truồng trên thập giá, Người cũng sẽ không ngần ngại dấn thân vào những xó xỉnh đời sống bạn. Những điều đơn sơ, ngộ nghĩnh nhưng kỳ diệu sẽ xảy ra, như những chia sẻ chân thành của Bọ Xít 2005 (Những bông hoa trong túi quần – ABBA) và Hoa Vàng Rơi (Mặt sau chiếc điện thoại – ABBA).
CHỈ XIN CHÚA CHO ĐƯỢC CHẾT YỂU
Bên cạnh nhà thờ Giáo xứ Tân Thông – Củ Chi là Nhà dưỡng lão được Cha xứ thành lập từ năm 1988. Từ đó đến nay, có tất cả 77 cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh neo đơn từ khắp nơi đã và đang sống những năm tháng cuối đời tại đây. Hơn một phần ba các cụ hiện đang còn sống đã trên độ tuổi 70, an nhàn thanh thản trong sự chăm sóc thương yêu của các Cha và các Sơ.
Em trai tôi cười mắc cỡ khi nó hỏi một cụ bà năm nay đã bao nhiêu tuổi rồi, cụ bẽn lẽn "Dạ, em bảy lăm".
Một bà cụ trông rất khỏe mạnh và minh mẫn, áng chừng sáu mấy hay bảy mươi (nhưng sau khi hỏi thì biết cụ đã 85 tuổi) ngồi trên mép giường nhìn chúng tôi cười suốt. Tôi lại gần thấy trên cổ bà có đeo một tràng hạt Mân Côi (một hình ảnh quen thuộc nơi đây). Khi tôi đưa tay sờ tràng chuỗi và khen đẹp, nhìn bà rất hạnh phúc và hãnh diện. Tôi hỏi thăm bà một ngày lần mấy chuỗi, và choáng váng nghe câu trả lời "Một tối lần năm chuỗi" Chúng tôi hổ thẹn nhìn nhau: Mình đọc mới hai ba kinh thôi là đã năn nỉ Mẹ Maria bớt lên bớt xuống rồi!
Cụ ông được xếp vào số hiếm hoi ở đây (hiện tại là sáu cụ ông so với ba mươi tám cụ bà) vì nhà dưỡng lão chủ yếu do các Sơ thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái giúp đỡ. Vì thế ông Sáu lại càng nổi bật. Một ông già đã 86 tuổi nhưng vẫn đứng lên hát liền tù tì hai bài Thánh Ca và một bài hát sinh hoạt. Giọng ông có hơi run, nhưng vẫn đúng nhịp điệu, cao thấp và đặc biệt lời chính xác không sai một chữ! Hai tay ông Sáu còn đung đưa như đánh nhịp. Được đám trẻ chúng tôi vỗ tay khen ngợi, ông hát tiếp một bài bằng tiếng Latin. Vừa hát ông vừa rưng rưng nước mắt. Nghe ông Sáu nói, bạn sẽ không thể không bất ngờ trước sự dí dỏm của ông: "Năm nay 86 tuổi rồi, chỉ cầu nguyện xin Chúa cho được chết yểu. – Yểu là bao nhiêu hả ông Sáu? Chín mươi!!!".
Không khí nơi đây luôn thấm đẫm bình an và lòng sốt mến. Nhà nguyện nhỏ đơn sơ nằm trong khuôn viên nhà dưỡng lão nhiều lần trong ngày luôn lâm râm tiếng đọc kinh cầu nguyện của những cụ ông, cụ bà còn khỏe mạnh, và sự hiệp thông của những cụ nào phải nằm trên giường. Khi chúng tôi xin "Ông, bà lần chuỗi cầu nguyện cho tụi con với nghen", họ đều quả quyết "Có chứ, ngày nào tụi tui cũng đọc kinh cầu nguyện cho tất cả mọi người hết".
Ra về, lòng chúng tôi băn khoăn một câu hỏi lớn: Có bao giờ tôi cầu nguyện cho người khác? Hay bản thân tôi còn chưa dành thời gian để cầu nguyện cho chính mình?
VE SẦU


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang