Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 81)

NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT
Ở giữa sa mạc khô cằn có một cái giếng. Bên thành giếng người ta cột một cái gàu. Gần giếng có túp lều tranh, trong đó có một ông già và một đứa cháu trú ngụ. Mọi hành khách bộ hành đi ngang qua đều phải múc nước ở giếng mà uống. Một hôm gàu đứt dây và rơi tỏm xuống đáy. Ông cháu không biết làm sao múc được nước nữa. Hôm sau có một nông dân đánh xe bò đi tới, trong xe có giấu một cái gàu. Ông ta nhìn giếng, nhìn ông già và đứa bé, rồi đánh xe đi. Đứa cháu hỏi ông: "Người đó thế nào?" – "Đó là một người xấu." Khoảng giữa trưa có một lữ khách đi qua, ông ta lấy gàu múc nước uống thỏa thích và cũng múc cho hai ông cháu nữa. Đứa cháu lại hỏi: "Người đó thế nào?" – "Người này cũng chưa phải là người tốt". Đến chiều một người khác nữa đi qua. Ông ta lấy gàu cột dây cẩn thận rồi múc nước uống. Uống xong ông ta cám ơn rồi lên đường, để lại cái gàu bên bờ giếng. Thấy vậy đứa cháu hỏi: "Còn người này thì sao?" – "Đây mới là một người tốt thực sự".

Để được gọi là một người tốt thì người đó chẳng những biểu lộ sự tốt lành của mình qua cách ăn nết ở, qua nói năng xử thế, mà còn đặc biệt qua những việc làm tốt nữa. Nói khác đi người tốt phải là một người có bản lĩnh, được tập tành tôi luyện lâu dài, có ý chí đấu tranh bền bỉ, biết khôn ngoan chọn lựa để rồi dần dần việc sống tốt và làm tốt của họ trở thành như hơi thở, như bản năng có sẵn trong người. Do đó hành động của họ luôn trong sáng, thoát khỏi mọi tính toán nhỏ nhen ích kỷ, không chút mùi vụ lợi mà chỉ biết thi thố lòng bác ái vị tha, sự thương yêu thật tình, tính thật thà ngay thẳng…
QUÊ NGỌC (J.B trích từ "Dấu Ấn Tình Yêu")
ĐÔI DÒNG TÂM SỰ HƯỚNG VỀ NGÀY ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ
Thời gian mỗi ngay trôi qua, bầu khí tinh thần của giới trẻ cả thế giới hình như họ đang nóng lòng chờ đợi ngày khai mạc "Đại hội Giới trẻ" được tổ chức tại Toronto (Canada) vào năm này (2002).
Đây là một đại hội có biết bao người trẻ đang đặt những câu hỏi: Năm nay có khác gì năm trước không? Sẽ ra sao khi Đại hội được khai mạc?… Chắc hẳn, khi Đại hội chưa khai mạc thì có rất nhiều câu hỏi thắc mắc của từng cá nhân, từng nhóm, từng cộng đoàn,… được đưa ra để trao đổi, để đoán xem Đức Thánh Cha sẽ nói gì, làm gì trong thời gian khi Đại hội diễn ra. Nếu như chúng ta chỉ dừng chân ở bề ngoài thì ta chỉ cho là những dự đoán, đoán về một sự kiện mà hàng triệu người trẻ trên toàn thế giới hướng về "Ngày Đại hội Giới trẻ". Hơn thế nữa, nếu chúng ta nhìn về tiêu cực thì nó lại trở thành một phong trào được "nở ra" và "tàn đi" như một cánh hoa "sáng nở chiều tàn" rồi lại đi vào quên lãng với thời gian.
Còn chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao lại có ngày ấy và ngày ấy có ý nghĩa như thế nào đối với người trẻ? Như thế ta lại có một góc độ nhìn mang tính tích cực hơn nhiều. Một nỗi âu lo, một mối băn khoăn của các vị chủ chiên (tại địa phương) đã nhìn về giới trẻ, đã đắn đo và suy nghĩ của mình, về cuộc sống giới trẻ ngày nay đang đứng trước một thềm kỷ nguyên mới có nhiều thử thách (từ cuộc sống tự nhiên lẫn cuộc sống siêu nhiên). Huống chi là vị chủ chăn tối cao (Đức Thánh Cha) đứng sau Thánh Phêrô đang "chèo lái" con tàu Giáo hội cho nên Đức Thánh Cha không thể nào mà ngồi "bó gối khoanh tay" trước câu nói của Chúa Giêsu: "Đàn chiên ta bơ vơ không người chăn dắt."
Vì thế, để đàn chiên của mình có một sức sống không bị mất đi, Đức Thánh Cha sẽ về (sang) Canada để dự một đại hội mà hàng triệu giới trẻ đang trông chờ ngày ấy: "Chiên ta thì nghe tiếng ta".
Mặt khác, là người Kitô hữu là những người người đã chết và sống lại cùng với Đức Kitô qua Bí tích Rửa tội nên chúng ta nói chung, và nói riêng là giới trẻ không thể nào mà không nghe đôi lần qua câu: "Các con là muối đất, các con là ánh sáng" (Mt 5,13-14). Dựa vào cuộc sống tự nhiên của con người rất cần muối và ánh sáng, do đó Chúa Giêsu đã muốn dẫn đưa con người từ cuộc sống tự nhiên hướng đến cuộc sống siêu nhiên. Hình ảnh của muối và ánh sáng nghe thật đơn sơ nhưng nó là yếu tố quan trọng của đời sống con người. Thậm chí, muối còn được đưa vào ca dao tục ngữ Việt Nam để thành lời răn bảo và dạy dỗ: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Cá không ăn muối cá ươn,
Con cương cha mẹ trăm đường con hư.
Từ "Muối và Ánh sáng" dù chúng ta có dùng nó để nói ở góc độ nghĩa bóng hoặc nghĩa đen thì nó vẫn mang tính tích cực. Bên cạnh câu Mt 5,13-14 lại làm cho tôi liên tưởng đến câu nói của Khổng Tử "Tu thân – Tề gia, Trị quốc – Bình thiên hạ".
Như vậy, để có được chất muối mà đem ướp lại lòng người khác thì mỗi người chúng ta phải tìm chất muối cho mình trước; sau đó ta mới chia sẻ cho người xung quanh. Để có được chút ánh sáng chiếu tỏa thì ta cũng phải dung nạp điện tích (có khác chi bình acqui khi nạp và phát điện).
Để có một chất muối và ánh sáng tinh ròng, chắc hẳn các bạn trẻ sẽ múc lấy ngay nguồn mạch "Tình yêu" của Thiên Chúa. Chính ngày khai mạc "Đại hội Giới trẻ" (2002) tổ chức tại Toronto, Đức Thánh Cha sẽ là người làm cầu nối các bạn trẻ lại với nhau, để cùng cầm tay nhau hướng về và đi tới nguồn đích thật mà tìm lấy Muối và Ánh sáng dung nạp cho chính mình, sau đó lại chia sẻ cho nhau như Chúa Giêsu đã dạy: Người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau.
Vài dòng suy tư của bản thân xin gởi đến các bạn trẻ, để các bạn cùng tôi có một chút gì đó để chuẩn bị cho ngày Đại hội Giới trẻ trên toàn cầu sắp tới. Mong các bạn cùng tôi hướng về ngày ấy để chúng ta cùng chia sẻ cho nhau "Muối và Ánh sáng" giữa Giáo hội trần thế.
VÔ DANH
MỘT THOÁNG KON TUM
… … …
29.6.2002 : Trời Kon Tum mưa, buồn. Hôm nay cũng là ngày bổn mạng của Đức Giám mục Giáo phận và Ban Thường Vụ Hội Đồng các giáo xứ tại Kon Tum. Mọi sinh hoạt được diễn ra các thầm lặng và trong bầu khí cầu nguyện.
30.6.2002 : Một ngày Chúa Nhật an lành. Nhiều bạn sinh viên học ở xa được trở về nghỉ hè với gia đình. Đường phố rộn hẳn lên. Nhiều bạn học sinh mới tốt nghiệp tú tài bắt đầu lên đường để chuẩn bị vào thi ở các trường trong thành phố. Sau trận chung kết giữa Đức – Braxin (2 – 0), mọi người đang bàn tán trận đấu thú vị này, toàn tỉnh KonTum chợt như bừng tĩnh và choáng váng khi nghe tin một linh mục tài ba là cha Luca Bùi Thủ bị ngã và qua đời đột ngột sau khi dâng thánh lễ và cũng được chúng kiến trận túc cầu cuối cùng trong đời ngài. Dù đã khuya nhưng rất nhiều người giáo dân từ mọi nơi khi biết tin đều đổ về để dự buổi lễ hối tử do các cha gần đó cử hành.
01.7.2002 : Khắp mọi nơi trên tỉnh Kon Tum bắt đầu đổ về ngôi Thánh Đường Tân Hương – Kon Tum chật hẹp. Ai nấy đều khóc thương cha một vị linh mục tài ba đã phục vụ trên 32 năm tại giáo xứ truyền giáo cổ kính này. Ngài đã đến Kon Tum một cách thầm lặng và ra đi cũng một cách âm thầm và đột ngột khiến mọi mgười đều thương tiếc.
02.7.2002 : Giáo xứ Phú Bổn tổ chức một khoá Bồi dưỡng giáo lý và linh hoạt viên. Đây cũng là một giáo xứ truyền giáo với hơn 10 giáo họ và phân khu nằm trên những địa hình hiểm trở. Cha xứ đã động viên và giúp đỡ các anh chị GLV ở vùng sâu, vùng sa rất nhiều từ vật chất đến tinh thần và các bạn "thôn quê" ấy đã thể hiện và đáp ứng hết mình lời mời gọi của cha xứ.
03.7.2002 : Lễ an táng của linh mục Luca Bùi Thủ. Sáng nay trời Mưa rất to nhưng điều đó cũng chẳng ngăn được sự yêu mến của mọi người với vị linh mục đáng kính. Trong và ngoài nhà thờ không có chỗ chen chân. Trời mỗi ngày mưa càng lớn và người người cứ tuôn đến tấp nập với những chiếc dù và áo mưa được một công ty phát miễn phí. Các cha cho rước lễ cũng phải che dù. Đoàn rước tang trên 3 cây số. Xe 4 bánh lớn nhỏ lên đến 130 chiếc chưa kể những xe honda và xe đạp. Tất cả đều cung cấp miễn phí cho lễ tang. Chưa từng thấy đám tang nào long trọng và cảm động như đám tang của cha Bùi Thủ. Trong bài giảng lễ, ĐGM Giáo phận đã nấc lên khiến mọi cử toạ đều rưng rưng nước mắt. Giáo phận truyền giáo Kon Tum đã nghèo linh mục và số linh mục đang phục vụ đều đang ở hàng 6, hàng 7 và hàng 8. Thiên Chúa Quan phòng quá lẽ!
Cũng trong ngày 3.7.2002, một đám tang khác cũng gần đó của một sinh viên sắp ra trường không Công giáo. Cô sinh viên này trong kỳ thi tốt nghiệp ngày 28.6 đã bị đánh dấu bài thi và bị lập biên bản vì tội quay cóp dầu cô bé học rất giỏi. Quá xấu hổ vì bị kỷ luật và bị cha mẹ la mắng, cô bé không chịu nổi đã uống liền hai chai thuốc trừ sâu và đã ra đi với một lá thư để lại đầy cảm động. Lễ tang của cô bé cũng thật đông với những nghi thức trống kèn linh đình của những Tăng, Ni Phật tử.
04.7.2002 : Trời Kon Tum tiếp tục mưa. Dù trời mưa nhưng những anh em dân tộc thiểu số vẫn đội mưa tham dự thánh lễ tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn cố linh mục Luca Bùi Thủ. Cảm động thật.
05.7.2002 : Hôm nay Giáo xứ Thăng Thiên (Pleiku) khánh thành nhà giáo lý và có thánh lễ đồng tế do Đức Giám mục chủ sự. Hạt Pleiku thuộc Giáo phận Kon Tum có những phong trào rất mạnh để củng cố tinh thần cho giới trẻ đang dần mất đi những căn tính tốt đẹp của mình.
PHƯƠNG NGHĨA
NGƯỜI J’RAI GIÚP NGƯỜI KINH CẦU NGUYỆN
Cách đây 33 năm, trên đất J’rai này chỉ có không quá 10 người tin Chúa. Dưới mắt người Kinh, người J’rai là những người bỏ đi, những người thấp kém và là những người mà người kinh thường gọi là "mọi".
Ngày nay thái độ của người Kinh vẫn chưa thay đổi nhiều lắm đối với người thuộc các sắc tộc thiểu số bao nhiêu. Chỉ những cộng đoàn công giáo ở các làng thuộc hai tỉnh Gialai và Kontum là đang có những thay đổi mạnh mẽ. Thay đổi này đối với họ là một phép lạ.
Anh Nay Op, người J’rai, mồ côi từ bé được lớn lên trong làng Pleidyit như một con sói hoang. Cái gì ăn được mà sống được là ăn và cứ lầm lủi một thân một mình. Cuộc sống vất vưởn chẳng ai để ý. Năm 1987, nhiều người trong làng theo đạo, anh cũng xin theo, chứ lúc đó, anh chưa rõ lắm ông Chúa Giêsu là ai. Rồi từ từ, anh thấy Chúa Giêsu yêu mình. Một hôm, anh được nghe Chúa nói sẽ có người đến làm bạn với anh và ngày hôm sau có mấy người có đạo đến làm quen thật. Họ bắt đầu dạy anh đọc chữ để đọc Kinh Thánh và sống đạo. Họ dạy anh được dăm ba bữa gì đó rồi thôi, anh bắt đầu tự đọc Kinh Thánh một mình. Anh đọc hết quyển Tân ước tiếng J’rai rồi đi mượn quyển Tân ước tiếng Kinh đọc. Khi nghe nói anh đọc được cả tiếng Kinh, chính cha sở của anh là nhà truyền giáo Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR cũng ngạc nhiên. Nhưng đến bây giờ, (ngày 12/07/2002), anh Op đã biết đó là cách chuẩn bị của Chúa.
Năm 1993, anh lấy vợ ở làng khác, cách nhà thờ Mỹ Thách 500m, nên mọi sinh hoạt anh đều lui tới nhà thờ người Kinh này. Khi nhà thờ tổ chức khóa cầu nguyện, anh được đề nghị làm một trong những người phụ tá để hướng dẫn nhóm. Lúc đầu những người Kinh tự ái không muốn đón nhận, nhưng vì cha đã chỉ định nên phải chịu. Còn anh thì rất đơn sơ, cha bảo anh làm, anh đi cầu nguyện rồi nói lại là Chúa muốn anh làm điều đó, nên anh đồng ý làm. Rồi hết khóa này lại nối tiếp khóa khác, hình như khóa nào cũng vậy, ban đầu luôn luôn có những người Kinh không mấy tôn trọng anh, đến giữa khóa, có những người Kinh đến xin lỗi anh và công khai nhận lỗi trước cộng đoàn. Lý do của thay đổi này thật đơn giản: Họ đã thấy Chúa qua anh.
Hiện nay anh vừa bước qua tuổi 27, có một vợ và hai con. Đứa con lớn năm nay 8 tuổi. Anh chọn câu Lời Chúa: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước trước đã, còn những thứ khác Cha sẽ ban cho" làm luật sống cho mình. Khi hỏi anh, kỳ này là ngày mùa, sao anh có thời gian đi giúp nhóm, anh đã vui vẻ trả lời lới phóng viên ABBA như sau : "Mình phải ưu tiên sắp xếp việc của Chúa. Chúa sai mình, mình không làm thì việc Chúa bị bỏ dở, còn việc của mình có bỏ, Chúa sẽ lo cho". Nghe anh nói xác tín mà người việt thấy mình được cũng cố niềm tin. Vì quả vậy, kể từ khi anh đi phục vụ LỜI đến nay, cả gia đình anh chẳng ai phải đi nhà thương (trước đây thì tháng nào cũng có). Những xung đột gia đình trở nên nhỏ nhoi không đáng kể so với tình yêu Chúa ban cho gia đình.
Hiện nay anh là một trong những người J’rai được Chúa Thánh Thần dùng để giúp khởi lại niềm tin đang chết ỉu của nhiều đồng bào người Kinh.
Pleiku, ngày 13/07/2002, NGUYỄN LÊ PHAN ANH
TÂM TÌNH NGƯỜI TRẺ (Trích bài từ HOSANNA giới trẻ Sài gòn)
E "Kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì." (Mt 13,22)
Có nhiều thái độ khác nhau khi nghe, hiểu và sống Lời Chúa. Vâng, tôi luôn nghĩ thế khi đọc đoạn Kinh Thánh này, nhưng lại chẳng mấy chú tâm. Hôm nay ngẫm lại, tôi mới giật mình nhận ra rằng, hình như tôi là hạt giống được gieo vào bụi gai, chứ không phải trên đất tốt. Thời gian qua, tôi đã đón nhận Lời Chúa, nhưng đã sống Lời Ngài thế nào?
Lạy Chúa, quả thực những bận rộn lo toan hằng ngày đã trở thành những dây gai ngăn cản Lời Ngài sinh hoa kết quả trong đời sống chứng nhân của con. Xin cho con luôn nhớ đến Lời Ngài trong mỗi phút giây của cuộc đời, để con được làm hạt giống tốt gieo rắc tình yêu của Ngài.
E "Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian." (Mt 5,13a.14a)
"Con người là hình ảnh của Thiên Chúa".
Tôi và mọi người trong giáo xứ của tôi cảm nhận được điều này cách đặc biệt khi Đức cố Tổng Giám mục về ban Bí tích Thêm sức cho các em sau một thời gian dài sinh hoạt giáo xứ bị ngưng trệ… Dường như giáo xứ chờ đợi được gặp mặt ngài. Đối với mọi người, ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa, là niềm vui, hạnh phúc và bình an, là muối, men và ánh sáng cho đời. Ngài đã thực thi xứ mạng Chúa trao phó.
Chính tôi cũng đã lãnh sứ mạng "là muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian", nhưng tôi đã làm được gì? Đối với mọi người, tôi là ai? Là niềm vui hay nỗi phiền, hạnh phúc hay bất hạnh, bình an hay bất ổn…
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống xứng đáng với ơn gọi là con Chúa để trở nên hình ảnh sống động của Chúa trước mặt mọi người. Amen.
E Đức Mẹ núi Cát Minh (ngày 16 tháng 7)
Đoạn Tin Mừng Mt 11,20-24 là lời quở trách của Chúa đối với những dân thành đã chứng kiến các phép lạ mà không chịu sám hối. Và đây cũng chính là lời nhắc nhở cho chính bản thân tôi. Tôi là kẻ bé mọn mà được biết Chúa, được mặc khải những điều mà những điều thông thái không biết, những điều mà các nhà khoa học đang tìm kiếm.
Mang danh hiệu Kitô hữu, nhưng tôi thật hổ thẹn vì chưa sống xứng đáng với danh hiệu đó, chưa sống và làm chứng cho niềm vui Phục Sinh như những lời này: "Nếu bạn và tôi là người Kitô hữu đích thực; nghĩa là có Chúa ở trong lòng thì bạn đi đâu, bạn sẽ mang niềm vui đến đó. Như Mẹ Maria đã đến thăm bà chị họ Êlisabét – chỉ một lời chào của Mẹ cũng làm cho cà Hài Nhi trong lòng bà Êlisabét nhảy mừng."
Lạy Chúa, xin cho con luôn sống trong niềm vui của Chúa, để bất kỳ ai gặp con cũng gặp được sự hiện diện yêu thương của Chúa. Amen!
E "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được." (Mt 13,31-32)
Thời còn là sinh viên, tôi cảm thấy hơi "dị ứng" với giờ đọc kinh chiều trước thánh lễ. Lúc ấy tôi nghĩ có cái gì đó lê thê, buồn ngủ hoặc máy móc thế nào ấy, và quả là nó chỉ là nó chỉ có thể phú hợp với các ông bà lớn tuổi, rảnh rỗi. Còn tôi, một sinh viên tràn trề sức sống, khao khát những gì ít ra cũng phải "trí tuệ", có "chiều sâu" một chút, thì việc ê a những lời kinh "Kính Mừng, Sáng Danh…" như vậy có vẻ không phải là "cá tính" của tôi, cách sống đạo "trí thức" của tôi!
Rồi những biến cố xảy ra trong cuộc đời tôi và Thiên Chúa đã cho tôi cảm nghiệm rằng Ngài yêu con người không chỉ với cả những gì có vẻ bình thường, đơn sơ nhất của một con người, mộc mạc như một lời kinh chiều ê a, có lúc trong khi ngủ gật!
Tôi cũng đã hiểu ra rằng đức tin của mình đã được nhen nhúm lên từ những lời kinh đơn sơ thời thơ ấu mỗi tối trong gia đình và như "hạt cải", đức tin ấy lớn dần lên theo năm tháng qua những điều hết sức bình dị.
Lạy Chúa, công trình tay Ngài thật là kỳ diệu!
GÓC MỜI GỌI !
Quý bạn đọc ABBA thân mến!
Qua bài viết "ĐỨC TIN và KHOA HỌC" trong ABBA số 80, ABBA đã nhận được email của vài bạn đọc chia sẻ sự đồng cảm. Và có một bạn đọc muốn nhờ ABBA giúp viết một lá thư cho người bạn cũng đang làm khoa học, với đề tài đưa ra: Bạn hãy viết một lá thư cho người bạn đang làm khoa học và chứng minh rằng tại sao bạn tin có Thiên Chúa. ABBA mời các bạn đọc dành chút thời gian và tâm tình chia sẻ và giúp người bạn nói trên bằng một lá thư nói lên niềm tin, cảm nhận và kinh nghiệm của chính các bạn!
Đại hội Giới trẻ thế giới tại Toronto, mà mọi người trẻ rất quan tâm, đang đến gần. Tuy nhiên không phải bạn trẻ nào cũng may mắn được tham dự. Vì Vậy ABBA mời gọi bạn đọc, nhất là các bạn trẻ sẽ tham dự Đại hội hãy cung cấp nhanh nhất cho ABBA những tin tức nóng – nổi bật, những cuộc thảo luận đề tài, những buổi cầu nguyện và chia sẻ, những bài cảm nhận về Đại hội,… trong suốt thời gian Đại hội diễn ra để thông tin và chia sẻ cùng mọi người.
ABBA chân thành cám ơn!


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang