Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Cảm nhận nỗi lòng của những người nơi bệnh viện

Những ngày đầu bác tôi nhập viện, nhiều người thân quen thường xuyên lui tới Trung Tâm Ung Bướu Tp. Hồ Chí Minh hay gọi điện thăm hỏi. Bệnh viện này lúc nào cũng chật kín người, bệnh nhân đến từ khắp đất nước. Vì vậy, tuy cơ sở hạ tầng đã cũ kỹ (đang trong giai đoạn tu sửa, nâng cấp) nhưng số bệnh nhân lại cứ gia tăng. Ngày cũng như đêm, không gian bệnh viện lúc nào cũng xao động, tấp nập người lui tới. Ngồi uống cà phê ở một quán nhỏ đối diện bệnh viện, hay khi đi thăm bệnh mới thấy những nỗi niềm sâu kín và đầy cảm động của những người ở đây: Bệnh nhân và người thân quen với họ.

Nỗi lòng của những bệnh nhân
Trước tiên, tôi đọc được nỗi lo âu và sợ hãi của người bác ruột, đang nằm bệnh viện Trung Tâm Ung Bướu Tp. Hồ Chí Minh đã hơn hai tuần lễ nay. Các bác sĩ cho biết bệnh tình của bác rất nặng: u xơ tiền liệt tuyến (phải phẩu thuật rất phức tạp), khối u đã di căn đến xương ở khắp các chi trong thân thể. Và mới đây còn phát hiện thêm hai lá gan của bác cũng đang có vấn đề. Bác đã được hóa trị một lần, gây đau nhức khắp tứ chi, bác nói: “Nhức quá trời, muốn trốn bệnh viện về cho rồi.” Nhiều đêm ông mất ngủ vì không biết mình có thể khỏi bệnh hay không? Nằm đó, mắt nhắm, nhưng lòng ông băn khoăn và suy nghĩ về bệnh tật của bản thân. Thật thương cho bác tôi vì ông cứ nghĩ rằng sau khi phẩu thuật sẽ khỏe lại, không còn đau nhức nữa. Lúc này ông rất cần sự hiện diện, những lời động viên, và tình yêu thương săn sóc của người thân; bác cần lắm sự khích lệ lạc quan về mặt tinh thần. Chúa Nhật tuần nào ông cũng được một linh mục trẻ đem Mình Thánh Chúa đến; ông dọn mình, đọc kinh và rước lễ thật sốt sắng. Tôi cũng gợi ý một lời nguyện tắt, để bác đọc và cầu nguyện thầm trong lòng, nhớ đến lòng thương xót của Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, con là kẻ tội lỗi, xin Chúa thương xót con.”
Càng lưu lại lâu trong bệnh viện mới cảm nhận những nỗi xót xa của những bệnh nhân tại đây. Một bác trai, tuổi chưa tròn 60 mà lại mang trong mình một chứng bệnh nan y: ung thư gan. Người bác càng ngày càng rút lại, bụng càng to, phải ngồi xe lăn, chờ ngày cuối cùng của cuộc đời vì bệnh này không thể nào chữa trị. Có những bệnh nhân lớn tuổi, sức đề kháng yếu, lại bị ung thư phổi, mỗi khi lên cơn mệt, phải nhờ đến sự trợ giúp của bình thở ôxy; nhưng cuối cùng cũng phải rời bệnh viện, trở về nhà vì bác sĩ cho hay đã vô phương cứu chữa. Ngoài ra, còn có những bệnh nhân nghèo, quê ở tận Cà Mau, không đủ tiền chi trả chi phí điều trị, phải rời bệnh viện. Mặc cho bệnh tình diễn tiến ra sao, đành phải về quê hốt thuốc nam miễn phí cầm cự, đến khi có tiền sẽ lại lên đây để trị bệnh. Tội nghiệp cho mấy em thiếu nhi, đầu không còn sợi tóc, hồn nhiên chạy giỡn cười nói vui vẻ dưới sân bệnh viện, như không hề biết mình đang mang trong người những chứng bệnh nan y.
Tựu trung lại, nơi bệnh viện này đều là những con người mang trong mình những bệnh rất nặng, phải tốn nhiều tiền và thời gian để chữa trị, nhưng đa số đều không thể kéo dài mạng sống được lâu. Phần đông trong số họ đều là những người nông dân nghèo, phải vay tiền để vào bệnh viện để trị bệnh. Bệnh viện không đủ giường, nên nhiều bệnh nhân phải ra ngoài thuê nhà trọ ở tạm cho thoải mái. Những căn phòng trọ mà họ thuê cũng tiện nghi gì  nhưng đành phải chịu cảnh thiếu thốn như thế. Họ lay lắt với hy vọng bệnh tật của họ sẽ được điều trị, sức khỏe hồi phục, để còn tiếp tục bươn chải nuôi sống bản thân, và vui vẻ hạnh phúc bên gia đình.
Nỗi lòng của những người thân
Sau những người bệnh, chúng ta thật mủi lòng khi chứng kiến những giọt nước mắt của người thân bệnh nhân. Bác gái của tôi nghẹn ngào tâm sự trong nước mắt: “Tội nghiệp bác trai của con, suốt đời làm lụng vất vả, tính toán chi li từng tí, đến khi có của dư của để thì phát bệnh bất ngờ, khó trị. Bác trai của con mà đi sớm quá, bỏ bác ở lại, bác buồn lắm con ơi!” Nghe những lời chân tình thốt lên từ quả tim đang đau đớn của bác, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Thật tội nghiệp cho mấy người con của bác tôi, mấy anh chị hết lời năn nỉ bác sĩ cố gắng điều trị cho cha, nhưng các bác sĩ bảo rằng: “Bệnh tình của ông già nặng quá.” Vì thế, chỉ còn lại những giọt nước mắt, những đêm trằn trọc, lo lắng, mất ăn mất ngủ của những người con vì “mất cha là mất cả một bầu trời”.
Bên cạnh đó, thật tội nghiệp cho tình cảnh sống của những người nuôi bệnh trong bệnh viện. Nơi họ ngủ đó là những hành lang, với một chiếc chiếu đơn giản, hoặc có những chiếc mùng nhỏ được giăng khắp dưới sân bệnh viện. Họ là những người nghèo, sống tiết kiệm đồng nào hay đồng đó nên không dám thuê nhà trọ để ngủ qua đêm. Họ là những người bạn tình cờ gặp nhau, cùng chung cảnh ngộ và trò chuyện vui vẻ với nhau để làm vơi đi những lo lắng cho người thân đang bệnh nặng. Thật vậy, ngoài việc cần tiền để trang trải cuộc sống, con người cần một thứ gì khác ngoài tiền như niềm vui, sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn. Có như vậy mới thấy “cuộc đời này vẫn đẹp sao”.
Cuối cùng, những nỗi lòng trên đây làm tôi nhớ đến lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28). Phải chăng lời mời gọi của Chúa Giêsu năm xưa như là niềm hy vọng và cứu cánh cho những nỗi lòng của nhiều bệnh nhân, người thân đang tá túc ở nhiều bệnh viện hôm nay? Vậy thì tâm tình cốt lõi mà Chúa Giêsu muốn ngỏ với mỗi Kitô hữu chúng ta là gì? Phải chăng đó là sự trông cậy, tin tưởng và phó thác những đau đớn vì bệnh tật hay những nỗi buồn xót xa trước cảnh người thân sắp vĩnh viễn ra đi? Ngẫm nghĩ mới thấy thân phận con người thật mỏng dòn, giới hạn, không ai quyết định được mạng sống đời mình, chỉ có Chúa mới duy nhất có quyền tuyệt hảo đó mà thôi.
Hôm nay Chúa Nhật, đến bệnh viện thăm bác, chắc lòng tôi không khỏi nghẹn ngào, nhưng phải cố gắng nén lại để chuyện trò, mang đến niềm vui, sự lạc quan về tinh thần cho bác trước khi bước vào ca phẩu thuật. Chiều nay, một linh mục trẻ sẽ đem Mình Thánh Chúa đến cho bác, hy vọng sự hiện diện của Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, sẽ giúp bác phần nào giảm đi những đau đớn vì bệnh tật, thêm xác tín vào tình yêu Chúa, và sống trọn vẹn tâm tình tin tưởng và phó thác ấy từng ngày.
Raphael Trần Dương Tuyển

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang