Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Viết cho người ra đi truyền giáo


Bạn thân mến,
Hay tin bạn sắp sửa lên đường truyền giáo tại một đất nước xa xôi, nhưng văn minh và phồn hoa hơn Việt Nam nhiều lần. Tôi chạnh nghĩ đến các cố Tây ngày xưa.
Cũng truyền giáo, nhưng các cố Tây ngày xưa từ vùng đất văn minh và phát triển hơn đến với xứ An Nam bị cho là bán khai. Các cố Tây ngày xưa đến xứ An Nam với hy vọng sẽ tìm được một Constantinople khác tại An Nam, nên các cố Tây thường tìm mọi cơ hội để diện kiến vua, chúa An Nam.

Còn bạn từ miền đất nghèo khó đến xứ sở văn minh. Chắc không phải tìm một Constantinople nào đó mà nguyên việc cố gắng sống hòa nhập với dân bản xứ đã là một nỗ lực khủng khiếp.
Các cố Tây ngày xưa từ miền đất mà văn hóa cho đến triết lý khác với xứ An Nam. Còn bạn đến với xứ sở Kim Chi, vốn được xem là "đồng văn" với Việt Nam, cùng chịu ảnh hưởng Nho giáo, Phật giáo Trung Hoa.
Điểm chung duy nhất có lẽ như các cố Tây ngày xưa, là bạn, bằng mọi giá, phải nói cho thông thạo tiếng bản xứ để nói cho người bản xứ về một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Tuy nhiên sự học một ngôn ngữ bây giờ tiện lợi hơn nhiều so với xưa biết bao. Chuyện kể rằng thánh Phanxicô Xavie khi mới học tiếng Nhật ngài ra ngay ngã tư đường để giảng cho dân chúng Nhật. Sau khi giảng xong, có người mách ngài rằng từ Thiên Chúa theo tiếng Nhật có thể hiểu là mặt trời. Ngài lo buồn, sáng hôm sau, ngài ra đứng tại ngã tư đường cũ, khi gặp bất kỳ ai đi ngang qua, ngài đều giữ lại thanh minh về cách dùng từ Thiên Chúa hôm qua. Ôi chao, nghe bấy nhiêu thôi, nước mắt con đủ dàn dụa vì cảm phục ngài biết bao! Còn bạn, bạn được học tiếng Hàn tại Việt Nam, được nói với người bản xứ đang sinh sống tại Việt Nam. Đó là chưa kể bạn có vô số phương tiện học tập để tôi luyện ngôn ngữ. Đó là còn chưa kể, qua bên xứ Hàn, bạn còn được một năm trời chỉ để học ngôn ngữ. Các cố Tây ngày xưa chỉ là người đi trước dạy người đi sau. Các cố còn cố gắng La Tinh hóa ngôn ngữ Việt để cho dễ học.
Các cố Tây ngày xưa một khi bước chân ra đi, biết rằng, ngày về là diệu vợi và bỏ mình nơi xứ người như thánh Phanxicô Xavie là điều không thể tránh khỏi. Chuyện kể rằng, ngày lên đường khi đi ngang thành Lisbon là xứ sở của mình thánh nhân đã không dám ghé thăm nhà vì sợ mình bước đi không nổi. Thánh nhân chỉ lấy chút đất của quê hương và gói trong túi vải. Những khi nhớ nhà ngài dở túi đất ra cho đỡ nhớ và ngài mang theo túi đất ấy cho đến chết. Ngài qua đời mà mắt vẫn hướng về Trung Hoa đại lục với hy vọng được truyền giáo tại đại lục mênh mông này.
Bạn giờ ra đi truyền giáo, chỉ cách mấy tiếng ngồi máy bay. Nhớ nhà chỉ cần nhấc điện thoại hay sử dụng công cụ internet hiện đại là có thể nói chuyện và nhìn thấy người thân yêu nơi quê nhà. Trái đất nhỏ đi là thế.
Các cố Tây đến với xứ sở An Nam thuở còn hoang sơ, đất rộng người thưa, tiếng chim kêu cũng hãi, tiếng cá vùng cũng kinh, rừng thiêng, nước độc và ngôn ngữ khác biệt, ngẫm đến thế thôi, kẻ viết những dòng này, nếu sống vào thời các cố đành xin từ giã giấc mộng truyền giáo. Thuở ấy để đến với miền viễn đông, mười người đi, chín người tới nơi vì phương tiện duy nhất là những thuyền buồm, nương nhờ sức gió. Một trận bão lớn, sóng to là cả đoàn thủy thủ bỏ mình giữa biển khơi như chơi.
Bạn hôm nay đến một trong những đất nước tiên tiến trên thế giới. Phương tiện vận chuyển hiện đại gấp nhiều lần Việt Nam. Ngay cả bạn muốn ăn món Việt, chỉ cần nhấc điện thoại và món ăn sẽ được mang đến tận phòng. Chỉ sợ bạn để lòng mình lạc hướng, ngã theo lối phù vân. Khó khăn vẫn có vì làm thế nào thuyết phục dân xứ tiên tiến rằng có một Thiên Chúa yêu thương họ đang khi họ ngập chìm trong chủ nghĩa tiêu thụ, khi sự no đầy trần gian đầy đủ. Nhưng bạn ơi, sự thiếu thốn tinh thần của xứ sở ấy là có thật vì bằng chứng là tỉ lệ tự tử cao nhất nhì thế giới.
Tâm thế khác nhau là vậy. Nhưng mộng truyền giáo thì vẫn như nhau. Vẫn mong cho Danh Cha cả sáng.
Bạn thân mến,
Vẫn mong bạn chân cứng đá mềm. Vẫn mong bạn đừng quên bạn là người Việt Nam. Vẫn nhớ bạn trong lời kinh ban chiều. Cánh đồng truyền giáo mênh mông là thế. Nhưng bạn ơi, bạn có biết là tỉ lệ tín đồ Công giáo tại Việt Nam chỉ là 6,61%, tức là 5.677.086 trên tổng số dân là 85.846.997 người (x. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở VN 2009, tr. 281). Một con số cực kỳ khiêm tốn. Vậy bạn ra đi truyền giáo, còn 94,59% chưa biết Thiên Chúa sẽ để lại cho ai?
Tặng Martino Vũ Văn Thành, OFM.
Trầm Tư
(Nguồn: vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang