Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Lòng đạo đức ngày nay


Nhiều người cho rằng lòng đạo đức của các Kitô hữu ngày nay đang sa sút trầm trọng. Biểu hiện của sự sa sút này được viện dẫn từ thực trạng phổ biến tại những nơi có các sinh hoạt tôn giáo đang diễn ra. Một số đông giáo dân ngày càng tỏ ra bê trễ, thờ ơ, thậm chí bỏ hẳn không còn tham gia những sinh hoạt phụng tự truyền thống vốn nuôi dưỡng lòng đạo đức của bao thế hệ. Hơn thế nữa, thay vì gia tăng làm việc lành phúc đức là bổn phận căn bản của một Kitô hữu, nhiều giáo dân, mà đa số là những người trẻ lại rơi vào tình trạng “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” theo những cách thức mà họ cho là “đã đủ cho được lên thiên đàng”. Dưới ánh sáng Lời Chúa, những dấu chỉ thời đại giúp chúng ta nhìn nhận thấu đáo để suy xét kỹ lưỡng hơn, nhất là có thái độ sống tinh thần đạo đức sát đúng với Tin Mừng trong tư cách là Kitô hữu.
Lòng đạo đức ngày nay không hệ tại ở thái độ của những người vốn ưa “đánh bóng” tên tuổi mình bằng những hoạt động mới nghe thoáng qua tưởng chừng rất cao cả, rất ý nghĩa: làm từ thiện, xây dựng quỹ người nghèo, xây nhà tình thương cho trẻ em khuyết tật, cho người neo đơn… Mà thực chất đó chỉ là cái “cớ” để người ta có thể rửa tiền và che đậy những ý đồ bất chính nhất. Nó không thể “rửa sạch” được sự tham lam, xảo trá, mà chỉ càng làm cho họ ngày càng trở nên xa lìa Thiên Chúa, đối nghịch với giới răn yêu thương của Người. Họ khác nào những người Pharisêu và kinh sư, chỉ lo thanh tẩy bên ngoài mà không hề lưu tâm đến cội rễ bên trong vốn sinh ra những thói hư, tật xấu, tội lỗi tày đình nơi con người họ. Lời Chúa qua ngôn sứ Isaia một lần nữa lên tiếng cảnh thức “những kẻ đạo đức giả” ngày nay: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích” (Mc 7,6-7a).
Lòng đạo đức ngày nay không thể giới hạn ở những hoạt động bề nổi, ít hàm chứa sứ điệp Tin Mừng. Nếu chỉ dừng lại ở những hoạt động này, người Kitô hữu có nguy cơ bị lệ thuộc vào những nguyên tắc đạo đức khép kín, và có thể coi đời sống đạo như một phương cách thỏa mãn một vài nhu cầu rất mực trần thế, như giải trí và phô trương cá nhân. Nhưng trên hết, lòng đạo đức cần được biểu lộ trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và cộng đồng. Mối tương quan này được thể hiện cách sâu xa nhất, sinh động nhất khi chúng ta ý thức mình là người thực thi huấn lệnh yêu thương của Thiên Chúa trước một xã hội còn nhiều bất công, đau khổ. Đó chính là “lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa là Cha” (Gc 1,27a). Lòng đạo đức này là khởi điểm cho chúng ta bước ra khỏi thế giới riêng mình, vượt trên những bất toàn của bản thân để có thể đĩnh đạc bước đi giữa muôn người và đồng hành với họ trong niềm vui của những người cùng được thanh tẩy trong dòng máu cứu độ của Đức Kitô.
Lòng đạo đức ngày nay phải là sự kết hợp hài hòa giữa đời sống nội tâm của chúng ta với những gì mà ta và cộng đoàn biểu tỏ trước đồng loại. Đó không phải là sự gượng ép để gắn kết trong ngoài, mà là một sức mạnh, một động lực thiện hảo ta đón nhận từ Thiên Chúa và tiếp tục dậy men nó trong cuộc sống đời thường của ta. Do đó, quá trình mà ta có thể “thực hành” lòng đạo đức một cách đầy đủ và đúng nghĩa nhất là một nỗ lực thanh tẩy toàn diện con người, làm cho hành trình nội tâm nơi ta vượt qua những chướng ngại, “vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,21a). Chính Thiên Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ ta trong tiến trình thanh tẩy đích thực này. Người sẽ biến đổi hoàn toàn con người chúng ta qua các Bí tích, nhất là nhiệm tích Thánh Thể, để ta trở nên tinh sạch vẹn toàn như Con Chiên Vô Tỳ Vết. Chính lúc đó, chúng ta mới có thể kiên vững để đối diện với các cám dỗ và những hình thức bên ngoài có xu hướng tác động trở lại, làm hoen ố tâm hồn ta. Nhờ vậy, ta sống tinh thần đạo đức một cách đàng hoàng nhất, và trở nên chứng nhân đích thực của Chúa Kitô bởi thái độ “khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng” chúng ta. 
“Có trong mới tràn ra ngoài”, quan niệm dân gian này quả thật đúng khi tham chiếu với Lời Chúa. Dù ở bất cứ thời đại nào, lòng đạo đức của con người phải được khởi đi từ lời mời gọi của Tin Mừng. Sứ điệp mà Đức Kitô đem đến cho nhân loại rất thực tế khi liên hệ đến lòng đạo đức của con người thời nay. Để gột rửa thói “đạo đức giả”, Lời Chúa gợi mở cho chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá để chiêm ngưỡng Đấng mang thần hình trần truồng, đã hiến dâng tất cả sự sống cho nhân loại. Dù lòng đạo đức của chúng ta đang bị khoác lên bởi sự hấp dẫn của những hình thức giả tạo, nhưng ta hãy can đảm cởi bỏ nó và dấn thân phục vụ theo gương Đức Kitô, như lời Thư Rm 12,9-13:
“Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.”
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
(Nguồn: giaophanvinh.net)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang