Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Quê hương yên bình


Tôi có dịp về thăm một xã vùng quê nghèo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang nhân dịp nghỉ lễ 02.09 vừa rồi. Nơi đây không tất bật, ồn ào và hào nhoáng như Sài Gòn nhưng thật yên bình. Yên bình bởi khung cảnh êm đềm và con người miền Tây chân chất thật thà. Điều này làm tâm hồn tôi như lắng lại để nghỉ ngơi và suy nghĩ. Nghỉ ngơi sau những ngày làm việc vất vả ở chốn thị thành. Suy nghĩ về bản thân, về những con người nơi quê hương này, và suy nghĩ về tương quan giữa mình với Thiên Chúa.
Vậy những cảm nhận trên đây được thể hiện cụ thể như thế nào?
Khung cảnh quê hương thật yên bình
Trước tiên, khung cảnh nơi đây thật yên bình. Nơi đây không có nhiều nhà tường, không nghe được nhiều tiếng xe rầm rộ như ở Sài Gòn. Cây cối um tùm. Nhiều nhất là cây dừa. Lác đác là những cánh đồng xanh.  Phần đông những hộ gia đình nghèo nơi đây sống trong những căn nhà lá. Thật bình thường và giản dị. Sáng sớm thức dậy, tôi nghe tiếng chim hót líu lo, rộn ràng nhưng cũng rất đỗi bình yên. Ngoài ra, tiếng gió thổi làm cho những chiếc lá dừa đong đưa hay tiếng nước chảy róc rách nơi những ống thông nhau giữa các con mương. Thật mát mẻ và nhẹ nhàng. Tôi nói với người anh: “Về quê thật yên bình. Không phải hòa mình với dòng chảy sôi động và bon chen dữ dội như ở Sài Gòn. Về đây muốn được nghỉ ngơi, thăm viếng bà con bạn bè và nghe nhạc trữ tình quê hương.”
Bạn thân mến, mỗi người có những cảm nhận khác nhau về quê hương. Riêng tư và độc đáo. Đôi khi rất đỗi bình thường nhưng chan chứa yêu thương cho đời cho người. Những cảm nhận như thế thấm đẫm trong những vần thơ, điệu nhạc và dạt dào ngay giữa đời thường. Thế nên, nhà thơ Ngô Hữu Đoàn đã cảm nhận quê hương thật sâu lắng: “Quê hương ơi! Riêng gì “chùm khế ngọt. Đâu riêng gì những “nón lá nghiêng che”. Quê hương là có cả những đông, hè. Có hôm quà ngọt, có ngày đòn roi… Quê hương ơi! Ai cũng có một thời. Rồi “cơ hội” níu ta về lối khác. Bỏ người thân, người thầy vương tóc bạc. Chẳng biết gì nhau, chẳng hay qua đời” (Bài thơ Nhớ Quê Hương). Còn, nhạc sĩ Từ Huy thì cảm thấu quê hương yên bình như sau: “Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre. Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi. Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm. Thả diều đá bóng nắng cháy giữa đồng. Biển trời mênh mông tôi bơi ngày ấy. Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao.” (Bài hát Quê Hương Tuổi Thơ Tôi).
Quê hương có những con người sống bình dị và giàu tình thương
Tiếp đến, quê hương yên bình được thể hiện nơi những con người miền Tây thật thà đơn sơ nhưng chan chứa tình người. Lần này về quê, anh tôi đãi món cá bóng kho tộ với rau luộc rất ngon. Đơn giản và dân giã. Dù vậy thật ấm lòng và chan chứa tình anh em. Mỗi ngày anh đi đặt lộp để bắt những con cá bóng dừa, những con tép. Bắt được bao nhiêu, anh không bán nhưng đem ra đãi anh em một bữa cơm đạm bạc. Anh không có nhiều tiền nhưng rất giàu tình cảm. Anh giải thích lý do: “Lâu lâu anh em mới có dịp về quê gặp nhau.” Nói tới đây lại nhớ tới những vần thơ rất đẹp về quê hương của nhà thơ Vũ Ngọc Đoàn: “Quê hương ơi! Nhớ từng nét mặt người. Cười rất giòn dù cái vui đơn giản. Luống mạ non hoặc đồi trơ đá sạn. Cũng câu chào, cũng tiếng hỏi thăm nhau.” (Bài thơ Nhớ Quê Hương)
Anh tôi tâm sự thế này: “Mình rất thích nghe mùi khói đuốc. Mùi này gợi nhớ tới quê hương thầm lặng và yên bình.” Vâng, sở thích ấy thật giản đơn và bình dị biết bao. Bởi vậy, sự bình yên cũng khởi đi từ những sở thích và những con người chân quê như thế. Sự bình yên đến từ những điều bình thường. Sự bình yên đến từ những con người bình dị và tầm thường. Vì thế, sự bình yên của quê hương đâu chỉ có ở những lời ru êm đềm của mẹ. Quê hương yên bình được khởi đi từ những tâm hồn đơn sơ và bình dị của những người nông dân tay lắm chân bùn. Vậy bạn đã có lần nào cảm nhận được sự bình yên như thế chưa?
Yên bình để suy nghĩ về bản thân và nhìn lại tương quan với Thiên Chúa
Cuối cùng, sự yên bình của quê hương mang đến nhiều cơ hội để chúng ta nhìn lại bản thân và suy nghĩ về Thiên Chúa. Triết gia Socrate bảo rằng: “Hãy tự biết mình.” Còn Decartes thì triết lý: “Tôi suy tư là tôi hiện hữu.” Điều này cho thấy việc biết chính mình, suy nghĩ về bản thân rất quan trọng đối với đời sống chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thường để lạc mất chính mình. Chúng ta sống không định hướng và mục đích. Chúng ta lao mình vào những trò đỏ đen và những thú vui tiêu khiển. Chúng ta rất dễ đánh mất chính mình.
Mấy ngày về quê tôi tranh thủ viết lách suy tư để khám phá bản thân nhiều hơn. Dù biết rằng, thật khó để nhìn nhận và chấp nhận bản thân mình. Nặng nề và khó khăn lắm. Lần này về quê trùng dịp lễ giỗ 6 năm của một ông Bác. Bác là người thích sống thầm lặng và bình dị. Tôi mắc nợ bác ấy nhiều lắm. Món nợ ân tình. Hai năm học lớp 8 và lớp 9 bác là người nấu cơm cho tôi ăn. Nhiều lúc ham chơi tôi làm bác phải đợi chờ và bực bội… Thắp nhang trước di ảnh của Bác, tôi thầm nói lên hai từ tạ lỗi và cám ơn vì tất cả những ân tình Bác đã dành cho đời tôi.
Bạn thân mến, những ngày nghỉ lễ 02.09 đã qua đi. Mỗi người cũng từ giã quê hương lên Sài Gòn học hành, sinh sống và làm việc. Thế nhưng mỗi Kitô hữu chúng ta đã dành cho Chúa được bao nhiêu thời gian trong những ngày nghỉ lễ? Đặc biệt, dịp lễ 02.09 năm nay trùng với ngày Chúa Nhật. Nhiều lúc quên đọc kinh. Nhiều người ham vui bỏ cả Thánh lễ Chúa Nhật. Khô khan và nguội lạnh. Thờ ơ và thiếu sót trong bổn phận làm con cái Chúa. Vậy những điều này ảnh hưởng như thế nào đến đời sống tâm linh của chúng ta?
Raphael Trần Dương Tuyển

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang