Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: "Ở đây, trong Tổng Giáo Phận Manila, chúng tôi đang dần dần sử
dụng Phiên bản thứ ba của Sách Lễ Rôma, vốn sẽ được thực hiện đầy đủ trong
tháng 12.2012. Trong ấn bản mà chúng tôi đang sử dụng hiện giờ (phiên bản xuất
bản ở Mỹ) cho Thánh Lễ Chúa Nhật, trong Lời nguyện mở đầu có hai kinh (bao gồm
cả một kinh tùy chọn). Kèm theo phần đầu của Lời nguyện mở đầu, một chủ đề kinh
đề nghị được đưa ra (trong ngoặc vuông), và có một khoảng dừng ngắn để cầu
nguyện thinh lặng. Bản văn của Lời nguyện mở đầu là như thế. Tuy nhiên, ở Phiên
bản thứ ba mà chúng tôi sẽ sử dụng từ tháng 12.2012, không có lời nguyện thay
thế được đưa ra, và thuật ngữ "Lời nguyện nhập lễ” (Collecta) được sử dụng
thay cho “Lời nguyện mở đầu”. Tôi phỏng đoán rằng thuật ngữ "Lời nguyện
nhập lễ” giả định rằng đã có các lời cầu nguyện thinh lặng được thu thập. Nhưng
không có chủ đề cầu nguyện gợi ý được nêu ra, và không có gợi ý thinh lặng chốc
lát để cầu nguyện riêng, trước khi "Lời nguyện nhập lễ” được chủ tế đọc.
Phải chăng có sự quên sót của các vị chịu trách nhiệm bản văn lời nguyện này?
Liệu linh mục chủ tế có thể dùng sự thận trọng của mình để cung cấp điều mà bản
văn không nêu ra không? Liệu ngài được tự do đưa thêm những gì rõ ràng là còn
thiếu không?" - Một độc giả, Philippines.
Đáp: Thuật ngữ ""Lời
nguyện nhập lễ" là một bản dịch chính xác của lời cầu nguyện này từ ấn bản
gốc Latinh. Nó đã được sử dụng trong ấn bản Latinh ở thập niên 1970 và được sử
dụng như trong hầu hết các bản dịch. Trong trường hợp này, bản dịch tiếng Anh ở
thập niên 1970 chọn chữ “Lời nguyện mở đầu” thay vì "Lời nguyện nhập
lễ".
Trong hình thức ngoại thường, lời
nguyện này được gọi đơn giản là oratio. Sách lễ thời ĐTC Phaolô VI đã chọn từ
ngữ "Lời nguyện nhập lễ”, vốn được sử dụng trong thế kỷ thứ 10 ở Rôma.
Không rõ liệu từ ngữ này ban đầu có nghĩa là lời tổng nguyện vốn tập hợp các
lời nguyện riêng của các tín hữu (colligere, thu thập), hoặc là lời nguyện được
đọc trước mặt cộng đồng tụ họp (collecta) trước khi bắt đầu cuộc rước về phía
nhà thờ, nơi Thánh lễ sẽ được cử hành.
Khoảnh khắc thinh lặng vẫn còn duy
trì, mặc dầu chữ đỏ không nhắc lại mỗi lần điều này. Qui chế Tổng Quát Sách Lễ
Rôma, số 54, là khá rõ ràng:
“Lời nguyện nhập lễ
“54. Tiếp đến, vị tư tế mời giáo dân
cầu nguyện; và mọi người cùng vị tư tế thinh lặng trong giây lát, để ý thức
mình đang ở trước thánh nhan Chúa và có thể gợi lên trong tâm hồn các ước
nguyện của mình. Rồi vị tư tế đọc lời nguyện, thường được gọi là lời "tổng
nguyện" diễn tả đặc tính của buổi lễ. Theo truyền thống cổ kính của Hội
Thánh, lời nguyện thường hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần
và câu kết mang nét Ba Ngôi, nghĩa là câu kết dài:
- Nếu lời nguyện hướng về Chúa Cha,
thì đọc "Per Dominum Nostrum Iesum Christum Filium tuum, qui tecum vivit
et regnat in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum. Nhờ
Ðức Giêsu Kitô, Con Cha và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng
Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời";
- Nếu lời nguyện hướng về Chúa Cha,
nhưng câu cuối có nhắc đến Chúa Con, thì đọc: "Qui tecum vivit et regnat
in unitate Spiritus Sancti, Deus, per omnia saecula saeculorum. Người hằng sống
hằng trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời";
- Nếu hướng về Chúa Con, thì đọc:
"Qui vivis et regnas cum Deo Patre in unitate Spiritus Sancti, Deus, per
omnia saecula saeculorum. Người hằng sống hằng trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với
Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời".
Giáo dân chung lòng hợp ý với lời
nguyện, tung hô "Amen", để làm cho lời nguyện đó thành của mình.
Trong Thánh Lễ luôn luôn chỉ đọc một
lời nguyện nhập lễ”. (bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần,
Giáo phận Nha Trang).
Trong "Nghi thức Thánh lễ”, chữ
đỏ nói:
“Dứt kinh Vinh Danh, linh mục chấp
tay nói:
Lm: Chúng ta dâng lời cầu nguyện.
Mọi người cùng linh mục thinh lặng
trong giây lát. Sau đó linh mục dang tay đọc lời nguyện nhập lễ.
Giáo dân thưa: Amen”.
Chủ đề cầu nguyện và Lời nguyện mở
đầu tùy chọn không bao giờ là một phần của sách lễ Rôma Latinh. Chúng là các
bản soạn của các dịch giả Sách lễ ở Mỹ, và sau đó được phê duyệt bởi các Giám
mục Mỹ và Tòa Thánh.
Bởi vì chúng không được dùng trong
các nước khác nói tiếng Anh, và một số lời nguyện là kém hoàn hảo hơn lời
nguyện phụng vụ, nên chúng đã bị loại ra khỏi Sách lễ và có thể không còn được
sử dụng nữa. (Zenit.org 28-8-2012)
Nguyễn
Trọng Đa
(Nguồn:
Vietcatholic.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét