Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Hiểu và tin (4)


THỨ SÁU, 31 THÁNG 08 2012 13:04 BBT WTGP HN 
 
ĐỨC GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA VÀ THỬ THÁCH
Đức Giê-su là Thiên Chúa bằng cách làm con người và cứu độ bằng cách làm con người tầm thường trải qua bao gian nan khốn khổ. Điều này còn được thấy rõ hơn nữa qua hai sự kiện đánh dấu ngày Ngài trưởng thành hay đánh đấu ngày Ngài vào đời : chịu phép rửa và chịu thử thách.
Cần nhắc lại hoàn cảnh lịch sử của người Do-thái lúc ấy để hiểu rõ việc Đức Giê-su chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an. Hơn hai thế kỉ qua, người Do-thái hết làm nô lệ cho người Hi-lạp thì lại làm tôi cho người Rô-ma. Đang khi đó, không thấy một bóng dáng ngôn sứ nào xuất hiện để giúp họ đọc ra ý nghĩa của các sự kiện lịch sử ấy và giúp họ có thái độ xứng hợp, hầu được Thiên Chúa thương tình tha thứ và cứu độ.
Chính vì thế, khi Gio-an xuất hiện với lời hô hào mọi người chuẩn bị đón Chúa đến, ai ai cũng phấn khởi và sẵn sàng làm mọi sự ông yêu cầu : thống hối tội lỗi mình và bày tỏ ra ngoài trước hết bằng cách để cho Gioan lấy nước thanh tẩy mình (từ đó ông mới được gọi là Gioan Tẩy Giả hay Gioan người làm phép rửa), rồi bằng cách cải thiện đời sống. Dù không có tội, nhưng Đức Giê-su cũng nhập chung đoàn người đông đảo đến xin Gio-an làm phép thanh tẩy mình, trong âm thầm lặng lẽ, không ai hay biết. Qua cử chỉ đó, Đức Giê-su cho thấy Ngài liên đới với dân tộc mình sâu xa tới mức đón nhận những suy nghĩ, tâm tình và hành động của họ làm của mình : cũng thao thức chờ mong Đấng Cứu Độ, cũng bày tỏ lòng thống hối ăn năn (thống hối ăn năn về tội của dân tộc và thiên hạ nhưng đã được đón nhận như tội của mình). Một hiện tượng rất ý nghĩa đã xảy ra sau đó, có thể chỉ có Ngài biết và sau đó chia sẻ lại cho các tông đồ : ngay sau khi nhận phép rửa từ tay Gio-an xong, Ngài bước lên bờ và thấy như trời mở ra, có tiếng ai đó phán rằng "Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa, rất đẹp lòng Chúa".
Các tác giả Tin Mừng cho biết ngay sau đó Ngài vào sa mạc miền nam nước Do-thái để cầu nguyện trong thinh lặng và chay tịnh. Dường như đây là thời gian cần thiết cho Ngài tìm xem Thiên Chúa muốn Ngài vào đời để cứu độ như thế nào. Đọc Thánh Kinh, quan sát tình hình, phân tích lòng người, Ngài đã thấy có ít là hai con đường để thi hành sứ mạng cứu thế : hoặc sử dụng quyền năng và tư cách Con Thiên Chúa để tạo dựng cho mình tất cả những gì cần thiết cho cuộc cứu thế thành công vẻ vang (từ các phương tiện vật chất mà tượng trưng là cơm ăn áo mặc đến sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng, tới việc thống trị tất cả) hoặc bám chặt tư cách làm Con để vâng theo ý Thiên Chúa trong mọi sự, kể cả trong việc thi hành sứ mạng cứu độ. Con đường thứ nhất sớm đưa đến thành công nhưng làm mất đi tư cách Con, còn con đường thư hai chậm rãi đưa đến thành công nhưng phát huy vai trò làm Con. Nếu cứu độ loài người là phục hồi khả năng làm con Thiên Chúa – cũng là thân phận thật của loài người – thì con đường thứ nhất có đem đến bao nhiêu thành công chăng nữa nhưng không bao giờ mang lại sự cứu độ cho loài người, là mục tiêu Đức Giê-su nhắm tới khi vào đời.
Nếu liên hệ với cuộc lữ hành của dân Do-thái băng qua sa mạc trước khi vào đất Hứa thời ông Mô-sê thì những thử thách Đức Giê-su trải qua tại đây như một sự thu tóm chặng đường lịch sử ấy, chỉ khác là chỗ nào ngày xưa dân Do-thái thất bại thì nay Đức Giê-su chiến thắng. Thật ra, cả dân Do-thái ngày xưa và chúng ta hôm nay đều thường xuyên bị cám dỗ bỏ thân phận làm người và làm con để xây dựng cuộc đời : muốn có đủ mọi phương tiện, trong khi "có lương thực mà không có lời Chúa nuôi sống, chưa chắc chúng ta sống tốt được" ; muốn được sự ủng hộ tức thời của mọi người, trong khi chưa chắc đó là may mắn và tốt đẹp ; sẵn sàng hi sinh mọi sự, kể cả tự do và phẩm giá của người con Chúa, để được thành công, trong khi quên rằng "đã mất tự do và phẩm giá của người con Chúa thì kể như đã mất tất cả".
Chỉ qua một vài sự kiện lịch sử trên đây, chúng ta đã hiểu thêm thế nào là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, và thế nào là nhập thể để cứu độ.
. Tôi đang đón nhận thân phận con người, sự liên đới với gia đình – dân tộc - nhân loại thế nào ? Có bao giờ tôi liên hệ với hành trình cứu độ mà Đức Giê-su đã đi qua, hay ít ra liên hệ với hai sự kiện mở đầu công cuộc cứu thế của Ngài : chịu phép rửa của Gioan cùng với dân Do-thái, trải qua những thử thách như dân tộc mình ngày xưa để tìm ra con đường cứu thế ?
Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang