Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Hy vọng giữa đời thường


Vào lúc 19g Chúa Nhật 29.07.2012, có rất đông tín hữu tham dự Thánh lễ tại ngôi thánh đường Giáo xứ Hy Vọng, Giáo hạt Tân Sơn Nhì, Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, tọa lạc tại số: 69 đường Phan Huy Ích, Phường 15, Quận Tân Bình. Tên gọi của Giáo xứ và những gì diễn ra trong Thánh lễ tối nay đã đọng lại trong tâm trí tôi nhiều dấu ấn khắc ghi trong tâm hồn. Tựu trung lại, đó chính là niềm hy vọng giữa đời thường của biết bao con người trong lòng Giáo hội và xã hội hôm nay.
Giáo xứ Hy Vọng và cuộc sống không có niềm hy vọng
Trước hết, ấn tượng đầu tiên của tôi được khởi đi từ tên gọi của Giáo xứ: Giáo Xứ Hy Vọng. Chợt nghĩ theo lẽ thường tình, tên gọi của một giáo xứ thường gắn với một địa danh hay một vị thánh như: Ba Giồng, Antôn, Giuse Thợ, Tín Đức, Cái Bè v.v… Thế nhưng, giáo xứ này lại mang tên Hy Vọng. Vậy thì, tên gọi này nói lên điều gì? Hy vọng ở đây không phải là một địa danh. Hy Vọng ở đây cũng không phải là tên của một vị thánh nào đó. Nhưng, Hy Vọng là một tính từ diễn tả những cảm xúc nội tâm, những cảm thức tôn giáo sâu thẳm nơi con người.
Thật vậy, trong cuộc sống thường ngày, bạn và tôi chắc hẳn đã nhiều lần rơi vào tâm trạng thất vọng, tuyệt vọng. Thất vọng vì thi rớt. Thất vọng vì đổ vỡ chuyện tình cảm. Thất vọng vì không có việc làm và không biết việc gì để làm. Thất vọng vì những sai lầm, vấp ngã kéo lê cuộc đời chúng ta. Đã là con người ai cũng thế thôi.
Con người cần sống trong hy vọng
Vì vậy, niềm hy vọng là điều cần thiết cho mỗi Kitô hữu và những người không phải là Kitô hữu. Niềm hy vọng rất cần cho con người như nhà hiền triết Amiel đã nói: “Cuộc sống mất đi hy vọng thì không còn là cuộc sống nữa.” Là những Kitô hữu, chúng ta không thể không nhắc đến chân phước Đức cố Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân của niềm hy vọng Kitô giáo. Ngài đã ví niềm hy vọng của chúng ta như những dấu chấm nối dài, kéo dài trong cuộc đời: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.” (ĐHV số 978). Niềm hy vọng cần thiết cho con người mọi thời đại đã được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết thành những lời ca: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng…Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này.” (Bài hát Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng)
Tiếp theo, những người tham dự Thánh lễ tối nay chắc hẳn cũng đang khao khát niềm hy vọng. Có người là công nhân, viên chức ước ao được tăng lương. Có người đang thất nghiệp ao ước có việc làm. Có người đang sống trong tình trạng tội lỗi, vấp ngã khao khát được ơn Chúa chữa lành. Có người đang sống trong bệnh tật khao khát được Chúa mang lại nguồn hy vọng ủi an. Có người đang thất bại, tuyệt vọng trong chuyện kinh doanh mua bán xin Chúa ban cho cơ hội thành công v.v… Điều này cho thấy con người là hữu thể xã hội và tôn giáo vẫn còn nhiều giới hạn bất toàn. Vì thế, trong bài chia sẻ sau Tin mừng, cha chủ tế đã đặt ra những câu hỏi thực tế và sâu sắc: Giàu có để làm gì? Quyền cao chức trọng để làm gì? Học thức, bằng cấp để làm gì?... Cuối cùng, vẫn là một câu hỏi lớn không người đáp: Tôi sống trên đời này để làm gì? Đâu là niềm hy vọng tuyệt đối trong cuộc đời tôi?
Đâu là niềm hy vọng tuyệt đối cho con người?
Bạn thân mến, đã mấy lần trong cuộc đời bạn rơi vào tâm trạng của người mất hết niềm tin và hy vọng chưa? Những lúc ấy bạn thường làm gì? Phải chăng bạn đang hy vọng có một ai đó để khích lệ động viên? Bài hát kết lễ tối nay với những lời âm vang sâu lắng trong lòng các tín hữu: “Ra về trong hy vọng và mừng vui. Ra về trong an bình của Thiên Chúa…” Ước gì những lời âm vang ấy tiếp tục vang vọng trong đời sống thường ngày của chúng ta. Hy vọng vào quyền thế, tiền bạc, vật chất cũng chỉ là tương đối. Niềm hy vọng tuyệt đối chỉ có nơi Chúa mà thôi như lời thánh Augustino đã nói như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và linh hồn con còn khao khát cho đến khi nào được yên nghỉ trong Chúa mà thôi.”
Raphael Trần Dương Tuyển

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang