Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Linh mục, người là ai?

THỨ BA, 17 THÁNG 07 2012 12:47 BBT WTGP HN

Tháng 6 vừa qua, Tổng giáo phận Hà Nội chúng ta có lớp quý cha lớn tuổi linh mục nhất trong giáo phận kỷ niệm 35 năm ngày chịu chức. Trong số 9 cha đó, có Cha Nghĩa Phụ của tôi-Cha Giuse Nguyễn An Khang và Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến-bản hương Vĩnh Trị của chúng ta. Hôm đó, ngày 26 – 6, tôi đến được với ba đấng: Cha Phanxicô Kiều Ngọc Viên, cựu chính xứ của Vĩnh Trị, Cha Cố Khang và Đức Cha Yến. Tại Bích Trì, tôi được Cha Cố của tôi mời chia sẻ Lời Chúa trong Thánh Lễ, và tôi đã chọn chủ đề: Linh mục, người là ai. Đó cũng chính là nội dung Lời Chúa của trang Tin Mừng ngày Chúa Nhật 15 hôm nay.
Sau khi đã đề cập đến việc: ĐỂ XÂY DỰNG GIÁO XỨ LÀNH MẠNH, tôi càng rất muốn anh chị em nhìn về linh mục của anh chị em với thật đúng ơn gọi của những người mà Chúa muốn gửi đến với anh chị em, để cùng với anh chị em, làm cho điều Chúa muốn được thực hiện.

Điều Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi đoàn chiên của Người là gì? Là: "Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào hơn".
Để cho con người chúng ta có sự sống thật, Chúa Giêsu đã thánh hóa chúng ta bằng các nhiệm tích thánh của Người. Sự thánh hóa này giúp cho mỗi chúng ta là con người phàm trần, là thụ tạo hèn nhỏ trở thành thành viên thuộc Gia Đình Ba Ngôi Thiên Quốc, từ một cuộc sống tạm bợ sẽ chết và bị hoàn toàn hư hoại được dẫn vào sự sống thật vĩnh hằng của Đấng Thường Hằng Bất Biến. Điều đó, tất cả đã được thực hiện trong cuộc hiến tế Thập Giá của Chúa, và các cử hành thánh của Giáo Hội.
Để cho mỗi chúng ta được sống dồi dào, Thiên Chúa đã ban LỜI để dẫn dắt, và ban chính thịt máu mình là THÁNH THỂ để nuôi sống và làm tăng trưởng.
Linh mục của Chúa chính là khí cụ để Ngài thực hiện chương trình vô cùng cao quý đó.
Như thế, anh chị em có thể đọc thấy được linh mục là ai rồi.
Những người được sai đi, trước hết được gọi đến với Chúa. Đến với Chúa là để ở với Ngài. Ở cùng Ngài với một tình thân bạn hữu "Từ nay Thầy không gọi anh em là tôi tớ,... Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy". Bạn ở đây là bạn chí thân chí cốt, bạn đồng hòa đồng hưởng, đồng chia sẻ mọi ưu tư và gian nan, nhưng cũng đồng hưởng nguồn phú túc vinh sang vô cùng của Con Một Thiên Chúa "Tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha thầy thì Thầy đều tỏ cho anh emm biết". Và vì thế, người ta nói: linh mục là người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Nên đồng hình đồng dạng với Chúa để có thể thành khí cụ để Ngài sai đi.
Là con người, linh mục phải có hành trang để sống, để thực hiện sứ vụ. Nhưng hành trang ấy, Chúa muốn điều chính yếu đó là những đặc ân thánh mà Đức Kitô trang bị cho người đệ tử trong năng quyền của vị LINH MỤC THƯỢNG PHẨM của Ngài. Các hành trang khác chỉ là thứ yếu, như lương thực, bao bị, túi tiền.
Anh chị em nghĩ sao về linh mục, về Cha Xứ của anh chị em? Anh chị em nghĩ các linh mục hiến dâng cuộc đời, sống và làm việc này việc nọ để tìm kiếm cái gì?
Thật là khó để có thể nói là đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Vì là con người, cho nên người môn đệ Chúa rất dễ cũng bị lo lắng về cuộc sống, và hầu như mọi người nhìn vào họ cũng nghĩ họ như vậy.
Lo lắng: không có lương thực, lấy gì ăn – nhỡ chết đói thì sao. Người ta sợ về nhiều thứ đói lắm. Không bao bị, lấy gì để dành. Người ta thường hãi hùng về tương lai không có gì lắm. Không túi tiền, lấy gì mà mua sắm. Người ta thường sợ mình không có cái này cái khác giống như người này người nọ, thì không đủ vị thế hay tư cách.
Khổ thế đấy! Nhưng Chúa Giêsu lại muốn môn đệ Ngài, muốn các linh mục siêu thoát về những thứ đó. Tất cả có Chúa và giáo dân sẽ lo.
Thật ra, khi càng sống vô tư về tiền bạc, thì lại không lo thiếu tiền.
Bây giờ cha xứ hỏi các bạn trẻ, Cha Xứ của các bạn có thiếu thốn gì không? Không, đúng không! Thật sự, thưa anh chị em, chưa bao giờ tôi thấy mình thiếu thốn cái gì cả. Tôi luôn luôn thấy mình rất đầy đủ. Đúng là Chúa và giáo dân sẽ lo. Trong tuần rồi, các ông trong Hội đồng Giáo xứ nói với tôi: nếu được thì cho chúng con ngó phòng cha một tí. Thấy các ông nói trong một tâm tình rất thân thiện, tôi vui vẻ mời. Hóa ra là ngay ngày hôm sau ba cái tủ áo lớn được chở về phòng riêng cho cả Cha Xứ và hai Cha Phó. Tủ mới tinh quá đẹp. Chúng tôi rất là cảm ơn! Chúng tôi cũng chúc tất cả mọi người, vâng, tất cả mọi người đều thấy mình được luôn đầy đủ!


DUNG MẠO MÔN ĐỆ CHÚA
(Thánh Lễ dành cho thiếu nhi)
Khi đọc và nghe Tin Mừng, chúng ta liên tục gặp thấy ngôn ngữ MÔN ĐỆ. "Chúa Giêsu nói với các môn đệ", "Chúa Giêsu nói với các môn đệ".
Vậy cha hỏi các thiếu nhi: Môn đệ nghĩa là sao?
À, đó là những người học trò, người đệ tử. Những người được gọi là TẦM SƯ HỌC ĐẠO. Những người tầm sư học đạo này, khi đã tìm thấy, đã gặp được vị thầy để học đạo làm người, họ như muốn trút bỏ mọi sự để toàn tâm toàn ý đi theo, sống theo vị thầy mà họ mến phục, họ yêu kính.
Vậy, Chúa Giêsu cũng có các học trò, các đệ tử như thế. Đó là các MÔN ĐỆ.
Câu hỏi nữa: Chúa Giêsu có bao nhiêu môn đệ? – Mười hai?
Các ông bà các anh chị thấy các thiếu nhi của chúng ta trả lời đúng chưa? Chưa. Vậy số môn đệ là bao nhiêu? Bảy mươi hai. Cộng đoàn hãy dành cho bạn giới trẻ một tràng vỗ tay! Đúng. Bảy mươi hai nữa.
Như thế, các môn đệ được chia làm hai nhóm, và cũng thuộc hai cấp độ khác nhau. Nhóm Bảy Hai là những người cũng rất mến yêu Chúa Giêsu, nhưng họ đến với Chúa từng lúc, rồi đi đi về về gia đình của mình, thường xuyên đến học hỏi nơi Chúa, phục vụ công việc của Chúa ít nhiều, rồi lại trở lại với công việc thường nhật của họ. Còn nhóm Mười Hai có thể được gọi là đệ tử ruột. Họ gác bỏ mọi sự để đi theo sát từng ngày từng giờ ở bên Chúa. Họ học hỏi được ở nơi Chúa nhiều hơn, và cũng sống thiết thân phục vụ việc loan giảng Tin Mừng của Chúa nhiều hơn. Ông Phêrô có vợ cũng gác bỏ hết, để chỉ thuộc về Chúa.
Chúng ta có thể gặp thấy hình ảnh của những người thuộc nhóm Bảy Hai trong một vài biến cố Tin Mừng. Đó là sau phép lạ bánh khi thấy Chúa Giêsu giảng về Bánh Hằng Sống, đoạn nói rằng: "Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì mới có sự sống", thì những người thuộc nhóm này cũng bỏ Chúa mà đi giống như những người Do thái khác. Khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, trên đường đi Emmau, Chúa hiện ra với hai môn đệ, lúc nhận ra Chúa thì họ trở về Girusalem gặp mười một Tông đồ. Vậy, hai môn đệ này cũng thuộc nhóm Bảy Hai.
Còn nhóm Mười Hai cũng được gọi là Tông đồ, thì các ông không rời Giêrusalem sau khi Chúa chịu chết. Ngoại trừ Giuda hư mất, mười một ông đều quy tụ trong phòng Tiệc Ly.
Rồi, vậy bây giờ Cha Xứ lại hỏi cả nhà: Hiện bây giờ có còn môn đệ nào của Chúa Giêsu ở trần gian này nữa không? Có hay không? Nhiều người nói không, một số người nói có. Một tràng vỗ tay cho những người nói "có"!
Tại sao có? Tại sao nói môn đệ Chúa Giêsu vẫn có trong thế giới hiện tại này? À, đó là vì lệnh truyền của Chúa cho các môn đệ Chúa khi xưa rằng: "Chúng con hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ". Đúng Không? Chuẩn không? Quá chuẩn!
Vậy thì, tất cả muôn dân thế giới, hễ ai có đức tin, những ai đón nhận sống Tin Mừng của Chúa thì đều là môn đệ của Ngài.
Thêm câu hỏi nữa: Bây giờ các môn đệ của Chúa Giêsu trên toàn thế giới này có còn phân làm hai cấp độ, hay nói đúng hơn là hai thành phần như khi Chúa còn tại thế không? Có hay không? CÓ. Bạn nói có, đó là những thành phần nào? Là hàng giáo sĩ và hàng giáo dân. Tuyệt vời! quá giỏi, chắc bạn phải được học điều này ở đâu đó. Ở sinh viên công giáo. Rất tốt, sinh viên công giáo có khác. Rất chuẩn!
Đúng thế, thưa anh chị em, hàng giáo sĩ, tức các giám mục; linh mục và phó tế là họa ảnh của nhóm Mười Hai, còn hàng giáo dân chúng ta chính là họa ảnh của nhóm Bảy Hai khi xưa.
Vậy ơn gọi của hàng giáo sĩ là gì, đòi hỏi của Chúa nơi các ngài như thế nào? Điều đó chúng ta thấy Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa gọi mười hai Tông đồ lại bên Ngài để Ngài sai các ông đi. Chúng ta thấy Chúa trang bị cho các ông thế nào, và căn dặn các ông những gì? À, hành trang của các ông là: "Thầy ban cho các con quyền năng trên các thần ô uế". Nghĩa là các Tông đồ, hay là hàng giáo sĩ của Chúa thì có một năng quyền, một sức mạnh thiên linh, có thể khống chế và phá bỏ sự khống chế của quỷ dữ. Các ngài sẽ làm đẩy lui sự ô uế, sự tăm tối của tội lỗi. "Các ông đi rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi".
Các thiếu nhi nghĩ các cha có trừ được quỷ không? Có chữa bệnh được không?
Có. Đúng rồi, các cha giảng dạy đúng Tin Mừng của Chúa, thì thế nào ma quỷ cũng phải rút lui. Nếu các cha giảng và gặp gỡ mọi người với tinh thần đích thật của Chúa Giêsu, với trái tim mục tử của Ngài, thì thế nào cũng chữa được các bệnh về tâm lý và nhất là những căn bệnh thiêng liêng của mọi người.
Nhưng để làm được điều đó, các đấng chắc chắn phải vâng giữ lời căn dặn của Chúa "Chúng con hãy đi dép, cầm gậy, nhưng đừng mang theo bao bị; lương thực và túi tiền".
Đi dép là để vượt mọi nẻo đường chông gai trắc trở. Cầm gậy cho đỡ trượt ngã, và cũng là biểu hiệu của người mục tử. Các Đức Giám Mục vẫn cầm gậy, còn các linh mục là cánh tay nối dài của các ngài thì khỏi cẩm gậy, dựa vào gậy của giám mục được rồi.
Còn vấn đề bao bị và lương thực thì sao? Là cái chứa đựng những thứ để dành. Cái bao bị ngày nay nó lớn lắm có phải không các ông bà? Có thể đó là những bảo hiểm này bảo hiểm khác. Có thể đó là những tài khoản ngân hàng ... Lương thực tức là để khỏi lo bị đói. Nhưng ngày nay người ta cũng đói nhiều thứ lắm, có phải không ạ? Nhưng thực tế, đâu phải lo lắng làm gì, có phải không anh chị em? Có Chúa lo và có giáo dân lo cho mình. Cha Gioan về nhận xứ có phải mang bao thóc bao gạo nào về đây đâu, mà có bị đói đâu. Đúng không?. Chắc chắn không bao giờ anh chị em để tôi phải thiếu thốn đói khổ. Tôi hỏi, ở đây có gia đình ông cố Khôi và ông trùm Cánh có người nhà làm linh mục: người nhà chúng ta đi làm linh mục có phải để kiếm cái này cái khác về nuôi gia đình hay xây nhà xây cửa không? Cũng không.
Linh mục được sai đến với miền đất và cộng đoàn nào, thì thuộc về gia đình của miền đất và cộng đoàn ấy. Không những là thành viên của gia đình, mà còn là người chủ, người cha của gia đình cơ mà.
Chúng tôi rất cám ơn anh chị em đã chăm lo cho chúng tôi. Cha cám ơn các bạn giới trẻ và các em thiếu nhi đã yêu mến các cha. Cám ơn mọi người đã cầu nguyện nhiều cho những người Chúa chọn.
Cha Quản Hạt trao cho tôi trách nhiệm về ơn gọi của giáo hạt. Những năm trước đây, tôi chỉ chuyên về giáo lý và bác ái xã hội, nay vâng lời Cha Quản Hạt tôi phải cố gắng rất nhiều để chu toàn bổn phận của mình. Hai hôm nữa, tôi cho các chú Ứng Sinh của giáo hạt đi cùng một số giáo dân Vĩnh Trị hành hương La Vang; Trà Kiệu; Sao Biển Đà Nẵng; thăm cố đô và một số nhà dòng ở Huế. Tôi muốn được cầu nguyện cùng mọi người ở nơi có ghi dấu đậm tình thương của Đức Mẹ. Tôi cũng muốn mang hình ảnh của bốn giáo xứ, của tất cả anh chị em giáo dân mà tôi đang hữu trách đến với Mẹ trong sự cầu nguyện ở những nơi đó. Xin anh chị em cầu nguyện nhiều cho chúng tôi được bình an, và chuyến đi mang lại ý nghĩa tốt. Tôi hứa cầu nguyện nhiều cho anh chị em!
Linh mục Gioan. B Phan Ngọc Pháp

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang