Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Giới thiệu Ratio đào tạo linh mục của Hội đồng Giám mục Việt Nam

Sáng 07/07/2012, trước sự hiện diện của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam, và quý Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM VN , Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ & Chủng sinh, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo của HĐGM VN, và tất cả các tham dự viên của Khóa bồi dưỡng các nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam, cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã giới thiệu và công bố Bản “ĐÀO TẠO LINH MỤC – Định Hướng và Chỉ Dẫn” của HĐGM VN.
Bản Ratio này được HĐGM VN thông qua dịp Hội Nghị từ 06-09/04/2010, tại Bãi Dâu, giáo phận Bà Rịa, và được TGM Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, chuẩn y và phê chuẩn ngày 31/10/2011.
Đây là kết quả của một quá trình làm việc chung và cưu mang lâu dài, mà bản dự thảo đầu tiên của nó được trình bày trong Hội nghị Thường niên các Đại Chủng Viện VN, tại Vinh, vào tháng 08/2005.


Trong phần Lời Tựa, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương cho biết Bản Đào Tạo Linh Mục này ra đời nhằm thống nhất việc đào tạo linh mục tại Việt Nam theo những hướng dẫn mới nhất của Tòa Thánh về việc đào tạo linh mục”, đặc biệt, trước tiên dựa vào “ba văn kiện quan trọng của Giáo Hội: Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (1965) về Chức vụ và Đời sống các Linh mục và Sắc lệnh Optatam Totius (1965) về Đào tạo Linh mục của Công đồng Vatican II; Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores Dabo Vobis về Đào tạo Linh mục trong hoàn cảnh hiện nay (1992)…”
Bên cạnh dựa vào các tài liệu của Giáo Hội khác nữa, bản Ratio này còn tham chiếu đến Tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu (1999) và những tài liệu hướng dẫn của Liên HĐGM Á  Châu…
Tài liệu Đào Tạo Linh Mục này bao gồm 487 số, dài 309 trang,  được phân chia như  sau:
Phần I. CÔNG CUỘC ĐÀO TẠO LINH MỤC
Chương
I. Mục đích và định hướng đào tạo linh mục
Chương II. Đào tạo ứng sinh linh mục
Chương III. Môi trường và trách nhiệm đào tạo
Chương IV. Các nhà đào tạo

Phần II: TỔ CHỨC VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC

Chương V. Giai đoạn đào tạo trước Đại chủng viện
Chương VI. Chương VI. Giai đoạn đào tạo tại Đại chủng viện
Chương VII. Giai đoạn đào tạo sau Đại chủng viện

Kết
Bản Đào Tạo Linh Mục này được in trên giấy mỏng khổ 16 x 24. Nội dung được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, với những bản đồ tóm tắt mang lại cái nhìn tổng thể. Còn hơn thế nữa, như lời nhận định của Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, “văn bản thấm nhuần những nguyên tắc về phương diện thiêng  liêng, giáo huấn và mục vụ, chỉ lối thẳng đường ngay cho việc hun đúc những linh mục tương lai được xứng hợp hoàn toàn theo nếp sống Tin Mừng”.
Kèm theo với Bản Ratio này là tập “Những Ý Tưởng Chủ Đạo của Bản Ratio Institutionis Sacerdotalis”, tóm tắt những nét chính yếu của Ratio.
Sự ra đời của bản Đào Tạo Linh Mục này như thế bắt đầu mở ra một trang mới và một hướng đi mới, có tính cách thống nhất, trong việc đào tạo linh mục tại Việt Nam. Những kết quả và hoa trái tốt đẹp của công trình chung này đang chờ đợi một áp  dụng cụ thể và những hoa trái mới trong công trình đào tạo linh mục tại Việt Nam. Khóa Bồi Dưỡng tại Đà Lạt  là một áp dụng cụ thể đầu tiên Ratio này đối với các nhà đào tạo linh mục, một hình thức thường huấn dựa trên bốn chiều kích đào tạo: nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục  vụ. Dĩ nhiên, sẽ có những điều chỉnh khi áp dụng vào thực tế, nhưng “Những Nguyên Tắc Căn Bản về Đào Tạo Linh Mục” sẽ luôn là như thế.

Lm. Võ Xuân Tiến
Tham dự viên Khóa bồi dưỡng các nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam
Đà Lạt 09/07/2012

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang