Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Đức Giêsu và những người trẻ (5)

THỨ BA, 12 THÁNG 06 2012 16:18 BBT WTGP HN

Bài 5
NGƯỜI TRẺ TÍNH TOÁN
(x. Mc 10, 35-45)

Câu chuyện Tin Mừng

Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây". Người hỏi : "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?" Các ông thưa : "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang". Đức Giê-su bảo : "Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?" Các ông đáp : "Thưa được". Đức Giê-su bảo : "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được".

Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : "Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em ; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người".
Dẫn giải
Hôm qua, chúng ta đã tiếc cho anh bạn thanh niên con nhà giàu đã vì thiếu hi sinh và thiếu từ bỏ mà đánh mất cơ hội đi xa trong ơn gọi làm môn đệ Chúa và cũng đồng thời bỏ qua dịp may để hưởng sự sống đời đời. Hôm nay, chúng ta sắp sửa phải chứng kiến hai bạn trẻ khác cũng chỉ vì tham lam quyền hành và địa vị mà chẳng những mất đi cơ hội làm bạn với Đức Giê-su, chia sẻ sự phục vụ tự nguyện và vô vị lợi của Ngài, còn làm nhạt đi tình thân giữa anh em bạn bè.
Câu chuyện xảy ra vào những tuần lễ cuối cùng trước khi Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem cử hành lễ Vượt Qua - một lễ Vượt Qua hết sức quan trọng đối với Ngài : đây là cơ hội cuối cùng Đức Giê-su giới thiệu Nước Trời và con đường Tin Mừng của Ngài cho mọi người Do Thái - từ thứ dân đến hàng ngũ lãnh đạo, cũng là cơ hội cuối cùng để mọi người trả lời trước Nước Trời và con đường Tin Mừng ấy. Nói cách khác, đây là lúc Đức Giê-su dứt khoát thành lập Nước Trời theo quan điểm của Chúa – dù có thể phải trả giá đắt nhất là thương tích và chết chóc. Sống trong bầu khí chuẩn bị thành lập Nước Trời cách dứt khoát và bi hùng như thế, không riêng gì hai bạn Gia-cô-bê và Gio-an mà tất cả các bạn trẻ khác đều háo hức muốn xem hồi kết sẽ ra sao và mình sẽ nhận được gì trong Nước Trời ấy.
Hai anh bạn Gia-cô-bê và Gio-an hơn các bạn khác ở chỗ dám thẳng thắn với mình, với Chúa và với bè bạn : các ông muốn hai vị trí tốt nhất trong vương quốc của Chúa. Nhưng hai ông cũng thật biết điều : hai ông sẵn sàng nếm trải những gian khổ lớn nhất để đổi lấy hai vị trí ấy. Hai ông sẵn sàng uống "chén đắng" và chịu "phép rửa" cùng với Thầy mình. Chén đắng và phép rửa là hai kiểu nói quen thuộc của người Do Thái để chỉ sự đau khổ, thậm chí cái chết. Có điều hai ông tính toán kĩ : nếu Chúa đã chấp thuận cho họ các vị trí vẻ vang và quyền lực ấy, hẳn Ngài không để họ thiệt mạng - bằng không lấy người đâu mà ngồi vào hai chỗ ấy. Cùng lắm họ chỉ phải nếm trải những thương tích và đau đớn thôi.
Qua những lời cầu xin và cam kết ấy của họ, Đức Giê-su mới nhận ra chẳng mấy ai đi theo Ngài mà không tính toán. Hoá ra ai ai cũng nhắm tới quyền hành khi sống và làm việc, và để được quyền hành, người ta sẵn sàng phục vụ - phục vụ tới mức hèn hạ nhất. Phục vụ trở thành phương tiện để đạt được quyền hành. Quyền hành mới chính là mục tiêu và ý nhắm sau hết của những người được coi là "tôi tớ trung thành". Đức Giê-su cũng có thể bắt đầu từ đây để nhìn lại tất cả sự tận tụy của các bạn mình. Có lần hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an tức giận cho Thầy mình không được dân làng Sa-ma-ri nọ tiếp đón, và tuyên bố sẵn sàng cầu xin Thiên Chúa cho lủa trời xuống thiêu rụi làng ấy. Bề ngoài là quan tâm tới danh dự của Thầy, nhưng kì thực có thể là lo lắng cho chỗ đứng mai ngày của mình, khi vương quốc của Thầy không được nhiều người ủng hộ.
Tiếc thay, khi mười anh em bạn của hai ông tỏ rõ sự bất bình trước yêu sách ấy, họ đã gián tiếp cho thấy chính họ cũng cùng một "duộc" ('ruột') với hai anh em ấy : ai ai cũng tham gia cộng đoàn Đức Giêsu, cũng tận tụy phục vụ Ngài, chăm chú lắng nghe lời Ngài, thậm chí sẵn sàng vào sinh ra tử với Ngài, chỉ để hi vọng giành được vinh quang lớn bên cạnh Ngài.
Ngày nay, chúng ta cũng thật buồn khi thấy chẳng riêng gì người lớn làm việc lâu năm, mà cả các bạn trẻ mới vào đời cũng tha thiết vòng danh lợi tới mức không từ một biện pháp nào, kể cả những biện pháp gian trá và nhục nhã nhất, để được lọt mắt xanh cấp trên, để được đề bạt và nắm quyền. Tệ hơn nữa, bả vinh hoa ấy cũng mồi chài được cả những người mệnh danh là đầy tớ Chúa trong các tổ chức tu trì của Giáo Hội. Người ta sẵn sàng phục vụ tới mức chấp nhận không có khuôn mặt riêng hay tiếng nói riêng, chấp nhận không có tự do và quyền lợi riêng, miễn sao có ngày được nắm quyền và lúc ấy, có lấy lại khuôn mặt, tiếng nói, tự do và quyền lợi cũng không muộn.
Như thế, cái thiếu thốn trầm trọng nhất trong Giáo Hội và xã hội, trong dòng tu và gia đình, đặc biệt trong giới trẻ hôm nay không phải là thiếu người làm việc hay thiếu nhà chuyên môn, càng không phải là thiếu điều kiện và phương tiện, mà là thiếu những tâm hồn quảng đại, những con người "biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không sợ thương tích, biết làm việc không đòi nghỉ ngơi, biết hoạt động không đòi phần thưởng nào hơn là được biết mình đang thi hành ý Chúa" (lời nguyện của thánh I-nhã).
Gợi ý để suy nghĩ thêm
1. Hiện nay, tôi đang đứng ở vị trí nào trong gia đình, công sở, làng nước, xã hội và Giáo Hội ? Có phải là vị trí quyền lực không ?
2. Tôi có đang mơ ước và phấn đấu cho một vị trí cao hơn không ? Bằng những biện pháp nào ? Trung thực hay gian dối ?
3. Tôi nghĩ sao về con đường của Đức Giêsu : phục vụ hoàn toàn vô vị lợi và cho đến chết ?
Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang