Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Thinh lặng: con đường truyền giáo của Mẹ Maria

THỨ BẢY, 16 THÁNG 06 2012 09:51 BBT WTGP HN
 
sainte-marie-mere-de-dieu(Thông qua sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Sứ Điệp ngày Thế Giới Truyền thông với chủ đề IM LẶNG VÀ LỜI: CON ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO)
Chúa nhật ngày 20 tháng 5 năm 2012 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông, đề cập đến khía cạnh tiến trình giao tiếp giữa con người với nhau. Suy tư này liên quan đến sự quan hệ giữa im lặng và lời nói: hai khía cạnh này của truyền thông cần phải được giữ cân bằng, luân phiên và hợp nhất với nhau. Vì khi lời nói và sự im lặng loại trừ nhau, sự truyền thông sẽ bị phá vỡ và chắc chắn nó sẽ tạo ra một bầu không khí tẻ lạnh và buồn chán. Để thi hành được sứ mạng truyền giáo trong thinh lặng. Cùng Đức Mẹ Maria, là Đấng im lặng "lắng nghe Lời Chúa và làm cho lời ấy thăng hoa" chúng ta hãy đến với Mẹ Maria, người có đời sống nội tâm và đời tông đồ truyền giáo qua đoạn Tin Mừng trích trong Lc 2:19-21.

1. "Mẹ Maria hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng"
Câu sách Tin Mừng này cho thấy hình ảnh Mẹ Maria như một người có đời sống nội tâm sâu sa. Tâm tình và thái độ của Mẹ Maria nhắc đến một khía cạnh rất quan trọng cho cuộc đời tông đồ trong thế giới hôm nay. Đặc biệt trong Sứ Điệp ngày thế giới truyền thông của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhớ chúng ta về yếu này. IM LẶNG: là một yếu tố không thể thiếu được của việc truyền thông, nếu nó vắng mặt, thì không thể có những lời phong phú về nội dung. Trong thinh lặng chúng ta có thể lắng nghe một cách tốt hơn và hiểu chính mình hơn. Cũng bằng cách giữ im lặng, chúng ta cho phép người khác nói.
Song, trong những đặc tính hiển nhiên của thế giới văn minh là kỹ thuật, máy móc, phương tiện vật chất dồi dào, tạo ra một tâm thức mới, cách suy tưởng và nếp sống mới. Đó là tâm thức, cách suy tưởng và nếp sống kỹ thuật. Hậu quả là người ta coi thường những yếu tố nội tâm và cũng chẳng có khả năng trở về nội tâm.
Ngược lại, trong công việc tông đồ truyền giáo, người ta thường dựa vào khả năng kỹ thuật, vào phương pháp, vào phương tiện và dụng cụ; đánh giá con người theo hiệu năng làm việc và phương tiện vật chất người đó có. Nhưng công việc tông đồ truyền giáo thì khác hẳn, không thể đánh giá theo hiệu năng nhìn và đo lường theo tiêu chuẩn khoa học thực nghiệm. Chính Chúa Giêsu THINH LẶNG trên Thánh Giá là một thất bại thảm thương, nhưng chính giây phút thất bại đó lại là giây phút định mệnh cho phần rỗi đời đời của nhân loại.
Cái khác biệt giữa người này với người khác thường người ta nhìn thấy qua các khả năng, các công việc làm, nhưng thực ra, cái khác biệt căn bản là nội tâm của mỗi người. Vì chính nội tâm của mỗi người sẽ chi phối công việc mục vụ của người đó. Với thái độ này, một thái độ ôm trọn cả cuộc đời mình Đức Trinh Nữ Maria chỉ ra con đường lắng nghe Lời Chúa, một yếu tố căn bản của việc thờ phượng mà đã trở thành tiêu biểu cho Phụng vụ Kitô giáo. Mẫu mực của Mẹ Maria cho chúng ta thấy việc thờ phượng không gồm trước hết ở chỗ diễn tả ý tưởng và cảm xúc của con người, nhưng ở việc lắng nghe Lời Chúa để hiểu biết, hấp thụ, và đem ra thực hành trong đời sống tông đồ truyền giáo.
Do đó, một thách đố của thời đại cho đời sống và nhiệm vụ của người tông đồ đặc biệt là anh chị em giáo lý viên là tìm lại nội tâm để xây đắp nội tâm đó và trong công việc tông đồ truyền giáo, dám chấp nhận lựa chọn con đường có thể sẽ không đem đến thành công, theo nghĩa sẽ không được người đời ưng thuận.
2. Sống đời nội tâm: nền tảng của công việc phục vụ tông đồ
Đức Maria tiêu biểu cho mẫu người có đời sống nội tâm. Chắc hẳn Mẹ đắm mình trong cầu nguyện khi Thiên Thần Gabriel đến nhà Mẹ ở Nazaret để chào mừng. Khung cảnh cầu nguyện giúp Đức Mẹ trả lời thiên thần và quảng đại chấp nhận Mầu nhiệm Nhập Thể.
Nói về đời sống nội tâm trong cuộc đời phục vụ tông đồ là nói đến cái tâm, cái hồn của người tông đồ, có lẽ không hình ảnh nào diễn tả một cách rõ ràng cho bằng dụ ngôn Chúa nói trong sách Tin Mừng Mathêu: "không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" là được vào Nước trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa và trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?". Và bấy giờ Thầy tuyên bố với họ: Ta không biết các ngươi là ai, cút đi cho khuất mắt ta hỡi đồ gian ác!" (Mt 7.21-23)
3. Chúa Giêsu: điểm tựa duy nhất
"Mẹ ghi nhớ và suy niệm trong lòng" Mẹ Maria xuất hiện như mẫu gương tuyệt đỉnh về sự tham dự đích thân vào những mầu nhiệm thần linh, biến cố cứu độ mà tột đỉnh là sự chết và phục sinh của Đấng Cứu Thế và Mẹ đã giữ "tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng". Nội tâm của Mẹ Maria được diễn tả qua câu sách Tin Mừng trên có 3 yếu tố rất quan trọng cho cuộc đời tông đồ truyền giáo.
a) Ghi nhớ: diễn tả thái độ trân trọng, quý mến
b) Suy nghĩ: diễn tả thái độ tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa
c) Khía cạnh nòng cốt là đối tượng của sự tìm kiếm và của lòng trân trọng quý mến.
Nói cho cùng thì ai ai cũng có điều muốn tìm kiếm và trân trọng, cái khác nhau là đối tượng của sự tìm kiếm và trân trọng. Mẹ Maria tìm kiếm và trân trọng Lời của Chúa, ý định của Ngài: "Thật phúc đức lòng đã cưu mang Thầy và đôi vú đã cho Thầy bú! nhưng Chúa đáp lại:còn có phúc hơn, những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
Tất cả cuộc đời Mẹ chỉ nhắm đến việc phục vụ Chúa mà thôi. Mẹ đúng là điển hình mẫu mực về mọi cách diễn tả trong đời sống cầu nguyện. Cách riêng Mẹ dạy chúng ta biết cách hướng về Chúa để cầu xin Người giúp sức và nâng đỡ trong nhiều hoàn cảnh sống khác nhau. Chẳng hạn lời cầu bầu của Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana, sau khi Chúa Giêsu khiển trách Mẹ "việc ấy liên can gì đến tôi và bà" thì Đức Mẹ thinh lặng, suy nghĩ rồi bảo các gia nhân "Thầy bảo sao, các anh hãy làm như vậy".
Lời nói và sự thinh lặng: học truyền thông là học cách lắng nghe và chiêm niệm cũng như học nói. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia vào nhiệm vụ truyền giáo: cả im lặng lẫn lời nói là những yếu tố cần thiết, không thể tách rời công việc truyền thông của Hội thánh vì canh tân việc rao giảng Đức Kitô trong thế giới hôm nay.
Tóm lại, trong cuộc đời phục vụ tông đồ truyền giáo, ít khi xảy ra tình trạng một tông đồ loại Chúa ra khỏi cuộc đời và công tác phục vụ của mình, và chú ý dùng việc tông đồ để tìm kiếm những lợi lộc, danh vọng hay phục vụ một ý thức hệ. Tuy tình trạng đó cũng có thể xảy ra, nhưng ít. Vì vậy, vấn đề thực sự của đời tông đồ không phải chỉ là phục vụ Chúa Giêsu mà quy tụ cả cuộc sống để phục vụ Chúa Giêsu và hướng dẫn tất cả hoạt động dưới ánh sáng của Chúa Giêsu. Mẹ Maria là mẫu gương cho đời tông đồ truyền giáo.
Sr. M.M (MTGHN)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang