Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Mở rộng tâm hồn cho Thánh Tâm Chúa

Theo truyền thống, tháng Sáu được dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, và Giáo hội kính trọng thể lễ Thánh Tâm vào ngày Thứ Sáu của tuần thứ hai sau lễ Hiện Xuống. Năm nay, ngày đó rơi vào ngày 15 tháng Sáu.
Đức Hồng Y Burke, khi trở thành Tổng Giám mục của giáo phận St. Louis vào năm 2004, đã viết cho giáo dân của mình rằng: “Chính Chúa đã tỏ cho chúng ta một cách thức tuyệt vời nhất để đón Người vào gia đình của chúng ta”.
Khi hiện ra với thánh Margarita Maria Alacoque ở Paray-le-Monial nước Pháp từ năm 1673 đến 1675, Chúa Giêsu đã mặc khải Trái Tim Người cho thánh nữ, và đã được tạc thành ảnh tượng.
Người nói: “Ta sẽ chúc lành cho những nơi trưng bày và tôn kính ảnh tượng Trái Tim Ta”. Đó là một trong 12 lời hứa của Chúa dành cho những ai tôn sùng Trái Tim Người.

Khi mặc khải Trái Tim Người, Chúa Giêsu cũng căn dặn thánh Margarita Maria rằng: “Con hãy xem Trái Tim này yêu dấu loài người quá bội, không giữ lại gì cho mình, đến nỗi đã hoàn toàn cạn kiệt để tỏ cho họ thấy tình thương. Đáp lại, Ta chẳng nhận được gì ngoài sự vô ơn bạc nghĩa, vì những thái độ bất kính và phạm thánh, vì sự nguội lạnh và khinh dể họ dành cho Ta nơi bí tích tình yêu”.
Tôn sùng Thánh Tâm Chúa là đền bù sự vô ơn bạc nghĩa đó. Năm 1907, cha Mateo Crawley-Boevey thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria được ơn linh hứng thiết lập việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa để đem các gia đình và thế giới về cho Chúa Kitô.
Thánh Giáo hoàng Piô X dấn thân cổ võ việc tôn sùng này, ngài nói: “Cứu gia đình chính là cứu thế gian. Công việc mà các con đang làm là công việc cứu rỗi thế gian”.
Gloria Anson, nhà sáng lập và là Chủ tịch Tu đoàn Tông đồ Thánh Tâm ở Syracuse, New York, nói: “Tôn sùng Thánh Tâm là phương thế cho mọi thời, phương thế chống lại nền văn hóa sự chết. Và tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu giúp chúng ta an tâm rằng Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta. Và đây chính là điều mà ngày nay mọi gia đình cần phải biết”.
Đức Hồng Y Burke còn cho rằng: việc tôn sùng Thánh Tâm liên kết “nhà tạm của nhà thờ xứ với các gia đình, mời Chúa trở thành người bạn trung thành và thân mật nhất của chúng ta. Việc tôn sùng này là một phương thế sống; nghĩa là Đức Kitô là Vua của mọi tâm hồn và chúng ta ước mong Người ở cùng chúng ta luôn mãi”.
Đồng tình với nhận định đó, Donald St. Gelais, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Tôn sùng Thánh Tâm, cho rằng: “Chúa Giêsu muốn ở đó để trở nên một phần của gia đình và trở nên người bạn tốt nhất của chúng ta”.
Nhiều gia đình đã được biến đổi khi tôn sùng Thánh Tâm Chúa. Gelais cho biết: một gia đình đã làm hòa với nhau sau nhiều năm ly thân, nơi một gia đình khác, cha mẹ đã tái tạo mối liên hệ gần gũi hơn với con cái.
Và Gelais khuyên: “Tất cả những gì bạn phải làm đó là hãy mở cánh cửa gia đình và tâm hồn bạn cho Chúa Giêsu, và Người sẽ làm những điều kỳ diệu trong gia đình bạn”.
Trong một lần đi mục vụ ở Tallahassee, Florida, vào năm 1999, Anson và cha Willliam Gaffney, cùng thuộc Tu đoàn Tông đồ Thánh Tâm, được mời đến tham dự buổi tôn kính Thánh Tâm Chúa tại gia đình của Kevin và Ann Mcglynn cùng với 5 người con của họ.
Gia đình này luôn luôn gắn bó với đức tin, nhưng sự tôn sùng Thánh Tâm đã giúp gia tăng niềm tin của họ. Gia đình McGlynn tôn kính tượng Thánh Tâm ở phòng khách. Ann nói: “Mỗi người đều cảm nhận rằng Đức Giêsu là Vua và là bạn, và chúng tôi giao phó mọi nỗi lo toan vào tay Người”.
Kevin thêm: “Ảnh tượng được tôn kính là quan trọng, vì đó là một dấu chỉ rõ ràng nơi Chúa Kitô ngự, và là trung tâm của gia đình. Khi bạn bước vào phòng và bạn thấy được đâu là ‘quả tim’ của gia đình. Một cách chân thực và rõ rệt, nó mang Chúa Kitô đến với gia đình bạn, và vì thế làm cho gia đình trở thành Giáo hội tại gia. Khi đó bạn sẽ nhận ra Chúa Kitô là một người bạn và là Vua của gia đình”.
Ann nói: “Đó không phải là sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể như ở nhà thờ, nhưng là một sự hiện diện thiêng liêng. Chúa Giêsu ở ngay đó, được mời tham dự vào cuộc sống và mọi cử hành của cuộc sống gia đình”.
Đức Hồng Y Burke viết: “Toàn bộ ý nghĩa của việc tôn sùng Thánh Tâm là thông truyền ân sủng từ Thánh Thể tới các gia đình Kitô hữu và từ các gia đình Kitô hữu tới toàn thể thế giới”.
Việc tôn sùng và tận hiến cho Thánh Tâm Chúa luôn đi đôi với việc tôn sùng và tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria. Giáo hội có ý cử hành lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ ngay sau lễ Thánh Tâm. “Không nghi ngờ gì nữa, trái tim giống trái tim Chúa Kitô nhất đó là Trái Tim Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Người; chính vì thế, phụng vụ cử hành hai lễ này liền nhau để thể hiện sự tôn kính”. Đó là lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong một buổi đọc kinh Truyền Tin năm 2005.
Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng liên kết hai việc tôn sùng này với nhau. Cha Gaffney giải thích: “Qua Đức Maria, chúng ta đến cùng Chúa Giêsu. Điều này thật đơn giản. Mẹ Maria biết Con Mẹ hơn chúng ta. Mẹ là Mẹ của Người. Mẹ sẽ dẫn chúng ta vào trong Trái Tim Chúa”.
12 điều Chúa hứa ban cho những ai tôn sùng Thánh Tâm
1. Ta sẽ ban cho họ mọi ơn cần thiết theo bậc sống.
2. Ta sẽ ban bình an cho gia đình họ.
3. Ta sẽ an ủi họ trong cơn gian truân.
4. Ta sẽ nên nơi nương náu vững chắc cho họ trong cuộc đời, nhất là trong giờ lâm tử.
5. Ta sẽ chúc phúc dư tràn trên mọi công việc họ làm.
6. Tội nhân sẽ tìm thấy nơi Trái Tim Ta suối nguồn và lòng thương xót vô tận.
7. Linh hồn nguội lạnh sẽ nên sốt sắng.
8. Linh hồn sốt sắng sẽ mau tiến tới đỉnh trọn lành.
9. Ta sẽ chúc lành cho những nơi trưng bày và tôn kính ảnh tượng Trái Tim Ta.
10. Cha sẽ ban cho các linh mục ơn lay chuyển các tâm hồn chai cứng nhất.
11. Những ai cổ động lòng tôn sùng này sẽ được ghi tên vào Trái Tim Ta, và không bao giờ bị xóa bỏ.
12. Với lòng thương xót quá bội của Trái Tim Ta, Ta hứa với con rằng tình yêu toàn năng của Ta sẽ ban cho tất cả những ai rước lễ chín ngày Thứ Sáu đầu tháng liên tiếp được ơn ăn năn thống hối vào giờ sau hết; họ không phải chết khi mất ơn nghĩa với Ta hay không lãnh nhận các bí tích; Trái Tim Ta sẽ nên nơi nương náu an toàn cho họ trong giờ sau hết.
Joseph Pronechen, Open Your Home to the Sacred Heart of Jesus, ncregister.com
Phaolô Phạm Lợi 
lược dịch.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang