Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Ý nghĩa Kitô giáo – Chương III: Những suối nước trường sinh

Ý nghĩa Kitô giáo
(The meaning of Christianity)
Tác giả: Lm Phêrô Nemeshegyi, S.J.

Người dịch: Lm Gioakim Đoàn Sĩ Thục.
Người hiệu đính và giới thiệu: Ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

CHƯƠNG BA: “NHỮNG SUỐI NƯỚC TRƯỜNG SINH”
CÁC BÍ TÍCH
Đâu là bản chất của các bí tích?
Tin Mừng theo Thánh Gioan nói với chúng ta rằng nhân dịp lễ của người Do Thái “trong ngày cuối cùng của cuộc đại lễ” (Ga 7,37) Chúa Giêsu thốt lên giữa đám đông: “Ai khát hãy đến cùng Tôi. Ai tin Tôi hãy uống. Như Kinh Thánh chép: “Từ tâm hồn người đó, một dòng nước trường sinh sẽ chảy ra” (Ga 7,37-38). Thánh Gioan đã chú giải về lời của Chúa Giêsu như sau: “Ngài có ý nói về Thánh Thần mà những kẻ tin Ngài nhận lãnh (Ga 7,39). Nước “trường sinh” chính là Thánh Thần và Chúa Giêsu, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, sẽ ban Thánh Thần cho những ai tin Ngài. Chính Chúa Giêsu, chính quả tim của Ngài là suối nước trường sinh ấy (x. Ga 19,34;4,14). Trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể, Tình Yêu tha thứ và trao ban sự sống đã mặc lấy hình thái con người. Ai gặp gỡ Chúa Giêsu là gặp gỡ Tình Yêu ấy. Ai được Chúa Giêsu tha thứ cũng được chính Thiên Chúa tha thứ. Khi Chúa Giêsu sờ đến người bệnh hay người chết, thì cũng chính quyền năng thông ban sự sống của Thiên Chúa sờ đến họ. Như thế, đối với những người đương thời của Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu là dấu chỉ của ơn sủng và tình yêu của Thiên Chúa, là gương mặt nhờ đó Thiên Chúa hành động trong một kinh nghiệm của con người.

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu trở về cùng Chúa Cha. Nhưng Ngài vẫn còn ở với chúng ta, cho dẫu chúng ta chưa được chia sẻ vinh quang toàn vẹn và những hậu quả của sự sống lại của Ngài, cũng như không thể gặp gỡ Ngài một cách thực nghiệm, bằng các giác quan của chúng ta. Tuy nhiên, gặp gỡ Ngài là điều thiết yếu đối với chúng ta, nếu chúng ta muốn tiếp xúc với tình yêu của Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giêsu đã tìm ra một cách thế thực nghiệm để cho cuộc gặp gỡ với Ngài có thể diễn ra. Đây là cách thế để giúp chúng ta gặp gỡ con người phục sinh của Ngài. Ngài nói với chúng ta bằng những lời Ngài đã ủy thác cho các tông đồ. Ngài hiện diện với chúng ta trong Thánh Kinh. Vai trò trung gian của Ngài có thể cảm nghiệm được trong Giáo hội của Ngài. Tuy nhiên, Ngài muốn cho cuộc gặp gỡ giữa Ngài và chúng ta được trở nên khắng khít hơn qua những chức năng thông ban sự sống của Giáo hội. Và những hành động thông ban sự sống ấy của Giáo hội, chính là các bí tích. 7 bí tích là 7 kho tàng vô giá mà Đức Kitô đã trao ban cho Giáo hội. Trong mỗi bí tích có một yếu tố thiết yếu mang ý nghĩa tượng trưng. Chúng ta được rửa, một bàn tay đặt trên vầng trán chúng ta, chúng ta chia nhau một bữa ăn. Đó là những biểu trưng mà chúng ta cũng có thể tìm thấy trong các tôn giáo khác. Tuy nhiên, trong các nghi thức của Kitô giáo, luôn luôn có một lời được gợi hứng hoặc trích dẫn nguyên văn từ Tin Mừng. Lời này mang lại một ý nghĩa đặc biệt cho nghi thức. Lời này xác định ý nghĩa của cử chỉ, ám chỉ đến hoạt động cứu rỗi của Đức Kitô và thiết lập một tương quan đặc biệt giữa cử chỉ và hành động cứu rỗi của Đức Kitô. Do đó, những nghi thức này không chỉ là những hành động thờ phượng của con người. Trong những nghi thức này, chính Đức Kitô Phục sinh đến gặp gỡ chúng ta, thông ban cho chúng ta nguồn suối nước trường sinh là Thánh Thần. Chính qua và trong các bí tích mà Đức Kitô tiếp tục công cuộc của Ngài. Trong các bí tích, Đức Kitô qui tụ con cái tản mác khắp nơi của Thiên Chúa. Ngài liên kết họ với Ngài và như thế mở ra cho họ con đường về với Chúa Cha (Ep 2,18).
Chính nhân danh Chúa Giêsu mà các thừa tác viên của Giáo hội phân phát các bí tích cho chúng ta. Trong các bí tích, sự sống của Chúa Giêsu được phát sinh và được nuôi dưỡng trong chúng ta. Trong và qua các bí tích, Chúa Giêsu thông ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài là Đấng làm cho chúng ta có thể sống một cuộc sống tin, cậy, mến. Tuy nhiên, các bí tích không làm phát sinh hậu quả một cách máy móc. Ban ơn cứu rỗi cho chúng ta, nhưng Thiên Chúa không hề cưỡng bách một ai. Tùy mỗi người đáp trả lại tiếng gọi của Ngài. Chính qua ý nghĩa sâu xa của các bí tích mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta. Qua hàng bao thế kỷ, Giáo hội như một hiền mẫu, đã không ngừng cải tiến những nghi thức bí tích. Chính là để làm cho tốt đẹp và ý nghĩa hơn mà Giáo hội đã không ngừng canh tân các nghi thức ấy. Nhờ quyền năng của Thánh Thần, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trong tận đáy lòng chúng ta; Ngài mời gọi chúng ta tham dự vào một cuộc sống giống như Đức Kitô. Nhưng tùy mỗi người chúng ta đáp lại. Không ai có thể đáp lại thay cho chúng ta. Khi một đứa trẻ sơ sinh cảm nghiệm được nụ cười âu yếm của người mẹ, một nguồn tình yêu dạt dào thấm nhập tâm hồn của nó và đứa bé cũng đáp lại bằng một nụ cười. Dĩ nhiên, nụ cười là nụ cười của đứa bé sơ sinh. Tuy nhiên, nụ cười đó cũng chính là kết quả của tình yêu vô bờ của người mẹ. Nếu không có tình yêu của người mẹ thì cũng sẽ không có nụ cười trên gương mặt của đứa bé. Và điều kỳ diệu là người cảm thấy hạnh phúc nhất vì nụ cười của đứa bé cũng chính là người mẹ: chính bà là người đã làm cho nụ cười nở trên môi đứa bé. Giữa chúng ta và Thiên Chúa cũng thế. Có lẽ vì thế mà người ta nói rằng trái tim của người mẹ là cửa sổ qua đó chúng ta nhìn thấy quả tim của Thiên Chúa.
Khi có một người đi theo tiếng gọi của Đức Kitô và lãnh nhận các bí tích, người đó tuyên xưng ra bên ngoài niềm tin của mình (Rm 10,9-10). Lãnh nhận bí tích mà không có lòng tin, nhưng chỉ vì chiếu lệ hoặc giả hình, điều đó không hề mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta. Toàn bộ Tân Ước nêu bật rằng nền tảng của sự cứu rỗi là đức tin. Khi có đức tin, con người từ bỏ thái độ tự phụ và đặt tin tưởng nơi Tình Yêu Tha Thứ của Thiên Chúa. Tâm hồn con người mở rộng để đón nhận ơn được làm con cái Chúa. Mỗi một cá nhân và toàn thể Giáo hội diễn tả và đào sâu đức tin qua các bí tích. Đó là cách thế thờ phượng của chúng ta và đó cũng là phương thế bảo đảm để chúng ta nhận được sức mạnh luôn mới mẻ giúp chúng ta trong cuộc sống giống như Đức Kitô.
RỬA TỘI
Bí tích đầu tiên trong 7 bí tích là Phép Rửa tội. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích này sau khi sống lại. Ngài nói với các môn đệ: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Tuân giữ mệnh lệnh của Chúa Giêsu, linh mục hoặc người thay thế ngài đổ nước trên đầu chúng ta và nói: “Ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Cử chỉ này nói lên tất cả ý nghĩa của Phép Rửa tội. Trong Phép Rửa, trong và nhờ Chúa Giêsu và Thánh Thần, Thiên Chúa Cha rửa sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi (Cv 2,38). Ngay từ buổi đầu, tội lỗi như một dòng nước lũ đã chảy xuyên qua lịch sử nhân loại. Thánh Kinh kể lại cho chúng ta rằng những con người đầu tiên của nhân loại đã phạm tội và sự sa ngã này đã bao trùm toàn thể nhân loại. Từ cuộc sa ngã ấy, nhân loại sẽ mãi mãi phạm tội trừ phi có một quyền lực nào từ trên cao có thể chận đứng được. Quyền lực từ trên cao ấy chính là Thánh Thần của Thiên Chúa. Nguồn ơn thiết yếu của Phép Rửa cũng chính là sự đổ tràn Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta. Từ trong đáy thẳm tâm hồn chúng ta, Thánh Thần trở thành nguồn suối trường sinh của niềm tin và tình yêu (Ga 3,5; Tt 3,5). Chỉ có những ai nên một với Chúa Kitô, Con Một của Thiên Chúa, mới có thể nhận lãnh Thánh Thần để trở nên con cái Thiên Chúa. Chính Phép Rửa làm cho chúng ta nên một với Chúa Kitô (Gl 3,27). Chính Phép Rửa nhận chìm chúng ta vào trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô (Rm 6,3-5; Cl 2,12). Thánh Thần là Đấng ban sự sống của Giáo hội, Thân Thể mà Chúa Kitô là Đầu. Phép Rửa làm cho chúng ta trở thành chi thể của Chúa và cho chúng ta hưởng được những đặc ân và thực thi những nhiệm vụ của người môn đệ Chúa Kitô. Phép Rửa là giây phút quyết định trong đời người. Trong Phép Rửa, chúng ta được tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể Chúa Kitô. Chúng ta được biến thành Đền thờ thánh thiện và sống động của Chúa Thánh Thần. Trong Phép Rửa, chúng ta được giải thoát khỏi “quyền lực của tối tăm và đưa vào Nước của Con yêu dấu của Thiên Chúa” (Cl 1,13). Chúng ta khước từ Satan và những cám dỗ của nó. Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta. Trong thánh lễ vọng Phục sinh vào tối thứ bẩy tuần thánh, các tín hữu có thói quen lập lại lời hứa khi chịu Phép Rửa để chuẩn bị mừng lễ Phục sinh. Trong Phép Rửa, cộng đồng tín hữu đón tiếp một phần tử mới như một người anh em được mời tham dự vào bàn tiệc của Thiên Chúa. Đây là một biến cố khó quên tại các xứ truyền giáo. Tại đây, đa số các tín hữu được rửa tội vào tuổi trưởng thành cho nên họ dễ cảm nhận được sự đón tiếp mà cộng đồng tín hữu dành cho họ.
Dĩ nhiên, ơn Chúa hoạt động một cách mầu nhiệm. Nhiều người không lãnh nhận Phép Rửa vẫn có thể được ơn hoán cải và được cứu rỗi. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã muốn rằng con đường thông thường của ơn cứu rỗi là gia nhập vào gia đình của Ngài qua Phép Rửa và trở thành cộng tác viên của Chúa Kitô để mang ơn cứu rỗi đến cho mọi người và xây dựng Nước Chúa trên trần gian này bằng cuộc sống, bằng gương sáng, bằng lời nói và cầu nguyện.
Vì Phép Rửa là điều tối quan trọng cho cuộc sống con người, cho nên Giáo hội có thói quen rửa tội cho trẻ em của gia đình Kitô hữu ngay từ lúc mới sinh. Dĩ nhiên, đứa trẻ sơ sinh chưa thể có ý thức về lòng tin, niềm hy vọng và tình yêu. Nhưng, cũng như ơn Chúa tác động như thế nào trong sự đáp lại của một người trưởng thành xin chịu Phép Rửa, thì ơn Ngài cũng tác động như thế trong tâm hồn của trẻ thơ: Ngài ban ơn thánh hóa cho tâm hồn trẻ thơ. Ơn thánh hóa ấy được trao ban cho đứa trẻ nhân danh đức tin của toàn thể Giáo hội. Đương nhiên, khi đến tuổi khôn, chính đứa bé sẽ cam kết sống đức tin, đức cậy, đức mến bằng một sự chọn lựa cá nhân. Chính vì thế mà Giáo hội chỉ rửa tội cho những trẻ em nào mà việc giáo dục đức tin được bảo đảm sau đó. Khi lớn lên, đứa bé nghe được Tin Mừng của Chúa Giêsu qua tiếng nói của cha mẹ, ông bà, thày cô và các linh mục, lúc đó Thánh Thần là Đấng đã hiện diện trong tâm hồn của nó nhờ ơn rửa tội, sẽ làm cho nó tin tưởng, hiểu được và theo lời giáo huấn của Chúa Kitô. Chúa Giêsu lôi kéo đứa trẻ đến với Ngài, cũng giống như Ngài đã lôi kéo những trẻ em Ga-li-lê khi đám đông bu quanh Ngài. Ngài đã bồng lấy một em, ôm hôn nó và nói những lời đáng ghi nhớ như sau: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không nên giống như những trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không được vào Nước Trời” (Mt 18,2-3).
Sự sống thần linh trở thành một thực tại trong chúng ta khi Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu, Con Một Ngài, Đấng Kitô Phục sinh, tha tội cho chúng ta, làm cho chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể Con Ngài và ban Thánh Thần để trở nên nguồn suối Tình Yêu trong chúng ta. Đó là một thực tại tạo thành sự hiệp nhất vô hình trong chúng ta. Do đó, Phép Rửa, Phép Thêm Sức và Thánh Thể gắn liền với nhau. Hiệu quả đặc biệt của Phép Thêm Sức là đổ tràn Thánh Thần trong chúng ta. Hiệu quả của Thánh Thể là sự kết hiệp giữa chúng ta và Chúa Kitô. Chính vì sự hiệp nhất của sự sống thần linh trong chúng ta mà một bí tích nhận lãnh trước đều một cách nào đó loan báo những ơn ích của một bí tích mà chúng ta sẽ lãnh nhận sau đó. Do đó, bí tích Rửa Tội cũng ban cho chúng ta Thánh Thần và kiên kết chúng ta với Chúa Kitô.
THÊM SỨC
Bí tích Thêm Sức là bí tích liên kết chúng ta một cách sống động với Thánh Thần. Giám mục hoặc linh mục nhờ phép đặc biệt, trao ban bí tích này. Vị giám mục đặt tay trên đầu chúng ta, xức dầu thánh trên trán chúng ta và cầu xin Thánh Thần xuống trên chúng ta. Cả hai cử chỉ đặt tay và xức dầu nói lên rằng người tín hữu được thông phần vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và như vậy lãnh nhận một sứ mệnh đặc biệt diễn ra như thể chính Chúa Giêsu đặt tay trên đầu chúng ta và nói với chúng ta: “Con hãy đi và yêu thương như Ta đã yêu thương. Hãy làm chứng rằng Thiên Chúa là Tình Yêu”. Dầu là dấu chỉ của sự tham dự của chúng ta vào sứ mệnh của Chúa Kitô. “Việc xức dầu” như Chúa Giêsu đã lãnh nhận để trở thành Chúa Kitô không phải là một sự xức dầu trần thế, mà chính là được xức dầu bởi Thánh Thần. Chúa Giêsu đã áp dụng những lời của tiên tri I-sai-a cho chính Ngài: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi để tôi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ” (Lc 4,18). Chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta trở thành chứng nhân của Tin Mừng của Chúa Kitô. Niềm tin và sự kiên nhẫn, tình yêu và niềm vui nội tâm của chúng ta là một chứng từ cho sự kiện: Chúa Kitô đã thực sự cứu độ trần gian.
THÁNH THỂ
Trong bữa ăn cuối cùng Chúa Giêsu cầm lấy bánh và một chén rượu. Ngài tuyên bố rằng bánh và rượu là Mình và Máu Ngài được hiến tế. Ngài trao ban bánh và rượu cho các môn đệ và truyền lệnh cho các ông: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Gần hai ngàn năm qua, Giáo hội đã trung thành thực thi mệnh lệnh ấy của Chúa Kitô. Khắp nơi và mỗi ngày, trên các bàn thờ thô sơ giữa rừng già Phi châu, trong những nhà thờ phủ tuyết tại A-lát-ka, hay trong những vương cung thánh đường cao sang của Âu châu, các linh mục không ngừng lập lại những lời cuối cùng ấy của Chúa Kitô. Hàng triệu triệu người thông phần vào Mình và Máu Chúa.
Thánh Phaolô gọi biến cố này là “Bữa ăn tối của Chúa” (1 Cr 11,20). Từ thời Trung cổ, những người công giáo gọi đó là lễ Mi-sa, tức thánh lễ. Thánh lễ là trung tâm và là suối nguồn của đời sống Kitô giáo. Trong thánh lễ, từ trái tim nồng nàn của Ngài, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta món quà quí giá nhất của Ngài. Với lời quyền năng của Ngài được lập lại bởi linh mục là người đi theo Ngài và thực thi quyền năng Ngài ban cho, Chúa Giêsu biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Ngài. Ngài biến bánh và rượu trở thành chính Ngài để nuôi sống chúng ta. Ngài đồng hóa bánh và rượu với chính lễ hy sinh của Ngài. Dĩ nhiên, chúng ta chỉ nhìn thấy bánh và rượu trên bàn thờ. Tuy nhiên nhờ tin vô điều kiện vào lời của Chúa Kitô, chúng ta hiểu được rằng chính Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta và đã sống lại từ cõi chết. Cũng như thức ăn phải được tiêu hóa mới nuôi sống chúng ta, cũng thế, Chúa Giêsu ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta. Ngài đã sống và đã chết cho chúng ta. Giờ đây Ngài tự ban mình cho chúng ta như thức ăn và thức uống để chúng ta có thể được kết hợp hoàn toàn với Ngài và trong Ngài và với nhau. Bánh trở nên thân xác của người ăn. Bánh Thánh từ trời xuống, biến thành một với người lãnh nhận trong đức tin và lòng yêu mến.
Nhờ quyền lực của Thánh Thần, chính Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta dưới dạng thức bánh và rượu để biểu tỏ cái chết và ban sự sống của Ngài. Ngài lôi kéo chúng ta đến với Ngài và cho chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Ngài. Lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta rõ ràng rằng bánh mà chúng ta vẫn thấy như bánh, là chính “Mình Ngài phó nộp cho chúng ta” và rượu mà chúng ta chỉ thấy là rượu, là chính “Máu Ngài đổ ra cho chúng ta”. Nhưng những dấu chỉ đó không là dấu chỉ của sự hủy diệt. Bánh và rượu là thức ăn và thức uống cho nên là dấu chỉ của sự sống. Chính trong thánh lễ mà Giáo hội tưởng niệm mầu nhiệm thánh thiêng ấy và cảm tạ Thiên Chúa vì mầu nhiệm ấy. Theo một nguyên ngữ Hy Lạp, Thánh lễ cũng có nghĩa là “Tạ Ơn”. Dĩ nhiên, thân xác phục sinh của Chúa Kitô sẽ không bao giờ chết nữa. Tuy nhiên, trong Thánh lễ, hy tế của Chúa Kitô trở thành hy tế của chúng ta. Chính nhờ đó mà chúng ta có thể thông hưởng dồi dào hoa trái của ơn cứu rỗi. Toàn thể Giáo hội, chứ không chỉ những người hiện diện trong Thánh lễ, hưởng những hoa trái ấy, nhất là những kẻ được nhắc nhớ cách đặc biệt. Khi chúng ta chịu lễ, Chúa Giêsu đến với chúng ta. Ngài ước ao cho những dòng suối nhỏ bé của chúng ta được nối liền với đại dương bao la của Ngài để Ngài thất sự được ở trong chúng ta mãi mãi (Ga 6,56). “Như Cha hằng sống đã sai Ta, và Ta sống bởi Cha, cũng thế, ai ăn Ta sẽ sống bởi Ta” (Ga 6,57).
Ngay từ đầu lịch sử Giáo hội, các tín hữu đã có thói quen tập hợp lại để cử hành Thánh lễ trong Ngày Chúa Nhật, tức là Ngày Phục sinh của Chúa. Về sau, Giáo hội đặt ra luật buộc các tín hữu phải có mặt trong Thánh lễ Chúa nhật và rước lễ trong Mùa Phục sinh. Đối với những ai hiểu được ý nghĩa của Thánh lễ và ơn ích cao trọng của Đức Kitô, thì sự bó buộc ấy không là một gánh nặng. Trái lại, họ còn xem đó là một đặc ân đáng trân trọng là khác. Họ cảm thấy cần phải tham dự càng nhiều càng tốt vào bàn tiệc của gia đình Chúa Kitô. Chính Chúa là Đấng mời gọi anh chị em của Ngài vào bàn tiệc ấy. Ngài tự trao ban cho chúng ta như của ăn cho sự sống trường sinh. “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống trường sinh và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54).
BÍ TÍCH GIAO HÒA
Bí tích giao hòa là quà Phục sinh của Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Trong buổi chiều Phục sinh, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Hãy lãnh nhận Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc” (Ga 20,23).
Tình yêu vẫn chưa thấm nhập vào từng thớ thịt của quả tim và tâm hồn chúng ta. Không ai có thể nói được rằng mình không hề phạm tội trong tư tưởng, lời nói, hành động và thiếu sót. Đó là lý do tại sao chúng ta xưng thú với nhau khi bắt đầu Thánh lễ. Thánh Gia-cô-bê đã nhắc nhở chúng ta rằng: “tất cà chúng ta đều có nhiều lỗi lầm” (Gc 3,2). Trừ phi một người nào đó hoàn toàn khước từ Tình yêu của Chúa, tội lỗi của con người vẫn không thể xóa bỏ được khỏi tâm hồn mình tư cách làm con Chúa. Trong trường hợp này, tội lỗi được gọi là “tội nhẹ”. Đó là những tội mà không ai có thể tránh khỏi. Nhưng có một số tư tưởng, lời nói, hành động và thiếu sót mà con người cố tình làm với tất cả hiểu biết như một khước từ thánh ý Chúa. Đó là những tội hoàn toàn đối nghịch với Tình yêu của Chúa và tha nhân. Trong trường hợp này, con người hoàn toàn khước từ sự thiện và chọn lựa điều xấu với tất cả hiểu biết của mình. Chúng ta gọi hành động đó là “tội trọng”. Điều này không dễ xẩy ra trong đời sống của một người xem trọng đời sống đức tin của mình. Đó không là điều thường xẩy ra trong cuộc sống mỗi ngày. Nhưng con người yếu đuối cho nên một điều bất hạnh như thế không phải là không thể xẩy ra. Đối với những ai xem thường một số tội, những lời trong thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu Cô-rin-tô thực đáng suy nghĩ: “Đừng lừa dối mình. Anh em không biết rằng những kẻ bất chánh sẽ không được hưởng Nước Chúa đó sao? (1 Cr 6,9).
Như vậy thì không còn hy vọng nào cho những tội nhân bất hạnh như thế sao? Không, cám ơn Chúa. Lòng nhân từ của Thiên Chúa không có giới hạn. Tình yêu của Chúa Kitô không có biên giới. Ngài vẫn còn mời gọi, vẫn chờ đợi, vẫn tìm kiếm những con chiên lạc. Tuy nhiên, để có thể được tha thứ, tội nhân cần phải hết lòng sám hối và đền bù vì những thiệt hại mình đã gây ra và đến xưng thú với một linh mục là đại diện của Giáo hội và được Chúa Kitô ban quiyền để tha thứ. Khi đã được tha thứ, người đó mới được phép đến gần bàn thờ Chúa như một chi thể lành mạnh của Giáo hội. Tâm hồn của người đó sẽ được sống lại bằng Tình yêu được diễn tả trong và qua bàn tiệc của Chúa.
Thật ra chúng ta chỉ bắt buộc phải chạy đến với bí tích giao hòa khi chúng ta ý thức được những tội trọng mà chúng ta chưa xưng thú. Tuy nhiên, chúng ta cũng được khuyên tìm đến với bí tích này như một phương thế hữu hiệu để chiến đấu với những tội lỗi khác. Những lời khuyên nhủ của vị linh mục giải tội cũng rất hữu ích cho chúng ta. Điều nguy hiểm cho chúng ta đó là khi chúng ta tự nhủ rằng điều xấu là tốt, phạm tội là điều tự nhiên, thờ ơ là lẽ khôn ngoan, tiêu cực là sự thường tình. Hiểu được rằng điều xấu tự nó là xấu: điều đó quan trọng biết chừng nào! Điều xấu ấy vẫn mãi mãi là xấu ngay cả khi chính tôi là người đã phạm. Quả thực điều đó là xấu, nhưng tôi vẫn còn có thể được tha thứ.
Tòa giải tội là nơi duy nhất mà ngày nay con người không khoe khoang nhân đức hoặc biện hộ cho những lỗi lầm của mình, mà là nơi để họ đến và chỉ nói lên những điều xấu mình đã làm mà thôi. Hành động như thế, họ nhìn nhận rằng có một cái gì đó không phù hợp với ơn gọi Kitô hữu của họ và họ muốn khử trừ điều đó. Một cuộc xưng tội tột đẹp là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc nhân từ và hay cảm thông. Đó là một nguồn vui lớn. Chúng ta được tha thứ. Chúng ta được tẩy rửa tội lỗi chúng ta. Một lần nữa, chúng ta lại lên đường đi theo Chúa. Tuy nhiên, có một điều chúng ta không bao giờ có thể quên được: đó là để được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta phải tha thứ cho nhau. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến điều đó không biết bao nhiêu lần: “Nếu các ngươi tha thứ cho những ai xúc phạm đến các ngươi, Cha các ngươi Đấng ngự trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi. Nếu các ngươi không tha thứ cho những ai xúc phạm đến các ngươi, Cha trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các ngươi” (Mt-,14-15). Điều kiện và đồng thời cũng là hiệu quả của sự giao hòa của chúng ta với Chúa chính là sự giao hòa của chúng ta với người khác, bằng cách tha thứ cho họ đến “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Chỉ có những ai cảm thấy cần được Thiên Chúa tha thứ mới thấy cần phải tha thứ cho người khác. Chỉ có những ai cầu nguyện mỗi ngày “Xin Cha tha nợ chúng con” mới có thể tha thứ cho những ai đã xúc phạm đến mình.
BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN
Có một bí tích tương tự với bí tích giao hòa. Đó là bí tích xức dầu bệnh nhân. Thánh Gia-cô-bê nói về bí tích này như sau: “Trong anh em có ai đau yếu ư? Anh em hãy mời các trưởng lão trong Giáo hội lại để họ cầu nguyện cho người đó bằng cách xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện trong đức tin sẽ cứu thoát bệnh nhân và Chúa sẽ chữa lành người đó. Nếu người đó có phạm tội, người đó cũng sẽ được tha thứ” (Gc 5,14-15).
Trong bí tích này, Chúa Giêsu trợ giúp cho anh em của Ngài có thể vác thập giá của bệnh tật bằng sự kết hiệp với chính thập giá của Ngài. Nhờ quyền lực của Phục sinh, Ngài cho họ lướt thắng được cơn cám dỗ của thất vọng, sợ hãi hoặc lung lay trong niềm tin vì bệnh tật gây nên. Ngài hướng dẫn họ một cách an toàn đến cuộc sống vĩnh cửu. Nếu Chúa muốn, bí tích này đôi khi cũng giúp cho bệnh nhân được bình phục. Do đó, không nên xem bí tích này như bí tích chỉ dành riêng cho những người đang hấp hối. Chính vì thế mà ngày nay, Giáo hội không còn gọi bí tích này là xức dầu lần cuối cùng, mà là xức dầu bệnh nhân. Những người già cả, cho dẫu khỏe mạnh cũng được phép lãnh nhận bí tích này. Cho dẫu sức khỏe không được hồi phục, bí tích này vẫn giúp cho các bệnh nhân chấp nhận đau khổ trong niềm vui và bình an của Chúa Kitô, bằng cách cho họ hiệp thông với sự đau khổ của Đấng Cứu Thế. Bệnh nhân có thể lấy lời của Thánh Phaolô làm chính tâm tình của họ: “Giờ đây vì anh em tôi vui mừng vì chịu đau khổ. Trong thân xác tôi, tôi bổ túc cho những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô vì lợi ích của Thân Thể Ngài là Giáo hội” (Cl 1,24). Điều còn “thiếu sót” không phải là một thiếu sót của Chúa Kitô, mà là thiếu sót của chúng ta. Nếu chúng ta chấp nhận với tinh thần của Chúa Kitô, thập gía của Ngài sẽ bao trùm tất cả và sẽ được hoàn thành trong sự Phục sinh.
BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
Có hai bí tích giúp con người thực thi một sứ mệnh đặc biệt trong cuộc sống. Một trong hai bí tích đó là bí tích qua đó các giám mục được thánh hến và linh mục được phong chức. Như chúng ta đã nói, nhờ sự đặt tay của một giám mục kèm theo lời cầu nguyện thích hợp, Chúa Kitô đón nhận những phần tử mới vào đoàn ngũ tông đồ của Ngài, nghĩa là cho họ được tham dự vào ơn gọi của các tông đồ, tức giảng dạy, lãnh đạo các cộng đồng Giáo hội, dâng Thánh lễ và cử hành các bí tích khác. Nhờ bí tích này, Ngài cũng ban cho họ những ơn cần thiết để thi hành bổn phận của họ.
BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Bí tích thứ hai giúp cho con người thực thi một sứ mệnh đặc biệt trong cuộc sống là bí tích hôn phối. Trong bí tích này, Chúa Kitô ban ơn trợ giúp cho các đôi vợ chồng để họ sống đức tin và tình yêu thương theo cách thế riêng của đời sống hôn nhân. Nếu không có Chúa đồng hành trong cuộc sống, họ khó có thể trung thành với nhau suốt cả đời. Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những cặp vợ chồng tín thác nơi Ngài. Nhờ ơn Ngài, các đôi vợ chồng yêu thương nhau giống như chính Chúa Kitô yêu thương Giáo hội của Ngài (Ep 5,25-33).
Bí tích hôn phối được hiện thực qua sự ưng thuận của hai người nam nữ trao cho nhau. Bằng sự ưng thuận hỗ tương này, hai người chia sẻ cho nhau chính ân sủng của Chúa Kitô. Ơn sủng này giúp giúp họ thể hiện được Tình yêu của Chúa Kitô qua tình yêu của họ dành cho nhau và ho con cái họ. Một cuộc sống hôn nhân như thề được x6ay dựng trên tình yêu thương và sự cầu nguyện mỗi ngày. Đây là một cuộc sống đòi hỏi nhiều hy sinh, nhưng cũng là một cuộc sống tràn ngập hạnh phúc bởi vì được cắm rễ trong niềm tin tưởng vào Chúa và vào nhau. Một gia đình như thế là một tế bào sống của Giáo hội; cho dẫu là tế bào nhỏ nhất, nhưng hẳn phải là đơn vị quan trọng nhất.
MỘT CUỘC SỐNG VỚI CHÚA
Bảy phép bí tích là bảy nguồn suối nước trường sinh! Đây là bảy hành động nhờ đó Chúa Kitô đến được với con người và lôi kéo họ đến với Ngài, cũng như làm cho họ có thể đi trên những dấu chân yêu thương của Ngài, để đến với Thiên Chúa và tha nhân. Ai thường xuyên lãnh nhận các bí tích, nhưng lại không muốn yêu thương tha nhân một cách cụ thể bằng hành động và lời nói, không muốn cố gắng sống theo con đường của Chúa Kitô, kẻ ấy là người dối trá và giả hình. Thánh Gioan viết: “Ai nói ‘tôi yêu Chúa’, nhưng lại ghét anh em mình, thì người đó là kẻ nói dối. Bởi vì nếu không yêu thương người anh em mình thấy trước mắt, thì không thể yêu thương Thiên Chúa là Đấng mình chưa từng thấy” (1 Ga 4,20). Làm thế nào gọi là yêu Chúa, nếu tha nhân là người rất quan trọng đối với Chúa, lại không là gì đối với ta? Các bí tích vừa là nguồn ơn sủng lại cũng vừa trao phó cho chúng ta một sứ mệnh. Mỗi một ơn huệ của Chúa đều đi kèm với một sứ mệnh. Một cuộc sống được nuôi dưỡng bằng bí tích là một cuộc sống trong đó tình yêu Chúa và tình yêu tha nhân không tách biệt nhau.
Đời sống với Chúa là một đời sống cầu nguyện. Chúa Kitô thường xuyên cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta rằng khi chúng ta cầu nguyện thì đừng có nhiều lời, nhưng hãy nói với Chúa một cách đơn sơ nt em bé nói chuyện với cha nó (Mt 6,9). Không cần phải kể lể dài dòng về những nhu cầu của chúng ta (Mt 6,7-8.32). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không hề có ý nói rằng cầu nguyện là thừa thãi. Trái lại là khác. Ngài dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn (Lc 18,1).
Khi cầu nguyện, đôi khi chúng ta chúc tụng Chúa. Có lúc, chúng ta tạ ơn Ngài. Rồi chúng ta lại xin Ngài ban ơn, vì chúng ta luôn cần sự giùp đỡ của Ngài. Tuy nhiên, một lời cầu xin đích thực không bao giờ thôi thúc Chúa hoặc đặt ra giới hạn cho Ngài. Trái lại, lời cầu nguyện luôn phải được trao phó trong tay Ngài” “Xin vâng Ý Cha”.
Từ xa xưa người Kitô hữu có thói quen cầu nguyện mỗi ngày sáng tối hai lần. Cầu nguyện như thế nhắc nhở chúng ta về cùng đích của cuộc đời. Tuy nhiên, thói quen nào cũng dễ thành nhàm chán. Không thể xem thường tầm quan trọng của việc cầu nguyện chung trong gia đình, nhất là ban tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, những giây phút cầu nguyện ngắn ngủi ấy mới chỉ là những bước khởi đầu trên con đường tiến sâu vào thế giới cầu nguyện. Chỉ có những tâm hồn nào luôn tỉnh thức trước sự hiện diện yêu thương của Chúa mới thực sự đạt đến chiều sâu của thế giới cầu nguyện. Tựu trung, cầu nguyện đích thực là luôn ở với Chúa và nhớ về Ngài. Một khi tâm hồn chúng ta luôn tỉnh thức về sự hiện diện của Ngài, lúc đó, chúng ta hầu như đã đạt được một bản năng thứ hai: đó là có thể giang rộng cánh tay để đón nhận mọi người.
Do đó, đời sống Kitô hữu cũng là một đời sống với và cho tha nhân. Chúng ta không sống cho riêng mình, nhưng cho người khác: chồng cho vợ, vợ cho chồng; cha mẹ cho con cái; bác sĩ cho bệnh nhân; tất cả mọi người chúng ta cho tha nhân, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, một xã hội nhân bản xây dựng trên công lý và tình thương. Sống cho mọi người đã đành, nhưng chúng ta cần phải quan tâm đến những người đau khổ, những người nghèo khổ và bị áp bức nhiều hơn. Trong bài diễn văn về ngày phán xét, Chúa Giêsu nói: “Ta nói thật với các ngươi, tất cả những gì các ngươi làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Những gì chúng ta làm cho chúng ta, chúng ta chỉ làm cho bản thân mình thôi. Nhưng những gì chúng ta làm cho người khác, thì đó là những gì chúng ta làm cho Chúa Kitô. Hành động như thế, chúng ta đang gieo vãi những hạt giống của sự sống vĩnh cửu. Công đồng Va-ti-can II nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu và hoa trái của tình yêu sẽ tồn tại mãi mãi (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 39). Và đó là niềm hy vọng của chúng ta.
SUY TƯ VÀ THẢO LUẬN
1. Đối với tôi, các bí tích có phải là một cuộc gặp gỡ đích thực trong đức tin với Chúa Kitô không? Hay tôi chỉ lãnh nhận các bí tích như một thói quen?
2. Tôi có xem việc được rửa tội như một dấu chỉ của ơn Chúa không? Ánh sáng của nến rửa tội và màu trắng của chiếc áo rửa tội còn chiếu sáng trong tâm hồn tôi không? Những lời của Thánh Phaolô: “anh em là con cái sự sáng” (Ep 5,8) có thực sự áp dụng cho chính tôi không? Tôi sẽ trả lời như thế nào nếu có người hỏi tôi là ai? Tôi có trả lời rằng “tôi là con Thiên Chúa Cha, chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, đền thờ của Chúa Thánh Thần” không? Hay tôi cho rằng những mối tương quan hoàn toàn nhân loại quan trọng hơn để nói lên căn tính của tôi?
3. Đâu là “sức mạnh” đã được ban cho tôi trong bí tích thêm sức? Chúa Kitô quan niệm như thế nào về “sức mạnh”? Quan niệm ấy có khác với quan niệm thông thường của chúng ta không?
4. Tham dự Thánh lễ là một ân huệ hay chỉ là gánh nặng đối với tôi? Thánh lễ được gọi bằng nhiều danh từ khác nhau như ‘Bữa ăn của Chúa’, ‘Hy tế của Giao ước mới’, ‘bữa ăn Vượt qua của các môn đệ Chúa Kitô’, ‘chia sẻ bánh hằng sống từ trời xuống’ và ‘nguồn ơn và tuyệt đỉnh của đời sống Giáo hội’. Đâu là ý nghĩa của mỗi kiểu nói trên đây? Những kiểu nói ấy liên hệ với nhau như thế nào? Chúa Kitô sống động và hiện diện giữa chúng ta bằng cách nào? Bữa ăn tối của Chúa có ý nghĩa gì đối với Thánh Phaolô (1 Cr 10 và 11)? Thánh Gioan nghĩ gì về bữa ăn ấy? (Ga 6).
5. Tôi có đủ thành thực và can đảm nhận những lỗi lầm và xin Chúa và Giáo hội tha thứ không? Hay tôi lại cố gẮng tự bào chữa cho tôi nhưng lại kết án người khác? Những lần xưng tội của tôi chỉ là những công thức chiếu lệ hay là một cuộc gặp gỡ thực sự với lòng nhân từ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô? Tôi có sẵn sàng để tha thứ cho người khác “70 lần 7” không? Hay tôi đặt ra những giới hạn cho sự tha thứ của tôi? Tôi có nhận thức rằng các mối tương quan của con người không thể chỉ được xây dựng trên công bình mà thôi không? Tôi có ý thức rằng những tương quan giữa người với người phải được phát triển do lòng nhân từ không? Nhân từ mà không có công bình và công bình mà không có nhân từ: cả hai đều chưa đủ để xây dựng một xã hội nhân bản. Vậy tôi phải hành động như thế nào?
6. Tôi có xem hay sống đời hôn nhân như một sự cụ thể của Tình yêu Chúa Kitô, được xây dựng trên đức tin không? Những lời của Chúa Kitô “Ở đâu có hai hoặc ba người họp lại vì danh Ta, thì có Ta ở giữa họ” (Mt 18,20) có áp dụng cho gia đình tôi không? Cách cư xử của tôi có giúp cho mọi phần tử trong gia đình tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô giữa họ không?
7. Cầu nguyện có phải là hơi thở đối với tôi không? Tôi có cảm thấy được thôi thúc để dành một phần thời gian cho sự cầu nguyện không? Tôi có thể lắng nghe “những tiếng thì thầm của thinh lặng” không? Hay tôi luôn luôn cần có những tiếng ồn ào để lấp đầy sự trống vắng trong tôi? Sự cầu nguyện của tôi là một thói quen máy móc hay là một phần của chính tôi? Bao nhiêu lần tôi hành động cho tôi và bao nhiêu lần tôi hành động vì Thiên Chúa, vì Chúa Kitô, vì tha nhân?

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang