Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO TẠI QUẢNG NAM NĂM 1623 VÀ VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ

BỨC THƯ CỦA FRANCISCO DE PINA
Tác giả Roland Jacques

Trần Duy Nhiên
chuyển ngữ

Tài liệu Tập San ĐỊNH HƯỚNG

(Bức thư được chuyển ngữ ra tiếng Việt từ bản dịch tiếng Pháp, có đối chiếu với bản dịch tiếng Anh)
Ít ai biết đến những người đi trước Alexandre de Rhodes trong công trình đóng góp cho tiếng Việt. Đặc biệt, đây là trường hợp người thầy của ông là Francisco de Pina, người mà ông đã tỏ lòng tri ân trong lời tựa cuốn tự điển của mình. Tuy nhiên, các tài liệu lưu trữ về bước đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến Francisco de Pina, trong đó có một bức thư của ông mà đến giờ này chưa được xuất bản.
Những năm vừa qua, tôi chuẩn bị viết một cuốn sách về ‘những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực ngữ học Việt Nam’, và Pina sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm này. Xin gởi đến độc giả của Định Hướng, như một hoa quả đầu mùa, nguyên bản bức thư của nhà thừa sai và nhà ngữ học tầm cỡ này, kèm với những chú thích bên lề. Muốn đọc những bình luận đầy đủ hơn, đề nghị độc giả tham khảo cuốn sách của tôi.


[Đầu năm 1623]
Bình an Chúa Kitô.
Kính thưa cha, chúng con rất ước ao được cha cho biết tin về Macao, về những gì đã xảy ra với người Hòa Lan, và về những chiến công mà Chúa chúng ta đã ban cho thành phố ấy. Chúng con đã nhận được vài thông tin về các việc này vào ngày hai mươi lăm tháng mười [1622] từ một con thuyền của người Trung Hoa, nhưng tin tức rất mơ hồ, và chúng con cũng vừa biết được rõ hơn ít nhiều từ phía Nhật Bản; nhưng kính thưa cha, chúng con mong được cha cho biết tin về những ân huệ mà Chúa đã nhân lành thực hiện ở đấy để yên ủi chúng ta.
Về những công việc của Giáo Điểm này, cha sẽ rõ hơn khi đọc bản báo cáo thường niên. Theo thánh ý Chúa, năm nay người Nam Kỳ đã mở mắt ra để nhìn thấy Đạo này, mà họ gọi là Đạo Pha Lăng (Hoa Lăng Đạo – Đạo Bồ Đào Nha): nhìn rõ hơn bao giờ hết. Tại Kẻ Chàm[1], con đã thu hoạch hoa quả mà mình từng gieo năm ngoái, dù phải trả giá bằng những cuộc tranh luận đối lập cam go, và còn hơn thế nữa. Như vậy, dù con không xứng đáng, Chúa chúng ta đã muốn yên ủi con. Thật vậy, người ta trách móc con đủ điều: “Cha muốn làm gì với Kẻ Chàm đây?”, “Vì sao những người ở đấy lại không sinh hoa kết quả trước hết?” Ai ai cũng chất vấn con, bề trên cũng như bề dưới, đến nỗi chỉ nói đến việc đi Kẻ Chàm thôi thì con cũng thấy sợ hãi rồi; hay đúng hơn, khi con vừa mở miệng, thì người ta bảo ngay: “Cái ông cha này, ông ấy muốn làm gì với Kẻ Chàm đây?”. Ai không đi cày thì không biết lưỡi cày có đâm sâu xuống đất hay không, và cũng không biết đất ấy là loại đất nào; về phần con, con nhìn thấy nhiều người có thiện tâm, có khuynh hướng tự nhiên đón nhận ơn Cứu Độ, và sẵn sàng mở lòng đối với Nước Trời: chính vì thế mà con không mệt mỏi giảng dạy giáo lý cho họ. Cuối cùng, mùa màng đã trổ sinh. Điều con hối tiếc, ấy là mình không đạt được kết quả đó nhờ lòng kiên nhẫn: giá như con có được lòng kiên nhẫn, con hẳn được yên ủi hơn và làm đẹp lòng Chúa hơn. Do đó, kể từ năm nay, dựa trên những bước đầu đầy hứa hẹn này, chúng ta có quyền hy vọng thu hoạch nhiều hoa quả hơn nữa.
Ba người đã trở lại. Họ là những tôn sư và những nhà lãnh đạo các giáo phái trên đất nước này. Con đã và đang làm hết sức mình để đặt nền tảng vững chắc vào lòng họ. Một người trong ba người ấy có hai ngôi chùa và một cộng đoàn tín đồ. Một ngôi chùa đã vững vàng và có thu nhập, và các tín đồ đã hứa theo chân Thầy mình; còn tại chùa kia, gỗ đã được chuẩn bị và sẵn sàng để được dựng lên; nhờ ơn Chúa phù trợ, những gỗ ấy sẽ được dựng lên cho Thiên Chúa. Mặt khác, một bà lớn khác cũng đã trở lại; đấy là một bicuni (sư cô), và họ xem là người lãnh đạo của mình; trước kia bà rất giàu, nhưng bà đã chọn nếp sống nghèo, sau khi dâng cúng tài sản của mình cho các sư sãi và chùa chiền. Bà cho xây một ngôi chùa, và hiến tặng cho con ngay sau đó; nhưng cần phải dời ngôi chùa ấy khỏi chỗ của nó hiện nay, nghĩa là trong một cánh rừng, và chuyển ra phố để biến nó thành nhà thờ và giáo xứ. Ngoài các trường hợp trên, cách đây vài ngày, có một nhà sư đến hiến cho con ngôi chùa của ông cùng với cộng đoàn tín đồ; nhưng ngôi chùa này thì nhỏ, và các căn nhà không lấy gì đồ sộ.
Tất cả những cở sở này, cũng như ngôi nhà hay nhà nguyện Kẻ Chàm và nhà nguyện Cửa Hàn[2], đều thiếu thốn mọi sự, vì không có ảnh tượng, dù là ảnh bằng giấy; và theo thiển ý, những nơi ấy vẫn cứ mãi như thế cho đến khi có ảnh tượng để trưng bày đúng chỗ hầu Kitô hữu có thể đến cầu nguyện vào các ngày chúa nhật. Vì thế, kính thưa cha, con xin cha xem xét việc này; và nếu cha không dám gởi đến đây nhiều người mà cha có sẵn, thì xin hãy phái Thầy Tadeu (Tađêô) đến với chúng con. Khi đến đây, thầy nên đem theo nhiều sơn màu, ít ra là bước đầu – sau này, những người được thầy vẽ ảnh tượng có thể đóng góp ít nhiều để mua sơn; và [thầy cũng nên đem theo] các tràng hạt, ảnh đạo, hòm thánh tích, thánh giá, vân vân. Ở đây chẳng có một món nào, và bên ấy không gởi gì đến cho chúng con cả; chỉ có mấy cha, với tư cách cá nhân, đã gởi đến cho con độ hơn chục món đồ thờ phượng, mà năm nay con đã phân phát cho một vài Kitô hữu nòng cốt; ở đây, người ta rất chuộng các tràng hạt bằng xương, mà bên ấy thì giá cả không cao. Quả thật, kính thưa cha, chúng con biết rõ là cha đã ra lệnh cung cấp cho chúng con mọi thứ, nhưng người ta không thực hiện gì cả. [Cần phải có] [3], mà chúng con chưa cần đến trong giai đoạn ban đầu này, giai đoạn mà chỉ có những ảnh tượng của Chúa, hay của Đức Mẹ với Hài Nhi, thì mới thực sự cần thiết để giáo dục [đức tin cho] trẻ em…>[4]-
Ngoài ra, nếu cha chấp thuận và nếu có sẵn người, hẳn là một trợ giúp không phải không đáng kể nếu cha phái đến, dù chỉ là hai hay ba người, để chúng con có thể mở thêm một nhà nữa cho giáo sở chúng con; theo thiển ý, nhất thiết phải chọn Kẻ Chàm, vì cần phải bắt đầu vun trồng cho nơi này cùng với sự trợ lực, và theo phong cách riêng, của một nhà [dòng] chính hiệu. Họ cũng có thể cư ngụ tại nhà này, vì có phương tiện sinh sống; nhưng ở đây chúng con chỉ nói tiếng Nhật và tiếng Bồ Đào Nha, và không ai nói tiếng An Nam cả. Còn nếu ta gởi họ đến Pulo Cambi (Quy Nhơn) để học, thì sẽ không có ai để hướng họ đi đúng đường trong bước đầu, là bước rất khó khăn; mặt khác, cần phải gởi cho cha Buzomi một người đồng hành, vì cha đang sống một mình cùng với một Thầy. Kính thưa cha, hoàn cảnh hiện nay là thế đấy, xin cha xem xét trong Chúa chúng ta điều mà cha nghĩ rằng mình nên làm.
Về việc học ngôn ngữ, thì Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất, vì Triều Đình được đặt nơi đây; người ta nói năng rất chuẩn và có nhiều thanh niên[5] học trò qui tụ về, nên những ai bắt đầu học ngôn ngữ có thể tìm được sự giúp đỡ nơi các học trò ấy. <> hoặc có nhận ra một dấu thanh sắc nào là đúng hay sai. Thật vậy, cho đến hôm nay, cha chưa bao giờ hỏi con một chữ nào; khi cậu thanh niên giúp việc không biết một từ hay không hiểu nghĩa từ  ấy, thì cha bảo: “Đi hỏi cha kia đi!” Đối với con, việc Cha Bề Trên đến đây là một sự nâng đỡ; nhưng dù cha có nhiều đức tính tốt, thì đối với các cung điệu và các âm vực, con không biết cha có thực sự am hiểu và có khả năng phân biệt chúng chăng; bởi vì, dù cha có nói một tiếng hay không nói gì cả, thì kết quả cũng gần như nhau. Dù sao, đấy là điều mà các Kitô hữu tại Kẻ Chàm đã nói lại với con, vì cha đã đến đấy nhiều lần; [họ bảo rằng] cha không nói gì khác hơn là “Chẳng phải, ông phải” và họ ngạc nhiên vì sau một năm cha không biết được gì nhiều hơn.
Về phần con, con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù con cũng đã tập hợp những câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn của các tác giả, hầu xác định ý nghĩa của các từ ngữ và các mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến giờ này con vẫn còn phải nhờ một người đọc để con ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho những người của chúng ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng, như từng học Cicéron và Virgile. Ngoài ra, con đã tuyển được ba tập các bản văn có lý giải trong số những tác phẩm hay nhất mà con tìm thấy tại Vương Quốc này. Công việc thì con không thiếu, và đây là phần việc của con; nhưng con lại rất ít được trợ giúp, và đó là phần việc của các đấng bề trên.
Năm nay, Cha Bề Trên đã quyết định bắt đầu ra ngoài cùng với [người thông ngôn], chú Anrê, để đem hết khả năng mà truyền giảng về các điều của Thiên Chúa. Anrê có khả năng xoay sở, vì chú đã từng nghe con giảng vài lần; nhưng đối với những vấn đề liên quan đến các giáo phái và các cuộc đối lý đối lẽ, chú không thể đi xa hơn, vì chú chưa được chuẩn bị, và đối với Cha Bề Trên cũng thế, vì cha không biết tiếng nói. Augusto, anh jurubaça (thông ngôn) của Cha Buzomi, đã học về ngôn ngữ và về các giáo phái; nhằm mục đích này Cha đã mướn một gia sư dạy anh, và bây giờ anh là ngôi sao tại Pulo Cambi. Trở lại với Anrê; năm ngoái, khi con muốn cho chú học thêm, thì Cha Bề Trên đã giữ chú lại để học ngôn ngữ và thực hành với chú, nên cha không cho chú đi học. Do vậy, khả năng chú còn kém, và con không biết chú có bền đổ ở lại trong nhà một thời gian lâu nữa hay không.
Về các việc trong nhà, sức khỏe của tất cả chúng con tạm bình thường, trừ trường hợp của riêng con và của Thầy José (Giuse). Thật vậy, vào đầu năm nay, chúng con đã đến một giáo điểm và uống nước tại đấy, sau đó chúng con đã ngã bệnh trầm trọng; phần con, con đã nằm một chỗ năm mươi ngày, kể cả thời gian dưỡng bệnh, và bệnh con tái phát trong suốt ba tháng tròn. Cha Bề Trên, qua việc nêu gương lành và tuân giữ sít sao các qui định, đã chỉ dạy chúng con, làm cho chúng con ngạc nhiên và khiến chúng con xấu hổ; tuy nhiên cần phải nói rằng, trong các giáo điểm, cách sống rất mực thước và rất thâm trầm không lôi cuốn được nhiều người. Cha hiếm khi đi thăm viếng các người Nhật. Suốt năm vừa qua, cha ở đây cùng với Cha già; thế nhưng một vài người Nhật thuộc hàng khả kính đã lâm bệnh trong một thời gian dài và bệnh rất trầm trọng, thế nhưng không ai biết đến họ cả: Cha cao niên thì ở nhà cầu nguyện, và Cha Bề Trên thì học [tiếng Việt]…
Kính thưa cha, cha biết rất rõ là người Nhật thích chén tạc chén thù. Thật là tốt lành nếu thỉnh thoảng mời họ đến dự một furumai (bữa tiệc). Con đã từng cố gắng tổ chức hai lần, một lần cho những vị lãnh đạo, và một lần cho những nhân vật quan trọng và ân nhân; hai lần ấy được tổ chức vào các ngày lễ của tổ phụ chúng ta là Thánh Inhã và thánh Phanxicô Xaviê. Một cơ hội tốt khác, ấy là trong mùa thuyền mành: một lần, con mời các thuyền trưởng, và lần khác mời các doanh nhân hàng đầu, các nhân vật quan trọng, các ân nhân và thân hữu. Cha Bề Trên cảm thấy khó chịu trong việc này, vì cha nghĩ rằng mình hoang phí tiền bạc; tuy nhiên cha không có kinh nghiệm là thường thường thì ta có lợi hơn, và theo thiển ý của con, không chỉ có lợi là kết hợp được các người thiện chí, mà có lợi ngay trong vấn đề tiền bạc và lương thực cho bữa tiệc nữa.[6] Hiếm khi con tổ chức một furumai mà không có một ai đó gởi tiền của đến ủng hộ buổi lễ, mà [cũng hiếm khi] không thừa ra.
Kính thưa cha, tình cảnh là như thế đó; cha có thể xét xem mình phải xử sự thế nào cho tốt nhất, và ra lệnh cho phù hợp, để tránh trình trạng người thì làm không hết việc, kẻ thì ăn rồi ngồi không. Theo thiển ý của con, dựa trên những gì con nhìn thấy và trên kinh nghiệm bản thân, thì hai lần mời tiệc vào mùa thuyền mành là điều không thể bỏ qua được; đối với những người [Nhật] thường trú tại đây, chỉ cần mời một lần thôi, nhưng tùy theo hoàn cảnh, thì hai lần cũng có thể là cần thiết.
Kính thưa cha, Cha Bề Trên đã đúng khi cố hết sức mình để hành xử phù hợp với các chỉ thị mà cha nhận được kể từ ngày cha sang đây, và trước tiên là về vấn đề chi tiêu. Nhưng sai lầm trong quan niệm của cha, ấy là đôi khi cha tưởng rằng mình tiết kiệm đồng tiền truyền giáo khi nào cha chẳng có lấy một đồng bạc; thế nhưng, theo cách này, cha tiết kiệm một đồng để rồi lại mất đi hai đồng.
Kính thưa cha, năm ngoái con viết cho cha rằng con đã mua hai ngôi nhà của bà mẹ cô Gioanna tại Kẻ Chàm, mỗi nhà có ba căn, một nhà dùng để ở và nhà kia làm nhà nguyện. Mục đích của con là chúng ta có được một cơ ngơi thuộc quyền sở hữu của mình tại một địa bàn rất quan trọng của Vương Quốc này, để chúng ta có thể dâng thánh lễ và tiếp tục gieo trồng và nuôi dưỡng nhóm Kitô hữu tại đây. Thực ra, nếu ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của chúng ta thì vài người sẽ dễ dàng đến đây, và họ sẽ không đến nếu đó là cơ ngơi của một người khác, bởi lẽ họ không quen biết chủ nhân của ngôi nhà. Con cũng đã mua như thế là vì một ngôi nhà làm sẵn thì giá cả rẻ hơn. Vả lại, ở giai đoạn đầu như hiện nay, thì các ngôi nhà đấy là đủ cho chúng ta rồi: quả thật, dù sao đi nữa chúng cũng thuộc quyền sở hữu của chúng ta, cho nên thế nào cũng có thêm vài người nữa, vì tình yêu Chúa, sẽ đến với chúng ta… <…>
Trong mỗi ngôi nhà, cần có ít nhất là ba [thanh niên] giúp chúng ta những việc vặt vãnh trong nhà, và ta nên dành cho họ thì giờ để họ học chữ, học ngôn ngữ của họ cũng như ngôn ngữ của chúng ta. Muốn như thế, vì thiện ích của Miền Truyền Giáo này và nhằm những bước phát triển về sau, chúng con cần được giúp đỡ, và kính thưa cha, cha hãy cho phép chúng con được linh động hơn một tí. Về phần con, ý thức về những khó khăn tài chánh của giáo điểm này, nên con luôn tiến hành công việc một cách thật đắn đo; con chưa bao giờ có được nhiều hơn hai thanh niên trong nhà cùng một lúc, và không phải lúc nào cũng có được hai người. Đấy là chưa nói đến việc các chú cư ngụ tại đây với tư cách là gia nhân để giúp việc trong nhà hơn là để được huấn luyện trở thành những người phụ giúp việc Chúa.
Trong những năm đầu, con đã dạy dỗ một chú tên là Anrê; kế đến chú đã ở với cha Marques với tư cách là người thông ngôn, và sau đó, nghĩa là hiện nay, Cha Bề Trên đưa chú về để cũng làm nhiệm vụ ấy. Giá như cha không làm như thế, thì hẳn cha đã nhốt mình trong nhà mà làm bao nhiêu việc khác, và không có một ai để cha tập nói hoặc học một từ nào. Về phần người thanh niên thứ hai mà con đã dạy dỗ, tên là Francisco (Phanxicô), con đã nhận chú ở tuổi lớn hơn, và vì công việc đa đoan nên chú không thể học được gì cả. Như thế, chú không thực thi được nhiệm vụ gì ngoài việc cùng đi đây đi đó với con và nấu ăn, đến nỗi cha của chú phải nổi giận và bảo rằng ông phó thác chú cho chúng con là để chú được nên người và đi học, chứ không phải để làm bếp. Ông đã đi đến mức là nhiều lần sai người đến đem chú về, nhưng phần con thì con vẫn kéo dài thời gian.
Hiện nay, chú ấy đã hai mươi tuổi rồi, và sẽ không còn ở lại trong nhà bao lâu nữa. Năm nay, con muốn nhận vài chú nhỏ hơn, nhưng các chi phí khiến con e sợ. Vì thế, kính thưa cha, xin cha xem xét việc này trong Chúa chúng ta.
Đối với con, những thanh niên này không thực sự cần thiết, bởi vì con đã biết tiếng nói; nhưng đối với những người chân ướt chân ráo đến đây, và trong tương lai, thì các thanh niên ấy sẽ có việc để làm. Mặt khác, họ không muốn ở lại đây với con, vì con chỉ dạy cho họ viết chữ theo mẫu tự của chúng ta thôi; vì lý do đó, họ muốn đến Pulo Cambi ở với Cha Buzomi; cha sẽ cho họ đi học, tìm thầy cho họ; hoặc là họ muốn học tập ở nhà mình. Phần con, trong Tỉnh Dòng này, con không lông bông giữa việc học ngôn ngữ và việc truyền giảng giáo lý; vấn đề là con không có ai để nâng đỡ mình một tí. Chính bản thân con phải giảng dạy giáo lý, phải ra ngoài đi gặp những người mới đến và những người sắp đi, phải trò chuyện nơi này nơi khác… Chính bản thân con phải viếng thăm các Kitô hữu, những người ở gần cũng như ở xa, để biết được bệnh tình của họ và những biến cố vui buồn trong đời họ; và khi có chuyện gì xảy ra, nếu con không đi, thì không có ai đi cả. Những thông điệp quan trọng hoặc gởi cho những nhân vật có chức có quyền, thì không có ai mang đi cả, do đó, từ trước đến giờ, con gánh vác mọi việc trên đôi vai của mình.
Tại Pulo Cambi, Cha Buzomi có được hai hay ba ông sãi - bonzo giúp cha làm mọi việc. Như thế, nếu chuyện gì xảy ra, nếu có việc phải giải quyết hoặc những thông điệp quan trọng, cha phái người thông ngôn hoặc một trong các ông sãi; khi giờ giáo lý kết thúc, cha ra về, và họ thì ở lại hoặc để ôn tập, hoặc để chuyện trò với các dự tòng. Còn con thì phải làm mọi sự, và vì thế con cảm thấy mình rất mệt mỏi, kiệt quệ, về sức khoẻ và về mọi mặt. Vì vấn đề chi phí, Cha Bề Trên không cho phép có sự hiện diện của những ông sãi trong nhà chúng con. Thật vậy, ở đây có hai nhà sư đã trở lại, họ rất muốn ở cùng nhà với con; như vậy hẳn sẽ là chuyện hay cho việc gìn giữ ngôi nhà Kẻ Chàm: trên thực tế, cho đến nay, khi con không có mặt tại đấy, thì con giao lại cho một thanh niên trong số những người giúp việc cho chúng con. Và đặc biệt tại nơi ấy, vì có nhiều người thường xuyên tới lui, cần có sự hiện diện của một người đủ khả năng rao giảng vào ngày chúa nhật và đọc một vài kinh đạo khi không có thánh lễ; cũng cần có một người tiếp tục giảng dạy và giải thích giáo lý; nói cách khác, một người tưới nước cho những cây đã trồng và tiếp tục trồng cây. Thiếu tưới nước, ít ra trong bước đầu còn khó khăn này, thì thật là đáng tiếc, vì như thế những cây con còn non yếu sẽ không mọc lên mạnh mẽ được.
Kính thưa cha, xin cha xem xét tình trạng này, và trước nhan thánh Chúa, xin cha quyết định rồi ra lệnh phù hợp; phần con, trong giới hạn khả năng của mình, con sẽ tuân lệnh cha khi hành xử, nhưng nếu vượt qua giới hạn ấy, con không thể còn bị trói buộc nữa. Từ ngày con đến Miền Truyền Giáo này cho đến nay, con luôn bước đi một mình để phục vụ Giáo Điểm, và con chưa bao giờ dám chi tiền để có được một người giúp đỡ mình. Thật vậy, giá như con chi tiền để mướn một gia sư dạy con tiếng nói và chữ viết, thì ngày nay con đã là một người thợ rành nghề rồi; trong khi đó, chính vì lý lo trên, hiện nay con không biết chữ viết, và điều này là một thiếu sót đáng tiếc; về phần tiếng nói, vốn từ ngữ con có được là những gì mà con đã dùng móng tay mình để cào lên được từ mặt đất, và chỉ có thế thôi.
<<……>>
(Ghi chú của người sao chép: Chuyện này không có phần kết thúc)
[Faifo,.... 1623. Francisco de Pina, Dòng Tên, kính gởi Cha Jerónimo Rodrigues senior, Linh Mục Phụ Trách các Miền Truyền Giáo Nhật Bản và Trung Hoa, tại Macao][7]
Ghi chú của người chuyển ngữ:
- Những từ viết nghiêng là những từ được giữ nguyên như trong bản chính.
- Những cụm từ viết trong móc đơn [...] là những cụm không có trong bản gốc, nhưng dịch giả (các văn bản tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt) thêm vào cho rõ nghĩa.
- Những từ viết trong ngoặc đơn (…) là những từ giải thích một từ trước đó, hoặc do chính tác giả ghi, hoặc do các dịch giả ghi.
 ***
Cách trình bày của bản chép tay
Trong quyển sách đánh số 49/V/7 của bộ Jesuítas na Ásia, được lưu trữ tại Biblioteca da Ajuda, Lisbonne, cuối tờ 413r có ghi câu này: «Parte de 22, e 23, declaro de seis centos ; esta me parece de Pe Pinna », tạm dịch là: “[Tài liệu này] thuộc [năm] 22 và 23, tôi nói rõ: [năm một ngàn] sáu trăm; tôi nghĩ rằng [bức thư] này là của Cha Pina”. Bức thư được gán cho Francisco de Pina này chiếm độ chừng 7 trang viết tay (tờ 413r đến 416r), tiếng Bồ Đào Nha, xen lẫn vài cụm từ La Tinh, Nhật hay Mã Lai, và nhất là vài tiếng Việt Nam được ghi bằng mẫu tự La tinh – hẳn là sai thời điểm nếu ta bảo rằng đó là chữ quốc ngữ. Chữ viết rất sắc sảo và đều đặn, chứng tỏ đây là công trình của một nhà sao chép rành nghề. Tình trạng bảo quản của giấy và nét tương phản của mực còn rất tốt. Người sao chép đã ghi thêm ở cuối thư, tách khỏi nội dung văn bản bằng hai gạch và một ngôi sao, câu sau đây: «Nam tem fim esta hystoria», nghĩa là “Chuyện này không có phần kết thúc
Như mọi văn kiện trong bộ này, đây không phải là bản gốc tự tay Pina viết ra, nhưng là bản sao từ một bản gốc được lưu trữ, và được chép lại một thế kỷ sau đó. Khi sao các bức thư, người chép thường ghi lại tên người viết và người nhận, nơi và ngày viết, nhưng ông không tìm thấy những dữ liệu này trong bản viết tay ông có trước mặt: ngày tháng và tên tác giả, mà ông đề xuất một cách thận trọng, xuất phát từ việc phân tích nội dung.
Khi nghiên cứu để xuất bản, tôi đã đề ra giả thuyết sau: đây là bản sao của một văn bản chưa được hoàn tất, nói cách khác, đó là bản nháp của một bức thư hơn là chính bức thư ấy. Bản gốc, mà giờ đây ta chỉ còn lại bản sao, ít nhiều là một loạt các ý nghĩ ghi ra lộn xộn trên một tờ giấy, nhưng chưa phải là một bức thư hoàn chỉnh, giống như các bức thư mà người ta viết vào thời ấy. Bởi lẽ là một bản nháp, do đó ta cần phải bỏ ý định sắp xếp cho văn bản có được một bố cục mạch lạc. Dù sao, việc di chuyển hai phân đoạn cũng đã giúp chúng ta có được một bản văn mà ta hoàn toàn hiểu được ý nghĩa, như độc giả đã có thể nhận thấy.
Vì sao bản nháp này lại được gìn giữ trong hồ sơ lưu trữ tại Macao, rồi sao chép lại? Tôi đưa ra giả thuyết là có thể Francisco de Pina chưa bao giờ gởi bức thư này đi. Ông viết ra để trút bầu tâm sự vào một lúc quá mệt mỏi; trong quá trình viết thư, ông ghi ra những điều xấu mà ông nghĩ về các bề trên của mình. Khi bình tâm lại, ông đã muốn sau này sẽ viết một văn bản theo đúng phép tắc của nhà đạo hơn, hoặc đơn giản là ông đã bỏ ý định viết bức thư ấy. Tuy nhiên, ông vẫn giữ bản nháp để đọc lại vào những ngày tươi sáng hơn. Sau khi ông chết bi thảm vào cuối năm 1625, bản nháp này hẳn được đem về Macao cùng với các đồ đạc khác của ông. Những người nhận được bản này đã đủ khôn ngoan để xếp vào hồ sơ lưu trữ, vì đây đúng là một chứng từ bột phát và chưa được phổ biến, hoàn toàn khác với văn phong đúng khuôn đúng phép của các báo cáo thường niên. Những sinh hoạt đời thường được mô tả trong bức thư này giúp ta hiểu được rằng quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ không phải là một công việc trong phòng thí nghiệm: đây là công trình của những người dấn thân vào hoạt động với ít nhiều hăng say. Bức thư làm sống lại bầu không khí đó một cách sống động và trực tiếp, và tính chất bột phát này là giá trị lớn nhất của bản văn. Tác giả không viết cho hậu thế, và cũng không nhằm thỏa mãn óc hiếu kỳ của Kitô hữu Âu Châu, như trường hợp các bức thư chính thức và những cuốn sách mang tính giáo dục vào thời ấy. Sự thẳng thắn của Pina bù đắp dư dật cho những khiếm khuyết trong văn bản của ông.
Thời điểm viết  bức thư
Thời điểm được người sao chép gán cho bức thư là thời điểm phỏng chừng: 1622-1623, dựa trên nội dung bức thư. Cuộc tấn công của người Hòa Lan vào Macao là một biến cố được người ta biết rõ: biến cố này xảy ra ngày 24 tháng 06 năm 1622. Pina xác định rằng tin tức đã đến Hội An ngày 25 tháng 10 qua đường Trung Hoa, và sau này qua đường Nhật Bản; các thuyền mành của người Hoa đã cập bến khi ông viết bức thư này. Có một chỉ dẫn khác liên quan đến Manoel Fernandes, bề trên giáo điểm, từng có mặt tại Hội An “được một năm tròn”. Quả thế, một lá thư do Fernandes ký tên, còn giữ trong cùng một hồ sơ lưu trữ, cho biết rằng ông đến đấy ngày 05 tháng 01 năm 1622[8]. Như thế, lúc ấy là vào những tháng đầu năm 1623. Tháng Giêng thì có vẻ quá sớm: Pina có bắt đầu viết thư chăng, dù là viết một bản nháp, khi mà gió bấc mùa đông còn thổi mạnh, và không có một con thuyền nào dự định lên đường đi Macao trước khi mùa xuân đến?
Tác giả và người nhận
Vì tác giả không trực tiếp ghi ra tên mình và tên người nhận, nên người sao chép đã tỏ ra thận trọng. Việc ông gán bức thư này cho Pina[9] là dựa trên nội dung của chính bức thư. Qua nghiên cứu phê bình, cá nhân tôi nhận thấy rằng đây là giả thuyết duy nhất có thể đứng vững.
Francisco de Pina là một người Bồ Đào Nha[10], sinh tại thành phố Guarda năm 1585 hay 1586. Ông đến Nam Kỳ trể nhất là vào năm 1618 (có thể là 1617), và đã làm việc ở đấy cho đến chết, trong một tai nạn xảy ra tại bờ biển Đà Nẵng ngày 16 tháng 12 năm 1625. Gia nhập dòng Tên từ lúc 19 tuổi, ông đã học nhiều năm (Văn Học và Thần Học) tại Trường Dòng Macao.
Tên người nhận bức thư này không được ghi ra, nhưng không thể nào nghi ngờ được: người nhận là một linh mục dòng Tên cư ngụ tại Macao, có quyền quyết định đối với miền truyền giáo Nam Kỳ. Như vậy, vị này chính là “Linh Mục Phụ Trách các Miền Truyền Giáo Nhật Bản và Trung Hoa”, cha Jerònimo Rodrigues senior. Nhân vật quan trọng này cư ngụ tại trường dòng Macao. Rodrigues là một người Bồ Đào Nha, sinh năm 1567 tại Monforte gần thành phố biên giới Elvas thuộc miền Alentejo, Bồ Đào Nha. Trước kia, ông truyền giáo tại Nhật Bản, và thông thạo ngôn ngữ này: những liên hệ đến các thực tại Nhật Bản toát ra từ lá thư của Pina, và những từ ngữ Nhật Bản được ghi trong thư, thì rất quen thuộc đối với ông.
Công trình ngữ học của Francisco de Pina
Một người Châu Âu quan tâm đến tiếng Việt
Điều toát ra ngay tức khắc từ bức thư của Pina, ấy là mối quan tâm đặc biệt của tác giả đối với tiếng Việt, cùng với niềm đam mê mà ông dành cho tiếng này. Cái nhìn phê phán không khoan nhượng đối với anh em linh mục của ông là nhắm vào trình độ ngôn ngữ của họ. Những lời phàn nàn mà ông thốt lên liên quan đến tình trạng thiếu thốn tiền bạc khiến ông không thể học tập nghiêm túc và cũng không thể cho các thanh niên đi học. Niềm tự hào lớn nhất của ông chính là vốn tiếng Việt mà ông có được nhờ biết bao công sức đã bỏ ra.
Không cần phải nói rằng mối quan tâm đặc biệt và niềm đam mê ấy gắn liền với công trình truyền đạo mà ông đã tận hiến đời mình, với tư cách là linh mục Dòng Tên. Nhưng các tường thuật của những linh mục khác, trong số đó phải kể đến cuốn sách do Borri phát hành, thì đầy dẫy những chuyện về phép lạ và những việc kỳ diệu, thế nhưng bức thư của ông lại không hề nhắc đến. Trước tiên, Pina mong thuyết phục đối tượng của mình bằng chính lời nói, một lời nói dựa vào di sản văn hóa Việt Nam cũng như dựa vào hành trang biện giáo Âu Châu. Cách ông sử dụng tiếng [Việt] cũng nhằm cho vừa tầm với bất cứ người tân tòng Việt Nam nào và với những ai quan tâm đến giáo thuyết mới. Muốn rao giảng, trình bày giáo lý, giáo dục đức tin cho trẻ em, ông cần phải có khả năng diễn đạt bằng tiếng nói của người bình dân thất học. Ngôn ngữ nói hẳn cũng đã được dùng để trình bày các khái niệm sơ đẳng của Kitô giáo trong các câu giáo lý hay trong các bản kinh. Vì thế, bức thư của Pina cho thấy phải có một sự dung hòa giữa chữ nho, mà ông cần một người giúp đỡ, và chữ viết theo mẫu tự la tinh, mà ông rất thông thạo nên không cần trung gian nào. Ngôn ngữ viết theo mẫu tự được thực hiện trước hết là vì lợi ích của bản thân ông, và của những anh em linh mục mà ông chờ đợi sẽ đến sau này.
Francisco de Pina và những học trò người Âu của ông
Được hun đúc bằng một lòng đam mê đến như thế, nên Pina cảm thấy mình quá cô độc để chu toàn công trình ngôn ngữ và văn hóa mà ông đã dự định. Do đó, kế hoạch này được thực hiện thông qua việc đào tạo những người Âu Châu khác, và công trình của ông trở thành mối quan tâm và niềm đam mê chung. Pina sợ rằng mình không thể hoàn tất kế hoạch đầy cao vọng là dạy và nghiên cứu tiếng [Việt] như ông đã dự định, vì có sự cạnh tranh của cộng đoàn Dòng Tên tại Pulo Cambi (Quy Nhơn) và vì thiếu phương tiện tài chánh.
Về điềm này, ít ra các vị bề trên của ông sẽ lắng nghe: Chính Pina, bề trên cộng đoàn Dòng Tên tại Kẻ Chàm vừa được thành lập, là người được giao trách nhiệm vào năm 1624 để khai tâm tiếng Việt cho hai linh mục dòng Tên vừa mới đến: António de Fontes và Alexandre de Rhodes[11]. Sự thành công của ông đã ngang tầm với điều ông mong mỏi, và khi ông qua đời năm 1625, ngọn lửa học tiếng Việt không hề tắt lịm trong lòng các anh em linh mục trẻ của ông.
Francisco de Pina và những cộng tác viên bản địa
Khi đọc một vài tác giả, ta có cảm tưởng rằng những đối tượng chính, nghĩa là những người mà tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, đã tham gia một cách thụ động vào công trình sáng tạo chữ Việt ở thế kỷ thứ XVII, như thể đấy là một chuyện chỉ liên quan đến người Âu Châu, và một vài nhà nho xem đấy là một hành động phản bội văn hóa. Quan niệm này không khớp với những thông tin toát ra từ bức thư của Francisco de Pina. Chính ông và anh em linh mục của mình đã cố gắng qui tụ quanh họ những cộng tác viên có trình độ, mà thiếu đi thì công việc nghiên cứu ngôn ngữ nghiêm túc không thể nào thực hiện được. Pina xem sự cộng tác của một ông thầy và của các đồ đệ trẻ là điều không thể thiếu được.
Muốn thực hiện thật tốt dự án về ngôn ngữ, các nhà thừa sai trước hết phải có được trình độ khoa học của một người sành sỏi về tiếng Việt. Pina không thể không ganh tị với người anh em Buzomi là người có nhiều phương tiện mà lại tận dụng quá ít. Các vị thầy mà ông mong có tiền  để mời dạy là những nhà nho và những nhà sư có học thức, những người đã trở lại đạo hay ít ra có cảm tình với việc truyền giáo. Tinh thần cởi mở của họ sẽ đảm bảo cho việc mở rộng một cuộc đối thoại đích thực giữa các nền văn hóa.
Vai trò của các thanh niên thì phức tạp hơn. Trước hết họ là những người ôn tập cho những người mới học.[12] Nhưng điều quan trọng đối với họ là sau đó phải chuyên sâu vào ngôn ngữ và văn chương. Điều này có nghĩa là những chàng thanh niên Việt Nam, theo quan điểm của Pina, được kêu gọi để đóng vai trò hàng đầu trong việc đặt cơ sở trí tuệ và trình bày Kitô giáo một cách độc đáo tại Việt Nam. Trong khi chờ đợi, họ cần phải nắm thật vững cái mà Pina gọi là ‘chữ của chúng ta’, nghĩa là mẫu tự dùng để phiên âm ngôn ngữ nói của dân chúng. Kiến thức thực tiễn này hẳn phải bao gồm những kiến thức cơ bản về tiếng Bồ Đào Nha, không chỉ hữu ích cho các nhu cầu nho nhỏ trong cuộc sống trong nhà, mà còn có thể thông ngôn cho các vị thừa sai khi các ông giải thích giáo lý và trong những cuộc tranh luận đối lập.[13] Cuối cùng, sau khi học ‘chữ Bồ Đào Nha’, các thư sinh phải nhanh chóng có đủ trình độ để góp phần vào việc phiên âm các văn bản thuộc di sản văn chương Việt Nam, và hoàn chỉnh chính hệ thống phiên âm ấy, mà sau này trở thành chữ quốc ngữ. Các thanh niên này đang ở vào độ tuổi còn dễ uốn nắn; họ được mời gọi trở nên những cộng tác viên đích thực trong một công cuộc chung: Mọi người cùng viết một thứ chữ, cùng chia sẻ kiến thức cho nhau và đặt một nền tảng vững chắc để tiến hành các cuộc trao đổi, thảo luận, tranh luận cần thiết hầu có được sự tác động qua lại giữa hai nền văn hóa với nhau.
Tạo ra những công cụ làm việc
Lòng đam mê của Pina đối với tiếng Việt và công việc đa đoan đủ loại cũng không ngăn cản được ông sống như một người có trật tự và có phương pháp, một người chuyên cần nhẫn nại xây dựng những công cụ làm việc khả dĩ giúp mình và người khác vững bước đi vào việc hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ này. Trong bức thư của mình, ông liệt kê với ít nhiều tự hào kết quả của những công trình ngữ học: soạn một tập nhỏ về cách viết và các cung điệu, tập họp một vài hồ sơ nhằm thực hiện một cuốn ngữ pháp đầy đủ. Những ‘mẩu chuyện’ cần phải cho đọc và ghi ra chữ bằng mẫu tự La tinh là những văn bản vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn: tiếc rằng Pina không nói rõ là ông trích dẫn tác giả nào, thể văn nào và tác phẩm nào. Đấy cũng là trường hợp của những tập ‘các văn bản có lý giải’ mà ông đã tuyển trong số ‘những văn bản hay nhất tại vương quốc’. Dù sao đi nữa, theo quan điểm của Pina, rõ ràng việc sáng tạo một loại chữ viết theo mẫu tự la tinh chính là một công cụ hữu hiệu để hiểu biết một ngôn ngữ hơn là một mục đích nội tại; không thể nào tách rời ngôn ngữ hằng ngày ra khỏi phần văn chương. Tôn giáo mới cần phải chấp nhận đối đầu và đối thoại với toàn bộ một nền văn hóa đã có từ trước, và đặc biệt với những gì tốt đẹp nhất mà nền văn hóa đó đã sản sinh.
Francisco de Pina và kế hoạch cho tương lai
Kế hoạch tổng thể mà bức thư của Pina cho thấy thì có vẻ mạch lạc: mục tiêu là cung cấp cho mọi người, dù họ là ai, những công cụ ngôn ngữ phù hợp để tạo ra sự gặp gỡ hằng mong ước giữa nền văn hóa Việt Nam và đức tin Kitô giáo. Kế hoạch cho tương lai ấy nhất thiết phải thông qua việc nắm vững cả ngôn ngữ nói lẫn hai cách viết tiếng Việt: chữ quốc ngữ, còn ở dạng phôi thai, và chữ nho. Nắm vững như thế là một điều rất cần thiết vừa cho bản thân ông vừa cho những người Âu Châu khác, cũng như cho những người Việt Nam đồng tình với cách làm của ông. Không làm chủ được hai cách viết tiếng Việt ấy – cách thứ nhất chứa đựng sự phong phú văn hóa và cách thứ hai đầy hứa hẹn cho tương lai – thì theo ông, không thể nào trở thành một ‘người thợ rành nghề’.
Chú thích bên lề cho bản văn của Francisco de Pina
Dữ liệu lịch sử và địa dư
Các biến cố tại Macao
Đầu thế kỷ XVII, người Hòa Lan tìm cách dùng sức mạnh để giành lấy ưu thế thương mãi của người Bồ Đào Nha tại Viễn Đông. Năm 1622, họ định thực hiện một cuộc tấn công lớn: chiếm lấy Macao là nơi chỉ huy cho toàn bộ các hoạt động Bồ Đào Nha trên khắp vùng Biển Đông. Ngày 23 tháng 06, một lực lượng gồm 14 con tàu (trong đó có hai tàu Anh quốc) phong tỏa hải cảng, và ngày 24 một đội quân 800 binh lính đổ bộ xuống bờ biển phía bên kia bán đảo. Lúc bấy giờ thành phố không có quân đội và chiến lũy, nhưng các tu sĩ Dòng Tên đã đứng ra xây dựng một công sự nơi đỉnh đồi bên trên nhà trường của mình, và trang bị bằng đại bác mua từ Manila và một phần do họ tự đúc lấy. Christoforo Borri, một linh mục từng phục vụ cùng với Pina tại Nam kỳ, chỉ huy một toán quân động viên tại chỗ và đánh trả quyết liệt, trong khi đó một linh mục khác đã bắn một phát đại bác rất may mắn, trúng ngay vào chiếc thuyền Hòa Lan chở thuốc súng. Thuyền nổ và gây cháy cho vài chiếc thuyền khác, đồng thời làm cho đô đốc Cornelis Reyerszoon bị thương, nên những người tấn công buộc phải vội vã rút lui. Các linh mục Dòng Tên, nổi danh nhờ chiến thắng vừa huy hoàng vừa bất ngờ ấy, được Thượng Viện Macao tặng thưởng bằng danh dự về thành tích vẽ vang kia, đề ngày 14 tháng 10 năm 1623.[14] Tuy nhiên thành phố đã yếu đi, và phải mất nhiều năm để vực dậy; đấy là lý do vì sao không có một con thuyền Bồ Đào Nha nào cập bến Hội An vào thời điểm mà Pina viết bức thư trên.
Giao thông đường biển giữa Macao và Việt Nam
Vào lúc người Hòa Lan tấn công, cuối tháng 06, thì gió nồm mùa hè đang thổi, khiến cho tàu thuyền không thể nào đi từ Trung Hoa xuống Việt Nam; cuối tháng 10, mùa gió nồm này có khuynh hướng đổi chiều, giúp cho người ta có thể liều ra khơi. Điều này giải thích vì sao những tin tức về Macao không thể nào đến sớm hơn. Các thương thuyền thường khởi hành từ Macao vào cuối tháng 12, lúc mà gió bấc mùa đông thổi đều đặn. Việc buôn bán giữa Nhật Bản và Hội An thật là sầm uất vào thời điểm đó. Trung Hoa cấm người Nhật vào buôn bán trên lãnh thổ của mình, thế nên các thương gia dùng hải cảng Việt Nam làm nơi trung gian để đổi kim khí bạc lấy tơ lụa Trung Hoa. Đấy là một trong những nguyên nhân tạo sự thịnh vượng cho hai cộng động người ngoại quốc tại Hội An. Người ta ghi nhận được 124 con thuyền Nhật Bản đã cập bến từ 1604 đến 1635.[15]
Mùa thuyền mành
Giữa một bên là Nhật Bản và Trung Hoa (kể cả Macao), và bên kia là miền trung Việt Nam, giao thông đường biển hoàn toàn lệ thuộc vào các gió mùa. Các thuyền mành đến là nhờ gió bấc mùa đông (thổi từ đông bắc xuống), mà thời kỳ gió thổi đều đặn nhất là từ cuối tháng chạp đến đầu tháng 02; các thuyền rời bến vào lúc gió nồm mùa hạ (thổi từ tây nam lên), và thời điểm lý tưởng là tháng 06, tháng 07. Như vậy, ‘Mùa Thuyền Mành’, tại Hội An, kéo dài khoảng 6 tháng, đấy là thời gian chủ yếu để giao dịch buôn bán.
Người Nhật Bản tại Hội An
Các linh mục dòng Tên có những mối tương quan đặc biệt đối với cư dân trong khu phố người Nhật tại Hội An, trong số đó có nhiều Kitô hữu bị trục xuất khỏi Nhật Bản; sở dĩ các linh mục dòng Tên chọn nơi đây làm một trong các nơi cư ngụ, ấy cũng là vì muốn phục vụ các nhu cầu tôn giáo của họ.
Cachão, hay Kẻ Chàm, Triều Đình
‘Triều đình’ ở đây là ‘phủ’ của vị quan tri phủ Quảng Nam, một nhân vật cao cấp, thường là con cả của chúa Nguyễn. Quyền hạn của ông mở rộng đến biên giới phía nam của nước này (từ năm 1611, biên giới ấy được xác định tại Đèo Cả). Nhưng đồng thời cũng là triều đình phụ của các chúa Nguyễn; họ thường đến đây để cư ngụ một số thời gian trong năm, từ năm 1570 bản thân họ được phong tước hiệu và thực thi nhiệm vụ toàn quyền Quảng Nam.
Pulo Cambi, hay Quy Nhơn
Địa danh ‘Pulo Cambi’, dưới ngòi bút của người Bồ Đào Nha, là một di sản của các thập niên đầu thế kỷ XVI, thời kỳ mà các chủ thuyền Bồ Đào Nha mướn các tài công và các hoa tiêu Mã Lai để đi lại trên Biển Đông. Địa danh này được ghi trên các bản đồ xưa.[16] Khởi đầu, đây là tên của một hòn đảo (Cù Lao Xanh, trong tiếng Mã Lai là Poulo Gambir), nhưng sau đó được dùng để gọi vùng bờ biển chung quanh. Các bản đồ Bồ Đào Nha phân biệt Pulo Cambi de Mar (ngoài biển) và Pulo Cambi de Terra (trên đất liền); địa điểm thứ hai này hẳn là Mũi Én, một bán đảo dài, mà đỉnh cao là một điểm mốc rất dễ thấy cho giao thông đường biển, che chắn cho cửa sông tại Bình Định. Đi ngược lên dòng sông, ta sẽ đến địa điểm mà thư này nhắc tới, nơi mà các linh mục đã thiết lập cơ sở thứ hai của họ tại Nam Kỳ. Các tài liệu dòng Tên vào thời kỳ ấy thường dùng một cái tên chính xác hơn cho địa danh này: ‘Nước Mặn’; trên các bản đồ có ghi ‘Nước Ngọt’ ở phía bắc; điều này cho phép ta suy ra rằng cơ sở dòng Tên tọa lạc gần cửa biển. Địa điểm này gần trùng với vị trí Vijaya xưa, sau này trở thành Chaban (Đã Bàn – Đồ Bàn), kinh đô của Vương quốc Champa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, và sau đó sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam năm 1570. Địa bàn này cũng được biết dưới cái tên là Quy Nhơn, mà các tài liệu Âu Châu có nhiều cách viết khác nhau, trước khi cái tên ấy được dùng để chỉ một thành phố cảng tân tiến, tọa lạc cách 25 Km về phía nam.
Các tôn giáo Việt Nam dưới cái nhìn của F. de Pina
Các ‘giáo phái’
Thuật ngữ Bồ Đào Nha “seita” thời bấy giờ dùng để chỉ mọi tôn giáo ngoài tôn giáo của thành phần đa số (tại Bồ Đào Nha, các tôn giáo ấy là chủ yếu là Do Thái giáo và Hồi giáo). Thuật ngữ này được dùng trong thư để chỉ các tôn giáo và các hình thức thờ kính của người Việt Nam không phải là Kitô giáo. Pina dùng ở số nhiều (các giáo phái), điều này cho thấy rằng tình hình tôn giáo tại Việt Nam rất đa dạng.
Các chùa chiền và cộng đồng tín đồ
Từ ngữ Bồ Đào Nha ‘pagode’, sau này người Pháp dùng trở lại, được sử dụng từ năm 1516. Từ ngữ này được Bồ Đào Nha vay mượn từ các ngôn ngữ Dra-vi-đa ở miền nam Ấn Độ (từ ngữø chuẩn là pagvadi, từ ngữ dân gian là pagôdi ); từ ngữ này xuất phát từ tiếng Phạn bhagaviti (nguyên gốc là ‘nữ thần’, nghĩa là thần Durga hay Cali). Ngữ nghĩa đã chuyển biến: thoạt đầu, từ ngữ này dùng để chỉ những ảnh tượng các thần bản địa mà Kitô giáo không biết, sau đó ngữ nghĩa mở rộng ra và chỉ định các tòa nhà văn hóa Ấn giáo, rồi Phật giáo.
Từ ngữ Bồ Đào Nha “freguesia” có hai nghĩa khác nhau, nhưng liên hệ với nhau: nghĩa thứ nhất là ‘thân chủ’, nghĩa thứ hai là ‘cộng đồng’. Trong lãnh vực tôn giáo, ‘freguesia’ là tập hợp những người có liên hệ với một nhà thờ, hay với vị linh mục chủ chăn. Từ này được sử dụng ở đây theo nghĩa tương tự để chỉ những thực tại tôn giáo tại Việt Nam: tập hợp những người thường đi chùa, hay đến nghe một vị sư giảng đạo. Ở một nơi khác, Pina nối liền các từ ‘igreja’ (nhà thờ) và ‘freguesia’ (paroisse, cộng đoàn giáo xứ): kế hoạch của ông đối với Kẻ Chàm vừa là để có một nơi thờ phượng vừa là thành lập một ‘cộng đoàn giáo xứ’, nghĩa là có một nơi qui chiếu và hoạt động cho một cộng đoàn Kitô hữu tự túc.
Giống như các nhà thờ công giáo tại Bồ Đào Nha, các nhà chùa Việt Nam có thể làm chủ những của cải và được nhận thu nhập từ đất đai, dùng cho nhu cầu thờ phượng và nuôi sống giới tu trì. Của cải này là do chính quyền hay một nhận vật có chức tước hiến tặng, hoặc là do các tín đồ dâng cúng hay di tặng. Bức thư của Pina dự kiến rằng Kitô giáo có thể kế thừa một ngôi chùa, cùng với của cải và thu nhập điền thổ. Hình thức tự túc tài chánh này của một giáo điểm Kitô giáo đã không thành công lâu dài tại Việt Nam.
Các “bonzo», ông sãi, nhà sư Phật Giáo
Từ ngữ “bonzo” là một từ mà tiếng Bồ Đào Nha vay mượn từ tiếng Nhật (ngôn ngữ chuẩn: bò-shu, bò-zu hay bôu-zu, ngôn ngữ dân gian: bòn-zu); hai tiếng trong từ này (tiếng Hoa là fang zhu) nghĩa đen là ‘người trưởng cộng đồng”. Trong tiếng Bồ Đào Nha, ví dụ trong tác phẩm của Fernão Mendes Pinto[17], từ ấy chỉ định các tu sĩ hay những người cử hành các nghi lễ thờ phượng của Phật giáo hay những đạo chịu ảnh hưởng Phật giáo. Không chắc là thời bấy giờ từ ấy mang nghĩa miệt thị trong tiếng Nhật ngày nay (hiện tại, người ta chuộng từ bosan). Francisco de Pina và các anh em linh mục của ông, thành viên ‘Tỉnh Dòng Nhật Bản’ của dòng Tên, thực thi một phần công tác mục vụ cho những Kitô hữu người Nhật tại Hội An và họ nói tiếng Nhật trôi chảy, như bức thư có đề cập đến.
Các nhà sư Phật giáo tại Việt Nam được nhận chức danh khả kính là ‘sư ông’ khi đạt đến một cấp bậc nhất định, hoặc nhờ tuổi tác hay kiến thức; đây là một từ ngữ Hán Việt, mà ‘ông sãi’ là từ ngữ bình dân. Sở dĩ Pina gắn liền một từ ngữ Bồ Đào Nha với một từ ngữ Việt Nam hẳn là vì ông muốn cho thấy rằng từ ngữ này được sử dụng như một tính từ, chỉ định một tầng lớp nhà sư đặc biệt. Hình như đây là tầng lớp mà vào đầu thư ông gọi là ‘tôn sư và lãnh đạo’, đấy là những người mà các vị thừa sai sẵn sàng trao phó nhiệm vụ giáo dục khi họ theo đạo.
Các «Bicuni », sư cô Phật Giáo
Từ ngữ này đôi khi được chuyển sang tiếng Pháp là «bonzesse», nó được sử dụng trong trong văn nói Bồ đào Nha tại Phương Đông dưới dạng là bicunibicunim, hai chữ này phát âm gần giống nhau. Đây là một từ vay mượn của tiếng Pali bhikkhuni, bắt nguồn từ tiếng Phạn bhiksuni. Nó được sử dụng từ năm 1564, trong những nơi có mặt người Bồ Đào Nha tại Nhật Bản, để chỉ định một cộng đồng nữ tu sĩ Phật Giáo: « Está hum mosteiro de freiras em Funáy, as quaes em Japão se chamão bicunĩs, que tem grossa renda, e pelo principe saber que ordinariamente as bicunins são de mao viuer, dizem... »[18] – “Tại Funai có một tu viện cho nữ tu; người Nhật gọi họ là bicunis; họ có những giao tiếp rộng rãi, và quí vị cần biết rằng các bicunis này thường sống bê bối, người ta bảo vậy…”  Hiện nay, trong ngôn ngữ chuẩn không có từ ấy, nhưng ta có thể liên hệ với từ ngữ tiếng Việt “(bà) cô ni” (ni cô), để chỉ một nữ tu sĩ Phật Giáo ở một cập bậc nhất định hay đã có tuổi. Ta lưu ý rằng từ ngữ này từng xuất hiện trong môi trường Kitô giáo: một văn bản do hội đồng dòng Tên tại Macao soạn thảo vào khoảng 1615 đã dùng từ này để chỉ định một nhóm phụ nữ có vẻ là Kitô giáo, bị lưu đày ra khỏi Nhật Bản và sống cộng đoàn.[19]
Các khía cạnh của việc truyền giáo tại Việt Nam mà F. de Pina mô tả
Lei dos Portugueses, Hoa Lang Đạo,  Đạo (Luật) Pha Lang
Vào thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, người Việt Nam thường gọi Kitô giáo là ‘Hoa Lang Đạo’; các văn kiện Kitô giáo thời bấy giờ quen dùng cụm từ này để dịch ”Lei dos Portugueses”. Alexandre de Rhodes có nhắc đến trong sách giáo lý của mình, để phủ nhận cách gọi ấy, tuy nhiên ông phiên âm cách đọc khác của chữ nho được dùng để viết cụm từ này: “Chớ có nói đạo này là đạo (luật) pha lang”, và ông dịch ra tiếng La tinh: “Neque dicatis hanc esse Lusitanorum legem”.[20]
Các cuộc đối lý đối lẽ
Các cuộc đối lý đối lẽ được ghi nhiều lần trong thư đều liên quan đến các niềm tin tôn giáo. Chúng nhằm khẳng định tính ưu việt của tôn giáo này so với tôn giáo kia, chủ yếu là qua những cuộc tranh luận. Các cuộc đối lý này được mô tả trong những nguồn tài liệu khác.[21]
Ảnh tượng, Imagem
Thuật ngữ Bồ Đào Nha « imagem » được sử dụng trong môi trường tôn giáo nhằm chỉ định những tác phẩm trình bày các thánh dưới dạng hoặc là pho tượng hoặc là họa phẩm hay tranh ảnh in tay. Tuy nhiên, trong bức thư, hình như Pina chủ yếu nghĩ đến các tác phẩm hai chiều, đặc biệt là các họa phẩm
Thầy Tadeu (Tađêô)
Lời kêu gọi của Pina không được đáp trả, và nhà tu hành họa sĩ kia, cư ngụ tại Macao, chưa bao giờ thi thố tài năng trên lãnh thổ Việt Nam. Ta hãy lưu ý rằng các giáo điểm của dòng Tên Bồ Đào Nha đã khơi dậy một nền nghệ thuật Kitô giáo gắn liền với các lề luật của Giáo Hội địa phương tại Ấn Độ và Nhật Bản; tuy nhiên dường như tại Việt Nam thì điều này không đúng, nhưng chưa có cuộc nghiên cứu sâu sắc nào về vấn đề này.[22] Dĩ nhiên, Pina có ý hội nhập khía cạnh văn hóa này vào đời sống cộng đoàn Kitô hữu Việt Nam tiên khởi.
Mẹ cô Gioanna
[Trong bức thư, Pina dùng lại cách nói của người Việt]. Nhiều văn bản thời ấy cho thấy cách gọi tên trong xã hội Việt Nam: người ta gọi tên những người lớn tuổi bằng cách đó, nghĩa là gọi tên của người con trai (trường hợp này là tên người con gái) để tôn trọng họ. Bà lớn mà Pina đề cập thì được sử gia dòng Tên của thế kỷ XVII, Daniello Bartoli, nhắc đến khi nghiên cứu các tài liệu và chứng từ.[23] Không biết tên Việt Nam của bà này là gì, nhưng tên thánh của bà là Phanxica. Bà thuộc thành phần những Kitô hữu hiếm hoi mà các linh mục dòng Tên gặp được khi họ đến đấy vào năm 1615. Bà bảo rằng mình được rửa tội khoảng ba mươi năm trước, do một nhà thừa sai Phanxicô (hẳn là linh mục người Tây Ban Nha Bartolomeu Ruiz, có mặt tại Kẻ Chàm những năm 1584-1586[24]). Con gái của bà đã được rửa tội sau này, có lẽ là do cha Rafael de Madre de Deus, thừa sai người Bồ Đào Nha dòng Âu Tinh, ông này hoạt động trong vùng ấy giữa năm 1596 và năm 1601. Niên giám của João Álvares kể lại một giai thoại liên quan đến việc mua bất động sản mà Pina đã nêu. Bà này đã dùng ảnh hưởng của mình để tạo thuận lợi cho giáo điểm: “Năm 1619 xảy ra một cuộc bắt đạo rộng lớn. Trong cuộc bách hại này, có một Thượng Tọa rất căm ghét đức tin chúng ta, nên ông thuyết phục nhà vua trục xuất các Linh Mục và phá hủy các nhà thờ; tuy nhiên các nhà thờ vẫn đứng vững tại Kẻ Chàm dưới tên gọi là nhà của ‘Mẹ cô Gioanna’; bà này là người em hay người cháu của một quan lớn.”[25]
Cha Marques
Đây là cha Pêrô Marques (tên ông còn được viết là ‘Pedro’ và ‘Marquez’), linh mục dòng Tên người Bồ Đào Nha, sinh năm 1575 trong vùng Alentejo thuộc Bồ Đào Nha; ông được biết đến vì từng là bạn đồng hành và là bề trên của Alexandre de Rhodes trong chuyến đi đầu tiên của Dòng Tên đến Bắc Kỳ năm 1627. Là một cựu thừa sai bị trục xuất từ Nhật Bản sang Macao năm 1615, ông đã trú ngụ tại Nam Kỳ từ 1617 đến 1619 hay 1620, và tại Bắc Kỳ từ 1627 đến 1630. Vài tác giả bảo rằng ông là người Nhật, nhưng đây là một sự nhầm lẫn với một người trùng tên trẻ hơn, sinh tại Nhật Bản. Pêrô Marques không đóng một vai trò nào trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ: Rhodes lưu ý rằng ông không nói được tiếng Việt.[26]
Furumai
Từ ngữ «furumai» không được ghi trong từ điển Bồ Đào Nha, từ này được trực tiếp vay mượn của tiếng Nhật, và chỉ định một tập quán Nhật bản đặc thù, mà ngày nay vẫn còn được duy trì dưới tên gọi ấy. Đây là một lễ hội thân mật bao gồm tiệc tùng, nhảy múa…
Trong lịch công giáo, thánh Inhã Loyôla được mừng vào ngày 31 tháng 07 (từ 1608) và thánh Phanxicô Xaviê vào ngày 2 tháng 12 (từ 1619 đến 1663). Pina thấy những ngày này có vẻ thích hợp để tổ chức lễ furumai cho những cư dân Nhật Bản tại Hội An, bởi vì chúng đến ngay sau khi các thuyền mành khởi hành và không lâu trước khi thuyền cập bến, nghĩa là vào thời gian mà cư dân Hội An có thể sống cuộc sống ít tất bật hơn, và có những sinh hoạt xã giao trầm lắng hơn.
Mặt khác, Pina hẳn muốn qua đó làm nổi bật ngày lễ của hai vị thánh từng đem lại vinh quang cho dòng Tên: thánh Inhã Loyôla (Inõigo López de Loyola, 1491-1556) là người sáng lập dòng; và thánh Phanxicô Xavier (Francisco de Jasu y Javier, 1506-1552) là vị thừa sai tiêu biểu của dòng và là người sáng lập cộng đoàn Kitô hữu Nhật Bản (năm 1549). Hai vị này được phong thánh cùng một lúc tại Rôma, ngày 12 tháng 03 năm 1622, vào dịp khánh thành Thánh Đường Phêrô tại Vatican. Tầm quan trọng biểu trưng của biến cố kép này là một biểu hiện vẽ vang cho chiến thắng của đức tin công giáo; bầu không khí ấy khiến cho lễ của hai vị mang một âm vang thời sự.
Giáo lý
Thuật ngữ Bồ đào Nha «catecismo» trước tiên dùng để chỉ định một tập sách tóm lược các giáo điều cần phải giảng dạy; kế đến, nó được áp dụng để chỉ việc dạy dỗ giáo lý. Nội dung bức thư rất hàm hồ về điểm này. Hẳn Pina muốn nói rằng ông đã bắt tay vào việc soạn thảo một tập sách giáo lý tiếng Việt, viết bằng mẫu tự la tinh: từ năm 1618, các nhà thừa sai đã ghi ra chữ viết những điều sơ đẳng, để sử dụng cho chính mình và cho các giáo lý viên Việt Nam, mà tất cả đều là tân tòng.[27] Tại Nhật Bản, từ lâu đã có một cuốn giáo lý đầy đủ rồi: Alessandro Valignano từng cho in cuốn giáo lý của mình tại Lisbonne từ năm 1586, dưới nhan đề là Catechismus christianae fidei, in quo veritas nostrae religionis ostenditur, & sectae Iapanicenses confutantur: “Giáo lý về đức tin Kitô giáo, cho thấy những chân lý của đạo chúng ta, và những sai lạc của các giáo phái Nhật Bản”  Tựa đề của tác phẩm này cho cho thấy mối quan tâm gần giống với các linh mục dòng Tên tại Nam Kỳ. Năm 1623, khi Pina viết bức thư này, một cuốn sách giáo lý Nhật Bản khác đã được soạn thảo và đang được cho ấn hành tại nhà in của dòng Tên tại Nhật Bản.
Ngay từ năm 1632, một cuốn sách giáo lý đã được ấn hành tại Thăng Long. Theo những kiến thức có được cho đến nay, ta không thể nào biết rõ có hay không một sự kế thừa giữa sách giáo lý mà Pina viết hoặc sử dụng, sách của Thăng Long (mà ta chỉ biết rằng từng hiện hữu mà thôi), và sách của Alexandre de Rhodes.[28]
Vấn đề tài chánh tại giáo điểm
“Họ đã không cung cấp cho chúng con.”
Ở đây, Pina phàn nàn những người khác hơn là vị bề trên mà ông viết bức thư này, và một trong những người ấy là người nắm quyền hạn thực sự trong vấn đề kinh tế tài chánh. Đó là ‘linh mục quản lý Tỉnh Dòng Nhật Bản’, nghĩa là người thủ quỹ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản, là tỉnh dòng của các linh mục dòng Tên tại Nam kỳ; linh mục ấy cư ngụ tại Macao. Theo sổ sách tháng 12 năm 1623, chức vụ này được trao cho một nhà ngữ học tiếng Nhật nổi danh là linh mục Bồ Đào Nha João Rodrigues Tçuzzu.
Tình trạng tài chánh của các linh mục dòng tên Tỉnh dòng Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn do ba biến cố: Nhật Bản đóng cửa đối với việc buôn bán của Bồ Đào Nha, một nguồn thịnh vượng thực sự cho Macao; giao thông đường biển thiếu an toàn, vì người Hòa Lan truy lùng các tàu thuyền mang cờ Bồ Đào Nha; và chiến tranh giữa Trung Hoa và Mông Cổ, và tình trạng bất ổn định của Trung Hoa tác động vào Macao. Đối với dòng Tên, việc giành lại các quyền lợi và thu nhập địa tô, nhờ đặc quyền vua ban cho họ tại Malaca và Goa, trở thành một vấn đề nan giải. Việc trợ cấp tài chính cho giáo điểm mới tại Nam Kỳ trên nguyên tắc là lấy tiền xuất phát từ quyền thu thuế hải quan tại Malaca.[29] Nhưng quyền này đã bị đe dọa, bởi vì trên thực tế Bồ Đào Nha đã mất độc quyền buôn bán gia vị, và Macao đã có thói quen chuyển hàng hóa mua từ Viễn Đông sang Nhật Bản, Trung Hoa và Manila. Năm 1620, các linh mục dòng Tên phàn nàn với chính quyền nhà vua rằng các quyền ấy chưa tôn trọng trong vòng 5 năm qua, khiến chính quyền phải làm một cuộc điều tra. Phó vương Francisco da Gama trả lời vào năm 1623 rằng các tu sĩ đã làm tiêu tan ngân sách Nhà Nước… mà không nói rõ rằng các công chức Nhà Nước có thói quen sử dụng ngân sách đó trước tiên, và sử dụng buông tay, nên các quỹ tại Kho Bạc thường xuyên trống rỗng.[30] Ngày 28 tháng 01 năm 1624, linh mục dòng Tên quản lý Tỉnh Dòng Nhật Bản gởi cho các bề trên tại Rôma một lời cầu cứu, qua đó ông nói đến một món nợ đã chồng chất lên đến 12566 lượng bạc, ngân sách hằng năm của các giáo điểm lên đến con số 1309 lượng.[31] Để đáp ứng các nhu cầu trước mắt của giáo điểm Nam Kỳ, do đường biển thiếu an toàn, nên năm 1621, các bề trên tại Macao quyết định rằng cộng đoàn Nhật Bản phải thỏa mãn các nhu cầu ấy ‘một cách nhanh chóng và dồi dào’, bởi vì các thuyền Nhật Bản không bị Hòa Lan đe dọa. Nhưng một bức thư dài viết từ Nhật Bản, đề ngày 06 tháng 09 năm 1622, yêu cầu các linh mục phụ trách tại Macao làm sáng tỏ một số vấn đề và đưa ra những chị thị rõ ràng hơn;[32] trong thời gian ấy, không ai làm gì cả. Dù sao đi nữa, hoàn cảnh của dòng Tên tại Nhật Bản cũng bấp bênh, và chẳng bao lâu sau đã trở nên bi đát.
Do các khó khăn kinh tế, vị ‘phụ trách’ (bề trên toàn quyền) Manoel Fernandes đã được phái đến Nam Kỳ năm 1622 với chỉ thị là tiết kiệm tối đa, và ông đã tuân giữ sít sao. Chính việc điều chỉnh này đã khiến cho Pina không hiểu và cảm thấy chua chát: về phần mình, ông đặt ưu tiên cho những mục tiêu mà giáo điểm theo đuổi, và sau đó mới đến các phương tiện được xem là tối cần thiết, mà ông cảm thấy thật thiếu thốn. Ông yêu cầu vị bề trên largar a mão (mở rộng bàn tay): hoặc là giúp đỡ thêm tài chính để thực hiện chương trình huấn luyện hữu hiệu hơn; hoặc cho linh mục thừa sai được tự do hơn để chọn và nhận những học viên trẻ; và ít nhiều ông cũng muốn yêu cầu hai biện pháp cùng một lúc.
Những trợ tá người Việt tại giáo điểm
Thanh niên giúp việc
Trong ngôn ngữ Bồ Đào Nha, từ ‘bicho’, một tiếng lóng trong giới sinh viên, có nghĩa là những học sinh trung học. Trong ngôn ngữ nói của người Bồ Đào Nha tại Macao, chữ ấy xưa kia có nghĩa là một thanh thiếu niên, thường là mồ côi hay bị bỏ rơi, sống trong một gia đình để giúp việc trong nhà, và do đó, nghĩa rộng là những người giúp việc còn trẻ tuổi. Trong thư này, hẳn là tác giả sử dụng theo nghĩa thứ hai.
Jurubaça, thông ngôn
Từ ngữ Bồ Đào Nha « jurubaça », hiện nay không còn được sử dụng, nhưng từng được dùng khi người Bồ Đào Nha có mặt tại Phương Đông. Từ ngữ này được vay mượn từ tiếng Mã Lai (juru+bahasa, từng chữ có nghĩa là ‘thầy ngôn ngữ’), nghĩa là thông ngôn. Lần đầu tiên được sử dụng trong văn chương Bồ Đào Nha là dưới ngòi bút của Fernão Mendes Pinto[33]:« & despois de nos andar vendo a todos hu & hu, chamou o Iurubaça que consigo trazia, que, como ia disse, era o seu interprete… » – «Và sau khi nhìn chằm chặp từng người chúng tôi, ông gọi anh jurubaça mà ông đem theo với mình; và như tôi đã nói, anh này là người thông ngôn của ông.”
Việc truyền giáo và vấn đề ngôn ngữ
Tiếng Nhật, tiếng Bồ, tiếng An Nam
Phải hiểu rằng một mặt, chỉ hai ngôn ngữ này (Nhật, Bồ) được sử dụng trong nhà của các linh mục dòng Tên, dù ngoài phố người ta nói những ngôn ngữ khác; nhưng mặt khác, hai ngôn ngữ này là đủ cho sinh hoạt hằng ngày, nên không ai bị thôi thúc phải học tiếng Việt. Nhà của các linh mục dòng Tên tọa lạc trong khu phố Nhật Bản tại Hội An. Từ ngữ “An Nam” rất hiếm thấy trong các tài liệu Bồ Đào Nha vào thời ấy, từ này đôi khi được dùng để chỉ định tiếng Việt. Có lẽ Pina chủ ý sử dụng từ này để nói đến ngôn ngữ chung của hai Miền Việt Nam: từ ngữ “Nam Kỳ” sẽ bó hẹp nghĩa đi. Vì ông từ Macao đến, nên ông không thể không biết đến cái tên mà người Hoa gọi nước Việt Nam.
Những tập sách có lý giải
Từ ngữ Bồ Đào Nha «cartapácio», dịch là ‘tập sách’, nghĩa đen là những quyển sách cổ, đặc biệt là sách viết trên giấy folio, hoặc những tuyển tập các văn bản viết tay được đóng lại thành sách; nghĩa bóng là những cuốn sách thần bí cổ. Phần tiếp theo của bức thư khiến ta hiểu từ này theo nghĩa đen. “Arrazoado”, “có lý giải”, được dùng để xác định cho nội dung, có lẽ là những chú thích ngữ văn, những lời giải nghĩa cho một số từ hay một số cấu trúc. Thử đưa ra một giả thuyết: có thể đấy là những kinh sách cổ điển viết bằng chữ Hán kèm với các giải thích bằng chữ nôm.
Câu tiếng Việt mà Francisco  de Pina trích dẫn
Chữ viết của bản văn thì rất khó đọc, và phải dựa trên giả thuyết mà phục hồi. Trong bản chính, người sao chép đã viết: “Chà phải, ou phai, ou phai”. Việc lặp lại cụm từ thứ hai là do sang trang: người sao chép thường ghi lại một hai từ ở cuối trang trước và đầu trang sau để giữ cho mạch văn được liên tục; do đó không cần phải lưu ý đến điểm này. Như vậy, ta có thể dựa trên giả thuyết mà đọc ra, theo đúng luật chính tả của chữ quốc ngữ hiện nay: “Chẳng phải, ông phải”. Sau đây là lý do vì sao có thể đọc như thế.
1. Dấu trên chữ thứ nhất mà người sao chép ghi lại có thể là dấu mũ ngược, dấu chỉ một âm ngắn, từng là dấu viết tắt mà chữ quốc ngữ sử dụng vào thời kỳ đầu để biểu đạt tận cùng của các nguyên âm mũi, gồm: «-aoÊ» (= «-ong» trong cách viết hiện nay) ; «-ouÊ» (= «-ông »), và «-uÊ» (= «-ung »). Ở đây, chữ “chà” được dùng tương đương với cách viết hiện nay “chẳng”. Dấu bán nguyệt trên nguyên âm “a” (ă) được xem là không bắt buộc trong những ngày đầu đề ra lý thuyết chữ quốc ngữ và dấu ấy thường bị bỏ qua trong các văn bản. Từ “chẳng”, dùng để phủ định, thường được dùng trong các văn bản thời ấy, hiện nay người Việt Nam có khuynh hướng dùng từ ‘không’.
2. Đối với chữ thứ hai, dấu được ghi lại bởi người sao chép ở thế kỷ XVIII, một người không biết gì về quốc ngữ, có thể đọc hoặc là dấu ‘sắc’ (‘phái’; trong bản chép tay này không thấy có dấu sắc), hoặc là dấu ‘hỏi’, một dấu chỉ có trong quốc ngữ mà thôi. Đến khi nào tìm được bản gốc do Pina tự tay viết thì mới có thể chắc chắn có đúng đây là lần đầu tiên dấu cung điệu xuất hiện trong lịch sử hay không. Đấu cung điệu có thể bị người sao chép vô tình bỏ đi đối với chữ thứ tư của cụm từ trên, cũng giống như đối với chữ thứ nhất.
3. Đối với chữ thứ ba, cách viết ‘ou’, đúng ra là “ouê” (thay vì ‘ông’ hiện nay), được xác nhận lại ở nơi khác: đây là giả thuyết mà chúng tôi chọn. Chữ thứ nhất có thể là chữ ‘cha’ hiện nay (tiếng gọi cung kính dành cho linh mục), vì người ta cũng tìm thấy ở nơi khác chữ này được viết là ‘chà’, ít ra là trong một văn bản xưa hơn, mà hiện nay chưa được phổ biến. Chữ thứ ba cũng có thể là liên từ ‘ou’ trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là ‘hoặc, hay’. Nếu ta chấp nhận cách đọc hai chữ như thế (= chà phải, hay phai), thì câu trích dẫn này có thể là một lời chế nhạo đối với người ngoại quốc kia, một người không thể phân biệt được cung điệu nên nói ‘chà’ thay vì ‘cha’ và nói ‘phai’ thay vì ‘phải’.
[1] Nguyên tác: «Cachão», cũng được viết là «Cacham» trong tiếng Bồ Đào Nha, vì hai cách viết đều đọc như nhau.
[2]
Nguyên tác: «Turão», mà chữ  «Tourane» trong tiếng Pháp là lối viết theo phiên âm.
[3]
Thánh Giacôbê «São Tiago» là vị thánh rất được tôn kính trong Kitô giáo tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
[4]
Các dấu < > và << >> chỉ cho biết đây là nơi mà đoạn văn hẳn phải được chèn vào. Vị trí trong bản gốc là ở  chỗ khác, được xác định cũng bằng các dấu ấy.
[5]
Nguyên tác: ‘trẻ em’. Thuật ngữ Bồ Đào Nha ‘menino’ (trẻ em) vào thời ấy thường được dùng để chỉ các thanh thiếu niên.
[6]
Nguyên tác: «bạc (kim loại) và thức ăn»
[7]
Ngày tháng viết thư, tên người viết và người nhận không được ghi trong bản chép tay. Đây chỉ là những suy đoán.
[8]
Bức thư chưa được phổ biến này đề “Nam Kỳ, ngày 06 tháng 07 năm 1622”; bản sao không ghi tên người nhận, nhưng theo nội dung, bức thư này, cũng như bức thư của Pina, đều được gời đến vị Phụ trách Dòng Tên tại Macao; thư này chủ yếu đề cập đến đoàn đại diện được Macao phái đến cho ‘Quốc vương Nam Kỳ”, nghĩa là Chúa Nguyễn. Biblioteca da Ajuda (Lisbonne), Jesuítas na Ásia, quyển 49/V/7, tờ 347r-349r.
[9]
Chính tả của chữ « Pinna » chỉ là một cách viết khác không mang một ý nghĩa đặc biệt nào.
[10]
Nhiều tác giả ngày nay cho rằng ông là người Ý. Sự sai lầm khá khó hiểu này dường như bắt nguồn từ tác phẩm có nhan để là: Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus pour servir de complément aux Lettres édifiantes, ‘Những cuộc du hành và hoạt động  của các nhà thừa sai Dòng Tên để sử dụng bổ túc cho các Lá Thư Giáo Huấn’, tập 2, Truyền Giáo Nam Kỳ và Bắc Kỳ, F. De Montézon và É.Estève xuất bản, phát hành tại Paris năm 1855. Trương Vĩnh Kỳ hẳn đã dùng tài liệu này để soạn cuốn Lịch Sử An Nam (Cours d’histoire annamite)
[11]
Nhiệm vụ này được xác nhận trong một bức thư của Gabriel de Matos, đề ngày 05 tháng 07 năm 1625, gởi cho cha bề trên dòng Tên tại Rôma: “Hiện nay chúng ta có ba nhà; hai nhà kia đã được thiết lập trước đây. Con mới thiết lập nhà thứ ba tại Triều Đình của ông Chúa (Nguyễn); ba cha cư ngụ tại đấy: Cha Francisco de Pina, một người thông thao tiếng Việt, là bề trên và thầy dạy, và các cha Alexandre de Rhodes và António de Fontes là thuộc cấp và học trò.” Bản gốc tại Hồ Sơ Lưu Trử sử học của Dòng Tên (Rôma). Jap.-Sin, Tập 68, tờ 17. Đoạn trên đây được Đỗ Quang Chính trích dẫn bằng tiếng Bồ Đào Nha, trong Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1658, trang 35.
[12] Ở  đây, thiết tưởng nên nhắc đến ‘cậu bé trong nước, với đầu óc thật thông minh”, hẳn là được Francisco trao phó cho Alexandre de Rhodes; cậu này đã dạy cho ông trong vòng ba tuần “tất cả các cung điệu của ngôn ngữ này, và cách đọc mọi chữ”, và cũng trong ba tuần ấy, cậu đã học ‘đọc chữ của chúng ta, viết chữ, và giúp lễ…” (xem A. de Rhodes, Divers voyages et missions, trang 73)
[13]
Sau đây là điều mà sử gia D. Bartoli ghi lại về phương pháp mà Buzomi đã sử dụng để làm việc chung với người thông ngôn của mình: « In tanto mentre ancor non potea valersi della sua lingua al ministero della diuina predicatione, adoperaua l’interprete, già con isquisita cura, e con ugual patienza ammaestrato di quanto era da ragionarsi in publico, prouandosi prima in segreto il Padre a dire in sua lingua, e il Cocincinese a ripeterlo nella sua, con parole sì proprie, che la copia, per dir così, fedelmente rispondesse all’originale. » (Dell’Historia della Compagnia di Giesù: La Cina, terza parte dell’Asia, tr. 618). Tạm dịch: “Khi ông không thể tin cậy vào [kiến thức về] ngôn ngữ để thực hiện sứ mạng rao giảng đạo Chúa, ông sử dụng người thông ngôn, mà trước đó ông đã đào tạo kỹ lưỡng và nhẫn nại về những gì cần giải thích cho dân chúng; trước tiên ông Cha cố gắng nói bằng ngôn ngữ mình, và anh Nam Kỳ lặp lại trong ngôn ngữ của anh, với những từ ngữ đủ chuẩn xác để cho bản sao, nếu có thể gọi như thế, phải trung thành với bản chính.”
[14]
BA, Jesuítas na Ásia, tập 49/V/5, tờ. 511v-514v)
[15]
Xem Anthony Reid, « Economic and Social Change c. 1400-1800 », trong The Cambridge History of Southeast Asia, quyển 1., Cambridge (G.-B.) : Cambridge University Press, 1992, tr. 467
[16]
Xem Pierre-Yves Manguin, Les Portugais sur les côtes du Viêt-Nam et du Campa, Étude sur les routes maritimes et les relations commerciales, d’après les sources portugaises des XVIe, XVIIe et XVIIIe siècles: Người Bồ Đào Nha trên bờ biển Việt Nam và Champa (Chàm), Nghiên cứu về các đường biển và các giao dịch thương mại, dựa theo những nguồn tài liệu Bồ Đào Nha của các thế kỷ XVI, XVII và XVIII.  Paris : ÉFEO, 1972
[17]
Peregrinaçam, chương. 78. Tác phẩm này được viết vào khoảng 1580, và xuất bản năm 1614
[18]
Luís Fróis, Cartas de Japão, tập 1, tờ 425.
[19]
Xem Biblioteca da Ajuda, Jesuítas na Ásia, quyển 49/V/5, tờ. 204.
[20]
Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisus. Phép giảng tám ngày…, Xuất bản tại Rôma 1651, trang 25. Xem Roland Jacques, «Nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi “Hoa lang” và “Hoa lang đạo» Định Hướng, 14, Mùa Đông 1997, tr. 125-134.
[21]
Ví dụ Niên Giám Nam Kỳ (Annua de Cochinchina) ngày 31/8/1621 (Biblioteca da Ajuda, Jesuítas na Ásia, quyển. 49/V/7, tờ 255-266). Xin tham chiếu tác giả Nguyễn Hồng, Lịch-sử truyền-giáo ở Việt-Nam, tập 1, Các thừa sai Dòng Tên 1615-1665, Sài Gòn, Hiện Tại, 1959, tr. 67-76; ông đã trích dẫn linh mục Dòng Tên Daniello Bartoli, Dell’Historia della Compagnia di Giesù: La Cina, terza parte dell’Asia, Rôma, 1663.
[22]
Đối với Nhật Bản, xem bản tổng hợp đặc sắc của Charles Boxer, «Alguns aspectos da influência portuguesa no Japão», trong Revista de Cultura (Macao), bộ thứ nhì, 1/7/ 1993, trang 73-100 (trang 86-88 đối với các họa phẩm). Theo Boxer, các linh mục dòng Tên đã dạy nghệ thuật cho nhiều dojukus (đồ đệ) và phụ tá của họ; nhưng đa số chỉ cố gắng sao chép thật trung thực các mẫu họa phẩm tôn giáo của Âu Châu, số người biết sáng tạo chỉ là ngoại lệ. Không thấy ghi tên thầy Tadeu (Tađêô)
[23]
Dell’Historia della Compagnia di Gesù, Xuất bản tại Naples, 1859, quyển IV, tr. 181.
[24]
Một tường thuật về thời gian cư ngụ của Ruiz tại Việt Nam có nhắc đến tên bà này: xem Thư Viện Quốc Gia Lisbonne, Codex 11098, tờ 247-349.
[25]
Bản dịch thoát ý từ một văn bản trong Thư Viện Ajuda (Biblioteca da Ajuda), Jesuítas na Ásia, quyển 49/IV/66, tr. 81-82.
[26]
Histoire du Royaume du Tunquin, Lyon, 1651, tr. 127
[27]
Tài liệu lưu trữ lịch sự của dòng Tên,  Jap.-Sin., quyển. 114, tờ. 176-185.
[28]
Đối với các sách giáo lý Nhật Bản, và những tác phẩm giáo lý khác của dòng Tên tại Trung Hoa, xem phần nhập đề của Nguyễn khắc Xuyên trong lần tái bản cuốn Giáo Lý của Alexandre de Rhodes: Phép Giảng Tám Ngày – TP.Hồ Chí Minh: Tủ Sách Đại Kết, 1993, tr. XII-XIII et XX-XXIII. Cầm phải tiếp tục nghiên cứu đối chiếu có hệ thông giữa các tác phẩm này với sách giáo lý của Alexandre de Rhodes , hầu tìm xem có một sự kế thừa nào chăng.
[29]
Xem Biblioteca da Ajuda, Jesuítas na Ásia, quyển 49/V/5, tờ 204.
[30]
  Về vấn đề này, xem nghiên cứu của Manuel Teixeira, A diocese portuguesa de Malaca (Giáo phận Malaca thuộc Bồ Đào Nha).  Macao. Boletim Eclesiástico, 1957, tr. 242.
[31]
Biblioteca da Ajuda, Jesuítas na Ásia, quyển. 49/V/6, tờ 153-157v.: Theo các ước lượng, số nợ nêu trên tương đương với hơn 9200 pataca Macao (đơn vị tiền tệ bằng vàng, tương đương với một nén) hay 23000 xêraphin, hay hơn 7 triệu réal Bồ Đào Nha (đơn vị tiền tệ thời ấy) – một số tiền thật lớn.
[32]
Biblioteca da Ajuda, Jesuítas na Ásia, quyển 49/V/6, tờ 463v-467
[33]
Peregrinaçam, đoạn 140.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang