Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Cầu nguyện trong các thư thánh phaolô



(TNCG) - BÀI GIÁO LÝ NGÀY THỨ TƯ ( 8A 17) 

Công trường Thánh Phêrô, buổi yết kiến ngày thứ tư, 16.05.2012.
ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI

Anh Chị Em thân mến, 
Trong những bài giáo lý cuối cùng, chúng ta đã suy tư về cầu nguyện trong Sách Tông Đồ Công Vụ, hôm nay tôi muốn được khởi sự đề cập đến cầu nguyện trong các Thư Thánh Phaolô, Vị Tông Đồ dân ngoại. 
Trước hết tôi muốn được lưu ý không phải chỉ một trường hợp, mà các Thư đều được khởi đầu và kết thúc bằng những phương thức nói lên lời cầu nguyện. Lúc khởi đầu là lời tạ ơn và chúc tụng, và sau cùng lời chúc ước cho những gì ơn Chúa hướng dẫn lối đi của cộng đồng, mà bức Thư được gởi đến. 
Giữa công thức khởi đầu: 
- "...tôi tạ ơn Chúa của tôi, nhờ Chúa Giêsu Kitô" (Rom 1, 8) 
và lời cầu chúc cuối cùng: 

- "Cầu chúc anh em đầy tràn ơn sủng Chúa Giêsu Kitô" (1 Cor 16, 23), 
nội dung của các Thư của Vị Tông Đồ được khai triển. 
Lời cầu nguyện của Thánh Phaolô là một lời cầu nguyện được diễn ra dưới hình thức 
- từ cám ơn đến chúc phúc, 
- từ ngợi khen đến lời van xin và xin can thiệp, 
- từ thánh ca đến lời khẩn cầu nguyện xin. 
Nhiều cách diễn tả khác nhau cho thấy lời cầu nguyện có liên hệ và thẩm thấu vào tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống, đời sống cá nhân cũng như đời sống cộng đồng đang được đề cập đến. 
1 - Yếu tố thứ nhứt và Vị Thánh Tông Đồ muốn làm cho chúng ta hiểu được, đó là cầu nguyện không nên được coi như là một động tác tốt đẹp mà chúng ta thực hiện hướng về Chúa, một hành động của chúng ta. 
Đúng hơn đó là một ân huệ, kết quả của sự hiện diện sống động, ban sự sống của Chúa Cha và Chúa Giêsu nơi chúng ta. 
Trong Thư gởi các tín hữu Roma, ngài viết: 
- "Cũng vậy, lại có Thánh Thần giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả" (Rom 8, 26 ). 
Và chúng ta biết những gì Vị Tông Đồ nói: 
- "Chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho thích hợp"
Chúng ta muốn cầu nguyện, nhưng Thiên Chúa ở xa, chúng ta không có lời nói, ngôn từ, để nói với Chúa, kể cả tư tưởng. 
Chúng ta chỉ có thể mở rộng chúng ta ra, dành thời giờ chúng ta cho Chúa, đợi Người gíúp đỡ chúng ta đi vào được trong cuộc đối thoại với Người. 
Vị Tông Đồ nói lên việc thiếu ngôn từ đó, việc thiếu tiếng nói đó, nhưng chính lòng ước muốn được vào tiếp xúc với Chúa, chính là lời cầu nguyện mà không những Chúa Thánh Thần hiểu được, mà Người còn đem đến và giải thích bên Chúa. 
Chính sự yếu hèn của chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, trở nên lời cầu nguyện đích thực, tiếp xúc đích thực với Chúa. 
Chúa Thánh Thần gần như là người thông dịch làm cho chúng ta hiểu được và cho Chúa biết những gì chúng ta muốn nói với Người. 
Trong cầu nguyện, chúng ta kinh nghiệm được,đúng hơn không phải những tầm kích khác nhau của cuộc sống, cho bằng sự yếu đuối, sự nghèo khó, thực trạng tạo vật của chúng ta. Bởi vì chúng ta bị đặt trước sự toàn năng và tối thượng của Thiên Chúa. 
Và chúng ta càng tiến thêm vào việc lắng nghe và đối thoại với Chúa, bởi vì cầu nguyện trở thành hơi thở hằng ngày của linh hồn chúng ta, chúng ta càng khám phá ra ý nghĩa sự giới hạn của chúng ta, không những đối với các thực trạng hằng ngày, mà cả trong chính mối tương quan với Chúa. 
Từ đó phát sinh ra nơi chúng ta lòng tin cậy, luôn phó thác chúng ta cho Người. Chúng ta hiểu được rằng: 
- "chúng ta không biết phải cầu nguyện sao cho xứng đáng" (Rom 8, 26). 
Và Chúa Thánh Thần là Đấng trợ lực cho tình trạng thiếu khả năng của chúng ta, soi sáng tâm trí chúng ta và hâm nóng con tim chúng ta, hướng dẫn chúng ta hướng về nói với Chúa. 
Đối với Thánh Phaolồ cầu nguyện là động tác nhứt là của Chúa Thánh Thần trong nhân loại chúng ta, để đảm nhận lấy sự yếu đuối của chúng ta và chuyển đổi chúng ta từ những con người bị gắn bó với thực tại vật chất thành những con người gắn bó với thiêng liêng. Trong Thư I gởi các tín hữu Corinto ngài nói: 
- "Giờ đây, chúng ta không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa , để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thánh Thần.Chúng tôi dùng những lời lẽ được Thánh Thần linh ứng để diễn tả thực tại thuộc về Thánh Thần" (1 Cor 2, 12-13). 
Với việc Người cư ngụ trong sự mỏng dòn của chúng ta, Chúa Thánh Thần thay đổi chúng ta, làm trung gian cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta hướng về sự cao cả của Thiên Chúa (cfr. Rom 8, 6). 
2 - Với sự hiện diện nầy của Chúa Thánh Thần sự kết hợp của chúng ta với Chúa Giêsu được thực hiện, bởi vì Người là Thánh Thần của Con Thiên Chúa, mà qua Người chúng ta được trở thành con cái. 
Thánh Phaolồ nói đến Thánh Thần của Chúa Kitô (cfr. Rom 8, 9), chớ không phải chỉ là Thánh Thần của Thiên Chúa. 
Dĩ nhiên, nếu Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, Thánh Thần của Người cũng là Thánh Thần của Thiên Chúa. Và như vậy, nếu Thánh Thần của Thiên Chúa, Thánh Thần của Chúa Kitô, trở thành thật gần gũi với chúng ta trong Con Thiên Chúa và Con Người, Thánh Thần của Thiên Chúa cũng trở thành tinh thần con người và động chạm đến chúng ta: bởi đó chúng ta có thể hội nhập vào thông hiệp với Chúa Thánh Thần. 
Điều đó có nghĩa là không những Chúa Cha làm cho mình thấy được trong sự Nhập Thể của Chúa Con, nhưng cả Chúa Thánh Thần cũng thể hiện ra trong đời sống và động tác của Chúa Giêsu, của Chúa Kitô, Đấng đã sống, đã chịu đóng đinh, chết và sống lại. 
Vị Tông Đồ nhắc nhớ rằng: 
- "không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần" (1 Cor 12,3). 
Như vậy, Chúa Thánh Thần hướng dẫn tâm hồn chúng ta hướng về Chúa Giêsu Kitô, khiến cho 
- "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal 2, 20). 
Trong những bài Giáo Lý về các Phép Bí Tích, khi suy nghĩ về Phép Thánh Thể, Thánh Ambrogio xác nhận 
- "Ai đắm say trong Chúa Thánh Thần, là người đâm gốc rễ vào Chúa Kitô" (Catechesi sui Sacramenti, 5, 3, 17: PL 16, 450). 
Giờ đầy tôi muốn được làm thể hiện rõ ba hậu quả trong đời sống Kitô giáo chúng ta, khi chúng ta không để cho tinh thần thế tục tác động nơi mình, mà Thánh Thần Chúa Kitô như là nguyên lý nội tại của tất cả động tác chúng ta: 
a) Trước tiên với lời cầu nguyện được Chúa Thánh Thần năng động hóa, chúng ta được đặt trong điều kiện bỏ qua và vượt lên trên mọi hình thức sợ hãi hay nô lệ, bằng cách sống tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. 
Không có cầu nguyện nuôi dưỡng mỗi ngày cuộc sống của chúng ta trong Chúa Kitô, trong thân tình mỗi ngày càng lón thêm lên, chúng ta ở trong tình trạng mà Thánh Phaolồ diễn tả ra trong Thư gởi các tín hữu Roma: đó là chúng ta không làm điều thiện mà chúng ta muốn, trái lại làm điều ác mà chúng ta không muốn (cfr Rom 7, 19). 
Đó là phương thức diễn tả ra sự băng hoại của phẩm giá con người, tiêu diệt tự do của chúng ta, do hoàn cảnh sống của chúng ta vì nguyên tội gây nên: chúng ta muốn điều thiện mà chúng ta không làm và chúng ta làm điều mà chúng ta không muốn: đó là điều dữ. 
Vị Tông Đồ muốn làm cho chúng ta biết rằng trước tiên không phải là ý chí của chúng ta giải thoát chúng ta khỏi những điều kiện nầy và cũng không phải Lề Luật, nhưng chính là Chúa Thánh Thần. Và bởi vì ở đâu có Thánh Thần Thiên Chúa, ở đó có tự do (2 Cor 3, 17). 
Với cầu nguyện chúng ta kinh nghiệm được tự do được Chúa Thánh Thần ban cho: một nền tự do chân chính, đó là tự do khỏi điều ác và tội lỗi để có được điều thiện tốt lành và đời sống, có được Thiên Chúa. 
Tự do của Thánh Thần, Thánh Phaolồ nói tiếp, không bao giờ đồng nhứt với phóng đảng, cũng không đồng nhứt với việc có thể lựa chọn điều ác, mà đúng hơn 
- "hoa quả của Thánh Thần là yêu thương, hoan lạc bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tự chủ" (Gal 5, 22). 
Đó là tự do đích thực: tức là có thể thực sự theo đuổi lòng ước muốn điều thiện, niềm hân hoan thục sự, sư thông hiệp với Thiên Chúa và không bị áp chế bởi các hoàn cảnh hướng dẫn chúng ta đi theo các chiều hướng khác. 
b) Hậu quả thứ hai xảy ra trong đời sống chúng ta, khi chúng ta để cho Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta, đó là chính mối tương giao với Chúa trở thành thực sự sâu đậm, khiến không có thực tại hay hoàn cảnh nào có thể làm xức mẻ đi được. 
Như vậy chúng ta biết rằng qua cầu nguyện không phải chúng ta được giải thoát khỏi các cơn thử thách hay các nỗi đau khổ, mà là sống hiệp nhứt với Chúa Kitô, với các đau khổ của Người, trong viễn ảnh được tham dự vào vinh quang của Người (cfr Rom 8, 17). 
Nhiều lần trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự đau đớn thể xác hay tinh thần, và chúng ta xin với lòng tin cậy to lớn. Tuy nhiên, thường xuyên chúng ta có cảm tưởng là không được lắng nghe và từ đó có cái nguy là chúng ta nản lòng và không còn bền chí. 
Trên thực tế, không có tiếng la thét nào của con người mà không được Chúa lắng nghe. Và chính trong càu nguyện kiên trì và trung tín, chúng ta hiểu được với Thánh Phaolồ rằng 
- "những đau khổ chúng ta chịu bây giờ không cản trở vinh quang trong tương lai sẽ được mạc khải cho chúng ta" (Rom 8, 18). 
Cầu nguyện không miễn chuẩn cho khỏi cơn thử thách và các đau khổ, trái lại, như Thánh Phaolồ nói 
- "chúng ta rên siết trông nội tâm, trong khi đợi chờ được chấp nhận làm con cái, cuộc cứu độ thân thể chúng ta" (Roma 8, 26). 
Ngài nói rằng cầu nguyện không làm cho chúng ta khỏi đau khổ, nhưng cho phép chúng ta sống đau khổ đó và đối đầu lại với nó bằng sức mạnh mới, bằng chính sự tin cậy của Chúa Giêsu, là Đấng, theo Thư gởi cho các tín hữu Do Thái, 

- "trong những ngày cuộc sống trần gian của Người, Người dâng lời cầu nguyện và van xin cùng với những tiếng kêu la và nước mắt, kêu lên Chúa là Đấng có thể cứu Người khỏi cái chết, và qua động tác hoàn toàn phó thác nơi Người, Chúa Giêsu được lắng nghe" (Heb 5, 7). 
Đáp ứng lại của Chúa Cha đối với Chúa Con , trước những lời thét lớn và nước mắt, không phải là sự giải thoát khỏi các cơn đau đớn, khỏi thập giá, khỏi cái chết, nhưng là một đáp ứng rất lớn hơn nhiều, một đáp ứng sâu đậm hơn nhiều: đó là qua thập giá và cái chết, Thiên Chúa đã trả lời bằng cuộc sống lại của Chúa Con , bằng đời sống mới. 
Lời cầu nguyện được Chúa Thánh Thần năng động cũng đem chúng ta mỗi ngày sống cuộc hành trình đời sống với những thử thách và những cơn đau khổ, trong niềm hy vọng hoàn toàn, trong niềm tin tưởng vào Chúa là Đấng đáp ứng lại, như đã đáp ứng cho Chúa Con. 
c) Và thứ ba, lời cầu nguyện của người tín hữu mở ra cho các chiều kích nhân loại và cả tạo vật, bằng cách đảm nhận lấy nơi mình 
- "Muôn loài tho tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người" (Rom 8, 19). 
Điều đó có nghĩa là lời cầu nguyện được Thánh Thần của Chúa Giêsu nâng đỡ, Đấng nói lên trong nội tâm thân thiết của chúng ta , lời cầu nguyện đó không bao giờ vẫn đóng kín nơi mình, không bao giờ chỉ là lời cầu nguyện cho một mình chúng ta, mà mở rộng ra chia xẻ những đau thương của thời đại chúng ta, của những người khác. 
Trở thành sự can thiệp cho người khác, và như vậy giải thoát khỏi tôi, cầu nguyện trở thành nguồn mạch hy vọng cho cả tạo vật, phương thức diễn tả tình yêu Thiên Chúa đã đổ vào các trái tim của chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, mà Người đã ban cho chúng ta (crf Rom 5, 5). 
Và đó chính là dấu chỉ của một lời cầu nguyện đích thực, không phải chỉ kết thúc nơi chúng ta, mà còn mở rộng ra cho những người khác và như vậy lời cầu nguyện đó giải thoát tôi, như vậy giúp cứu độ thế giới. 
Anh Chị Em thân mến, Thánh Phaolồ dạy chúng ta rằng trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta cần phải mở rộng chúng ta ra cho Chúa Thánh Thần, Đấng cầu nguyện cho chúng ta bằng những tiếng thét không thể diễn tả được., để đem chúng ta đến gắn chặt vào Chúa với tất cả con tim và với tất cả sự sống của chúng ta. 
Thánh Thần của Chúa Giêsu trở thành 
- sức mạnh của lời cầu nguyện "yếu đuối " của chúng ta, 
- ánh sáng của lời cầu nguyện "tắt ngũm", 
- ngọn lửa của lời cầu nguyện "khô khan" của chúng ta, bằng cách ban cho chúng ta sự tự do nội tâm, dạy chúng ta sống bằng cách đương đầu với các cơn thử thách của cuộc sống, trong niềm tin chắc chắn rằng mình không phải một mình trơ trọi, trong khi mở rộng ra những chân trời của nhân loại và của tạo vật 
- "đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở" (Rom 8, 22), 
Cám ơn Anh Chị Em. 
Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập. (TNCG) 
(Thông tấn www.vatican,va, 16.05.2012).

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang