Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Nỗi buồn xa quê

 
canh_coNhiều năm đằng đẵng trôi qua, tôi thực sự xa quê, xa hẳn tình thương gia đình, nhất là tình thương cha nghiêm mẹ hiền, khối tình thiêng liêng ấy cao cả đến nỗi nếu thiếu tình thương đó thì tôi không thể sống nổi đến ngày nay.
Quê tôi là một vùng thôn dã nghèo nàn với những mái nhà đơn sơ, cánh đồng lúa, những con đường mòn,... Nhưng ở đó tôi đã lớn lên bằng dòng sữa ngọt ngào của mẹ và tình thân đồng bào bao la. Quê tôi chẳng có gì cao siêu hơn bóng dừa, chùm khế, trái me,... với những con người chân chất, ít học, quanh năm chân lấm tay bùn bên nưng khoai, ruộng lúa, tay cày, tay cuốc. Kỷ niệm tuổi thơ của tôi cũng chỉ nhỏ nhoi như viên ô-mai và đơn sơ như những trang viết học trò tim tím một thời dưới mái trường làng.

Tôi bôn ba giữa chợ đời, đi mãi, chẳng trở về quê, nơi đó có mẹ già vẫn mỏi trông đứa con trai đa mang và lận đận. Có về chăng chỉ là dịp tết, vài ngày rồi lại đi. Vô tình mà tôi hóa thành bội bạc. Và rồi... mấy năm qua, tôi không còn thấy bóng mẹ hiền nữa. Mùa xuân mà lòng tôi thật trống vắng, tôi càng ít nói hơn...
Làm sao không nhớ mỗi khi chiều về? Làm sao không buồn khi mưa giăng tầm tã? Làm sao không hoài niệm khi nắng trưa vàng óng? Còn đâu những bữa cơm đạm bạc nhưng mặn nồng tình thương, những ánh mắt trìu mến, những tiếng cười, tiếng dế, tiếng gà,... và tất cả những gì của một vùng quê. Ai đã từng sống ở quê mới khả dĩ hiểu hết chữ "quê" ấy. Chợt nhìn lại kiếp tha phương cầu thực, ăn nhờ ở đậu, sống qua ngày đoạn tháng, tôi thấy chạnh lòng biết bao! Cánh-diều-tuổi-thơ-tôi-mang-những-ước-mơ đâu rồi? Tôi tiếp tục độc hành để sống còn, ít là cho chính mình, vì tôi biết tôi chưa thể làm gì lợi ích cho người khác. Tôi luôn tự trách mình vô duyên và bất tài!
Rộng hơn, tâm trạng người viễn xứ nơi đất khách quê người thì buồn đến chừng nào nữa! Xưa nay, quê hương Việt Nam mến yêu của tôi hãnh diện với bốn ngàn năm văn hiến, là con Rồng cháu Tiên, chinh Nam phạt Bắc, nhỏ người nhưng chí lớn, vươn mình lên từ muôn gian lao. Quê hương tôi thắm tình từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, suốt dòng chữ S duyên dáng. Đơn giản và "khó ngửi" như mùi mắm tôm, mắm ruốc lại là "vị" người ta không thể quên. Thế thì ai có thể quên được những danh lam thắng cảnh khác trên khắp quê hương Việt Nam? Là người "bạc" nhất cũng có một thoáng nhớ – dù là nỗi nhớ vu vơ!
Tôi luôn nhớ những gì của quê hương tôi, cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Tôi nghẹn ngào khi gặp lại người thân mà không thốt nên lời, cho nên tôi vẫn bị coi là khó hiểu và khó tính. Xin đừng trách tôi, thật lòng tôi không muốn làm phiền ai hết. Xin cho nhau hạnh phúc ngọt ngào để được nói câu: "Buồn ơi, ta chào mi!".
Chính Chúa Giêsu đã xác định: "Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6:34). Thế nhưng con-người-tôi quá yếu đuối và kém đức tin, cho nên nhiều lúc không tránh khỏi hoang mang, kiểu như cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mẹt?". Mỏi mệt thật! Viên-đá-cuội-tôi lăn mòn đời trên những con dốc đời...
Vì bất túc và bất trác, tôi luôn phải cố gắng lắng nghe Lời Chúa: "Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11:28), và phải cương quyết đấu tranh với chính mình để hành động theo lời Thánh Phaolô: "Hãy siêng năng cầu nguyện, hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn" (Cl 4:2). Đặc biệt là tôi "ráng" đứng vững như Thiên Chúa động viên: "Đừng sợ!" (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13 & 30; Lc 2:0; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Kh 1:17-18).
Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, xin lắng tai nghe lời con nói và hiểu thấu điều con thầm thì nguyện xin (Tv 5:2).
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang