Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Công giáo Hoa kiều ở Ý thiết tha hàn gắn những rạn nứt

Hoa kiều ở Prato tham dự Thánh lễ
Cuộc họp tại Rôma làm cầu nối văn hoá cho người nhập cư Trung Quốc

Cộng đồng Công giáo Trung Quốc nhỏ bé ở Ý vừa nhóm họp hồi cuối tuần qua tại thành phố công nghiệp Prato, gần Firenze, để thảo luận những bất hoà đang lớn dần giữa người Ý và người nhập cư trong thời điểm kinh tế khó khăn và cũng để tái khẳng định vai trò “cầu nối” giữa người Trung Quốc và người Ý.

Ở Ý có khoảng 1.000 Hoa kiều Công giáo. Gần một nửa sống ở Prato, tại đây trong những năm qua một cộng đồng Trung Quốc lớn - chính thức là 12.000 người nhưng ước tính có thể tới 50.000, chiếm gần 1/4 dân số thành phố - đã gầy dựng một ngành công nghiệp dệt may phát đạt.

Thành công kinh tế đã phải trả giá cao: các doanh nghiệp người Ý nói họ gần như đã bị đóng cửa bởi sự cạnh tranh giá thấp của các công ty Trung Quốc và một khu vực từng làm ăn phát đạt nay gần như đã biến mất.

Theo các nhà phê bình, các doanh nghiệp Trung Quốc có thuận lợi là họ tuyển lao động không đăng ký làm việc nhiều giờ hơn công nhân người Ý, trả lương thấp hơn và thường không tuân thủ các yêu cầu của luật lao động ở Ý.

Căng thẳng đã hơn một lần bùng phát ở Prato và tình hình kinh tế khó khăn gần đây ở Ý đã không giúp được gì. “Tình hình vẫn còn căng thẳng và quan hệ giữa hai cộng đồng không được tốt đẹp” – Linh mục Francesco Saverio Wang thuộc Giáo xứ Thăng Thiên và là tuyên uý cho cộng đồng Trung Quốc ở Prato, nhận xét.

Đồng thời ngài nhấn mạnh người ta có thành kiến với di dân Trung Quốc ở Ý, họ thường bị cáo buộc các tội như không đóng thuế đầy đủ, vốn là điều mà chính người bản xứ thường phạm.

Trong cuộc họp dài 2 ngày, Hoa kiều Công giáo đến từ khắp nước Ý bàn cách cải thiện quan hệ với người Ý và hội nhập nước Ý. Vấn đề chính vẫn là kiến thức về tiếng Ý.

“Nhiều người Trung Quốc hầu như không nói được tiếng Ý vì thế họ không thể nói lên được suy nghĩ của mình, hoặc nói rằng họ là những người bạn. Vì lý do này, chúng tôi tổ chức nhiều khoá học tiếng Ý miễn phí trong giáo xứ quanh năm” – Cha Wang cho biết.

Nhưng theo ngài, vẫn còn nhiều việc cần làm để “giáo dục” cộng đồng Trung Quốc.

“Chúng tôi phải dạy đàn chiên của mình đường lối của Thiên Chúa, đó là cuộc sống không chỉ có kiếm tiền. Nhiều người Trung Quốc không tuân thủ luật pháp Ý và chẳng mấy quan tâm tìm hiểu văn hoá Ý. Chúng tôi phải giáo dục họ” – ngài nhấn mạnh.

Về mặt này, các tham dự viên cuộc họp cho biết người Công giáo Trung Quốc, trong khi là một “nhóm thiểu số trong một cộng đồng thiểu số”, có thể đóng vai trò quan trọng. “Chúng ta có thể làm cầu nối, bắt đầu bằng cách thay đổi chính mình” – họ cam kết.

Người Công giáo Trung Quốc nhóm họp tại Prato còn nghĩ cách đem đức tin đến với cộng đồng Trung Quốc. Hôm thứ Bảy, một nhóm nữ tu, chủng sinh và giáo dân đến khu Chinatown trong thành phố, nằm trên đường Via Pistoiese, để làm chứng đức tin và phát tờ rơi về cộng đoàn Công giáo. Sau đó vào Chủ Nhật, họ tổ chức rước kiệu Đức Mẹ đi qua khu phố Tàu này.

“Có nhiều người hiếu kỳ muốn biết chúng tôi. Họ mở cửa sổ và chụp hình chúng tôi” – Cha Wang kể.

Nhưng nhìn chung, Hoa kiều vẫn còn nghi ngờ nhóm thiểu số Công giáo này. Một số chủ tiệm từ chối tiếp những người bắt chuyện với họ và đã có báo cáo trong cộng đồng Trung Quốc ở Prato nói rằng người lao động Công giáo bị chủ đuổi việc vì tham gia các sinh hoạt của Giáo Hội như đi hành hương chẳng hạn.

Tham gia sinh hoạt giáo xứ vẫn còn khó khăn khi người ta phải đi làm từ 12-15 giờ mỗi ngày trong một số trường hợp.

Trong Thánh lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính toà ở Prato, Đức Giám mục địa phương Gastone Simoni kêu gọi người Trung Quốc và người Ý nên bỏ dùng từ “chúng tôi” và “họ” và nhận ra rằng là Kitô hữu họ đều thuộc về cùng một từ “chúng ta”.

Bài giảng của ngài được Đức Tổng Giám mục Savio Hàn Đại Huy, Thư Ký Thánh bộ Truyền giáo, dịch sang tiếng Trung Quốc.

Hôm thứ Bảy, Đức cha Savio đã rửa tội cho 5 người lớn Trung Quốc. “Chúng ta là một cộng đoàn nhỏ, nhưng chúng ta có nguồn gốc vững chắc” – ngài nói.

Cuộc họp Hoa kiều Công giáo ở Ý hằng năm này bắt đầu cách đây 5 năm, khi Đức Thánh Cha kêu gọi dành một ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc.

Alessandro Speciale từ Prato, Ý

(Nguồn: UCAN)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang