Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 145)

"Chuỗi Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Tin Mừng, là một chuỗi tình yêu gồm những lời yêu thương chân thành và đơn sơ nhất: hãy nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu và thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin với Đấng đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế."
Trích từ Lịch Công Giáo 2002-2003
ĐẾN VỚI "MỘT TÂM HỒN"
Cuối tháng 9, một người bạn thân đến chào tôi để vào dòng kín. Tôi ngạc nhiên vô cùng bởi tính người ấy cũng giống tôi, thích hoạt động và thích bay nhảy hơn là ngồi một chỗ. Thế mà, sau 3 tháng tìm hiểu, người ấy quyết đi theo thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Tôi hỏi ra ngọn ngành mới biết, chỉ một lần tình cờ đọc được cuốn "Một Tâm Hồn" bạn tôi mới cảm thấy yêu mến và được mời gọi tha thiết đi theo con đường nhỏ của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu...
Tôi từ ngạc nhiên này đi đến ngạc nhiên khác và tôi cố tìm cho ra cuốn sách mà tôi chỉ được nghe nói tới. Mất 3 hôm thì Chúa sai nguời mang đến cho tôi mượn. Tôi mừng quá đọc ngấu nghiến luôn cả tuần. Càng đọc tôi càng bị lôi cuốn và thấy mọi chuyện như đang diễn ra trước mắt, sống động và thánh thiện vô cùng...

Sau khi đọc xong, cảm xúc trong tôi dâng trào và tôi muốn viết một bài để chia sẻ cùng các bạn về những tia sáng rực rỡ mà tôi đã may mắn nhận thấy từ tâm hồn Têrêsa. Nhưng đặt bút mãi, viết rồi lại bỏ, lại viết, lại bỏ... cuối cùng tôi đã nhận ra mình đã thất bại thảm hại. Làm sao ngòi bút tôi có đủ khả năng và ngôn từ để vẽ lại dù chỉ đôi chút những nét đẹp của tâm hồn bông hoa nhỏ. Hãy xem nơi chị, chỉ đơn giản 3 từ Tin, Cậy, Mến đã có sự hòa quyện tuyệt vời. Này Đức Cậy không nằm ngoài Đức Tin: "Cần đặt tất cả tin tưởng nơi đấng duy nhất... và chỉ cậy trông vào ân sủng của Chúa", lại cũng thấy Đức Tin không nằm ngoài Đức Ái "Chính niềm tin tưởng và chỉ có niềm tin tưởng mới có thể dẫn ta tới tình yêu Chúa". Như vậy nơi chị Têrêsa đơn sơ bé nhỏ của Chúa Hài Đồng chẳng bao giờ có sự tách bạch giữa các nhân đức. Tất cả như những nốt nhạc trong bản hòa tấu của nhà soạn nhạc tài ba.
Đức Tin bày tỏ cho thấy sự tuyệt diệu của tình yêu Thánh và dạy ta biết quý trọng tình yêu đó. Đức Cậy cho thấy sự yếu đuối có thể đạt tới tình yêu, cũng như dạy ta biết ao ước sống tình yêu. Còn Đức Ái giúp ta kính phục tình yêu bởi cũng như loài cá chỉ có thể hạnh phúc khi sống trong đại dương, người ta cũng chỉ hạnh phúc ở ngoài đại dương hạnh phúc là Thiên Chúa.
Có lẽ không ai hiểu rõ điều này cho bằng chị Têrêsa, chị viết: "Con không còn ao ước nào khác ngoài việc yêu mến Chúa Giêsu đến điên cuồng, chỉ có tình yêu thu hút con".
Và cũng đúng như chị nói: "Người ta nhận được từ Thiên Chúa tất cả mọi sự, tuỳ mức người ta trông cậy Ngài". Thiên Chúa đã cho chị được no thoả tình yêu Ngài theo đúng lòng cậy trông tuyệt vời chị đặt nơi Ngài.
Tôi chẳng thể nào nói được những điều tuyệt hảo tôi đã được chiêm ngắm từ tâm hồn chị Têrêsa, tôi chỉ viết điều này cho những ai đang tìm kiếm con đường nhỏ, đang ao ước được theo chân chị Têrêsa. Không phải theo vào dòng kín như bạn tôi mà còn là theo giữa đời nữa, có thêm một cơ hội qua "Một tấm lòng".
Và cũng tuyệt diệu thay khi Tháng Hoa được mở ra bằng ngày lễ của bông hoa nhỏ Têrêsa, điều này cho ta thêm một lần biết nhìn lại mình, học theo gương Têrêsa để biết yêu mến Mẹ như chị đã yêu, yêu mến Chúa như chị đã yêu.
MINH PHƯƠNG
TÔI ĐI TÂY NGUYÊN
KỲ 3: NGƯỜI J’RAI - Hiếu khách: Khi ăn, những món ngon nhất, trình bày đẹp nhất được dành cho khách. Người J’rai luôn niềm nở đón khách đến thăm nhà. Khi khách đến thăm, họ lập tức làm ngay một món gì đó để đãi khách. Đặc biệt, khi ghé thăm nhà nào, khách đều sẽ được mời "nhum" nước giọt ("nhum" có nghĩa là "uống"). Nước giọt là nước tự nhiên chảy ra từ khe núi hay lòng đất, rất trong, ngọt và mát lạnh tự nhiên. Muốn lấy nước giọt, mỗi ngày, một đứa con gái trong nhà phải đi bộ từ rất sớm và đi một quãng rất xa. Nước giọt được hứng vào trong một trái bầu khô. Trái bầu này được làm cũng rất công phu. Trái bầu già sau khi để khô, người J’rai đem ngâm xuống bùn vài ba ngày để nhuộm màu đen, sau đó đổ nước đầy và thay nước liên tục trong khoảng một tháng mới có thể dùng được. Lấy tay sờ vào bầu nước giọt thấy mát lạnh như được ướp đá, không biết là do nước hay do trái bầu. Đến thăm vài nhà, chúng tôi quan sát để ý thấy "nước giọt" chỉ dùng cho khách, còn người nhà thì uống nước giếng đun sôi. Một điều nữa là người J’rai luôn tìm mọi cách để đáp ứng một nhu cầu nào đó của khách một cách tốt nhất. Họ sốt sắng đến mức đôi khi khiến cho khách cảm thấy ngại vì đã gây vất vả cho họ. Nhưng, người J’rai lúc nào cũng …
- Hay cười: Trên môi họ, nhất là các thiếu nữ, luôn có nụ cười rất tươi khoe hàm răng trắng muốt. Chúng tôi còn nhớ, vào buổi sáng đầu tiên ở gia lai, khi còn đang mơ màng chưa thức giấc, chúng tôi đã nghe loáng thoáng tiếng nô đùa cùng những tiếng cười giòn tan, trong vắt. Chỉ ở vài ngày, vậy mà buổi sáng đầu tiên khi về Sài Gòn, chúng tôi thấy nhớ tiếng cười, những âm thanh rộn ràng đó đến nao lòng, chợt thấy sự im lặng buổi sáng thành thị sao mà chán phèo. Chúng tôi còn được biết, người J’rai không chỉ cười lúc vui. Ngay cả lúc buồn nhất, đau khổ nhất, họ cũng đón chào nhau bằng nụ cười.
- Đơn sơ, hồn nhiên: Tuy có thể giao tiếp tốt với người Kinh, nhưng thật ra, người J’rai vẫn không thể hiểu hết và dùng đúng hết tiếng Việt. Thế là dẫn đến nhiều chuyện rất tức cười. Các cha, các thầy đến thăm hoặc sống cùng với họ trong các làng, khi về, họ quyến luyến nắm tay nói "Mấy đứa về hả? Mấy đứa về tụi này buồn lắm à nghen". Người J’rai xuống thành thị, chỉ vào bức tranh Bữa Tiệc Ly nói "Bán cho tui bức tranh Chúa Giêsu với 12 đứa đi" (Chúa Giêsu và 12 môn đệ).
Hôm chúng tôi ngồi hát với nhau, cô bé 14 tuổi Bre hát một bài bằng tiếng J’rai nói về Mình Máu Chúa Kitô. Sau khi hát hết một lời bằng tiếng J’rai, cô bé bỗng cao hứng vừa tự dịch sang tiếng Kinh vừa hát "Hãy ăn bánh tôi, bánh tôi tự làm. Hãy uống nước tôi, nước tôi tự làm".
- Trung tín, chân thật: Người J’rai đã hứa hay đã được dặn điều gì là sẽ làm đúng y như vậy và làm cho đến cùng.
Lúc ngồi chuẩn bị phông màn cho buổi trại tĩnh nguyện, một bạn trong nhóm chúng tôi lấy ra một bịch kẹo đưa cho cô bé ngồi gần đó và nói "Em không có việc gì làm thì đi phát kẹo mọi người ăn cho vui đi." Cô bé đứng lên đi phát. Đến lượt hai người trong nhóm chúng tôi đang bận chẻ tre, cô bé ngồi chờ đưa kẹo. Chúng tôi thấy vậy liền bảo em đi phát cho những người khác trước. Sau khi đi một vòng, em quay trở lại hai người khi nãy chưa có kẹo và đợi tiếp. Hai người bạn chúng tôi vẫn chưa thể rảnh tay để đón lấy kẹo, cô bé cùng một người bạn nữa liền bóc hai viên kẹo đút vào miệng họ để thực hiện đúng lời dặn "phát mỗi người một viên kẹo". Xong xuôi, cô bé chạy lại hỏi "Kẹo còn dư nè chị, giờ làm sao?"
Ngày cuối cùng trên đất Gia Lai, các bạn nữ J’rai được người lớn ủy thác nhiệm vụ dẫn chúng tôi một là đi hứng nước giọt, hai là vô thác chơi. Đi mất 2km mới đến chỗ hứng nước giọt (nước giọt này chỉ là "nước giọt 50%" theo như lời của các bạn, vì "nước giọt 100%" ở tận chân núi). Một người trong nhóm sợ mệt đi không nổi, có ý muốn dừng lại, không đi thác nữa. Hai bạn khác cũng muốn dừng lại cùng. Thế nhưng một bạn đã nói với các bạn mình (bằng tiếng J’rai) "Thầy đã dặn, nếu đã đi thì đi cho hết, không được đi nửa chừng rồi quay về." Từ đó cho đến lúc về, không một ai nản chí đòi quay về nữa.
- Hay hát múa: Thanh niên, thiếu nữ J’rai thích hát và hát rất hay. Chúng tôi còn nhớ, ngày các bạn dẫn chúng tôi vào thác chơi, cả bọn phải đi bộ một quãng đường rất xa. Khi thấy mọi người có dấu hiệu mệt mỏi, các bạn J’rai giải quyết bằng cách … hát. Tiếng hát trong veo nơi đồng vắng sao nghe hay lạ thường, bao nhiêu mệt mỏi dường như cuốn theo giọng hát bay vút lên trời cao. Đang đi bỗng nghe xa xa trong cánh đồng bắp cao hơn đầu người văng vẳng tiếng hát. Chắc có lẽ là một nhóm thanh niên nào đó đi làm đồng. Giữa đồng không mông quạnh, thanh niên J’rai báo hiệu sự có mặt của nhau bằng tiếng hát, chỉ đường cho nhau bằng tiếng hát. Đi đường – hát, làm bếp – hát, rửa chén – hát. Đang ngồi tán gẫu, thích hát – thì hát, thích múa – thì đứng lên múa. Đang nắm tay nhau khó khăn vượt qua những viên đá trơn tuột dưới suối, mọi hồi hộp vừa qua đi khi bàn chân bấu được vào một tảng đávững chắc, họ liền nhịp nhàng vung tay lên xuống để "xoan" (điệu múa truyền thống của người J’rai).
Nghĩa tình: Người J’rai thân thương gọi các linh mục là "Ama" nghĩa là "ba". Đám thanh niên trạc tuổi chúng tôi hoặc lớn hơn thì gọi cha xứ là "ông ngoại". Lớp con cháu của họ thì gọi là "ông cố". Các linh mục càng ở lâu với họ, họ càng quý mến, tôn trọng như một già làng.
Có tính cộng đồng cao: Trong bất kỳ một cuộc hội họp đông người nào, bất kể trưa nắng hay chiều tối, sau phần "lễ" với các nghi thức trang trọng, phần "hội" đến liền ngay sau đó. Mọi thanh niên nam nữ ùa ra tự kết thành một vòng tròn, rồi hai vòng, ba vòng… nắm tay nhau "xoan" nhịp nhàng trong tiếng cồng chiêng. Chỉ với một động tác – ngón tay út người này móc vào ngón tay út người bên cạnh, hai tay vung lên vung xuống theo nhịp điệu bước chân vừa lên xuống vừa nhích dần sang phải – các bạn có thể "xoan" mấy tiếng đồng hồ liên tục.
HOA QUỲNH



Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang