Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

THỨ SÁU TUẦN THÁNH - Kỷ Niệm Cuộc Khổ Nạn Của Chúa

 Phần Thứ Nhất: Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Is 52, 13-53, 12
"Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta".
(Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa)
Trích sách Tiên tri Isaia.
Này tôi tớ Ta sẽ được cao minh, sẽ vinh thăng tấn phát, cao cả tuyệt vời. Cũng như nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy người tàn tạ mất hết vẻ người, dung nhan người cũng không còn nữa, cũng thế, muôn dân sẽ sửng sốt, các vua không còn biết nói chi trước mặt người. Vì họ sẽ thấy việc chưa ai kể cho mình, sẽ biết điều mình chưa hề được nghe.
Ai mà tin được điều chúng ta nghe? Và Chúa đã tỏ ra sức mạnh cho ai? Người sẽ lớn lên trước mặt Ngài như một chồi non, như một rễ cây, tự đất khô khan. Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.

Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta.
Người hiến thân vì người tình nguyện và không mở miệng như con chiên bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, người thinh lặng chẳng hé môi. Do cưỡng bách và án lệnh, người đã bị tiêu diệt; ai sẽ còn kể đến dòng dõi người nữa, bởi vì người đã bị khai trừ khỏi đất người sống; vì tội lỗi dân Ta, Ta đánh phạt người. Người ta định đặt mồ người giữa những kẻ gian ác, nhưng khi chết, người được chôn giữa kẻ giàu sang, mặc dầu người đã không làm chi bất chánh, và miệng người không nói lời gian dối. Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Bởi đó, Ta trao phó nhiều dân cho người, người sẽ chia chiến lợi phẩm với người hùng mạnh. Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 30, 2 và 6. 12-13. 15-16. 17 và 25
Ðáp: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha (Lc 23, 46).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ, vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. - Ðáp.
2) Con trở nên đồ ô nhục đối với những người thù, nên trò cười cho khách lân bang, và mối lo sợ cho người quen biết; gặp con ngoài đường, họ tránh xa con. Con bị người ta quên, không để ý tới, dường như đã chết, con đã trở nên như cái bình bị vỡ tan. - Ðáp.
3) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. - Ðáp.
4) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16; 5, 7-9
"Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời".
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9
Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Phúc Âm: Ga 18, 1 - 19, 42
"Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".
C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng:
J. "Các ngươi tìm ai?"
C. Chúng thưa lại:
S. "Giêsu Nadarét".
C. Chúa Giêsu bảo: "Ta đây".
C. Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói "Ta đây", bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng:
J. "Các ngươi tìm ai?"
C. Chúng thưa:
S. "Giêsu Nadarét".
C. Chúa Giêsu đáp lại: "Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi".
C. Như thế là trọn lời đã nói: "Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con". Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Ðầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng:
J. "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!"
C. Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô:
S. "Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?"
C. Ông đáp:
S. "Tôi không phải đâu".
C. Ðám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp:
J. "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói".
C. Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói:
S. "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư".
C. Chúa Giêsu đáp:
J. "Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?"
C. Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông:
S. "Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?"
C. Ông chối và nói:
S. "Tôi không phải đâu".
C. Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng:
S. "Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?"
C. Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.
Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói:
S. "Các ngươi tố cáo người này về điều gì".
C. Họ đáp:
S. "Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan".
C. Philatô bảo họ:
S. "Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông".
C. Nhưng người Do-thái đáp lại:
S. "Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả".
C. Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi:
S. "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?"
C. Chúa Giêsu đáp:
J. "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"
C. Philatô đáp:
S. "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?"
C. Chúa Giêsu đáp:
J. "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này".
C. Philatô hỏi lại:
S. "Vậy ông là Vua ư?"
C. Chúa Giêsu đáp:
J. "Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi".
C. Philatô bảo Người:
S. "Chân lý là cái gì?"
C. Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ:
S. "Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?"
C. Họ liền la lên:
S. "Không phải tên đó, nhưng là Baraba".
C. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói:
S. "Tâu Vua Do-thái!"
C. Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói:
S. "Ðây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án".
C. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ:
S. "Này là Người".
C. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to:
S. "Ðóng đinh nó vào thập giá! Ðóng đinh nó vào thập giá!"
C. Philatô bảo họ:
S. "Ðấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông".
C. Người Do-thái đáp lại:
S. "Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa".
C. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu:
S. "Ông ở đâu đến?"
C. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người:
S. "Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?"
C. Chúa Giêsu đáp:
J. "Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn".
C. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên:
S. "Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa".
C. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân:
S. "Ðây là vua các ngươi".
C. Nhưng họ càng la to:
S. "Giết đi! Giết đi! Ðóng đinh nó đi!"
C. Philatô nói:
S. "Ta đóng đinh vua các ngươi ư?"
C. Các thượng tế đáp:
S. "Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa".
C. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh.
Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: "Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái". Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:
S. Xin đừng viết "Vua dân Do Thái", nhưng nên viết: "Người này đã nói: 'Ta là vua dân Do-thái'".
C. Philatô đáp:
S. "Ðiều ta đã viết là đã viết".
C. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau:
S. "Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy".
C. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta". Chính quân lính đã làm điều đó.
Ðứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng:
J. "Hỡi Bà, này là con Bà".
C. Rồi Người lại nói với môn đệ:
J. "Này là Mẹ con".
C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói:
J. "Ta khát!"
C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói:
J. "Mọi sự đã hoàn tất".
C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người". Lời Kinh Thánh khác rằng: "Họ sẽ nhìn xem Ðấng họ đã đâm thâu qua".
Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.

 
April 6, 2012


 
Good Friday of the Passion of the Lord
Lectionary: 40
Reading 1 Is 52:13-53:12
See, my servant shall prosper,
he shall be raised high and greatly exalted.
Even as many were amazed at himC
so marred was his look beyond human semblance
and his appearance beyond that of the sons of manC
so shall he startle many nations,
because of him kings shall stand speechless;
for those who have not been told shall see,
those who have not heard shall ponder it.

Who would believe what we have heard?
To whom has the arm of the LORD been revealed?
He grew up like a sapling before him,
like a shoot from the parched earth;
there was in him no stately bearing to make us look at him,
nor appearance that would attract us to him.
He was spurned and avoided by people,
a man of suffering, accustomed to infirmity,
one of those from whom people hide their faces,
spurned, and we held him in no esteem.

Yet it was our infirmities that he bore,
our sufferings that he endured,
while we thought of him as stricken,
as one smitten by God and afflicted.
But he was pierced for our offenses,
crushed for our sins;
upon him was the chastisement that makes us whole,
by his stripes we were healed.
We had all gone astray like sheep,
each following his own way;
but the LORD laid upon him
the guilt of us all.

Though he was harshly treated, he submitted
and opened not his mouth;
like a lamb led to the slaughter
or a sheep before the shearers,
he was silent and opened not his mouth.
Oppressed and condemned, he was taken away,
and who would have thought any more of his destiny?
When he was cut off from the land of the living,
and smitten for the sin of his people,
a grave was assigned him among the wicked
and a burial place with evildoers,
though he had done no wrong
nor spoken any falsehood.
But the LORD was pleased
to crush him in infirmity.

If he gives his life as an offering for sin,
he shall see his descendants in a long life,
and the will of the LORD shall be accomplished through him.

Because of his affliction
he shall see the light in fullness of days;
through his suffering, my servant shall justify many,
and their guilt he shall bear.
Therefore I will give him his portion among the great,
and he shall divide the spoils with the mighty,
because he surrendered himself to death
and was counted among the wicked;
and he shall take away the sins of many,
and win pardon for their offenses.
 
R. (Lk 23:46) Father, into your hands I commend my spirit.
In you, O LORD, I take refuge;
let me never be put to shame.
In your justice rescue me.
Into your hands I commend my spirit;
you will redeem me, O LORD, O faithful God.
R. Father, into your hands I commend my spirit.
For all my foes I am an object of reproach,
a laughingstock to my neighbors, and a dread to my friends;
they who see me abroad flee from me.
I am forgotten like the unremembered dead;
I am like a dish that is broken.
R. Father, into your hands I commend my spirit.
But my trust is in you, O LORD;
I say, "You are my God.
In your hands is my destiny; rescue me
from the clutches of my enemies and my persecutors."
R. Father, into your hands I commend my spirit.
Let your face shine upon your servant;
save me in your kindness.
Take courage and be stouthearted,
all you who hope in the LORD.
R. Father, into your hands I commend my spirit.
 
Brothers and sisters:
Since we have a great high priest who has passed through the heavens,
Jesus, the Son of God,
let us hold fast to our confession.
For we do not have a high priest
who is unable to sympathize with our weaknesses,
but one who has similarly been tested in every way,
yet without sin.
So let us confidently approach the throne of grace
to receive mercy and to find grace for timely help.

In the days when Christ was in the flesh,
he offered prayers and supplications with loud cries and tears
to the one who was able to save him from death,
and he was heard because of his reverence.
Son though he was, he learned obedience from what he suffered;
and when he was made perfect,
he became the source of eternal salvation for all who obey him.
 
Jesus went out with his disciples across the Kidron valley
to where there was a garden,
into which he and his disciples entered.
Judas his betrayer also knew the place,
because Jesus had often met there with his disciples.
So Judas got a band of soldiers and guards
from the chief priests and the Pharisees
and went there with lanterns, torches, and weapons.
Jesus, knowing everything that was going to happen to him,
went out and said to them, "Whom are you looking for?"
They answered him, "Jesus the Nazorean."
He said to them, "I AM."
Judas his betrayer was also with them.
When he said to them, "I AM, "
they turned away and fell to the ground.
So he again asked them,
"Whom are you looking for?"
They said, "Jesus the Nazorean."
Jesus answered,
"I told you that I AM.
So if you are looking for me, let these men go."
This was to fulfill what he had said,
"I have not lost any of those you gave me."
Then Simon Peter, who had a sword, drew it,
struck the high priest's slave, and cut off his right ear.
The slave's name was Malchus.
Jesus said to Peter,
"Put your sword into its scabbard.
Shall I not drink the cup that the Father gave me?"

So the band of soldiers, the tribune, and the Jewish guards seized Jesus,
bound him, and brought him to Annas first.
He was the father-in-law of Caiaphas,
who was high priest that year.
It was Caiaphas who had counseled the Jews
that it was better that one man should die rather than the people.

Simon Peter and another disciple followed Jesus.
Now the other disciple was known to the high priest,
and he entered the courtyard of the high priest with Jesus.
But Peter stood at the gate outside.
So the other disciple, the acquaintance of the high priest,
went out and spoke to the gatekeeper and brought Peter in.
Then the maid who was the gatekeeper said to Peter,
"You are not one of this man's disciples, are you?"
He said, "I am not."
Now the slaves and the guards were standing around a charcoal fire
that they had made, because it was cold,
and were warming themselves.
Peter was also standing there keeping warm.

The high priest questioned Jesus
about his disciples and about his doctrine.
Jesus answered him,
"I have spoken publicly to the world.
I have always taught in a synagogue
or in the temple area where all the Jews gather,
and in secret I have said nothing. Why ask me?
Ask those who heard me what I said to them.
They know what I said."
When he had said this,
one of the temple guards standing there struck Jesus and said,
"Is this the way you answer the high priest?"
Jesus answered him,
"If I have spoken wrongly, testify to the wrong;
but if I have spoken rightly, why do you strike me?"
Then Annas sent him bound to Caiaphas the high priest.

Now Simon Peter was standing there keeping warm.
And they said to him,
"You are not one of his disciples, are you?"
He denied it and said,
"I am not."
One of the slaves of the high priest,
a relative of the one whose ear Peter had cut off, said,
"Didn't I see you in the garden with him?"
Again Peter denied it.
And immediately the cock crowed.

Then they brought Jesus from Caiaphas to the praetorium.
It was morning.
And they themselves did not enter the praetorium,
in order not to be defiled so that they could eat the Passover.
So Pilate came out to them and said,
"What charge do you bring against this man?"
They answered and said to him,
"If he were not a criminal,
we would not have handed him over to you."
At this, Pilate said to them,
"Take him yourselves, and judge him according to your law."
The Jews answered him,
"We do not have the right to execute anyone, "
in order that the word of Jesus might be fulfilled
that he said indicating the kind of death he would die.
So Pilate went back into the praetorium
and summoned Jesus and said to him,
"Are you the King of the Jews?"
Jesus answered,
"Do you say this on your own
or have others told you about me?"
Pilate answered,
"I am not a Jew, am I?
Your own nation and the chief priests handed you over to me.
What have you done?"
Jesus answered,
"My kingdom does not belong to this world.
If my kingdom did belong to this world,
my attendants would be fighting
to keep me from being handed over to the Jews.
But as it is, my kingdom is not here."
So Pilate said to him,
"Then you are a king?"
Jesus answered,
"You say I am a king.
For this I was born and for this I came into the world,
to testify to the truth.
Everyone who belongs to the truth listens to my voice."
Pilate said to him, "What is truth?"

When he had said this,
he again went out to the Jews and said to them,
"I find no guilt in him.
But you have a custom that I release one prisoner to you at Passover.
Do you want me to release to you the King of the Jews?"
They cried out again,
"Not this one but Barabbas!"
Now Barabbas was a revolutionary.

Then Pilate took Jesus and had him scourged.
And the soldiers wove a crown out of thorns and placed it on his head,
and clothed him in a purple cloak,
and they came to him and said,
"Hail, King of the Jews!"
And they struck him repeatedly.
Once more Pilate went out and said to them,
"Look, I am bringing him out to you,
so that you may know that I find no guilt in him."
So Jesus came out,
wearing the crown of thorns and the purple cloak.
And he said to them, "Behold, the man!"
When the chief priests and the guards saw him they cried out,
"Crucify him, crucify him!"
Pilate said to them,
"Take him yourselves and crucify him.
I find no guilt in him."
The Jews answered,
"We have a law, and according to that law he ought to die,
because he made himself the Son of God."
Now when Pilate heard this statement,
he became even more afraid,
and went back into the praetorium and said to Jesus,
"Where are you from?"
Jesus did not answer him.
So Pilate said to him,
"Do you not speak to me?
Do you not know that I have power to release you
and I have power to crucify you?"
Jesus answered him,
"You would have no power over me
if it had not been given to you from above.
For this reason the one who handed me over to you
has the greater sin."
Consequently, Pilate tried to release him; but the Jews cried out,
"If you release him, you are not a Friend of Caesar.
Everyone who makes himself a king opposes Caesar."

When Pilate heard these words he brought Jesus out
and seated him on the judge's bench
in the place called Stone Pavement, in Hebrew, Gabbatha.
It was preparation day for Passover, and it was about noon.
And he said to the Jews,
"Behold, your king!"
They cried out,
"Take him away, take him away! Crucify him!"
Pilate said to them,
"Shall I crucify your king?"
The chief priests answered,
"We have no king but Caesar."
Then he handed him over to them to be crucified.

So they took Jesus, and, carrying the cross himself,
he went out to what is called the Place of the Skull,
in Hebrew, Golgotha.
There they crucified him, and with him two others,
one on either side, with Jesus in the middle.
Pilate also had an inscription written and put on the cross.
It read,
"Jesus the Nazorean, the King of the Jews."
Now many of the Jews read this inscription,
because the place where Jesus was crucified was near the city;
and it was written in Hebrew, Latin, and Greek.
So the chief priests of the Jews said to Pilate,
"Do not write 'The King of the Jews,'
but that he said, 'I am the King of the Jews'."
Pilate answered,
"What I have written, I have written."

When the soldiers had crucified Jesus,
they took his clothes and divided them into four shares,
a share for each soldier.
They also took his tunic, but the tunic was seamless,
woven in one piece from the top down.
So they said to one another,
"Let's not tear it, but cast lots for it to see whose it will be, "
in order that the passage of Scripture might be fulfilled that says:
They divided my garments among them,
and for my vesture they cast lots.
This is what the soldiers did.
Standing by the cross of Jesus were his mother
and his mother's sister, Mary the wife of Clopas,
and Mary of Magdala.
When Jesus saw his mother and the disciple there whom he loved
he said to his mother, "Woman, behold, your son."
Then he said to the disciple,
"Behold, your mother."
And from that hour the disciple took her into his home.

After this, aware that everything was now finished,
in order that the Scripture might be fulfilled,
Jesus said, "I thirst."
There was a vessel filled with common wine.
So they put a sponge soaked in wine on a sprig of hyssop
and put it up to his mouth.
When Jesus had taken the wine, he said,
"It is finished."
And bowing his head, he handed over the spirit.

Here all kneel and pause for a short time.

Now since it was preparation day,
in order that the bodies might not remain on the cross on the sabbath,
for the sabbath day of that week was a solemn one,
the Jews asked Pilate that their legs be broken
and that they be taken down.
So the soldiers came and broke the legs of the first
and then of the other one who was crucified with Jesus.
But when they came to Jesus and saw that he was already dead,
they did not break his legs,
but one soldier thrust his lance into his side,
and immediately blood and water flowed out.
An eyewitness has testified, and his testimony is true;
he knows that he is speaking the truth,
so that you also may come to believe.
For this happened so that the Scripture passage might be fulfilled:
Not a bone of it will be broken.
And again another passage says:
They will look upon him whom they have pierced.

After this, Joseph of Arimathea,
secretly a disciple of Jesus for fear of the Jews,
asked Pilate if he could remove the body of Jesus.
And Pilate permitted it.
So he came and took his body.
Nicodemus, the one who had first come to him at night,
also came bringing a mixture of myrrh and aloes
weighing about one hundred pounds.
They took the body of Jesus
and bound it with burial cloths along with the spices,
according to the Jewish burial custom.
Now in the place where he had been crucified there was a garden,
and in the garden a new tomb, in which no one had yet been buried.
So they laid Jesus there because of the Jewish preparation day;
for the tomb was close by.

Suy Niệm:
Hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm Ðức Giêsu chịu hiến tế. Như con chiên được đưa tới lò sát để làm hiến vật. Ðức Giêsu là Chiên Vượt Qua. Ngài đã chịu khổ nạn và chịu chết trên Thập Giá để đem ơn Cứu Ðộ đến cho chúng ta. Giáo Hội tôn kính Thánh Giá, vì Thánh Giá là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa tự hiến cho con người. Thánh Giá không còn là đồ chúc dữ nữa. Thánh Giá không phải là một thất bại, nhưng Thánh Giá là cờ chiến thắng mà Thầy Giêsu oai phong trong máu và nước mắt đã dành được cho chúng ta. Thánh Giá được treo trên tháp đỉnh, được đặt trên bàn, treo trên tường, nhất là Thánh Giá được vạch trên con người chúng ta. Thánh Giá chính là niềm vinh dự của chúng ta. Vì nhờ Thánh Giá Ðức Giêsu, chúng ta được ơn cứu độ.

 
Vinh Quang Thập Giá 
 
Thập Giá Đức Kitô thật sự là tâm điểm của đời sống Kitô hữu. Vì thế, trong suốt mùa Chay này, chúng ta tập trung vào Chúa Kitô và Thập Giá của Người.
 Thánh Phaolô cũng đã từng coi Thập Giá như là phần quan trọng nhất trong đời sống đức tin của ngài: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập Giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ Thập Giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào Thập Giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian”  Gl 6,14.  Nơi Thập Giá, chúng ta tìm được cội nguồn của niềm vui và sự hoàn hảo; và ở nơi đó chúng ta tìm được giá trị vĩnh cửu. Khi thánh Phaolô viết những lời này là ngài vừa tự hào về cây Thập Giá lại vừa loại bỏ tất cả những tư tưởng cũng như khả năng nơi bản thân mình.
Khi thánh Phaolô tôn vinh cây thập giá, ngài coi tất cả những gì mình có đều là thấp kém. Ngài cho rằng vinh quang của thập giá thì cao quý hơn tất cả. Sở dĩ thánh nhân có thể nói được vậy là vì ngài hiểu rằng Chúa Giê-su chết trên cây Thập Giá là để cứu nhân loại khỏi chết đời đời và ban cho họ một đời sống vĩnh cửu.
Chiêm ngưỡng sự tốt lành vĩ đại
Thánh Phaolô đã có thể tự hào vì tất cả những gì Ngài có được như ân huệ, tài năng lẫn nhân cách của mình. Thánh nhân cũng có thể tự hào vì được Chúa biến đổi cách kì diệu để trở thành người tông đồ nhiệt thành của Chúa. Ngài cũng có thể tự hào về trình độ học vấn lẫn sự cống hiến của mình, như những người Pha-ri-sêu. Hoặc ngài có thể tự hào vì đã thành lập được nhiều giáo đoàn trong suốt hành trình truyền giáo của mình, và cũng đáng tự hào vì mình đã huấn luyện được nhiều môn đệ, như là Timôthê, Xila, Lydia, và Luca. Thay vào đó, thánh nhân lại chọn cây Thập Giá làm phần hãnh diện của mình, bởi vì Ngài thấy rằng Thập Giá còn cao trọng hơn tất cả những gì mình đã làm được.
Thập Giá ngự trị nơi tâm điểm của niềm tin và nó là niềm tự hào lớn lao nhất của chúng ta, vì chúng ta biết rằng mình là những tội nhân và không thể tự cứu nổi mình. Chúng ta biết rằng tội lỗi tách biệt chúng ta với Thiên Chúa. Và chúng ta cũng xác tín rằng Thiên Chúa sai Con Một của Người vào trần gian là để thực hiện những gì chúng ta không thể làm được. Không có Thập Giá thì  sẽ không có hi vọng vào sự sống đời đời.
Khi đọc các thư của thánh Phaolô, chúng ta có thể nhận ra một nét đặc thù khác trong cuộc sống của ngài: đó là cuộc đời của thánh nhân là một con đường thập giá. Thật vậy, Phaolô không chỉ là vị tông đồ say mê thập giá Chúa Kitô và loan báo Chúa Kitô chịu đóng đanh, mà toàn cuộc sống của ngài cũng là một con đường thập gía.
Sau cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco, và sau khi được Anania ban phép Rửa tội và nhận lấy Chúa Thánh Thần, Phaolô đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng tại đây. Nhưng thánh nhân gặp chống đối mãnh liệt. Các người do thái âm mưu sát hại Phaolô. Họ cho canh gác cửa thành ngày đêm, cố ý không để cho Phaolô thoát nạn. Nhưng một đêm kia, các môn đệ đã bỏ Phaolô vào trong một cái thúng rồi thòng xuống ngoài tường thành. Nhờ thế Phaolô thoát chết, như Sách Tông Đồ Công Vụ trình thuật trong chương 9,23-25. Trong chương 11 thư thứ hai viết cho tín hữu Côrintô Phaolô cũng nhắc lại biến cố này: ”Tại thành Damascô, quan châu trưởng của vua Areta đã cho canh gác thành, để mưu bắt tôi. Nhưng người ta đã cho tôi ngồi vào một chiếc thúng rồi thòng dây qua cửa sổ theo tường thả xuống. Thế là tôi thoát khỏi tay ông” (2 Cr 11,32-33).
Trong chuyến truyền giáo tại châu Âu Phaolô cũng phải sống kinh nghiệm bị các người đồng hương do thái chống đối. Thánh nhân bị họ nhục mạ và hành hung tại Philiphê, như ngài kể lại cho tín hữu Thêxalônica trong chương 2 thư thứ nhất gửi cho họ. Chương 17 sách Công Vụ cũng thuật lại rằng khi tới Thêxalônica Phaolô và Sila giảng trong hội đường do thái và thuyết phục được một số tín hữu do thái, cùng với nhiều người hy lạp và một số phụ nữ thượng lưu. Nhưng người do thái nổi giận thuê bọn du đãng ẩu đả và gây rối loạn trong dân chúng. Họ kéo nhau tới nhà ông Giason nhưng không thấy Phaolô và Sila đâu. Họ liền điệu Giason và một vài kitô hữu ra trước giới hữu trách và vu khống cho họ là phá rối trị an. Trước tiếng gào thét của họ, giới chức thành phố bắt các kitô hữu phải trả tiền ký qũy để được tại ngoại. Trong khi đó các kitô hữu khác đưa Phaolô và Sila trốn khỏi Thêxalônica và tới Berea. Tại đây Phaolô và Sila đã được tiếp đón tử tế. Hai người đã rao giảng Tin Mừng trong hội đường do thái và không gặp sự chống đối nào. Trái lại đã có nhiều người do thái tin theo Chúa Giêsu Kitô. Nhưng khi người do thái Thêxalônica nghe biết như thế, họ liền kéo đến Berea và xúi dục dân chúng nổi lên chống đối Phaolô. Các Kitô hữu đã vội vã đem Phaolô xuống thuyền rời Berea (Cv 17,1-15).
Tại Côrintô người do thái điệu Phaolô ra trước quan quyền lãnh sự Gallione, và tố cáo Phaolô là xúi dục dân chúng tôn thờ Thiên Chúa trái phép, như kể trong chương 18 sách Công Vụ (Cv 18,12-17). Sở dĩ các người đồng hương do thái đã không ngừng dùng mọi thủ đoạn bắt bớ Phaolô, vì họ coi ngài là kẻ phản bội Do thái giáo và truyền thống của cha ông. Khi rao giảng Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài, Phaolô tuyên bố ngày cáo chung của luật lệ Môshê và truyền thống tôn giáo của dân Do thái. Do đó khi thì họ xúi dục giới chức chính quyền địa phương gây khó dễ đối với Phaolô, khi khác họ trực tiếp đứng ra trừng phạt và áp dụng luật của hội đường do thái đối với Phaolô. Trong chương 11 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô Phaolô kể cho họ nghe các hình phạt ngài đã phải chịu: bị đánh bằng gậy 5 lần, mỗi lần 39 gậy, bị quật bằng roi da có các hòn chì 3 lần, và bị ném đá 1 lần. Không những thế họ lại còn đe dọa tới mạng sống của Phaolô nữa. Vì thế trong chương 15 thư gửi cho tín hữu Roma Phaolô xin mọi người cầu nguyện cho ngài thoát khỏi tay của người Giuđêa, và để cho tiền cứu trợ ngài đem về Giêrusalem được kitô hữu tại đây chấp nhận (Rm 15,30-31). Tại Êphêxô Phaolô đã chỉ thoát chết trong gang tấc. Trong chương 1,8 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô Phaolô chia sẻ với họ các khổ đau của Ngài và của các cộng sự viên như sau: ”Thưa anh chị em chúng tôi chẳng muốn dấu anh chị em thảm cảnh đã xảy ra cho chúng tôi bên vùng tiểu Á: chúng tôi đã bị áp bức qúa sức chịu đựng của chúng đến độ thất vọng không còn muốn sống nữa”. Từ trong ngục, Phaolô viết thư thăm tín hữu Philiphê. Xem ra thánh nhân không chắc có được trắng án hay không, nên ngài nói tới cái chết gần kề, và chuẩn bị tâm hồn cho ngày bị hành quyết (Pl 1.7.21-24; 2,17-18). Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng Phaolô đã bị bắt tại Giêrusalem, bị giam tại đây rồi bị giải về Cesarea, và sau cùng bị giải về Roma. Và chúng ta biết chắc chắn là thánh nhân đã chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Neron.
Tuy nhiên, những bắt bớ mà Phaolô phải chịu chỉ giống như một phần nổi nhỏ của tảng băng khổng lồ chìm dưới mặt nước biển bắc cực. Nó che dấu cuộc đời ”ba chìm, bẩy nổi, chín cái lênh đênh” và khổ đau trăm chiều của vị tông đồ dân ngoại, có một không hai trong lịch sử rao truyền Tin Mừng. Chính Phaolô đã cho tín hữu Côrintô biết điều đó trong chương 11 thư thứ hai gửi cho họ. Bất đắc dĩ Phaolô phải so sánh mình với các tông đồ giả hiệu đang gây chia rẽ và đánh phá cộng đoàn Côrintô: ”Họ khoe họ là các thừa tác của Đức Kitô ư? Tôi sắp nói như người điên dại, tôi còn hơn họ, vì trong lao nhọc: tôi hơn họ, trong tù tội: tôi hơn họ, bị đánh đập: tôi lại càng hơn họ, trong hiểm nguy mất mạng: đã nhiều phen! Tôi bị người do thái đánh tôi bằng gậy năm lần, mỗi lần 39 gậy. Tôi bị đánh bằng roi da 3 lần, bị ném đá một lần, bị đắm tầu 3 lần. Tôi đã qua một ngày một đêm trên vực thẳm. Trong các chuyến hành trình đi bộ tôi rất thường gặp hiểm nguy trên sông, hiểm nguy vì cướp bóc, hiểm nguy vì các người đồng hương, hiểm nguy vì dân ngoại, hiểm nguy trong thành phố, hiểm nguy trong sa mạc, hiểm nguy trên biển cả, hiểm nguy vì các anh em giả dối. Phải vất vả, lao nhọc, thường thức khuya dậy sớm chịu đói chịu khát, thường nhịn ăn nhịn uống, chịu rét mướt, trần trụi. Không kể mọi chuyện còn lại, tôi còn phải ngày ngày lo lắng cho các giáo đoàn nữa” (2 Cr 11,23-28).
Thêm vào đó là thái độ không hiểu biết của tín hữu Côrintô và chiến dịch vu khống bôi nhọ Phaolô, do một số thừa sai Kitô gốc do thái xách động. Nhưng tín hữu Côrintô lại bỏ vị tông đồ ”chỉ biết tới Đức Giêsu Kitô chịu đóng đanh” (1 Cr 2,2), để chạy theo các bậc thầy hùng biện và sáng gía hơn (1 Cr 1,10-4,21). Họ đã giải thích sai thái độ của Phaolô, khi thấy thánh nhân khước từ quyền được đòi hỏi tín hữu chu cấp cho cuộc sống vật chất của người, mà lại lựa chọn tự lực cánh sinh, để không trở thành chướng ngại cho việc chấp nhận Tin Mừng (1 Cr 9,1 tt.; 2 Cr 12,13-15). Cuộc lạc quyên do Phaolô phát động để trợ giúp tín hữu giáo đoàn mẹ Giêrusalem cũng bị nghi ngờ xuyên tạc (2 Cr 8, 20; 12,16-18). Trong cộng đoàn Côrintô thì nhóm các thừa sai xấu bụng nói trên phao đồn Phaolô là người không biết giữ lời hứa (2 Cr 1,12 tt.), có lời giảng dậy khó hiểu ( 2 Cr 4,4) không có khoa ăn nói hùng biện (2 Cr 11,6) và là người yếu đuối (2 Cr 10,1.10; 11,12). Đã vậy, tín hữu Côrintô lại thụ động trước thái độ hiếu chiến của những người chống đối Phaolô, đến độ chính thánh nhân cũng than thở khi viết trong chương 11 thư thứ hai gửi cho họ: ”Thế mà anh chị em lại chịu đựng kẻ biến anh chị em thành nô lệ, xâu xé cắn nuốt, khai thác bóc lột, ngạo ngược và tát vào mặt anh chị em. Tôi thật xấu hổ nói lên điều này: chúng ta đã qúa nhu nhược” (2 Cr 11,20.21). Nhóm thừa sai kitô gốc do thái cực đoan còn đi tới chỗ tổ chức các cuộc truyền giáo chống lại Phaolô trong các giáo đoàn Côrintô, Galát, và Philiphê nữa. Họ cho Phaolô không phải là tông đồ thật, vì chỉ là người tập nghề và không được ủy quyền như họ.
Tuy gặp trăm ngàn nguy khó như thế, nhưng Phaolô và các cộng sự viên không đầu hàng bỏ cuộc. Trong thứ thứ hai gửi tín hữu Côrintô thánh nhân lập đi lập lại điệp khúc: ”Chúng tôi không nản lòng” (2 Cr 4,1.6), ”Chúng tôi đầy can đảm” (2 Cr 5,6.8). Còn hơn thế nữa, Phaolô cảm nghiệm được niềm vui sâu xa khi gặp bắt bớ thử thách và khổ đau vì Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô và trong thư gửi giáo đoàn Philiphê Phaolô nói với các tín hữu: ”Con tim tôi được tràn đầy niềm an ủi và tôi tràn trề niềm vui trong mọi nỗi khổ đau của chúng tôi” ( 2 Cr 7,4; 2 Cr 6,10; Pl 1,4.7.18; 2,17-18). Ai không hiểu có thể cho Phaolô là một người bệnh hoạn. Nhưng thật ra niềm vui của thánh nhân phát xuất từ xác tín các khổ đau phải chịu trong cuộc đời tông đồ khiến cho thánh nhân được chia sẻ thập gía của Chúa Giêsu Kitô. Các khổ đau của ngài cũng chính là các khổ đau của Chúa Kitô như thánh nhân viết trong chương 1,5 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô. Thánh nhân mang chính cái chết của Chúa Kitô trong thân thể mình (2 Cr 4,10). Trong chương 6,17 thư gửi tín hữu Galát Phaolô viết: ”Tôi mang trong mình tôi các thương tích của Chúa Giêsu”. Phaolô linh cảm rằng cái luận lý ngược ngạo của lịch sử cứu rỗi đang hiện thực trong chính cuộc sống của ngài: từ cái chết nảy sinh sự sống, từ hư không phát xuất ra mọi sự. Đây là lý do giải thích tại sao Phaolô lại viết cho tín hữu Côrintô trong chương 4,8-12 thư thứ hai gửi cho họ như sau: ”Bị đàn áp tứ bề nhưng chúng tôi không bị đè bẹp, bị lạc hướng nhưng không thất vọng, bị bách hại nhưng không bị bỏ rơi, bị đánh ngã nhưng không bị nghiền nát, chúng tôi thường xuyên mang trong thân xác mình cái chết của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện ra trên thân xác chúng tôi như vậy... (2 Cr 4,8-12). Chính qua sự yếu đuối của con người mà Thiên Chúa tỏ hiện quyền năng của Ngài, nên trong chương 12 cùng thư thánh nhân sung sướng khoe với tín hữu các sự yếu hèn của Ngài. Vì tình yêu đối với Chúa Kitô Phaolô vui chịu mọi đau khổ, xỉ nhục, mọi gian nan bắt bớ và cơ cực. Vì chính khi cảm thấy yếu đuối là lúc thánh nhân mạnh mẽ (2 Cr 12,9-10). Chúa Kitô bị đóng đanh nhưng đã phục sinh, giờ đây sống lại trong thân xác của thánh nhân, và trong thân xác của mọi tín hữu, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, như viết trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô chương 13,4.
Mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô mà Phaolô loan báo, chính thánh nhân đã sống trong cuộc đời tông đồ và cảm nghiệm thấm thía trên thân xác ngài. Nói cách khác, cuộc sống chịu đóng đanh của Phaolô là chứng tá sống động hùng hồn cho Tin Mừng mà ngài rao giảng. Sự yếu đuối nhân loại được quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa biến đổi trở thành thụ tạo mới.  Trong chương 4,9-13 thứ thứ nhất gửi cho họ, Phaolô nhắc họ đừng quên thập gía và đêm đen của ngày thứ sáu tuần thánh và mọi thử thách, bắt bớ, khổ đau mà họ cũng phải gánh chịu để được ơn cứu độ.

 

Điều nghịch lý của Thập Giá.
Thập Giá của Đức Kitô là một nghịch lý cho mọi thời. Cái chết của Người đem lại sự sống cho chúng ta. Vòng gai của Người trở thành vòng triều Thiên của chúng ta. Trái tim bị đâm thâu của Người đem lại cho chúng ta một trái tim mới. Sự nhục nhã của Người đem lại cho chúng ta một giá trị phi thường. Với những ai không có niềm tin thì sự xuất hiện của Thập Giá không gì khác hơn là một hành động của kẻ ngu xuẩn trong cơn khốn khổ. Nhưng với những người có niềm tin thì Thập Giá lại là niềm vinh dự lớn lao nhất. Bởi vì nó là khí cụ của ơn cứu độ, là “sức mạnh Thiên Chúa” trong đời sống của chúng ta 1Cr 1, 18.
Ngày 10.10.2011, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, đã đến thăm chị em Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết.
Sau khi chị Tổng Phụ Trách Matta Nguyễn Thị Hoa đọc diễn văn chào mừng, Đức TGM chào lại thân thiện bằng tiếng Việt “Chào chị em”, rồi ngài nói bằng tiếng Ý:
“Cha thăm nhiều giáo phận rồi, nhưng không biết làm sao đếm hết các chị em nữ tu. Hôm nay, Cha đặc biệt chú tâm đến sự hy sinh vì tình yêu của Đức Kitô, tình yêu quá lớn lao và vĩ đại. Mà chính chị em đã nói lên vẻ đẹp ấy của tình yêu Thiên Chúa. Hình như nghe nói đẹp chị em nào cũng thích, vì chị em là con gái, mà con gái thường thích soi gương làm đẹp mỗi ngày”.
Đến đây cả hội trường vỗ tay vang dội. Đức TGM nói tiếp:
“Chị em hãy bỏ cách soi gương, làm đẹp như con gái bình thường đi, mà cầm lấy kiếng soi gương là chính Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh trên Thập Giá vì chúng ta. Đối diện trước gương soi của Đức Giêsu Kitô trên Thập Giá, chị em sẽ không thấy gương mặt của chị em nữa mà chỉ thấy gương mặt của Đức Giêsu thôi. Đây chính là vẻ đẹp của Tình yêu Thiên Chúa. Mà vẻ đẹp này được thể hiện qua ba biểu tượng nói lên dấu chỉ của Tình yêu: Thứ nhất, đẹp nhờ mão gai. Chỉ có vua mới mang vương miện, đây là biểu tượng của quyền năng ở trần gian, nhưng với Chúa Giê su đây là dấu chỉ của sự khiêm nhường và đau khổ. Thứ hai, đẹp nhờ mấy dấu đinh. Điều này chỉ sự đau khổ của Chúa Giêsu cho nhân loại, đồng thời cũng là biểu tượng của ba nhân đức Tin – Cậy – Mến. Thứ ba, đẹp nhờ trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu. Vì Tình yêu mà Chúa đã đổ máu và nước cho trần gian, đây là biểu tượng của Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể. Cả ba biểu tượng này đều thể hiện rõ nét sự khiêm nhường và tình yêu của Chúa dành cho nhân loại.”
Đức TGM nhấn mạnh:
“Mỗi ngày chị em hãy soi gương vào Chúa Giêsu để thấy vẻ đẹp của Chúa qua dấu chỉ khiêm nhường và niềm tin – cậy – mến để sống. Soi gương vào Chúa Giêsu để vẻ đẹp của chị em tô đậm lên vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Thay vì chải đầu cho láng, cho đẹp hãy trải đức khiêm nhường lên mặt mình. Thay vì tô son, chị em hãy tô đậm vẻ đẹp của Thiên Chúa trên mặt mình. Thay vì thoa kem dưỡng da làm đẹp, chị em hãy thoa đẹp mình bằng các nhân đức.”
Ngài đặc biệt nhấn mạnh lần nữa:
“Mỗi ngày chị em hãy soi vào gương của Chúa Giêsu để trở thành người nữ tu Mến Thánh Giá của Chúa. Như thế, không những chị em được đẹp, được Chúa yêu mà mọi người cũng yêu nữa.”
Khi suy niệm về Thập Giá, chúng ta rút ra được hai chân lý. Thứ nhất chúng ta thấy được rằng Thiên Chúa không muốn chia cắt tình yêu của Người với nhân loại, nhưng bất công không thể sống chung với công bằng. Tội lỗi của chúng ta đã làm phiền lòng Chúa, và tách biệt chúng ta với Người. Chỉ có cái chết của Đức Giêsu mới đem lại cho chúng ta ơn hòa giải trọn vẹn. Từ đó dẫn ta đến chân lý thứ hai là: tội lỗi đã làm chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Vết nhơ của tội nguyên tổ không thể được chữa trị chỉ bằng một phương thuốc nhỏ. Vì thế cần phải có cái chết của Con Một Thiên Chúa.
Hai chân lý này cho chúng ta biết rằng Thập Giá là trung tâm của kế hoạch Thiên Chúa đối với con người. Nó không phải là chuyện may rủi xảy ra cho một người tốt lành nào đó. Chính Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng Người phải chịu đau khổ, chịu chết rồi mới Phục Sinh Mt 16, 21. Người biết rằng Người phải mang lấy sự đau khổ, nỗi nhục nhã và cái chết này bởi vì không còn cách nào khác để có thể lau sạch tội lỗi và đánh bại sự dữ. Vì tình yêu của Người đối với Chúa Cha và vì tình yêu đối với chúng ta mà Đức Giêsu đã tự nguyện chấp nhận cái chết trên cây Thập Giá.
Nếu muốn tới gần Chúa Giêsu hơn trong suốt mùa Chay này, chúng ta cần phải hiểu được tầm quan trọng của điểm này: “Tội lỗi của chúng ta, chính Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập Giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính”  1Pr 2, 24.  Đức Giê-su đã giải thoát chúng ta khỏi tội bất tuân, kiêu căng và tự cao tự đại nơi mỗi người chúng ta. Cái chết của Người trên Thập Giá đem lại cho chúng ta niềm vinh dự lướt thắng mọi tội lỗi.
Thập Giá trở thành chướng ngại làm chúng ta vấp ngã. Thánh Phêrô khi nghe Chúa nói về cái chết của Người trên Thập Giá, liền kéo riêng Người ra một bên và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”. Nhưng Đức Giêsu quay lại và quở trách ông Phêrô: “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người ”  Mt 16, 22-23.
Chúng ta chỉ cảm nhận được ân sủng và lòng thương xót của Chúa khi chúng ta được minh chứng nơi sức mạnh của cây Thập Giá. Chúng ta sẽ không cảm nghiệm được cách sâu xa tự do này từ tội lỗi nếu chúng ta để cho tội nắm giữ cuộc đời của chúng ta.
 Vấn đề không phải là chúng ta sẽ phạm tội hay không. Dĩ nhiên chúng ta sẽ phạm tội. Bởi vì chúng ta là những người yếu đuối, lại sống giữa một thế giới tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Người sẽ tha thứ mọi tội lỗi và chữa lành những yếu đuối của chúng ta.
 
Chúa Giêsu dạy thánh Phêrô và mọi người rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mạng sống thì nào có lợi gì. Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình”  Mt 16, 25-26. Quyền lợi, danh vọng để làm gì khi nó đi ngược lại đường lối của Đức Giêsu, nó chia cắt chúng ta với Người, làm chúng ta xa lìa tha nhân, và kéo tinh thần của chúng ta đi xuống?
Niềm vinh dự của chúng ta
Chúa Giêsu vào trần gian, chết trên Thập Giá vì chúng ta. Vinh dự của Người cũng là vinh dự của chúng ta. Sự Phục Sinh của Người cũng là sự Phục Sinh của chúng ta. Chiến thắng của Người đối với tội cũng là chiến thắng của chúng ta. Vậy làm sao để chúng ta ca ngợi những kì công Chúa đã làm cho chúng ta? Bằng việc chiêm ngắm Thập Giá mỗi ngày. Bằng việc đến với Chúa Giê-su trong suốt mùa Chay thánh này qua lời cầu nguyện. Chúng ta hãy thưa với Chúa rằng chúng ta là những con người tội lỗi, và hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã dùng Thập Giá mà cứu chuộc chúng ta. Suy gẫm về Thập Giá Đức Giê-su Ki-tô để chúng ta thoát khỏi sự kìm hãm của tình trạng tội lỗi kéo dài. Bởi vì Thập Giá của Đức Giê-su có một sức mạnh kì diệu đối với những ai chạy đến cầu khẩn Người. Vì vậy, chúng ta hãy tôn vinh Thập Giá của Người để được sống trong vinh quang Người đã mang lại.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, con thật sung sướng, cảm động trước tình thương vô bờ Chúa dành cho nhân loại tội lỗi chúng con. Như Bồ Nông nuôi con bằng máu mình, cũng vậy vì yêu con, Chúa đã hiến đến giọt máu cuối cùng cho nhân loại chúng con được hạnh phúc. Lạy Chúa, xin cho chúng con tự do đi vào trong quĩ đạo yêu thương, cụ thể bằng cuộc sống hằng ngày trong gia đình, trong cộng đoàn... Chúng con biết sống chan hòa với mọi người. Xin Chúa đưa anh chị em chưa biết Chúa được trở về cùng Giáo Hội. Xin Chúa cho Giáo Hội chúng con được sống hiệp nhất để chỉ có một Chúa và một đoàn chiên. Amen.

 
Tracy Liên Đồng ( trích từ Internet)
Tác giả Tracy Liên Đồng

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang