Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Ôi Niềm Hy Vọng Lạ Lùng!


Vinc.M. Lê Quốc Hưng O.P.
“Ôi niềm hy vọng lạ lùng[1]!” Vâng, kể cũng lạ! Đang khi bên cạnh giường cha thánh Đa Minh, một người đang hấp hối, đang xa rời sự sống, đang từng bước bước vào “cõi thinh lặng ngàn thu”, ấy vậy mà anh em Đa Minh lại nhận thấy có một niềm hy vọng đang bừng cháy trong lòng mỗi người. Một niềm hy vọng lạ lùng vì cha thánh hứa sẽ chuyển cầu cho anh em trước tòa Thiên Chúa. Và rồi mỗi khi có một người anh em qua đời, mọi người lại tụ họp chung quanh, cùng hát vang bài hát lạ lùng này. Người ta bảo rằng chết là hết, là chia cắt thì còn gì nữa đâu mà hy vọng, mà trông mong. Đó là quy luật sống ta phải chấp nhận vì đời vốn vô nghĩa và phi lý, hiện hữu của con người trên cuộc đời này cũng phi lý không kém, hy vọng chỉ là ảo tưởng hão huyền, như J.P.Sartre đã nói. Không. Đối với anh em Đa Minh và nhất là đối với mọi kitô hữu, cái chết không phải là sự chia cắt, là việc chấm dứt sự sống, chấm dứt cuộc hiện sinh vô lý của con người nhưng là cánh cửa mở ra một sự sống mới, sự sống sung mãn trong Đức Kitô và mở ra một sự hiệp thông sâu xa, trọn vẹn giữa con người với con người, con người với vũ trụ và với Thiên Chúa. Đó chính là niềm hy vọng của anh em Đa Minh, của mọi Kitô hữu. Niềm hy vọng này không hề giả tạo, hão huyền hay là một sự tự lừa bản thân.

Niềm hy vọng này không phải là sự lạc quan của con người. Thực vậy, sự lạc quan là một thái độ sống tự tin: với đôi tay, khối óc này ta có thể vượt qua được những chướng ngại, khó khăn trong cuộc sống. Đó là sự hài lòng với những gì đang có và là sự tự tin vào bản thân. Con người có thể vượt qua những chướng ngại trên bước đường đời để đạt tới thành công. Thế nhưng trước những đau khổ và nhất là cái chết, sự lạc quan này đành phải lùi bước. Tất cả như đã vượt ra khỏi tầm nhận thức và kiểm soát của con người. Trước cái chết, con người ra như đang phải đối mặt với sự tuyệt vọng, sự im lặng đen tối đáng sợ. Thế nhưng chính lúc này đây, hy vọng lại nảy sinh và tuôn trào.
Niềm hy vọng này là niềm hy vọng chống lại “hy vọng”, một niềm hy vọng siêu vượt trên mọi niềm hy vọng của cuộc đời, mọi thành quả lịch sử và văn hóa của nhân loại. Thực vậy, niềm hy vọng này không phải là một thứ “chủ nghĩa lý tưởng hóa” thế giới này, qua đó người ta bỏ qua hiện tại mà hướng về tương lai. Trái lại, tương lai đang được bắt đầu từ chính hiện tại. Niềm hy vọng này luôn chứa đựng những yếu tố mới mẻ và siêu việt hơn những gì con người có thể đạt được do nỗ lực của mình. Đó là niềm hy vọng vào sự phục sinh của thân xác, vào trời mới đất mới, vào sự hiển trị của Vương Quốc Thiên Chúa. Sự ra đi của cha thánh hay của bất cứ một ai khác không bao giờ là dấu hiệu của sự tuyệt vọng, nhưng là sự nhắc nhở về niềm hy vọng Đức Giêsu phục sinh đã mang lại cho chúng ta: sự sống vĩnh cửu.
Niềm hy vọng này họat động trong thế giới của ý nghĩa và giá trị. Nó siêu vượt những thỏa mãn cá nhân để tìm tới những giá trị siêu việt mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và định hướng cho cuộc đời này. Nó loại bỏ mọi ảo tưởng để tỏ lộ cho con người lời giải đáp về những vấn nạn hiện sinh của mình: con người là ai, từ đâu tới và sẽ đi đâu... Niềm hy vọng này không giới hạn vào những hành vi đặc thù, mà giúp con người vượt qua thế giới hiện tượng ngõ hầu khám phá những gì là chân, thiện, mỹ trong ý nghĩa nguyên tuyền và chân thực của nó. Từ đó, nó sẽ giúp con người tìm được chân ý nghĩa của cuộc sống của mình: hoàn thành trọn vẹn đời mình. Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới thành đạt bản ngã của mình. Cuộc sống con người chỉ tìm được ý nghĩa nơi Thiên Chúa, chính Ngài là nguồn mạch sự sống và ý nghĩa cuộc đời chúng ta. Điều này thanh luyện cái nhìn của bản thân, mang lại tính hướng thượng.
Như thế niềm hy vọng này sẽ mở ra cho con người chiều kích tương giao, hiệp thông. Đó là sự tương quan thân thiết của bản thân với tha nhân, với Thiên Chúa và với vũ trụ này. Con người được cứu độ không phải như những cá nhân lẻ loi, cô độc nhưng trong sự hiệp thông sâu xa với tha nhân, vũ trụ này. Ngoài ra, còn có sự hiệp thông chư thánh, qua đó những người còn sống cầu nguyện cho những người đã qua đời và rồi các ngài tới lượt mình chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Và quả đúng như nhận định của K.Rahner, sự hiệp thông này vượt qua ranh giới sự chết, mỗi người không còn là một cá nhân lẻ loi trước mặt Chúa, nhưng luôn ở trong bối cảnh của mọi tương quan đã hình thành trong cuộc đời. Dù sống, dù chết con người vẫn ở trong sự hiệp thông này. Dù xa cách về mặt thể lý, anh em Đa Minh vẫn vững tin rằng mình được hiệp thông với cha thánh cách sâu xa hơn bao giờ hết và sự ra đi của cha thánh sẽ càng trở nên hữu ích cho anh em. Lời chuyển cầu của cha thánh trong vai trò là bạn hữu của Thiên Chúa, sẽ càng mang lại nhiều ơn ích cho con cái ngài. Niềm hy vọng này còn gợi nhớ nhiều điều khác trong đời sống niềm tin của các anh em Đa Minh nói riêng và mọi Kitô hữu nói chung.
Niềm hy vọng này tập trung vào những gì thực sự quan trọng trong sự thành toàn của mỗi cá nhân. Thực vậy, niềm hy vọng này giúp con người vượt ra ngoài những giá trị vật chất, ngoài những được - mất trong cuộc sống để nhận ra và vươn tới những giá trị vĩnh cửu. Con người không phải là một sinh vật tình cờ sinh ra trong dòng thời gian và thế giới này không phải là thế giới phi lý và vô nghĩa, không có ngày mai. Con người là hình ảnh Thiên Chúa, được Ngài yêu thương trao quyền cai quản vũ trụ này. Khi con người hoàn thành sứ mạng này, họ sẽ trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa và vũ trụ này được Thiên Chúa cứu chuộc. Nó sẽ không qua đi nhưng sẽ được biến đổi toàn diện.
Chính vì vậy, niềm hy vọng luôn dẫn con người tới sự biến cải nội tâm, một tiến trình  hoán cải liên lỉ. Đó là việc phản tỉnh loại bỏ những ngẫu tượng trong đời mà chỉ tôn thờ mình Thiên Chúa, là Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa của tình yêu, của hy vọng. Đó là tin nhận Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, đến mặc lấy xác phàm, dùng cái chết và phục sinh của Mình để cứu độ nhân loại, giao hòa con người với Thiên Chúa và dẫn đưa họ vào sự sống vĩnh cửu. Vì vậy, khi ta cầu xin cho nước Cha trị đến cũng chính là cầu xin Đức Kitô ngự đến trong ngày Quang Lâm. Khi đó Người sẽ khép lại dòng lịch sử nhân loại vì Người là “Anpha và Omêga, là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22, 13). Và như vậy, chỉ trong Đức Kitô, tất cả mọi sự tốt lành mới có ý nghĩa tối hậu. Người là niềm hy vọng của chúng ta. Nơi đâu có Người, nơi đó có sự sống, có hy vọng. Tiếp đến, sự hoán cải này còn mang chiều kích cộng đòan. Đó là cộng đoàn huynh đệ, cùng chia sẻ và nuôi dưỡng niềm tin, niềm hy vọng của nhau, cùng nhau đợi chờ ngày Chúa Quang Lâm. Sau cùng, niềm hy vọng này còn phải dẫn tới sự biến đổi đời sống luân lý và nâng đỡ, trợ giúp những ai đang sống trong cảnh vô vọng, bị lãng quên. Điều này cũng đồng thời mở ra một tương quan thân ái với tha nhân: họ không phải là một sự đe dọa đối với tôi, nhưng là một sự chúc lành và tôi phải có trách nhiệm với họ, dù rằng lúc này đây họ đang có vẻ là kẻ thù, là kẻ bách hại tôi.
Sau hết, niềm hy vọng này không chỉ là một ước mơ, một lý thuyết nhưng là một thái độ sống, một sự dẫn thân trọn vẹn. Chính vì vậy, hy vọng còn được gọi là một nhân đức, một nhân đức Thiên Chúa ban cho con người như cách nói của thánh Tôma. Nó giúp con người vượt qua những gì là ích kỷ nhỏ nhen, tầm thường và dấn thân cách trọn vẹn, đầy đam mê trong việc xây dựng thế giới. Nó giúp người ta dám mạo hiểm mạng sống mình vì sự thiện trọn hảo và vì tha nhân. Để rồi, con người trở thành những kẻ phục vụ tận tâm mang tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới này, một thế giới của đổ vỡ, thiếu vắng tình thương và bình an. Niềm hy vọng thúc bách con người hành động, vì họ không thể nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ của người khác. Đây cũng chính là khía cạnh xã hội, hay sâu xa hơn là khía cạnh hiệp thông của niềm hy vọng. Và như cha Kelly nói: “Hoa quả quý giá nhất của niềm hy vọng là việc chuyển cầu cho tất cả mọi người, còn sống hay đã qua đời, tất cả những người đã đang đồng hành với ta ngoài sáng hay trong bóng tối của dòng lịch sử ta đang sống.”[2]
Thế nhưng chúng ta sẽ tự hỏi: Vậy đâu là nền tảng của niềm hy vọng này? Thưa, chính cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là cửa ngõ mở ra niềm hy vọng cho tất cả chúng ta. Thực vậy, từ khi Adam đầu tiên phạm tội, loài người và cả vũ trụ rơi vào cảnh hư ảo, phải chết, bị diệt vọng. Nhưng vẫn còn đó niềm hy vọng được tự do, được thoát khỏi vòng nô lệ cảnh hư nát này (Rm 8, 20-21). Chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã làm người, Người đã tự hiến mình cho nhân loại vì yêu và Người đã yêu họ tới cùng (Ga 15, 13). Người đã đổ máu Mình ra giao hòa con người với Thiên Chúa, mang lại cho con người sự sống mới trong Thiên Chúa, đồng thời trao ban Thánh Thần. Nhờ đó, con người được công chính hóa và trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa.
Bằng sự phục sinh của mình, Đức Kitô đã mở cho chúng ta một con đường băng qua bóng đêm sự chết. Sự phục sinh của Người cho thấy quyền năng của Thiên Chúa, Người có thể tái tạo sự sống từ hư không, từ vực sâu. Tình yêu của Người đã chiến thắng tử thần, chiến thắng mọi đau khổ và mọi sự ác độc của con người và như thế, thời đại cũ đã qua đi, thời đại mới đã bắt đầu: thời đại của ân sủng, tình yêu và sự sống mới trong Đức Kitô. Sự phục sinh của Đức Kitô chính là sự kiện tiền dự vào vinh quang Thiên Chúa muốn thực hiện cho nhân loại và cho toàn thế giới. Và như vậy, những ai lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, tức là được tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, người đó cũng sẽ được sống lại với Người trong ngày sau hết.
Thế nhưng hiện tại chúng ta đang phải sống giữa thời khắc giữa Bữa Tiệc Ly và Chúa Nhật Phục Sinh. Thực vậy, vào giờ diễn ra bữa tiệc ly, tương lai thật mịt mù, ảm đạm và vô định. Cuộc đời Đức Giêsu ra như đang đi vào ngõ cụt, một sứ vụ xem ra phải đối mặt với một thất bại thật ê chề. Kẻ thù của Người thì đang họp nhau để giết Người. Một người môn đệ trước đó đã bán đứng Người, số còn lại thì chuẩn bị trốn chạy, bỏ rơi Người. Bản thân Người thì phải đối mặt với những đau khổ, nhục nhã chưa từng có. Thế nhưng đúng vào lúc đó, Người lại mở ra một tương lai: một giao ước mới, một sức sống mới, một cộng đoàn mới, Vương Quốc Thiên Chúa.
Và rồi chính lúc bóng tối tử thần bao trùm tất cả, vào giờ khắc tăm tối nhất thì Người đã đem lại cho chúng ta ánh sáng của niềm hy vọng bằng chính sự phục sinh vinh hiển của Mình. Nấm mồ của sự chết đã không cầm giữ được Người. Tình yêu Thiên Chúa đã nâng Người dậy. Nấm mồ của sự chết trở thành nấm mồ trống; Đau khổ và sự chết đã chỉ còn là “cái xác”. Đức Kitô đã phục sinh mang lại niềm hy vọng cho chúng ta, giúp ta kiên trì chịu đựng những thử thách của cuộc đời với một tâm hồn bình an, hạnh phúc vì chúng ta biết chắc rằng: sự sống mạnh hơn tử thần, tình yêu mạnh hơn nỗi sợ hãi và hy vọng mạnh mẽ hơn mọi nỗi thất vọng của con người.
Sự phục sinh của Người mang lại cho chúng ta niềm hy vọng vào sự phục sinh của chúng ta, của vũ trụ này. Nếu Người không phục sinh thì Bữa Tiệc Ly sẽ vô nghĩa, những đau khổ chúng ta phải chịu cũng thật là vô nghĩa. Nhưng Người đã phục sinh, điều này mở đường cho chúng ta mạnh dạn và vững tin để tiến về phía trước trong niềm hy vọng mãnh liệt. Lịch sử sẽ dẫn chúng ta đến đâu, tương lại nhân loại sẽ đi về đâu hay thậm chí cuộc đời chúng ta sẽ ra sao, chúng ta không biết. Nhưng chúng ta vững tin rằng sau cùng tất cả sẽ được tái sinh trong sự sống mới là Đức Kitô, muôn loài khi đó sẽ quy tụ dưới quyền Đức Kitô. Những đau khổ đời này không phải là vô ích nhưng là cơ hội chúng ta được thông dự vào kinh nghiệm của cái chết Đức Kitô đã vượt qua. Người đã băng qua cái chết mở đường cho tất cả chúng ta bước theo Người. Người trở thành nguồn ánh sáng, nguồn hy vọng của chúng ta.
Chúng ta tin tưởng rằng, khi thời gian đến hồi viên mãn Người sẽ ngự đến xét xử muôn dân, nhưng tiên vàn là để cứu chữa vì Người là Thiên Chúa của tình yêu, của hy vọng. Người luôn muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2, 3-4). Người không muốn ai bị diệt vong nhưng muốn mọi người ăn năn hối cải để được sống. (Ed 33, 11; 2Pr 3, 9). Có lẽ đúng như nhà thần học Balthasar nói, hỏa ngục là một khả thể nhưng liệu có khách vãng lai ở đó chăng vì có một tình trạng thiếu cân xứng giữa khả năng phạm tội và thực chất của tội lỗi với ân sủng. Chính Thánh Phaolô đã khẳng định: “Ơ đâu tội lỗi đã tràn lan, ở đó ân sủng càng dồi dào gấp bội” (Rm 5, 20).
Sau cùng, niềm hy vọng này thúc đẩy con người hành động, làm chứng cho niềm hy vọng của mình. Nó thúc đẩy mọi người cùng cộng tác vào việc xây dựng và biến cải thế giới, xây dựng một thế giới của công bằng, tự do, đem tình thương và bình an tới xoa dịu những đau khổ và bi thương của con người.
Ôi niềm hy vọng lạ lùng! Nó như dòng nước trong vắt, mát dịu chảy ra từ Tảng Đá (Xh 17, 1-7, Ds 20, 1-13) tưới mát sa mạc cuộc đời này. Dòng nước này chảy tới đâu mang sức sống sung mãn tới đó. Những bộ xương khô mọc da thịt và được hồi sinh (Ed 37, 1-14). Những vùng đất khô cằn của chiến tranh, tang tóc, của bạo lực, tuyệt vọng được phủ xanh bằng mầu xanh của hy vọng, của tình yêu, công lý và hòa bình viên mãn.
Có một người mơ thấy rằng sẽ tới thời, con người được giao hòa với nhau và giao hòa với vũ trụ. Sẽ không còn cảnh chiến tranh bạo lực; cái ác, sự chết sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Người ta sẽ rèn gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái (Is 2, 4). Ngày đó, sói sẽ ở với chiên, beo nằm bên dê nhỏ; bé thơ chơi đùa bên hang rắn lục, hổ mang (Is 11, 6-9). Và thời này chắc chắn sẽ tới, vì nó đã đang được bắt đầu. Đó là thời của “một trời mới một đất mới” vì “trời cũ đất cũ đã qua đi” (Kh 21 1-2). Đó là ngày Đức Kitô quang lâm, mọi kẻ thù của Người bị tiêu diệt hoàn toàn; đó là lúc “môn loài quy phục Đức Kitô”, “Thiên Chúa là tất cả trong muôn loài” (1Cr 15, 28).
Ôi niềm hy vọng thật lạ lùng vậy! O spem miram...!



Tài liệu tham khảo:
  1. Kelly Anthony, Eschotology and Hope, Orbis Books, Maryknoll, NewYork, 2006.
  2. Phaolô Vũ Chí Hỷ, Giáo Trình Cánh Chung Học, ĐMHV, Niên Khóa: 2010-2011, lưu hành nội bộ.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang