Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Giáo Hội trong thế giới


- Ðại Học Công Giáo Hoa Kỳ kỷ niệm 125 năm thành lập
- GS Vũ Quốc Thúc đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo
- Trên đài truyền hình quốc gia, Hugo Chavéz khóc lóc xin Chúa tha tội
- Người Công Giáo Lào qua Lễ Phục Sinh không linh mục không nhà thờ
- Kitô giáo và Ấn giáo cùng cử hành Lễ Phục Sinh


 

Ðại Học Công Giáo Hoa Kỳ kỷ niệm 125 năm thành lập

Hôm 10 tháng tư, Ðại Học Công Giáo Hoa Kỳ đã kỷ niệm 125 năm thành lập và đã nhận được "lời chúc mừng thân ái" từ ÐTC Bênêđictô XVI.
Trong bức thư gửi cho ÐHY Donald W. Wuerl của Washington, D.C., ÐTC đã phó dâng cộng đoàn trường đại học lên Ðức Mẹ Maria. Ngài cũng cầu xin để lễ kỷ niệm sẽ là một cơ hội "dấn thân canh tân sứ mạng đặc biệt của Ðại học Công Giáo nhằm phục vụ Giáo Hội và xã hội Hoa Kỳ".
Thánh Lễ hôm 10 tháng tư bắt đầu với những hoạt động kéo dài một tuần lễ nhằm kỷ niệm việc phê chuẩn của ÐGH Lêô XIII vào năm 1887 để thành lập Trường Ðại Học Công Giáo Hoa Kỳ là trường đại học quốc gia của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.
Lúc trường đại học mới được khánh thành, chỉ có 46 sinh viên và 10 giảng viên. Hiện nay, trường giảng dạy hơn 3.500 sinh viên chưa tốt nghiệp và 3.000 sinh viên đã qua đào tạo đếntừ khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ và từ 85 quốc gia trên thế giớ.
Khi trường tổ chức kỷ niệm, Ðức Hồng Y Wuerl nói: "Chúng ta thắp lên thêm một ngọn nến vào nguồn sáng to lớn chính là Ðại học Công giáo Hoa Kỳ".
 
GS Vũ Quốc Thúc đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo
Paris.- Hôm 8.4.2012, Lễ Phục Sinh, Giáo xứ Việt Nam Paris đã đón nhận 25 tân tòng nhập đạo, trong đó có Giáo sư Vũ quốc Thúc.
Trong bữa tiệc tiếp tân chúc mừng, do Hội Ái Hữu Ðại Học Ðà Lạt tại Âu Châu, quy tụ các cựu Giáo Sư và Sinh Viên Viện Ðại  Học Ðà Lạt, tổ chức sau lễ rửa tội, ông đã nhắc đến ba điều ông đã thấy và đã tin. Ðặc biệt: Ông đã thấy ơn Ðức Mẹ.
Ông kể lại: «Tôi còn nhớ vào năm 1976, trong lúc tinh thần hoang mang, chờ người ta đến bắt mình đi “cải tạo”, chưa biết tương lai sẽ ra sao, một lòng chỉ muốn ra khỏi nước. Lúc đó tôi đã lên cầu xin Ðức Mẹ ở Bình Triệu. Nhà tôi ở Saigon, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Ðồng, có tượng Ðức Mẹ Lộ Ðức. Trong lúc hoang mang, tôi đến cầu Ðức Mẹ. Hôm đó tôi đã lên Bình Triệu và đã có sự linh ứng. Tôi có lời nguyện, tôi xin Ðức Mẹ cứu cho vợ chồng tôi và bốn con còn nhỏ ra được ngoại quốc, thì tôi sẽ xin nguyện đem tất cả những năm còn lại trong đời tôi, trước hết để tranh đấu cho dân tộc, và tranh đấu cho tôn giáo.

Sau khi tôi vừa cầu nguyện xong, thì tượng Ðức Mẹ sáng rực lên và trong lòng tôi thấy bồi hồi vô cùng, và sau lần đó tôi đã vận động và sang được bên Pháp này. Còn nhiều chuyện tôi không muốn nói ra đây, nhưng quả thật là linh ứng».
Ông muốn xin được rửa tội công khai và trang trọng theo đủ các nghi thức của Giáo hội, như mọi tân tòng khác, như một biểu lộ và dấu chứng làm chứng nhân, công khai công bố đức tin của mình.
Giáo sư Vũ Quốc Thúc là cựu Khoa Trưởng Trường Luật Khoa Sài Gòn, cựu Thống Ðốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, cựu Giáo sư Ðại Học Paris XII, đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Ðệ nhất và Ðệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều người coi ông như một chứng nhân của lịch sử, đã theo sát những thăng trầm của đất nước trong một giai đoạn kéo dài trên nửa thế kỷ.
 
Trên đài truyền hình quốc gia, Hugo Chavéz khóc lóc xin Chúa tha tội
Tờ Wall Street Journal cho biết trong một diễn biến bất ngờ và gây sửng sốt cho dân chúng tại Venezuela, đặc biệt là các Giám Mục nước này, đài truyền hình quốc gia Venezuela, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Venezuela, đã cho phát hình thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh mùng 5 tháng Tư vừa qua tại một nhà thờ tại Barinas.
Chuyện lạ hơn nữa là Tổng Thống Hugo Chavéz đeo một chuỗi tràng hạt như một người Công Giáo mộ đạo, và khóc ngay trước mặt các linh mục đồng tế trong thánh lễ và anh chị em giáo dân. Tờ The Wall Street Journal tường thuật rằng, đứng trên bục giảng quay mặt xuống anh chị em giáo dân, Hugo Chavéz vừa khóc, vừa nói như sau:
"Lạy Chúa xin cho con cuộc sống, thậm chí là một cuộc sống bị thiêu đốt, hoặc đau đớn đi nữa cũng không quan trọng [miễn còn sống là được]. Lạy Chúa Kitô, cứ trao cho con mão gai của Ngài... đưa nó cho con, con sẽ mang lên dù chảy máu... xin cho con thánh giá của Chúa, một trăm thánh giá đi nữa con cũng chịu vác, nhưng xin cho con cuộc sống bởi vì còn có nhiều thứ con chưa làm xong... đừng bắt con đi bây giờ."
Tổng thống Hugo Chavéz đã mắc phải bệnh ung thư. Tưởng cũng nên nhắc lại ban đầu, khi mới được bầu lên làm tổng thống, Chavez và Hội Ðồng Giám Mục có mối giao hảo tốt. Ông luôn tuyên bố ông là người Công Giáo, có chủ trương cải cách xã hội. Tuy nhiên, mối giao hảo bị suy đồi dần khi các Giám Mục chống lại bản hiến pháp dành quá nhiều quyền cho Chavez và đường lối đưa đất nước vào con đường chủ nghĩa xã hội.
 
Người Công Giáo Lào qua Lễ Phục Sinh không linh mục không nhà thờ
Theo hãng thông tấn AsiaNews, hàng trăm người Công Giáo Lào cử hành Lễ Phục Sinh ở Kengweng, tỉnh Savannakhet mà không có sự chủ trì của linh mục. Họ đã từng sử dụng một nhà nguyện như là nơi thờ phượng và cầu nguyện, nhưng nhà nguyện đó đã bị chính quyền tịch thu vì cho rằng “có những bất thường” trong quyền sở hữu.
Nữ tu Josephine Seusy, Dòng Mến Thánh Giá, người tổ chức mừng lễ này cho hay: "Khoảng 200 người Công Giáo Lào đọc kinh Mân Côi, hát các bài thánh ca, và đọc Tin Mừng để cử hành Lễ Phục Sinh trước nhà nguyện Kengweng, trong khi 4 binh lính vũ trang theo dõi từ cửa của nhà nguyện. Chúng tôi cầu xin Chúa Kitô Phục Sinh để chính quyền trả lại nhà nguyện".
Sơ Seusy cho biết các linh mục từ những nơi khác vẫn còn bị ngăn cản thực hiện các hoạt động mục cho người Công Giáo địa phương.
Ở Lào, Phật tử  chiếm 67%) trên tổng dân số 6 triệu người. Kitô hữu chỉ 2%, trong đó người Công Giáo chiếm 0,7%.
 
Kitô giáo và Ấn giáo cùng cử hành Lễ Phục Sinh
Lần đầu tiên, hơn 10.000 tín hữu Kitô giáo và Ấn giáo cử hành Lễ Phục Sinh với nhau ở bang Orissa của Ấn Ðộ. Ðáng chú ý nhất, việc cử hành được tổ chức ở khu đất của Trường Công Giáo Vijaya thuộc Raikia, quận Kandhamal, hiện trường của những vụ tàn sát bạo lực chống Kitô giáo vào năm 2008 của các phần tử quá khích Ấn giáo.
Người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội, gồm trẻ em, người già, phụ nữ, các chính trị gia, viên chức chính phủ, trưởng làng, tu sĩ và nữ tu, đã tham dự một nghi thức cầu nguyện dài 12 giờ và tham gia vào các cuộc gặp gỡ văn hoá khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang