Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 45)

NÊN THÁNH DỄ HAY KHÓ?
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
Thánh Phanxicô Asissi xuất thân từ một gia đình thượng lưu rất giàu có, nhưng ngài đã từ bỏ tất cả, sống một đời khó nghèo để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành,
Một vị thánh đã nói: "Nếu ai đó lấy đi của tôi một con mắt, tôi vẫn còn một con để thương họ. Nếu ai đó lại lấy đi của tôi con mắt còn lại, tôi vẫn còn hai tay để thương họ. Nếu tôi bị mất đi hai tay nữa, thì tôi vẫn còn con tim để thương họ."
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ,

Thánh Monica có một nỗi đau khổ lớn, Augustine – con trai ngài – là một đứa con lỗi nghĩa với ngài và với Thiên Chúa. Nhưng ngài không bi lụy và thất vọng. Bằng việc cầu nguyện, ngài đã biến cuộc đời đau khổ của mình thành một cuộc đời phó thác và hy vọng.
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
Thánh tử đạo Justino, mặc dù lớn lên trong bầu khí ngoại giáo, ngài vẫn luôn khao khát được tìm biết Thiên Chúa chân thật. Một lần, tình cờ ngài được một cụ già chỉ cho con đường: học hỏi nơi Thánh Kinh. Cuối cùng, Ngài đã chết cho sự công chính mà ngài đã tìm thấy và được đặt làm Quan thầy các tâm hồn ngay chính.
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người,
Thánh Martin – "ông Thánh Đen", trong một lần đi ngoài phố, ngài gặp một người phong hủi đang nằm lay lất bên vệ đường. Ngài bèn bồng người đó mang về tu viện và chăm sóc. Một số người trong nhà dòng phản đối. Ngài trả lời: "Ôi, mạng sống của anh ta quý giá hơn chiếc giường của tôi nhiều!"
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
Chỉ mới 12 tuổi, nhưng Maria Guaretti đã kiên quyết giữ mình trong trắng cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Cao quý hơn, ngài đã tha thứ cho kẻ hãm hại mình ngay trong giờ phút vĩnh biệt trần gian đi về nhà Cha.
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình,
Sau khi Đức Giám Mục thành Milan qua đời, hàng giáo phẩm và giáo dân họp lại để chọn một vị Giám mục kế vị, nhưng vì bất đồng ý kiến nên đã chống đối nhau kịch liệt. Trong bầu khí hỗn độn đó, Ambrosio với tư cách là tổng đốc đã đến để hòa giải (lúc đó, ngài vẫn còn là dự tòng). Bỗng nhiên có một em bé la to "Ambrosio Giám Mục" và lạ thay mọi người đều đồng thanh bầu ngài làm Giám mục. Sau đó, với cương vị mới, ngài đã lập lại kỷ cương, phá tan sự chia rẽ giữa các bè phái và giúp nhiều người lạc giáo quay về.
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
117 vị thánh tử đạo Việt Nam, đây Andrê Phú Yên, đây bà thánh Đê, … tất cả đã hiên ngang tiến ra pháp trường. Với các ngài, niềm hạnh phúc vô biên là được nối gót theo chân Chúa Giêsu xưa trên đồi Golgotha.
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa, anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. (Mt 4, 3 – 12)
(Viết theo bài giảng Linh mục Quý ngày lễ các thánh 1.11.2001 – GX Bùi Phát – TPHCM)
QUAY VỀ VỚI TÌNH YÊU
(tiếp theo số ABBA 43 – 22/10/2001)
… … … …
Cũng giống như Nga, Nhung được chịu phép rửa từ bé, nhưng chuyện giữ đạo thì hết sức lơ mơ; một phần cũng vì nơi Nhung ở và trong gia đình không có điều kiện thuận tiện để biết đạo. Bây giờ Nhung đã lớn, từ giã quê hương Việt Trì để học đại học ở Hà Nội. Thỉnh thoảng nhớ lại gốc đạo của mình, Nhung cũng đi nhà thờ, nhưng rất uể oải. Nhung bảo: "Quỳ lâu mỏi chân, nghe giảng thì buồn ngủ."
Sự uể oải này khiến Nhung thắc mắc tại sao mình làm những việc mà mình không hiểu ý nghĩa. Nhung cũng chia sẻ những thắc mắc ấy với các bạn. Lạ kỳ là có một người bạn không Công Giáo lại chỉ đường cho Nhung đến gặp một nữ tu chuyên dạy giáo lý ở Hà Nội. Điều Nhung cảm nhận trong quá trình học đó là tình nghĩa anh chị em một nhà giữa những người cùng tin Chúa. Nhung đã đến với các nhóm trẻ, tham gia ca đoàn nhà thờ. Nhung nhận thấy rằng khi người ta cùng chung một đức tin, một ý thức như thế, thì trong quan hệ với nhau, có một sự chân thành đậm đà mà Nhung không gặp được ở ngoài đời. Từ đó Nhung quyết dành hết tâm lực của mình để vun đắp tình nghĩa anh em trong Hội Thánh và sống thật tận tụy với anh chị em. Sự hăng hái của Nhung khiến cho một vị nữ tu hướng dẫn cảm thấy cần phải can gián chút ít. Chị thường khuyên: "Theo đạo thì em hãy trung thành theo một mình Chúa mà thôi. Không cần đem trọn vẹn niềm tin phó thác cho các đồ đệ của Chúa, vì họ cũng chỉ là người phàm." Biết vậy nhưng tính Nhung thích tuyệt đối. Nhung vẫn hết mình với cộng đoàn trẻ ở nhà thờ. Nhung mới được rước lễ lần đầu hai tuần trước Trung Thu.
Oanh lại có những cảm nghĩ có thể bổ túc cho Nhung. Oanh mới chịu phép rửa trước Trung thu chừng một tháng ở nhà thờ Cửa Bắc. Các bạn trong nhóm hầu hết đã quen biết Oanh từ lâu, nên hôm đó Oanh xin không kể lại câu chuyện của mình. Oanh chỉ muốn nói rằng từ ngày chịu phép rửa, Oanh cảm thấy mình yêu mến và quý trọng các bạn ngoài Công Giáo hơn trước. Oanh không nghĩ là cá nhân mình có cái gì hơn các các bạn ấy. Nhưng mỗi người có một giờ của ơn Thánh trong đời mình. Giờ ấy đã đến với Oanh vào lúc này, còn các bạn kia lại đang chờ đợi một giây phút khác.
Khi Oanh theo đạo, gia đình Oanh cũng ái ngại vì sợ tương lai sẽ khó khăn. Còn cha mẹ người bạn trai của Oanh thì quyết định không tổ chức đám cưới nữa. Tuy người bạn ấy không có đức tin nhưng vẫn trân trọng sự tự do của Oanh, anh vẫn gắn bó với Oanh và cùng Oanh đi nhà thờ. Riêng Oanh thì cảm thấy rất vững tâm. Oanh nhớ có lần đã đọc một bài thơ Hài Cú (thơ ba câu của Nhật Bản) như sau:
"Tình yêu như chiếc ô,
Che cho người khác khô,
Riêng mình bị ướt."
Oanh rất tâm đắc bài thơ này. Về sau lại có một bạn trẻ Công giáo cho Oanh mượn một quyển sách suy niệm Tin Mừng. Bây giờ Oanh cũng không nhớ rõ của tác giả nào, nhưng Oanh gặp được trong đó một câu để đời: "Hạnh phúc của một người không đo bằng của cải và danh vọng, nhưng đo bằng một tình yêu mà mình tập yêu suốt cả một đời." Đó chính là tâm nguyện tha thiết của Oanh. Vì thế trước đó một tháng, Oanh đã gia nhập Giáo hội và chịu phép rửa chung với Hiền, cũng có mặt trong nhóm trong buổi họp mặt này.
Những câu chuyện trên đây được các bạn đạo dòng lắng nghe thích thú. Quang cho rằng nghe tâm sự của các bạn thấy lòng sốt sắng hơn khi nghe giảng tĩnh tâm. Còn Thanh thấy có nhiều điều đồng cảm với các bạn. Từ bé Thanh vẫn giữ đạo, thành thực nhưng phần hình thức là chính. Đến khi ra trường lên làm việc ở Hòa Bình, tình cờ anh lại làm chung với người bạn trẻ Công giáo từ Hải Hậu lên. Anh bạn này có vẻ hứng chí vì tìm được người đồng đạo. Anh hay đặt câu hỏi, nêu thắc mắc với Thanh về những vấn đề Thánh Kinh và giáo lý. Những câu hỏi này làm Thanh giật mình nhận ra rằng mình chẳng biết gì nhiều lắm, rằng đời sống tôn giáo mình mới chỉ là một nước sơn hời hợt. Anh quyết định phải đi sâu hơn. Từ đó Thanh tham gia vào sinh hoạt ca đoàn ở nhà thờ. Anh nói thời gian sinh hoạt với các bạn trẻ đó anh có được kinh nghiệm quý báu về cầu nguyện. Anh cảm thấy khi anh thành tâm cầu nguyện thì có sự đáp ứng rõ ràng của Chúa. Từ đó đời sống nội tâm của anh phát triển rõ rệt.
(VŨ ghi – Còn tiếp)
TIA SÁNG
Trước khi chết, người nào đã trồng được một gốc cây, kẻ đó đã không sống vô ích.
Châm ngôn An Độ
Người đã chuẩn bị được đất màu, đất tốt: 30 năm sống ẩn dật ở Nagiarét âm thầm làm việc. Người đã gieo rắc lời giải thoát và soi sáng, để rồi như hạt giống, Lời cứ nảy nở lên, nảy nở lên… Dọc theo con đường đã đi qua, Người đã trồng những cây bạch dương, để cho những ông Giakêu thấp bé leo lên mà nhìn thấy Người. Người đã ghì siết nỗi kinh sợ và lấy mồ hôi máu tưới cho cây ô-liu trong vườn Giệt–si–ma-ni. Cuối cùng, Người đã trồng lên trái đất cây Thập giá. Người hỏi tôi làm như vậy có ích không?


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang