Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 43)

QUAY VỀ VỚI TÌNH YÊU
Nhân dịpTrung Thu, một số bạn trẻ Hà Nội tổ chức một cuộc du ngoạn chia sẻ trong vùng Hạ Long cạn, thuộc tình Ninh Bình. Nhóm này gồm những bạn đạo dòng, tân tòng, hoặc đã không giữ đạo nhiều năm nay trở lại, một số dự tòng và cảm tình viên. Dưới đây là vài kinh nghiệm ghi lại từ những chia sẻ của các bạn.
Nga là con nhà Công giáo gốc, nhưng đã nguội lạnh khá lâu. Thậm chí khi đi học Nga đã che dấu danh tính Kitô hữu của mình. Nga đã sống ở Tiệp Khắc mấy năm, mục đích duy nhất là thành đạt về mặt xã hội và vật chất.
Khi về nước, Nga cho rằng những điều sở nguyện đã đạt được. Tuy vậy, không hiểu sao cô vẫn cảm thấy thiếu vắng một cái gì trong đời. thậm chí có lần đi máy bay, Nga có ý tưởng rằng giả sử máy bay nổ tung giữa bầu trời, thì từ nay mình sẽ khỏi phải bức xúc điều gì nữa.

Đúng vào lúc ấy, một thử thách ập xuống gia đình Nga. Bà ngoại Nga mắc một chứng bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ ở bệnh viện đã chê và cho bà cụ về, lại còn dặn gia đình rằng: cụ muốn gì thì ráng chiều ý cụ, vì cụ không còn sống bao lâu nữa. Căn bệnh của bà ngoại là một cú sốc lớn đối với Nga. Nga rất thương bà. trong bao nhiêu năm nghèo khổ bà đã tần tảo quên mình để lo cho gia đình. Bây giờ bắt đầu khá giả có thể hưởng thụ được một chút thì bà lại vĩnh biệt con cháu và cuộc đời. Nga cảm thấy thật bất nhẫn đối với số phận.
Giữa lúc tinh thần đang khủng hoảng, Nga chợt nhớ ra quê mình là làng Bằng Sở, cũng là quê hương của cha thánh Tùy tử đạo, mà cha thánh Tùy thì nổi tiếng hay làm phép lạ. Thế là mỗi chiều Nga phóng honda về tận làng quê (giống như Sài Gòn đi Thủ Đức) tìm về đền thánh Tùy. Nga quỳ xuống và hứa với Thánh: nếu Thánh chữa bệnh cho bà, Nga sẽ đi lễ trở lại.
Được chừng mười hôm kiên trì khấn hứa như vậy, tự nhiên một anh bạn đã lâu không gặp lù lù đến thăm. Anh bạn giới thiệu cho bà một ông lang. Gia đình Nga xưa nay chỉ tin tây y, tuyệt đối không nhờ cậy lang vườn. Nhưng lần này hết thuốc chữa rồi, thôi thì còn nước còn tát.
Mấy tuần lễ sau, ông lang vườn chữa bà khỏi bệnh. Nga giữ lời hứa với cha thánh Tùy, Chúa nhật đi lễ đều đặn. Nga vẫn còn một điều bất mãn, mọi người đều lên rước lễ, Nga thì không; vì tuy có rửa tội hồi mới sinh cho đến lúc đó Nga vẫn chưa rước lễ lần đầu. Thế là Nga đi tìm một nữ tu xin học đạo.
Trong quá trình học giáo lý, Nga ngộ ra một điều: Tất cả là hồng ân. Nga bỗng nhìn thầy trong đời mình và xung quanh mình có biết bao nhiêu ân huệ mà từ trước tới nay Nga không biết. Bà ngoại, hay Cha thánh Tùy cũng là những hồng ân như thế, và mỗi hồng ân là một tương giao với Chúa.
Nga bảo bây giờ Nga đã có thể bình tĩnh kể lại chuyện của mình. Vài năm trước, đi hành hương La Vang, gặp các bạn trong Nam ngoài Bắc, Nga không nén được xúc động. Hồi đó khi Nga chia sẻ xong, chị Bình, một ca trưởng ở Sài Gòn chạy lên đấm Nga lia lịa: "Tiên sư mày! ai bảo mày làm chúng tao khóc?".
Sau khi trở lại, Nga muốn dành cả cuộc đời để phụng sự Chúa. Nga đã từ bỏ những công việc với tiền lương rất khá để tìm cách đi tu dòng. Nhưng bây giờ Nga đã hiểu, tu dòng không phải là con đường Chúa dành cho Nga. Tuy nhiên Nga vẫn cảm thấy rất bình an, vì biết rằng Chúa gọi mình ở đâu, thì ở đấy có ơn Chúa và Nga dấn thân phục vụ.
( VŨ ghi - Còn tiếp )
GIÁO PHẬN KONTUM CÓ THÊM MỘT TÂN LINH MỤC
Sáng ngày 18.10.2001 lễ thánh Luca, thánh sử, nhà thờ Chính toà Kon Tum cử hành lễ thụ phong linh mục cho thầy Sáu Callistô BÁ NĂNG LÝ. Đây là lễ thụ phong linh mục lần đầu tiên tại Kon Tum kể từ năm 1975 và cũng là một linh mục người SéDăng đầu tiên kể từ ngày thành lập Giáo Phận (1932).
Linh mục Callistô Bá Năng Lý sinh năm 1963 tại Kon Tum. Sau biến cố 1975, thầy bị lưu lạc tận Bình Cang, Nha Trang và được một gia đình tốt bụng ở đó nuôi nấng, dạy dỗ. Khi Chủng viện Sao Biển Nha Trang được mở ra, thầy Lý trở thành chủng sinh niên khoá 1993 – 1999. Cũng trong thời gian này, thầy Lý bắt đầu liên lạc được với gia đình ở Kon Tum và trong thâm tâm thầy bắt đầu có nhiều hứa hẹn. Vốn bản chất thật thà, chất phát và nhanh nhẹn trong mọi việc, trong sáu năm học tại Đại Chủng Viện, thầy luôn được mọi người yêu mến, và nhất là Cha giám đốc, hiện giờ là Đức Cha phó Phêrô Nguyễn Văn Nho (cũng là người Bình Cang) động viên nâng đỡ, thầy đã hoàn thành tốt những năm triết thần tại Chủng viện.
Sau khi tốt nghiệp, một số đồng môn của thầy ở các Giáo phận Nha Trang, Buôn Mê Thuật và Qui Nhơn lần lượt bước lên bàn thánh, phần thầy được Đức Giám Mục Giáo Phận Kon Tum Phêrô Trần Thanh Chung xin phép Giám Mục Nha Trang thuyên chuyển về Kon Tum trong viễn ảnh của một vùng đất truyền giáo mà thầy đã xuất thân từ đây. Dù là người SéDăng và từng sống tại Kon Tum từ lúc nhỏ đến năm 12 tuổi, thầy phải trở thành một người xa lạ trên vùng đất chôn nhau, cắt rốn của mình. Thầy phải đăng ký tạm trú tại Toà Giám Mục, phải bắt đầu học lại tiếng mẹ đẻ của mình vì hai mươi mấy năm qua thầy không còn dùng nó nữa. Song, với bản tính thật thà, chuyên cần và nhanh nhẹn, thầy đã dần dần chiếm được cảm tình của mọi người ở đây. Cái tên Bá Năng Lý đã dần dần trở nên quen thuộc với các cha, các nữ tu Anh Phép Lạ, anh em chủng sinh và nhất là với dân làng của thầy. Thật cảm động và chua xót khi thân mẫu của thầy, bà Maria Y Hoe Konđâu Yôp cùng thầy tâm sự nhưng hai người lúc đầu ngôn ngữ còn bất đồng chưa thể hiểu nhau. Nhưng con tim của người mẹ và của đứa con lưu lạc dần dà đã bắt được tần số, thầy đã bắt đầu trở lại thành thạo ngôn ngữ của mình.
5 giờ 30 sáng ngày 18.10, trong thánh lễ đồng tế ngoài hai giám mục Giáo phận Kon Tum là đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, đức cha nghỉ hưu Alexis Phạm Văn Lộc và các linh mục trong Giáo Phận, còn có hai Đức Cha Giáo Phận Nha Trang và Buôn Ma Thuật cũng như các linh mục bạn bè và thân hữu của tân linh mục Bá Năng Lý. Đây là thánh lễ thụ phong linh mục đồng tế đông nhất kể từ trước đến nay (gần 100 linh mục). Với khẩu hiệu linh mục "Ngày lại ngày con xin chúc tụng chúa, và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời" (ơ KoDră, Ih lele tôm tơdong, Ih đuh lele kơ inh băt kơ Ih), vị tân linh mục 39 tuổi đời này sẽ hứa hẹn nhiều điều cho một Giáo phận đông tín hữu nhưng con số linh mục khá khiêm tốn. Cầu chúc tân linh mục Callistô BÁ NĂNG LÝ luôn trung thành với ơn gọi và tác vụ của mình để làm Vinh Danh Nước Chúa.
TRẦN PHƯƠNG NGHĨA
Nói đến những tư tưởng lớn, chắc bạn cảm thấy ngại ngùng, nhiều khi còn thấy chán ngán: Nó cao siêu quá, làm sao tôi có thể thực hiện được!
Chính vì thế chút Tia Sáng mong manh mới xuất hiện cho bạn. Mong bạn cảm thấy nó gần gũi, và thân thương đón nhận... như ánh đèn thần Aladin lập lòe, nhưng vô cùng hiệu nghiệm . . .
Tia Sáng sẽ chiếu tỏa cho cuộc đời bạn một ý nghĩa linh thiêng thắm đượm tình người.
Mời bạn hãy nhập cuộc… Bạn sẵn sàng chứ ?
TIA SÁNG
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tôn giáo cũng giống như một ngọn lửa. Khơi nó lên thì nó cháy. Không khơi lên thì nó tắt.
Joubert
Có những Kitô hữu, trẻ cũng như lớn, thấy đức tin mình ngày càng sa sút, họ lo lắng, song không tìm nguyên nhân tại đâu. Thường thường vì thiếu cố gắng học hỏi, họ chỉ học giáo lý thời còn bé mà thôi. Họ rất ít nghĩ tới việc làm gương, giới hạn Tôn Giáo vào vài việc làm có tính cá nhân. Ngọn lửa không băng qua hành động của họ. Phải chăng đó là hình ảnh ma trơi trong nghĩa địa? Còn về việc chuyển thông ánh sáng và hơi ấm Sứ điệp của Chúa cho người khác, họ rất dè dặt: "Liều lĩnh quá! Ai lo phận nấy thôi!"… Thế là ngọn lửa tắt… Đối với tôi, đạo là gì? Là ngọn lửa thiêu đốt cuộc sống và lan rộng ra chăng? Hay là đống tro phủ kín một ngọn lửa đang tắt lịm?
Lạy Chúa, Chúa đến mang lửa, xin thiêu đốt con.
GIỚI TRẺ TIN YÊU
(ABBA – Sài Gòn) _ "Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường…", đó là lời bài hát nhập lễ trong Thánh Lễ Tạ Ơn Chúa Nhật 21.10.2001 của nhóm TSC Damas tại nhà thờ MK. Đây cũng là dịp kỷ niệm ngày truyền thống, ngày sinh nhật của nhóm hằng năm. Tham dự Thánh lễ có khoảng 150 người gồm các nhóm bạn như nhóm Luật, các nhóm khác: Hạt Cải, Thạch Đà, Bình thái, Thanh Đa, Đức Minh. Ngoài ra còn có các Frére, các Soeur, các anh chị cựu TSC.
ThánhLễ xoáy trọng tâm vào hai chữ "sai đi", rằng mỗi người Kitô hữu không chỉ chuyên cần là đủ mà phải như hạt cải được gieo, nẩy mầm và lớn lên, mỗi người phải là Kitô hữu sống…
Được biết lần kỷ niệm này là lần thứ 9 của nhóm kể từ năm 1991, năm khôi phục lại hoạt động của nhóm sau một thời gian gián đoạn. Trước đây, nhóm này có tên là TSC Taberd, có tuổi đời gần 63 năm. Đây cũng là ngày đánh dấu sự đổi tên TSC Taberd thành TSC Damas.
PV
(*) Damas: Con đường chứng kiến biến cố ngã ngựa của Thánh Phaolô, biến cố đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời và đức tin của Thánh Phaolô cũng như lịch sử Giáo Hội.
Lời nguyện: ABBA_Cha ơi! Xin Cha giúp sức cho nhóm TSC Damas biết đứng dậy đi theo Cha sau nhiều năm "ngã ngựa", như năm xưa Cha đã làm với Thánh Phaolô trên đường đến Damas.


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang