Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 61)

Tro…
(tiếp theo và hết)
Tro là những gì còn sót lại
Khi tôi đã mất đi
Vẻ hào nhoáng bên ngoài,
Tính kiêu căng, và tài đóng kịch,
Với khả năng làm cho tôi nên quan trọng khác thường.
Tro là cái gì còn lại đó
Khi tôi đã mất đi
Những chiếc mặt nạ tôi ưa mang
Cho mình ra đẹp đẽ
Tro tàn chấm dứt vẻ hào nhoáng bên ngoài của tôi.
Thế thì càng hay, cớ sao lại buồn?
Kể từ nay, tôi sẽ không còn phải bận tâm
Với những gì tôi cứ nghĩ là cần cho cuộc sống:
Những thứ tôi dùng, những vật tôi có,

Những buổi tiếp tân,
Những gì làm cho người ta lác mắt,
Dáng vẻ bên ngoài khi tôi xuất hiện.
Nếu tôi đưa mắt nhìn nắm tro tàn,
Đâu phải để vùi mình trong khốn khổ,
Hay là mang bộ mặt ê chề
Của người gặp thất bại triền miên.
Cũng không phải là để nhắc cho mình
Rằng tôi không đáng là gì cả,
Chẳng làm nên cháo cơm gì hết.
Tôi phải có gan nhận nắm tro tàn
Để biết mình rồi sẽ tới đâu
Nếu không vận dụng trí não với con tim
Để vươn mình đứng thẳng
Tôi phải có gan nhận nắm tro tàn
Để nhắc nhở cho mình
Rằng gặp thất bại, vẫn có thể vươn lên,
Rằng dưới lớp bùn dơ bẩn, hôi tanh,
Luôn có những báu vật còn cất giấu,
Tôi phải có gan nhận nắm tro tàn
Để nói với tôi rằng mình bé bỏng,
Nhưng nhất là để bắt tôi phải kêu lớn tiếng
Rằng tôi có thể vượt lên trên những gì bé nhỏ,
Rằng tôi đã khá hơn hồi còn yếu đuối,
Và tay tôi có thể xây dựng,
Rằng tim tôi có thể làm chớm nở tình yêu,
Đem lại niềm hy vọng,
Đưa tay ra vỗ về âu yếm,
Chấm dứt mối khổ đau,
Trở nên bạn đồng hành của Chúa.
Thế thì, các bạn của tôi ơi,
Hãy bốc tro đầy tay và đưa mắt nhìn:
Dưới lớp tro tàn, có than đỏ rực.
Chỉ cần gió nổi lên là lửa hồng bừng cháy,
Thiêu rụi đêm đen, đẩy lùi bóng tối.
Này các bạn ơi, hãy đứng thẳng, vươn cao,
Ngang tầm Chúa vươn cao, đứng thẳng.
Đưa mắt nhìn xem: dưới lớp tro tàn,
Có cái gì Chúa đã gieo, còn tiềm tàng trong đó.
Đưa mắt nhìn xem: Chúa đến tìm ta,
Dầu ta mang dáng vẻ nào đi nữa.
Hãy lắng tai nghe: Chúa cho nổi gió,
Và từ nắm tro tàn của ta,
Lửa hồng bừng cháy.
Mãnh liệt thay, ngọn lửa của tình ta!
Tác giả: Charles Singer
Nguyễn Ngọc Tỉnh phiên dịch
Teresah sưu tầm
Ai không ở lại trong Thầy…
Một câu chuyện xưa của người Do Thái kể về một phụ nữ không còn đến hội đường nữa.
Một ngày nọ, vị Rabbi (Thầy) đến nhà bà và xin ngồi với bà cạnh bếp lửa. Thật lâu, không ai nói một lời. Rồi vị Rabbi cầm lấy cái gắp than, gắp một cục than hồng từ bếp lửa và bỏ trên mặt đất. Cả hai cùng theo dõi, cục than từ từ mất đi ánh đỏ hồng rồi tắt ngúm.
Vài phút sau, bà lão nói: "Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ trở lại hội đường."
Có điều gì đe dọa tách lìa tôi ra khỏi Chúa Giêsu và làm tôi mất đi ngọn lửa của mình không?
Có người nào đã bị tách lìa xa Chúa Giêsu mà tôi có thể giúp đỡ, như vị Rabbi đã giúp cho bà lão không?
Hoa Quỳnh (st)
THÀNH PHỐ KHÔNG YÊN TĨNH
Có người nói đùa về 4 tỉnh ở Cao Nguyên trong một chuyến công du các tỉnh này là : Đồng (Lâm Đồng) – Lắc (Đắc Lắc) – Kon (Kon Tum) và Ku (PleiKu, Gia Lai). Vâng, Đồng – Lắc – Kon – Ku là bốn tỉnh thuộc Cao Nguyên trung phần mà nếu ai có dịp ghé qua sẽ thấy những đồi núi cao ngất và những thung lũng trũng sâu trông thật đẹp mắt. Nơi đây cũng là nơi có lịch sử về truyền giáo lâu đời cũng như có nhiều sắc tộc thiểu số. Tuy là Cao Nguyên trung phần song lại là nơi có địa hình, địa dư, khí hậu và tính người khác nhau. Mỗi nơi lại có những đặc sản miền núi khác nhau nữa. Nói tới Đắc Lắc là người ta nghĩ ngay đến cà phê, nhất là cà phê Trung Nguyên. Pleiku (Gia Lai) là xứ đất đỏ Bazan, Kon Tum là nơi có đặc sản mì lát và Lâm Đồng là nơi rau cỏ xanh tươi.
Trong dịp Xuân Nhâm Ngọ vừa qua tôi có rảo quanh một vòng các tỉnh lỵ này và được chứng kiến cảnh mọi người đón xuân. Tại Đắc Lắc, không giống như những năm trước, người ta đón xuân trong một bầu khí buồn tẻ vì giá cà phê giảm không thể tưởng. Một ký dầu bằng một ký cà phê khiến nhiều nhà phải nhổ gốc cà phê đề trồng thứ khác. Nhiều gia đình đã vay ngân hàng và không có khả năng chi trả nên phải đi làm thuê, làm mướn ở tận Khánh Hoà, Phú Yên. Nhiều đại lý thu mua cà phê phải dở khóc, dở cười và đánh bài chuồn vì số nợ lên đến bạc tỷ khi cà phê rớt giá. Con em học sinh nội trú và ở xa đều phải kéo về vì không có tiền để lo chi phí học hành.
Trong khi đó, tại thành phố Pleiku, Gia Lai bầu khí đón Xuân có vẻ nhộn nhịp hơn vì quê hương đất đỏ Bazan này không bị ảnh hưởng nhiều bởi cà phê. Người dân ở đây lại chuẩn bị đón một danh thủ bóng đá của Đông Nam Á Kiatisak đầu quân cho đội tuyển Hoàng Anh - Gia Lai nên đâu đâu người ta cũng bàn luận về bóng đá và cầu thủ nổi danh này.
Tại thị xã Kon Tum nhỏ bé, bầu khí Tết có vẻ trầm hơn những năm trước. Sinh viên các nơi ở xa lần lượt trở về thăm gia đình từ ngày 22 đến 30 tháng Chạp âm lịch với tay xách, nách mang có vẻ hồ hởi. Mì lát năm này được mùa nhưng giá cả lúc lên lúc xuống khiến những đại lý thu mua cũng hồi hộp theo. Từ ngày có xe máy Trung Quốc, người người mua xe, nhà nhà mua xe khiến giao thông ở nơi đây ồn ào hẳn lên và tai nạn giao thông càng ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng từ ngày Mồng Một đến ngày Mồng Ba Tết, con số tử vong lên đến 11 người và bị thương nặng là 21 người. Nhiều người Kinh, người dân tộc chẳng biết luật lệ giao thông cứ chở ba, bốn ào ào tăng tốc. Một số đường xá mới được nâng cấp lại là nơi tai nạn xảy ra nhiều hơn.
Tại thành phố Mộng Mơ Đà Lạt (Lâm Đồng). Thời tiết lạnh hơn mọi năm, thỉnh thoảng lại có mưa phùn lất phất khiến khung cảnh càng nên thơ. Mọi người đều có vẻ khoái chí nói cười vui vẻ khoát tay nhau bách bộ trong những màu áo ấm tuyệt đẹp. Rau quả được mùa nhưng giá cả lại bèo bọt khiến nhà nông kêu trời. Hoa hồng lại có giá nhất vì ngày mồng Ba tết trùng vào ngày lễ tình yêu. Mùa Tết là mùa du khách các nơi đến nghỉ ngơi nhiều, nhất là dân Sài Gòn thích bầu khí của Đà Lạt nên ngành du lịch ở đây phát triển mạnh. Từ giá xe thuê, giá phòng trọ, thức ăn, thức uống và những tụ điểm du lịch tăng giá đột ngột. Thật là một mùa làm ăn phát đạt cho những nhà buôn.
Dạo quanh các tỉnh Cao Nguyên trong dịp đầu xuân, tôi có cảm tưởng mình đã mất đi một cái gì đó khi thấy những thị trấn không yên tĩnh. Mới ngày nào đây khi thức dậy vào buổi sáng tôi còn nghe tiếng gà gáy và tiếng giã gạo vang lên từ những buôn làng. Mới ngày nào đây tôi còn được nghe những tiếng róc rách của con suối và tiếng dế vang lên từ những cánh đồng vào xuân mà giờ đây thay vào đó là những nhà máy, những tụ điểm ca nhạc, những nông trường và những quán cà phê đầy ắp những người. Hiện đại hóa là thế. Dẫu biết rằng mình không thể đi lùi lại lịch sử và níu kéo quá khứ nhưng trong lòng tôi vẫn thấy tiêng tiếc một điều gì đã qua. Ôi! những thành phố yên tĩnh nay còn đâu.
Tết Nhâm Ngọ 2002,
TRẦN XUÂN SANG. (cảm nhận từ một chuyến đi)


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang