Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 30)

ĐAU KHỔ! ĐIÊN !!! YÊU !
Bạn đã bao giờ đau khổ vì yêu chưa? Nếu chưa, đó chẳng phải là tình yêu. Tình yêu, ngoài sự nhớ nhung, nó còn có đau khổ. Chính đau khổ làm cho tình yêu thêm mạnh mẽ và nồng nàng hơn.
Một người mẹ đau đớn quằn quại sinh ra con, nhưng khi thấy con rồi, người mẹ sung sướng biết dường nào. Đứa con chính là tình yêu của mẹ.
Hai người yêu nhau, càng đau khổ vì nhau, tình yêu càng lớn. Đau khổ khi thấy bạn mình ưu tư trăn trở với cuộc sống, đau khổ khi thấy bạn mình lâm vào cảnh bế tắc mà mình chẳng gánh thay, cho dù mình rất muốn, chính lúc đau khổ dùm bạn là lúc tình yêu đang mạnh mẽ.
Thiên Chúa đang đau khổ, Thiên Chúa đang yêu. Ngài yêu con người đến điên dại cuồng si. Ngài đau khổ khi nhìn thấy con người ngày càng lánh mặt Ngài, đau khổ khi nhìn thấy con người bỏ Ngài trốn đi ngoại tình. Ngài đau khổ chấp nhận, đau khổ chờ đợi, vì Ngài đang yêu.

Người ta bảo có điên mới yêu, có yêu mới điên. Thập giá đã chứng minh được điều ấy. Thập giá - chóp đỉnh của tình yêu - hội tụ đủ ba yếu tố : đau khổ – điên – yêu. Vì yêu, Chúa Giê-su chấp nhận đau khổ, treo mình trên thập giá. Vì yêu, Đức Kitô trở thành người điên, chết như một tử tội, dù lòng chẳng nhuốm một vết nhơ.
Yêu là chấp nhận tất cả : đau khổ và điên.
J.M.C
CẦU NGUYỆN NHƯ MỘT CUỘC LEO NÚI
"Hãy hình dung bạn đang làm một cuộc dã ngoại leo núi với người bạn thân. Ban đầu, hai người nói huyên thuyên với nhau, nhưng khi bắt đầu leo lên thì lời nói trở nên thưa thớt dần. Cuối cùng, khi cả hai lên tới đỉnh núi thì dường như nín thở, bởi vì phong cảnh dưới kia quá hùng vĩ, chẳng có lời nào thốt lên cho tương xứng cả". (James Digicomo, S.J – Bước quyết định để gặp Chúa trong đời).
Một hình ảnh thật sống động và dễ hiểu! Tôi cũng không phải dân chuyên leo núi, nhưng thỉnh thoảng có trèo lên hai núi Tao Phùng và Bãi Dâu. Và tôi thấy tác giả nói chí lý. Tôi là người theo đạo Công giáo từ thuở bé. Tôi thường cầu nguyện, như đi trong thành phố vậy, miệng lúc nào cũng nói huyên thuyên. Tôi xin hết ơn này đến ơn khác, vì nghĩ Chúa không ban cho điều này thì còn điều kia. Chủ trương của tôi là xin trừ hao mà. Ôi! Thật sai lầm cho quá khứ của tôi.
Giờ đây, tôi mới hiểu phần nào lời Chúa Giê-su dạy: "Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các Hội Đường… Anh em đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhậm lời" (Mt 6, 5-7)
PHƯƠNG ĐÔNG
NHỮNG CON HẠC GIẤY CỦA MỘT THẾ HỆ BIẾT YÊU THƯƠNG
Có một câu chuyện có thật từng xảy ra ở Paris. Một chàng trai yêu tha thiết một cô gái, chàng là nhân viên nghèo làm việc trong một công ty cũ kỹ. Nàng gia tộc giàu có thế phiệt. Nhưng tình yêu giữa hai người vẫn đến với nhau. Chàng yêu và hứa với nàng rằng sẽ gấp cho nàng 1000 con hạc giấy để chứng tỏ tình yêu. Năm tháng qua đi, khi chàng đã gấp đủ 1000 hạc giấy thì lúc này, nàng bỗng bỏ chàng ra đi không một lời tạm biệt. Chàng đau khổ, lao vào làm việc, thành đạt, nhưng vẫn không quên được nàng. Một ngày mưa tầm tã, chàng tình cờ thấy một đôi vợ chồng già cùng che một chiếc ô đi vào cổng một nghĩa trang. Chàng nhận ra ngay đó chính là cha mẹ của nàng. Vội vàng, chàng chạy đuổi theo họ. Thế là chàng gặp lại người yêu xưa của mình với nụ cười đằm thắm, dịu dàng đang âu yếm nhìn chàng từ bức chân dung trên bia mộ. Cạnh nàng là 1000 con hạc giấy, vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Lúc này, chàng mới biết một sự thật : nàng biết mình mắc bịnh hiểm nghèo và không thể qua. Nàng không muốn là vật cản bước chân chàng. Do đó, nàng quyết định xa chàng. Nàng mong ước với cha mẹ nàng sẽ đặt những con hạc giấy lên bia mộ nàng, để một ngày nào, khi số phận cho nàng gặp lại chàng dù chỉ qua hình bóng, thì lúc đó, chàng có thể đem những con hạc giấy kia về làm bầu bạn. Chàng trai bật khóc.
Chúng ta, những người trẻ, đang sống trong những năm tháng có ích nhất trong cuộc đời mình. Chúng ta đã thấy rằng, chúng ta chỉ nhận ra giá trị của người yêu mình khi cuộc đời ban tặng cho chúng ta giá trị lớn lao của một sáng mai thức dậy, người đó không còn bên ta nữa.
Nếu chúng ta đang gấp những con hạc giấy mang tình yêu tự do, tình yêu cuộc sống, tình yêu đồng loại, tình yêu tha nhân, tình yêu… để thả chúng bay lượn trên bầu trời yêu thương thì đó chính là chúng ta đã biết yêu thương anh em mình. Dù nàng - tức những người anh em chúng ta chưa tỏ nỗi lòng, đôi khi lạnh nhạt với chúng ta. Nhưng đừng nghĩ rằng, không ai nhớ đến chúng ta. Hãy gấp thật nhiều con hạc giấy "tình yêu thương" đi các bạn! Để một ngày nào đó, khi đi gần hết cuộc đời tạm bợ này, chúng ta sẽ thấy lại "tình yêu thương" trên trái đất này, trong trái tim từng người đang sống quanh chúng ta. Những con hạc giấy "tình yêu thương" đó mỏng manh nhưng tràn đầy nghị lực do chính bàn tay chúng ta tạo dựng. Chúng vẫn còn nguyên vẹn. Chờ chúng ta bầu bạn trở về. các bạn có hiểu không, hỡi những con tim của một thế hệ mới - thế hệ biết yêu thương?
MINH TÂM
CÁCH SỐNG ĐẠO CỦA TÔI ?
Có hai vị Thiên thần làm việc chung cùng một văn phòng, gọi là văn phòng cầu nguyện. Một vị Thiên thần phải khổ sở làm thêm giờ phụ trội vì các lời cầu xin cứ gọi tới điện thoại của Thiên thần này hoài. Còn Thiên thần kia chỉ biết ngồi đánh đàn ca hát, họa hiếm lắm mới có người gọi tới trình bày sự việc. Thấy vậy Thiên thần bận rộn mới hỏi Thiên thần nhàn nhã rằng: "Tại sao tôi phải làm việc liên tục và còn lao động ngoài giờ nữa, còn anh hầu như không có việc chi để làm?" Thiên thần nhàn nhã đáp: "Điều đó đâu phải lỗi tại tôi mà là do lỗi loài người ở trần gian. Vì anh xem, có lẽ do anh phụ trách loại cầu nguyện ‘Xin cho chúng tôi’, còn tôi lại phụ trách loại ‘Tạ ơn Chúa’ mà!!!"
Câu chuyện tuy thuộc loại ngụ ngôn giả tưởng, nhưng lại diễn tả đúng một thực trạng đáng buồn và tồn tại hoài trong đời sống đạo của tôi và có lẽ cũng là của các bạn?! Đó là chúng ta, ai cũng muốn nhận lãnh thật nhiều, còn dâng hiến trao ban lại qúa ít. Đối với Chúa, chúng ta thường có thói quen hay xin ơn này ơn nọ, còn việc bày tỏ lòng yêu mến và biết ơn cách cụ thể thì ít quan tâm và thiếu tinh thần tự nguyện. Như thế có thể nói việc sống đạo của chúng ta chỉ tồn tại khi chỉ cốt lo mưu ích cho bản thân mình, nhằm thỏa mãn nhu cấu vật chất hơn là tìm cách phục vụ, yêu mến Chúa và tha nhân…
Vậy do đâu chúng ta lại có chủ trương đường lối sống đạo như thế ??? Câu hỏi thắc mắc này theo vào những dòng suy nghĩ của tôi đã lâu, nay xin dành tặng các bạn, những người trẻ như tôi!…
TRÍ NGÔ


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang