Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 29)


THIÊN CHÚA, NGƯỜI LÀ CHA CỦA TÔI !
Nếu tôi có thể làm thơ, tôi sẽ viết nên những vần thơ đẹp nhất để kính dâng Người là Cha của tôi. Nếu tôi có thể viết, tôi sẽ viết nên những áng văn tuyệt nhất để bày tỏ niềm hạnh phúc khi được gọi Người là Cha của tôi. Và nếu tôi có thể dừng lại, tôi sẽ dừng lại trong vòng tay của Cha tôi, để gọi Người là Thiên Chúa của tôi.
Abba, Cha ơi, một ngôn từ bập bẹ tôi ước ao bập bẹ ngay cả khi chưa biết nói. Abba, Cha ơi, tôi muốn lập đi lập lại, một ngôn từ đơn giản nhưng chất chứa cả thái sơn yêu thương, Người đã yêu thương tôi và cho tôi được gọi Danh của Người. Abba, Cha ơi, lời mật ngọt đẫm ướt tâm hồn tôi mỗi giây phút đời tôi.
Tôi biết Người khá muộn màng trong cuộc đời của tôi. Thông thường, sự muộn màng mang nhiều tiếc nuối bởi thời gian vụt mất, nhưng tôi, sự muộn màng như thời gian cần nấu chín cuộc đời tôi trong tình yêu thương của Cha, Người là Thiên Chúa của tôi, là Cha của tôi, là Đấng minh quân nâng đỡ đời tôi. Hạnh phúc của sự muộn màng, hạnh phúc cũng đong đầy chén cuộc đời của tôi.
Tôi thích được gọi Abba, Cha Ơi, bởi Cha vừa là Người Cha nghiêm khắc nhưng cũng là Người Cha rất thật dễ thương. Sự nghiêm khắc cho tôi được trưởng thành, sự dễ thương để đôi khi tôi cũng cần nhõng nhẽo.

Cảm nghiệm về Thiên Chúa là Cha, tôi cũng mượn cách để nói về Cha như hình ảnh này.  
Khi con nhộng chui ra khỏi được cái kén chật hẹp của mình, nó sẽ tung bay vào bầu trời xanh rộng bao la đầy hoa và nắng ấm. Và đây là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của nó.
Một ngày kia, tổ kén trên cành cây hé nở một chút. Một người ngồi gần đó quan sát: đã hàng mấy tiếng đồng hồ chú bướm cứ cố gắng chui ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu ở đầu kén. Rồi bỗng chú bướm bất động, dường như nó đã kiệt sức và không thể chiu ra thêm một đoạn nào nữa. Thế là người đàn ông quyết định giúp đỡ chú bướm. Ông ta lấy kéo và tỉa cái miệng kén cho rộng thêm ra. Chú bướm liền chui ra một cách dễ dàng. Nhưng nó chỉ là một thân nhộng trần trụi với đôi cánh nhăn nhúm như một chiếc lá cháy xém dưới ánh nắng mặt trời. Người đàn ông tiếp tục quan sát chú bướm vì ông ta nghĩ rằng thế nào đôi cánh đó cũng mọc lớn lên để kịp nâng thân bướm khi nó rời khỏi kén. Thế nhưng điều đó không xảy ra. Chú bướm dùng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình trườn quanh một một thân nhộng trần trụi và đôi cánh khô nhăn nhúm. Nó chẳng bao giờ có thể bay được.
Điều người đàn ông tốt bụng kia không biết là miệng kén chỉ mở rất hẹp và con nhộng kia cần phải nỗ lực hết sức mình, đến mức kiệt sức để có thể chui ra. Và cách thiên nhiên tạo là loài bướm là chính khi con nhộng dùng hết sức để chui ra khỏi miệng kén như vậy, cơ thể nó sẽ tiết ra một loại dịch nhờn và bơm vào đôi cánh của nó để đôi cánh sẽ lớn dần lên và chú bướm có thể tung bay vào bầu trời xanh bao la ngay khi nó rời hẳn cái kén. 
Tôi như con nhộng ở trong chiếc kén, Thiên Chúa là Cha đã để cho tôi nỗ lực vươn lên với tất cả nỗ lực của tôi. Tôi xuất thân trong một gia đình Phật Giáo, là những Phật tử chân thành sống ngay ở lành, dường như đó là một cơ hội rất tốt lành cho tôi được gặp Thiên Chúa. Tôi giống như chú nhộng nhỏ trong chiếc kén bảo bọc của Cha nhân lành, Người đã nâng đỡ tôi ngay cả khi tôi chưa biết Người, Người đã yêu thương tôi ngay cả khi tôi chưa gọi Danh Người. Người là Tình yêu viên miễn của cuộc đời tôi. Bao năm sống trong vỏ bọc yêu thương của Người, tôi đã mang một mầm bệnh suyễn ngay từ khi còn nhỏ. Những khi cơn suyễn hành hạ thân xác của tôi, tôi giống như chú nhộng đang cố gắng ra khỏi chiếc kén cuộc đời của tôi. Những lúc nỗ lực dường như hết sức, tôi đã tưởng nhiều lần quỵ ngã, nhưng cũng chính từ những lúc ấy, tôi tin rằng có một Tình Yêu nào đó đang mời gọi tôi. Những lúc vượt qua căn bệnh, tôi thường hay đến Nhà Thờ theo lời mời gọi của những người trong khu xóm tôi. Thật sự có những lúc tôi rất sợ hãi, tôi quỳ thật xa Cung Thánh, không dám nhìn lên trên Bàn Thờ, có một sự rất sợ hãi trong tôi. Tôi thầm nghĩ Thiên Chúa là một Người rất nghiêm khắc, Người đang nhìn nẻo đường tôi đi và tôi thấy sợ hãi. Tuy sợ hãi nhưng không hiểu tại sao tôi lại thích đến Nhà Thờ, vẫn quỳ ở chỗ thật xa và chẳng bao giờ dám nhìn lên. Tôi chẳng biết thế nào là cầu nguyện, tôi chỉ biết nói với Người, là tôi rất sợ Người. Nhiều lần tôi nói với Người như thế, và nhiều lần tôi cũng hoang mang muốn đi tìm Người cách chân thật. Tôi ghi danh vào lớp giáo lý tân tòng, nếu có hỏi vì sao tôi đến lớp học, tôi có hiểu vì sao đâu, chỉ biết rằng tôi cần được biết Người là ai để tôi có thể gọi Danh Người trong cuộc sống. Những ngày tháng tôi học ở lớp Giáo Lý tân tòng, tôi đã đọc sách Cựu Uớc, tôi vẫn thấy Thiên Chúa là Đấng tôi run sợ và cũng thế nhiều lần tôi nói với Chúa như vậy. Tôi được rửa tội, những cơn suyễn vẫn hành hạ tôi, khuôn mặt của Thiên Chúa là Cha vẫn làm tôi run sợ và tôi vẫn câu nguyện cách thật thà với Chúa về những ưu tư của tôi. Thời gian vẫn trôi qua và Người vẫn nghiêm khắc im lặng trước những vấn nạn của tôi. Những khi tối đến tôi vẫn thường hay cầu nguyện và những lúc ấy tôi vẫn được nghỉ ngơi an bình, hình như Thiên Chúa chỉ săn sóc tôi vào những lúc tôi trong giấc ngủ, như người cha vỗ về giấc ngủ cho đứa con thơ của mình vào những lúc nó không ngờ tới. Người yêu thương tôi một cách quá kín đáo và tế nhị, Người nâng đỡ tôi một cách quá âm thầm và lặng lẽ. Tôi cảm thấy sự bình an cứ lớn dần trong cuộc sống và những lúc tôi đến với Người tôi chỉ xin những gì tầm thường nhất, có lần tôi cầu xin ước ao được vào trong ca đòan để dùng tiếng hát chúc tụng Thiên Chúa và ước ao ước nhìn tận mắt hôn lễ của người Kitô giáo, ước nguyện tầm thường ấy, Người đã lắng nghe và chiều tôi, tôi được vào trong ca đòan, tôi được hát trong những lễ cưới, và tôi thấy khuôn mặt nhân từ của Cha ngày càng rõ nét.
Như con kén sau khi đã vận động hết sức để tung cánh bay vào bầu trời, Người đã chữa lành cho tôi trong dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Dịp lễ ấy, giáo xứ tôi tổ chức lễ cho các bệnh nhân, tôi cũng đi tham dự và lãnh nhận Bí tích Xức Dầu. Tôi cứ tưởng Bí tích Xức Dầu chỉ dành cho những người hấp hối, nhưng tôi được nghe nói kể cả những người đau bệnh cũng được lãnh và tôi đã đón nhận.
Người đã chữa lành cho tôi một cách âm thầm và kín đáo, Người đã đi vào cuộc đời của tôi cách tế nhị và yêu thương, Người đã chữa lành tôi từ khi lãnh Bí tích xức dầu, và hôm nay sau hai năm dường như căn bệnh đã hết thật sự, tôi không còn lên cơn suyễn nữa và tôi muốn nói với tất cả những gì Người đã làm cho tôi.
Tôi là chú nhộng,
ngủ trong chiếc kén,
tôi là chú nhộng,
vuơn mình chỗi dậy,
tôi là chú nhộng,
lớn trong yêu thương,
tôi là chú nhộng,
vượt những gian khó,
tôi là chú nhộng,
hình thành chiếc cánh,
tôi là chú nhộng,
hóa thân thành bướm,
bay vào cuộc đời,
bay vào tình trời,
và có bay cả đời,
Tình Cha bao la, bao la.
Và có bay cả đời.
Tình Cha miên man sóng vỗ.
Dù có bay cả đời.
Tình Cha vẫn mãi,
Lớn hơn những gì tôi có thể.
Và tôi vẫn là thơ bé.
Trong đại dương tình Cha.
Abba, Cha ơi, nếu tôi có thể gọi, tôi sẽ gọi Danh Người như đứa con nhõng nhẽo một chút, bởi tôi đã gặp Người là Thiên Chúa nhân lành yêu thương. Tôi sẽ kể cho Người nghe những gì đang làm bận tâm của tôi như đứa trẻ kể lại những suy nghĩ cho cha mẹ chúng. Tôi muốn được dâng Người cuộc đời của tôi để cao rao Danh Thiên Chúa là Cha của tôi.
Bằng lời thơ ngắn ngủi này, tôi gửi đến tất cả mọi người chung quanh tôi, ước muốn mọi người đều nhận biết Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chúng ta, để gọi lên mỗi ngày: Abba, Cha Ơi!
LM GIUSE HOÀNG KIM TOAN
LÒNG MẾN KHÔNG BÔI BÁC
Sáng nay, 04/07/2001, dự lễ an táng Đức Cha Phạm Văn Nẫm, chúng tôi biết được mấy nét điểm xuyết cho chân dung Đức Cha. Bài này nhằm bổ túc cho bài "Ngày ấy, Bây giờ".
Năm 1938, cậu Nẫm gia nhập chủng viện Sài-gòn. Bước chân chủng sinh đã bao nhiêu lần đặt lên nền gạch cổ của ngôi nhà nguyện vắng lặng này. Hôm nay Đức Cha trở về chọn nơi này làm chốn an nghỉ cuối cùng.
Ở tiền đình nhà nguyện, khẩu hiệu đời Giám Mục của Đức Cha ghi chữ lớn trên đỉnh lễ đài: "In caritate non ficta", "Trong lòng mến không bôi bác" (2Cr 6,6). Trong đoàn chủ tế , nhiều Giám Mục và Linh Mục từng là học trò của Đức Cha Nẫm, vì Đức Cha đã dạy Toán-Lý-Hóa ở Tiểu chủng viện nhiều năm.
Một trong những học trò ấy là vị giảng thuyết, Đức Giám Mục Đà-lạt, Đức Cha Nhơn đã suy niệm đoạn Tin Mừng Mt 11,25-29: "Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu các điều ấy với những người khôn ngoan thông thái, mà lại mặc khải ra cho những kẻ bé mọn".
Ngài cảm nhận nơi Đức cố Giám Mục một tâm hồn trong sáng, khiêm tốn, thẳng thắn trong lòng mến không bôi bác. Ngài thuật lại một vài nét truyền thần của Đức Cha Nẫm. Đức Cha Nhơn kể rằng khi ngài vừa chịu chức Giám Mục thì Đức Cha Nẫm cũng vừa ở Châu Au về. Đức Cha Nẫm tặng Đức Cha Nhơn một cây Thánh Giá, với lời tự sự chân thành mà đơn sơ: "Thánh Giá này tôi mua ở chợ trời đấy". Đức Cha Nhơn nói rằng ngài quý cây Thánh Giá chợ trời ấy hơn một cây Thánh Giá bằng vàng, vì trong sự khiêm nhu mộc mạc ấy có một thứ chân tình mà vàng bạc không có được. Một lần về Sài-gòn Đức Cha Đà-lạt đã vào thăm Đức Cha Lu-i. Thật bất ngờ khi Đức Cha Lu-i hỏi ngài: "Có muốn xem sổ điểm ngày xưa không?", thì ra sau gần năm chục năm trời dạy học, Đức Cha Lu-i vẫn trân trọng giữ gìn những sổ điểm ngày xưa và vẫn nhớ từng học trò của mình.
Đức Cha Nhơn dành câu chuyện ấn tượng nhất để kết bài giảng. Hồi đó là năm 1978, miền nam đi vào chế độ mới được ba năm: biết bao đổi thay, biết bao lo toan bộn bề. Một ngày đẹp trời Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình sang Họ đạo Gia Định tìm cha phó xứ Phạm Văn Nẫm, và ngỏ ý xin cha Nẫm làm Giám Mục phụ tá cho ngài. Cha Nẫm thì cảm thấy mình không có khả năng thích hợp, nên một mực từ chối. Khẩn khoản hồi lâu không kết quả, Đức Cha Bình buồn bã than một câu: "Thôi, vậy là tôi phải vác Thánh Giá một mình ở Tòa Tổng Giám Mục!". Tới đó cha Nẫm rơm rớm nước mắt. Cha đứng lên xin nhận.
PHÓNG VIÊN
GIỚI TRẺ TIN YÊU
Ngày 7/7 vừa qua, hơn 150 sinh viên đã tập trung tại nhà văn hóa thanh niên cùng tham gia thảo luận đề tài "học là cơ hội để thành công". Các bạn đã trò chuyện và trao đổi với các anh chị, là những người đã thành đạt trong cuộc sống và trong công việc. Trong chương trình, các anh chị đã chia sẻ cho các bạn sinh viên những kinh nghiệm trong học tập cũng như trong công việc của mình. Đây là một buổi trao đổi và thảo luận rất hay và bổ ích cho các bạn sinh viên. Qua đó các bạn có thêm được những kinh nghiệm trong học tập cũng như trong công việc để trang bị cho tương lai sau này.
Ngô Phùng Hưng


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang