Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 28)


ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI ANH EM ĐANG ĐÓI
Nhóm tu sĩ chúng tôi đang có mặt trong các buôn làng của bà con sắc tộc xin gởi đến các bạn những dòng chia sẻ này, để các bạn có dịp làm quen với những mảnh đất xa lạ nhưng lại rất thân thương. Mời các bạn cùng chúng tôi "đến mà xem".
Cũng phải nhắc nhỏ các bạn chút xíu, bởi lẽ khi tìm đến với những người anh em đang đói, các bạn lại nghĩ ngay đến chuyện phải đem theo cái gì cho họ chứ. Các bạn nhầm rồi, vì thực tế các bạn sẽ nhận được nhiều hơn là cho. Hãy nhận đã rồi muốn cho cái gì đó tuỳ ý.
Lần đầu tiên đặt chân vào làng, tất cả khung cảnh hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên ngay khi uống ‘cor’ rượu cần đầu tiên, chúng tôi thấy tất cả trở thành thân quen. Những con người ở đây thân thiết quá, đến nỗi khi rời làng, chân chúng tôi như bị giữ lại. Gặp nhau rồi sao khó chia tay, mấy cô bé cứ nắm tay chúng tôi khóc lóc bắt ngủ lại.

Những ngày tiếp sau đó, đều đặn mỗi tháng một tuần, chúng tôi đến ở với bà con. Ban ngày tôi theo các em nhỏ vô rẫy để làm quen với cách ăn ở, sinh sống của bà con, đêm về cùng nhau cầu nguyện rồi sau đó quây quần bên ché rượu cần, già trẻ trai gái lớn bé cùng uống và cùng nắm tay nhau ca múa. Cuộc sống thiết thân lạ thường, giờ cầu nguyện mới đẹp làm sao. Các bạn không thể tưởng tượng nổi đâu, khi cảnh vật bị đêm tối nhận chìm là lúc từng người trong buôn làng nối gót nhau tiến vào nhà cầu nguyện, một ngôi nhà đơn sơ bé nhỏ, cũng tối tăm như bao nhà khác. Thế nhưng, chốn linh thiêng là chính lòng người, những con người trần trụi không có gì để dựa cậy, không có ai để kêu cầu ngoài một mình Thiên Chúa. Lời kinh ở đây tha thiết quá, mất hút giữa núi rừng, nhưng lại rung động cả ngai tòa Thiên Chúa. Quả thật, Chúa đang có mặt ở đây, giữa những con người khốn cùng này. Tôi nghe trong những lời kinh như những tiếng gọi ABBA–CHA ƠI thật hồn nhiên của bầy con nhỏ dại, và tôi cảm thấy CHA đang ôm ấp từng người con trong lòng thương xót vô bờ, để cả tôi nữa cũng bật lên hai tiếng CHA ƠI, tha thiết như chưa bao giờ.
Từ đó, hành trình của tôi trở thành cuộc hành hương, mỗi buôn làng tôi đến thăm trở thành một chặng đường hành hương, tôi chỉ mong sao đừng tỏ ra bất xứng trước sứ vụ Chúa đã trao phó. Tôi cứ đi, các buôn làng rải rác nhiều lắm, đi loan báo cho mọi người biết rằng Thiên Chúa có mặt và đang ở giữa chúng ta, và tôi như thấy những phép lạ diễn ra hết làng này rồi tới làng khác, bà con xin trở lại rất đông, nhiều người gặp tôi cứ hỏi là phải cho họ những gì? Tôi chỉ đến để làm chứng cho một sự hiện diện, và bày tỏ cho bà con thấy khuôn mặt dịu hiền và đôi tay ân cần của Giáo Hội. Thế còn bà con được gì khi tin theo Chúa? - Được giải thoát khỏi đủ thứ thần linh đã hằng trói buộc bà con trong những tập quán ít nhiều mê tín là nguyên nhân gây ra lạc hậu và nghèo khổ.
Thật vậy, trong thế giới của thần núi, thần rừng và nương rẫy, bà con chỉ biết vâng nghe theo những lời phán bảo của thầy cúng, bệnh này thì phải cúng con gà, không hết thì thêm con heo, rồi tới con bò, con trâu. Có khi cả bầy trâu đi theo thầy cúng mà bệnh vẫn không hề thuyên giảm. Thế còn những lúc gặp tai nạn, chẳng hạn như một chị có bầu lỡ bị sẩy thai ở làng bên cạnh? – Đã mất con, chị còn phải đền làng đó nữa, thường thì phải đền làng một con bò, thế rồi từng con ngõ chị đi qua phải cúng máu vịt, mà phải đền cho lẹ, không có thì phải lo vay mượn, chứ lỡ có tai nạn nào khác xảy ra ở làng này thì kể như mình đã gây ra, và thế là lại phải đền nữa. Những phong tục tập quán thì nhiều lắm, nó giữ cho kỷ luật của buôn làng được nghiêm minh, nhưng cũng làm khổ bà con không ít.
Con đường của Tin Mừng, đúng là con đường giải thoát, một con đường hoàn toàn mới mẻ, vừa cúi đầu ưng nhận, bà con đã trút được cả một quá khứ nặng nề. Có đặt chân lên mảnh đất này mới thấy hồng ân ĐỨC TIN lớn lao chừng nào, và Thiên Chúa dễ thương biết bao khi trao ban đức tin thật dễ dàng, vô điều kiện cho những người bé nhỏ này, một đức tin hồn nhiên làm nên cuộc sống. Thế là đến lượt tôi, người đến đây để loan báo ơn cứu độ đang cúi đầu lãnh nhận đức tin một cách mới mẻ ngang qua những người mình loan truyền. Cuộc sống đúng là một mầu nhiệm đang diễn ra, ở đâu và lúc nào, tôi cũng bắt gặp bàn tay của Thiên Chúa đang tác sinh và làm trào lên sức sống.
Tôi đâu có ngờ và cũng mấy ai ngờ rằng giữa những vất vả mệt nhọc, trong cơn đói dày vò đến suy kiệt: SỰ SỐNG VẪN NẢY SINH. Một đêm tôi nằm ngủ giữa bầy em bé, giật mình thức giấc vì ánh trăng khuya, tôi có dịp ngắm nhìn khuôn mặt của từng em đang chìm sâu trong giấc ngủ, hơi thở đều đặn, khuôn mặt sáng ngời, đúng là giấc ngủ thiên thần. Đêm ở đây bình an quá. Màn đêm đang ôm ấp tất cả trong vòng tay thanh tịnh của mình, đưa mọi người vào giấc ngủ thật sâu, để sáng hôm sau, chúng tôi nhìn nhau, thật mới mẻ, dù khuôn mặt vẫn lem luốc giống hệt mọi bữa.
Tuần Thánh năm nay làm tôi nhớ mãi. Chiều thứ năm, tôi và một người bạn vượt sông để cử hành bữa tiệc ly của Chúa ngay tại rẫy của bà con. Trước mắt chúng tôi là mùa điều bị thất, có những nhà gần như mất trắng, tôi thấy bà con như chìm trong cơn hấp hối của Chúa. Thế nhưng, cuộc khổ nạn nào cũng không che dấu nổi ánh sáng phục sinh, quanh quẩn đâu đây vẫn có tiếng nói và tiếng cười. Qua tối thứ bảy Phục Sinh, tôi gặp bà con đổ về nhà thờ dự lễ, nét mặt rạng rỡ. Tôi quay qua nói với người bạn: "Con cái chúng ta lạ thật, đói như thế mà hễ gặp nhau là cứ như mở hội." Hôm sau, Chúa Nhật Phục Sinh, khi đi từng nhà để cầu nguyện, tôi lại thấy màu nhiệm Phục Sinh vẫn chưa che lấp hết cuôc khổ nạn. Cuộc sống là thế, và Chúa Giêsu vẫn tiếp tục những màu nhiệm của Người giữa thế trần này, để trong cơn đói hôm nay, con người có thể vui mừng và hy vọng.
Khuôn mặt của Đức Giêsu Nazareth sống động hơn đâu hết. Thế mà trước đây tôi cứ tưởng rằng, từ sau ngày Phục Sinh rồi về trời vinh hiển, được tôn vinh trong các nhà thờ, Đức Giêsu không còn rong ruổi trên các nẻo đường của con người nữa. Dĩ nhiên, thế giới vẫn luôn còn những bất hạnh phải lạc lõng bơ vơ, phải chăng chỉ vì Tin Mừng Chúa vẫn chưa được loan báo đến tận cùng thế giới, mà cái tận cùng thì bao giờ cũng dễ bị lãng quên, người ta quên cả việc đem nó vào trong những quy luật đang thiết lập nên cái nền trật tự của thế giới. Cái tận cùng thế giới hình như cũng bị lãng quên khi người ta xây dựng cho nhau ý thức về công bình. Nếu công bình là trao đổi sòng phẳng thì những con người nghèo đói kia lấy gì để đổi trao, đem sức mình ra đổi là yếu thế rồi, và cuối cùng những con người đói khổ luôn phải chờ đợi lòng thương xót của mọi người. Tôi cũng đã nói nhiều về lòng thương xót. Thế nhưng khi gặp gỡ Chúa Giêsu trên những mảnh đất này, tôi có cảm giác như mình đã hiểu sai hai chữ "xót thương". Thật vậy, một hôm khi chui vào một căn chòi nhỏ, gặp một ông già ốm yếu lẻ loi, tôi trao ông gói bánh, ông vui mừng chắp tay lạy tạ. Tôi vội quỳ xuống đón lấy tay ông, rồi cả kẻ trao lẫn người nhận đều chắp tay lạy tạ Thiên Chúa, đấng đã đặt vào lòng con người tình yêu của Ngài, để con người biết dìu nhau mà sống, nâng đỡ nhau trong mọi cảnh đời. Công bình là thế mà xót thương cũng là thế: TẤT CẢ LÀ ÂN PHÚC CỦA CHA, LÀ THÔNG HIỆP TRONG TÌNH YÊU, ĐỂ TẤM BÁNH TRÊN TAY CON THIÊN CHÚA ĐANG ĐƯỢC TRAO VÀO TAY CON NGƯỜI TIẾP TỤC ĐƯỢC BẺ RA CHO MỌI NGƯỜI.
Giữa những người anh em đang đói cơm áo, trong một thế giới đang đói công bình, Đức Giêsu đã làm những gì và đang làm những gì? Ngang qua những lần trao đổi với anh em đang bị lấn chiếm đất đai, tôi mới chỉ lờ mờ nhận ra câu trả lời. Thật ra tình cảnh rất khó xử, những người di cư tới đây giành đất dữ lắm, họ chỉ cần làm một miếng đất nhỏ, sau đó là lấn chiếm từ từ bằng cách mua rẻ. Nếu bà con không bán thì sao? – Dễ quá, người ta có cả trăm phương ngàn cách, chẳng hạn như bà con trồng được chút hoa màu nào cũng qua nhổ trộm là phải bán thôi. Nhiều người khi đứng nhìn hoa màu bị bứt sạch đã kêu lên: Chúa ơi sao thử thách con nhiều quá! Tôi hỏi là tại sao bà con không sử dụng ngải độc cho chúng biết thân, hỏi thử vậy thôi. Bà con trả lời rằng theo Chúa rồi đâu làm vậy được. Theo Chúa là thế sao? Và tôi cảm thấy thấm thía khi cúi đầu vâng nghe lời Chúa dạy phải yêu thương kẻ thù, những lời được Chúa lặp đi lặp lại trong Tin Mừng.
Người vẫn ở đó, Người đã và vẫn đang sống thân phận của những người bé nhỏ nghèo hèn. Thật vậy, từ thập giá ngất cao và từ những mảnh đất này đây – Người lên tiếng – dạy cho mọi người biết lẽ CÔNG BÌNH VÀ LÒNG XÓT THƯƠNG, để tôi cũng như các bạn biết phải làm gì trong một thế giới đang đói công bình, để tôi với bạn, chúng ta cùng đến với những người anh em đang đói NHƯ NHỮNG NGƯỜI ANH EM.
Dom MM (27/8/1997)
NGÀY ẤY, BÂY GIỜ…
Chàng thiếu niên đó quê ở Đồng Tháp, năm 15 tuổi đã nhận biết Chúa và chịu phép rửa. Vài năm sau, trong một trường lớn ở Sài Gòn, chàng tân tòng đó được bầu làm học sinh dễ mến nhất trường.
Hôm nay, trong đoàn người đưa tang Đức Cha Louis Phạm Văn Nẫm, 82 tuổi, có còn ai hình dung được cái tuổi 15 giác ngộ ấy như thế nào? Còn người bạn già nào để hồi tưởng một thời xuân trẻ hấp dẫn? Những tình tiết nào đã đưa cậu Nẫm từ buổi thiếu thời đến chức Giám mục phụ tá thành phố Hồ Chí Minh?
Năm tháng qua đi biễn biệt. Đối với nhiều bạn trẻ hôm nay, Đức Cha đã như một người xa lạ. Dăm bảy năm rồi, Người rút vào yên lặng. Với người trẻ dăm bảy năm cũng là nhiều. Người trẻ làm gì có qúa khứ đủ dài để có nhiều ký ức về Đức Cha? Con người một thời được coi là có trí nhớ kiệt xuất đến cuối đời lại mất hẳn trí nhớ. Ai hay có việc đến tòa tổng giám mục có hay thoáng thấy một cụ già thẩn thơ lẩy bẩy, một bóng rất mờ của qúa khứ.
Cậu Phạm Văn Nẫm hơn 60 năm trước thu hút bạn trẻ. Đức Cha Luis của năm 2001 lại xa xôi lãng đãng. Nhưng có thật là xa lạ chăng? Trong tang lễ này vẫn có đông người trẻ. Một nhà văn đã nói rằng: "Cái cốt yếu là cái vô hình". Con người hữu hình tàn tạ theo thời gian _ Nhưng một đời làm linh mục, rồi làm giám mục đúng vào những năm đất nước đổi thay có thể nào không gieo những hạt giống vô hình vào tâm hồn dân Chúa? Ai biết được đức tin ngày nay đang nẩy nở trong các bạn trẻ đã đến với các bạn do những con đường nào? Đức Cha Nẫm đã gieo mầm cho mùa mới nẩy nở ở những đâu để hợp thành giáo hội này? Chỉ có Chúa biết.
Nhưng vị giám mục già nua nằm xuống cho chúng tôi linh cảm những quan hệ thiêng liêng sâu nặng, linh cảm tình liên đới Kitô được rèn luyện qua thời gian, qua lịch sử của dân Chúa nổi trôi trong một giai đoạn nhiều biến động. Hòa vào đoàn người đưa tiễn, chúng tôi nhận ra ý vị một đoạn kinh Tin Kính cổ: "Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công…"…
Lm Vũ Khởi Phụng
GIỚI TRẺ TIN YÊU
Sáng 5.7, giáo lý viên Hà Nội sinh hoạt chủ đề "Người giáo lý viên truyền giáo hay tuyên truyền?" Tuyên truyền là chỉ nói những gì người khác bảo nói, có thể không xác tín cũng được. Còn truyền giáo phải nói những gì mình xác tín và dám chết vì điều mình rao truyền. Muốn có được sức mạnh của nhà truyền giáo. Các bạn giáo lý viên nhận thấy mình phải đón nhận Chúa Giêsu là Chúa và luôn luôn mang nơi mình sức sống của Ngài là Thánh Thần.
Được biết đây là buổi bồi dưỡng hàng tháng của Địa phận Hà Nội dành cho giáo lý viên, đã khởi sự được ba năm. Hiện nay cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên, DCCT phụ trách.
TUNG THU


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang