Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Ðồng Hành với Chúa Giêsu trên Đường Thập Giá – Bài 7

NƠI THỨ SÁU: ĐỨC CHÚA GIÊSU GẶP BÀ VERÔNICA
Lạy Chúa, khi nào con sẽ được no thỏa những ước vọng thầm kín nhất trong tim con. (Is 50:6-7)

Bà Verônica đã ở cùng Chúa Giêsu khi Người giảng dạy, chữa người bệnh tật, và công bố Nước Trời. Chúa Giêsu đã trở nên trọng tâm của đời bà. Bây giờ bà thấy Người bị lôi kéo một cách tàn nhẫn khỏi bà. Bà đầy đau khổ và lo âu và muốn làm một cái gì. Khi thấy Người đến gần, bà rẽ đám đông và lấy khăn lau mặt đầy mồ hôi và máu của Người. Chúa Giêsu trả lời cử chỉ yêu thương và đau buồn này bằng cách để lại thánh nhan của Người – khuôn mặt của một nhân loại méo mó. Dung nhan của Chúa Giêsu là khuôn mặt của những người đau khổ vì phân ly, kỳ thị, và bị tẩy chay. Bà Verônica là một phụ nữ của đau buồn, một niềm đau đâm thấu con tim với một nỗi đau đớn khôn lường; một nỗi đau đớn mà phụ nữ thuộc nhiều quốc gia, chủng tộc, và điều kiện xã hội, trên khắp thế giới đang phải chịu đựng. Câu hỏi nhức nhối là: “Tại sao chúng lại bắt con tôi, chồng tôi, bạn tôi?” có thể được nghe như là một tiếng la hét vang rền trên mọi xó góc của thế giới chúng ta.

Tôi cũng có thể nghe tiếng la hét này tận đáy lòng tôi không? Các bức tường của phòng tôi đầy hình ảnh của bạn bè và thân nhân cùng với ảnh Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và các Thánh, nhưng tận đáy lòng tôi có một niềm đau vô tả – niềm đau vì sự vắng mặt. Người mà tôi rất muốn ở với tôi thì lại xa tôi, và ngay cả nếu chúng tôi có ở với nhau, chúng tôi cũng không thể thấu suốt nhu cầu thầm kín của nhau.
Cái đau của bà Verônica cũng là cái đau của tôi. Tôi quá khát khao cảm thông, một cảm giác lệ thuộc sâu sa, sự mật thiết, nhưng đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai, tôi luôn có và lại có cảm nghiệm của sự vắng mặt, thiếu cảm thông, và cô lập. Hình như có một lưỡi gươm đâm qua tất cả những liên hệ và tăng thêm đau khổ cho mọi tình thân. Những bức hình trên tường của tôi tỏ ra sự khát khao cảm thông của tôi, nhưng khi tôi nhìn ngắm chúng với tình yêu lớn lao, tôi cảm thấy một niềm đau trào dâng trong tôi: “Tại sao tôi lại không thể nói với anh ta?Tại sao cô ấy không bao giờ viết cho tôi? Tại sao họ lại lià trần trước khi chúng mình làm hoà với nhau? Tại sao chúng ta đã không cảm thấy an toàn khi sống với nhau?” Và khi tôi thắp lên một ngọn nến trước ảnh Chúa Giêsu của tôi và nhìn vào sự vô tận của mắt Người, tôi nói: “Lạy Chúa, khi nào, khi nào Chúa sẽ đến và làm no thỏa sự khao khát chìm sâu trong tim con?” Lòng khao khát cảm thông lại bùng lên mỗi khi tôi thấy cái khăn của bà Verônica với dung nhan Ðức Kitô và khuôn mặt của tất cả những người tôi yêu mến đang ở trên đó… và càng thêm tuổi niềm đau của tôi càng thêm sâu.
Tôi biết rằng tôi phải mất mạng sống tôi để tìm thấy nó – phải bỏ đi những bức hình của tôi và gặp lại con người thật – để chết cho những kỷ niệm đầy tình cảm và tin tưởng vào sự cảm thông mới sẽ phát sinh vượt trên trí tưởng tượng của tôi. Nhưng làm sao tôi có thể tin tưởng vào một đời sống mới khi tôi nhìn thấy cuộc đời đầy máu và mồ hôi của Chúa Giêsu và của những người đang chịu trong lao tù, trại tạm cư, và phòng tra tấn? Chúa Giêsu nhìn tôi và đóng ấn vào tim tôi với dung nhan của Người. Tôi sẽ mãi mãi tìm kiếm, luôn chờ đợi, và luôn hy vọng. Dung nhan đau khổ của Người không cho phép tôi thất vọng. Sự đau buồn của tôi là một cơn đói, sự cô đơn của tôi là một cơn khát. Khi chúng ta gặp nhau, chúng ta biết rằng tình yêu đã làm chúng ta đau khổ, là hạt giống của một cuộc sống mà trong đó đau khổ không còn nữa.
Lm. Henri J.M. Nouwen
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang