Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Việc tấn phong hồng y mới tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Vatican



EMTY (ROME, 24-11-2012, NBC News) — Trong Thánh lễ Tấn phong Hồng y hôm thứ Bảy, ngày 24-11-2012 tại Đền Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắc nhở các tân chức rằng các vị mang phẩm phục màu đỏ vì các vị phải sẵn sàng để bảo vệ đức tin "cho dù phải đổ máu mình". Trong số 6 tân hồng y có Đức Tổng Giám mục James Harvey, người gốc Tổng Giáo phận Milwaukee, tiểu bang Wisconsin. Như vậy, tân Hồng y James Harvey là vị hồng y thứ 11 của nước Mỹ, và Giáo hội Hoa Kỳ trở thành nhóm bỏ phiếu cho Giáo hoàng tương lai lớn thứ nhì trong Hồng y đoàn của Vatican, chỉ sau Giáo hội Ý.


Những thành viên của Hồng y đoàn, chỉ những hồng y chưa tới 80 tuổi vào ngày Ðức Giáo hoàng qua đời mới được bỏ phiếu chọn vị chủ chăn kế nhiệm của Vatican, một tôn giáo có trên 1,1 tỉ tín đồ trên thế giới.

Tuy nhiên, tác giả George Weigel, người viết tiểu sử Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, giải thích rằng cho dù các hồng y Hoa Kỳ tương đương 10% Hồng y đoàn trong Mật nghị kế tiếp (bầu Giáo hoàng), nhưng điều này không có nghĩa là một trong số các hồng y người Mỹ sẽ là vị giáo hoàng kế tiếp.

"Số đông người Mỹ trong Hồng y đoàn hiện tại chỉ cho thấy tầm ảnh hưởng của Giáo hội Hoa Kỳ gia tăng", tác giả George Weigel nói với NBC. "Tôi không nghĩ một người Mỹ sẽ được chọn làm Giáo hoàng khi mà Hoa Kỳ vẫn còn giữ ngôi vị cường quốc số một thế giới".

Việc phong thêm một hồng y người Mỹ có thể là vì Ðức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhận thấy các Giáo hội Châu Âu không còn mạnh như trước đây nữa, theo NBC. Với 134 triệu tín hữu, Brazil có nhiều người theo đạo Công giáo hơn cả Ý, Pháp và Tây Ban Nha cộng lại, theo một bản nghiên cứu đưa ra hồi năm 2011. Ngay cả Hoa Kỳ, số người theo đạo Công giáo hiện nay là 75 triệu, tương đương 24% tín hữu khắp thế giới, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào ở châu Âu.

Tân Hồng y James Harvey, 63 tuổi, là một nhân vật được nể trọng tại Vatican. Ngài bắt đầu làm việc ở Toà Thánh Vatican từ năm 1998, ban đầu phụ trách việc sắp xếp các buổi họp hằng ngày cho Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, sau đó tiếp tục công việc này cho Ðức Giáo hoàng Benedict XVI. Sau 30 năm sống ở Vatican, mặc dù rất quen thuộc với công việc ở Ý, vị hồng y này vẫn tiếp tục duy trì liên lạc với giáo phận ở quê nhà.

Tổng Giám mục James Harvey là người Mỹ thứ ba được phong hồng y trong năm 2012, sau Hồng y Edwin Frederick O'Brien và Hồng y Timothy Michael Dolan, được tôn phong hồi tháng 2 năm nay.

Dù khả năng một người Mỹ được bầu làm Giáo hoàng là rất thấp, tiếng nói của Giáo hội Hoa Kỳ tại Toà Thánh rõ ràng là rất có ảnh hưởng.

Đức Hồng y Timothy Dolan, vị chủ chăn của Tổng Giáo phận New York, đã nhanh chóng trở thành một “ngôi sao” trong Giáo hội Hoa Kỳ. Cá tính đặc biệt của ngài luôn thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Ngài cũng là người biết tận dụng sức mạnh của truyền thông quần chúng trong thời đại tin học hiện đại này, theo nhiều người nhận xét.

“Đức Hồng y Dolan rõ ràng là một ứng cử viên Giáo hoàng sáng giá và được nhiều người biết, một yếu tố có thể giúp quảng bá giáo hội trên khắp thế giới", ông Alessandro Speciale, phóng viên thường trú của Religious News Service tại Vatican, nói với NBC. “Tuy nhiên, có 2 điểm bất lợi có thể làm yếu đi cơ hội của ngài. Ðó là, ngài xuất thân từ cường quốc hàng đầu thế giới và điều này có thể bị coi là một yếu tố tiêu cực (negative) cho Giáo Hội hoàn vũ, và ngài chưa bao giờ giữ một vị trí lãnh đạo nào trong giáo triều,” ông Alessandro Speciale nói.

Dù sao đi nữa, chọn một vị không phải người Châu Âu vào vị trí cao cấp tại Vatican là cách mà Toà Thánh thay đổi cán cân quyền lực giữa các giáo hội của các lục địa, đồng thời chứng minh rằng Công giáo là "Giáo Hội toàn cầu".

"Đã có bình luận đáng quan tâm về Công nghị Hồng y lần trước là nặng về Âu châu, Ý và Giáo triều. Tôi nghĩ thật công bằng để nhìn nhận đợt tấn phong lần này xem như là sự trả lời cho sự bình phẩm đó", Wiegel nói.

"Với đợt tấn phong hồng y lần thứ hai khá bất thường trong một năm, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI muốn tỏ lộ ý định của ngài cho toàn thế giới", Speciale nhận định.

Dù với lý do nào trong việc chọn các tân hồng y không phải người Âu châu, thì việc tấn phong lần này tăng số cử tri trong Hồng y đoàn cho nhón hồng y người Mỹ.

"Tiếng nói của Giáo hội Hoa Kỳ tại Vatican rõ ràng gia tăng đáng kể trong vài năm vừa qua: không phải vì sự nổi bật của Đức Hồng y Dolan nhưng nhờ vào cơ cấu, sự hỗ trợ mạnh mẽ về kinh tế và nhất là sự táo bạo trong việc bảo vệ những giá trị Công giáo đối đầu với một xã hội thờ ơ đã được ngưỡng mộ nhiều tại Vatican", Speciale nói.

"Nhưng vẫn phải chờ xem việc gia tăng số lượng này có thực sự sẽ trở thành ảnh hưởng tại Mật nghị: dù sự liên kết giữa những vị trong cùng một quốc gia là mạnh mẽ, nhưng còn nhiều yếu tố khác - yếu tố mạnh nhất là vị đó có thuộc về Giáo triều Rôma hay không - là một yếu tố trong cuộc bỏ phiếu kín tại Nhà nguyện Sistine".

Khi thời gian đến, tất cả các Hồng y cử tri từ tất cả mọi nơi trên thế giới sẽ "giam" mình trong Nhà nguyện Sistine để bỏ phiếu cho một Giáo hoàng mới. Trong khi chưa rõ trong số các Hồng y cử tri ai sẽ là vị lãnh đạo mới của người Công giáo trên thế giới, thì có một điều chắc chắn: đó là ảnh hưởng của Mỹ trong việc bầu chọn đã tăng thêm 1 phiếu.

Hùng Nguyễn

(Nguồn: emty.org)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang