Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Những mơ ước đời thường của người nghèo


Người thiểu số nghèo ước mong có tiền cho con ăn học để sau này thoát nghèo
Sau cơn mưa con đường làng trơn trượt, nhưng chị Maria Thị Dô mang thai đến tháng thứ bảy dẫn hai đứa con trai đến nhà nguyện cách nhà chị khoảng 2km để nhận thực phẩm và tập vở từ một nhóm thiện nguyện từ Sài Gòn.
Cầm 10 cuốn tập của hai đứa con trai nhận được, chị Dô xúc động nói: “Cảm ơn các anh chị lắm, món quà này khuyến khích các con tôi chăm học hơn”.

Bà mẹ 25 tuổi cho hay chỉ còn hơn một tháng nữa đứa con trai tám tuổi sẽ vào lớp ba và con trai sáu tuổi sẽ vào lớp một, nhưng chị vẫn chưa có tiền mua sắm đồ dùng học tập cho con.
Hai tháng nữa chị Dô sinh con và gia đình chị sẽ chật vật thêm. “Làm thuê để có cái ăn thì vợ chồng tôi phải cố gắng, nhưng việc lo cho con học hành đến nơi đến chốn thì chúng tôi không thể lo nổi”.
Điều chị mong muốn hơn cả là tìm được nguồn học bổng từ các nhóm hay tổ chức từ thiện giúp con cái đến trường.
Chị nói rằng 1ha điều của vợ chồng chị là của hồi môn bố mẹ chồng cho khi ra ở riêng, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm, chưa đủ cái ăn cho gia đình bốn người.
Mẹ con chị Dô nằm trong số khoảng 150 tín hữu của giáo sóc Sơn Hòa thuộc xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, được nhóm từ thiện đến thăm hôm 7-7.
Nhóm này gồm 12 người tổ chức hát múa sinh hoạt, phát kẹo bánh, tập vở, gạo, nước mắm, mì tôm, muối, dầu ăn cho các hộ gia đình trong giáo sóc.
Ngày hôm sau, nhóm đến thăm và tặng quà cho các gia đình ở giáo sóc Đắk La kế bên.
Cụ Phêrô Điểu Kít, 80 tuổi, đi bằng đôi nạng gỗ, cho biết ngoài thực phẩm, cụ được tặng thêm 200.000 đồng. “Tôi để dành để vợ chồng tôi mua thuốc uống khi đau bệnh. Khi đau bệnh thì tự chịu, không có tiền uống thuốc cũng không dám làm phiền con vì chúng đều nghèo”.
Hai giáo sóc do linh mục Gioan Baotixita Trần Trọng Bình, dòng Thừa Sai Việt Nam, coi sóc.
Cha Bình, 50 tuổi, nhận xét người sắc tộc Stiêng và M’nông phần lớn là nghèo, thu nhập bấp bênh từ nghề trồng điều hoặc sắn mì. Đời sống của họ chịu nhiều thiệt thòi do không được chăm sóc y tế, thất học, thiếu nước sạch, thiếu thực phẩm và nhu yếu phẩm khác.
Ngài nói họ thật sự cần sự trợ giúp từ các ân nhân hoặc các tổ chức thiện nguyện để góp phần cải thiện cuộc sống.
Phóng viên ucanews.com từ Bình Phước
(Nguồn: UCAN)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang