Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Trách vụ làm cha mẹ


 +GM Giuse Vũ Duy Thống
(Bài giảng tại TTHH Thánh Mẫu Tàpao
ngày 13/6/2012)
Chúa nhật 3/6/2012 vừa qua, Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 7 ở Milanô đã kết thúc trọng thể tại công viên Bresso, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, 60 hồng y, 250 giám mục, khoảng 1.000 linh mục, và hơn 1 triệu tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong bài giảng, sau khi nhắc lại mối tương quan giữa “gia đình, việc làm và lễ nghỉ”, như chủ đề của Đại Hội, Đức Thánh Cha đã để lại lời kêu gọi dành cho các bậc làm cha mẹ và những thế hệ làm con cái. Cha mẹ hãy ân cần chăm sóc, quan tâm giáo dục và nêu gương sáng cho con cái; còn con cái, trong tư cách là con hãy thảo kính cha mẹ và trong tư cách là anh chị em hãy gắn bó yêu thương nhau. Hôm nay dịp hành hương tháng sáu, cử hành lễ Trái Tim Đức Mẹ, với bài Phúc Âm “Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong đền thánh”, cũng là dịp Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể giáo phận Phan Thiết lần thứ XII, đồng thời có sự hiện diện tạ ơn của 17 tân linh mục năm 2012, thật sốt dẻo để chia sẻ với cộng đoàn về trách vụ của bậc phụ huynh. Trách vụ ấy thật cao cả nhưng cũng thật nặng nề, có thể đúc kết lại bằng mấy chữ “lo” tiêu biểu:

1. Lo liệu chu toàn phận vụ đức tin
Theo luật Do thái, trẻ nam 12 tuổi được xem như trưởng thành, hằng năm phải giữ luật tôn giáo là hành hương lên Giêrusalem vào những dịp lễ trọng như lễ Lều, lễ Vượt Qua… Luật do thái đặt ra như thế chứ tuổi 12 làm sao đã trách nhiệm nổi đời mình, thậm chí hiện nay, tuổi 12 như các em thiếu nhi đây, mới chỉ là giã từ tuổi thơ để bước vào một giai đoạn khác mà ngôn ngữ Anh Mỹ gọi là tuổi teen, tuổi quần jean, tuổi xì tin, tức là tuổi hồn nhiên. Khi Đức Maria và thánh Giuse đem trẻ Giêsu hành hương lên đền là các ngài thi hành đầy đủ trách vụ tôn giáo của bậc làm cha mẹ là giúp trẻ Giêsu chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa.
Trong thiên chức làm cha mẹ, giáo dục đức tin cho con cái phải được xem là trách vụ hàng đầu. Sinh con dưỡng con đã vất vả, hầu như chiếm hết quỹ thời giờ của cha mẹ, nhưng giáo dục con cái mới là trách vụ hàng đầu. Vẫn biết cơm áo gạo tiền là nỗi lo đi vào câu chuyện hằng ngày và thấm vào giấc ngủ hằng đêm, nhưng xem ra uốn nắn dạy dỗ con cái mới đích thực là nỗi lo canh cánh cho các bậc làm cha mẹ. Nếu cha mẹ mẫu mực con cái thảo hiền là ước mơ của nhiều thế hệ, thì con cái hư hỏng phải xem như một cơn ác mộng chẳng cha mẹ nào mong muốn. Nhưng nhiều khi cha mẹ sinh con trời sinh tính, nên cái cảnh ngang trái oái oăm con cưỡng cha mẹ lại cứ thường xảy ra. “Cá ươn” là đây, bất hạnh là đây và nước mắt cũng là đây.
Trong hàng ngàn ý khấn tại TTTM Tàpao, có đến hơn một nửa là xin cho gia đình bình an, con cái nên người. Đó là những ước vọng tốt lành. Xin cho mọi người xin khấn được ơn như ý và cũng xin nhắc đừng vì khó khăn mà “đầu hàng” bổn phận hàng đầu là giáo dục đức tin cho con cái và hãy bắt đầu ngay khi con còn được ẵm ngửa. Dạy con từ thuở còn thơ.
2. Lo lắng thực thi bổn phận gia đình
Khi khám phá ra trẻ Giêsu không có mặt trong đoàn người trở về quê nhà sau dịp đại lễ, thánh Giuse và Đức Mẹ đã lo lắng đôn đáo kiếm tìm Người ba ngày ròng rã, từ trong chỗ bà con họ hàng cho đến chỗ thân quen đoàn thể, từ trong chỗ bọn trẻ đồng trang lứa cho đến chỗ đồng hương Nazareth, từ trong chỗ khách cùng lên đền cho đến chỗ khách đi cùng hướng. Vất vả nhưng vô vọng. Ai đã từng kinh nghiệm về việc thất lạc người thân mới hiểu rõ khúc nôi đoạn trường. Kiếm tìm ngày một ngày hai còn hy vọng, chứ bước sang ngày thứ ba thì đã ở ranh giới của sự tuyệt vọng. Nhưng chính vào lúc mọi tia hy vọng tưởng chừng tắt ngúm, hai ông bà quyết định quay lại đền thờ; khi không còn biết kiếm tìm ở đâu nữa, trở về điểm xuất phát là giải pháp hợp lý nhất và phép lạ đã xảy ra: cha mẹ gặp lại con mình.
Cha mẹ con cái sum họp là hình ảnh đẹp của gia đình hạnh phúc. Nếu phẩm giá của gia đình có được nêu cao như đền thánh sự sống, như trường lớp yêu thương, như Giáo Hội thu nhỏ hay như tế bào xã hội, thì chủ yếu tập trung vào sự gắn kết hạnh phúc này. Có con cái giữa gia đình là một hạnh phúc, nhưng lạc mất con trên đường lại là một bất hạnh không lời. Trách vụ của cha mẹ là làm sao cho gia đình trở thành mái ấm để tuổi thơ được yêu thương vỗ về, được dưỡng nuôi chăm sóc và được ân cần dạy dỗ nên người.
Tại Milanô chiều 2/6, ngày hội chứng từ, một bé gái Việt Nam 7 tuổi, tên Cát Tiên, đã hỏi Đức Thánh Cha về tuổi thơ và kỷ niệm gia đình, Đức Thánh Cha đã trả lời là “bầu khí gia đình ngày Chúa Nhật”, ở đó ngài được cùng với cha mẹ và các anh em đi lễ ngang qua cánh rừng nhỏ, lễ về mọi người quây quần xung quanh bàn ăn và sau đó là đàn hát vui ca.
3. Lo toan xây dựng tương lai cho con cái
Và còn một chữ lo khác hầu như đi liền với cuộc sống của cha mẹ, đó là lo toan gầy dựng tương lai cho con cái. Lo dưỡng lo dục là những mối lo lớn, nhưng vì gắn liền với tuổi thơ và tuổi trẻ con cái, nên cha mẹ dù sao cũng nắm vai chính; còn lo cho tương lai con cái, cha mẹ lại ở vào thế ít chủ động hơn, nên nỗi lo cũng vì thế mà dai dẳng và da diết hơn. Nếu kiểu nói “Con cái là triều thiên của cha mẹ” muốn ám chỉ thành quả con cái đạt được khiến cha mẹ thỏa lòng, thì kiểu nói “Cha mẹ đón nhận cả một đời bão tố, để cho con khi vào đời được bình yên” lại diễn tả nỗi lo khôn nguôi của đấng bậc sinh thành dành cho tương lai của con cái.
Cách đây ba ngày, bà cố của một linh mục đã chịu chức 5 năm, có tên trong đợt thuyên chuyển năm nay ở Cali, đã gặp tôi với nỗi lo “không biết cha nhà con có chịu nổi điều kiện sống nơi giáo xứ mới?”, tôi trả lời “Cha nhà mình đã cứng cáp để gánh vác trách nhiệm một giáo xứ, bà cố cứ dõi theo cha xa xa và tháp tùng ngài bằng kinh nguyện là đẹp rồi”.
Khi xưa, gặp lại trẻ Giêsu trong đền thánh, cha mẹ Người thở phào nhẹ nhõm. Thánh Giuse thinh lặng như thói quen muôn thuở của ngài, chỉ có Đức Mẹ nói lên sự lo lắng ba ngày kiếm tìm, nhưng Chúa Giêsu đã nhanh chóng đưa hai đấng sang một hướng khác, với nỗi lo toan hội nhập vào quê hương Nazareth để sẵn sàng lên đường cho tương lai cứu độ muôn người. Thánh Giuse và Đức Mẹ, mỗi đấng theo cương vị mình, nhận lại trẻ Giêsu trong niềm hạnh phúc, dẫu không hiểu hết ngã rẽ tương lai. Trách vụ của cha mẹ thời nào cũng thế, không chỉ là nỗ lực giúp con thể hiện mình theo tuổi lớn, mà còn biết lo xa giúp con xây dựng một tương lai tốt đẹp nữa, tốt cho con cái và đẹp cho cả cha mẹ, gia đình và Giáo Hội cũng như xã hội.
Tóm lại, trách vụ của cha mẹ thật nặng nề, phải lo lắng trăm bề: lo liệu việc đạo; lo lắng việc đời và lo toan việc tương lai. Đức Mẹ năm xưa đã trải nghiệm những nỗi lo đa dạng ấy qua biến cố “lạc mất và tìm lại Chúa Giêsu”, hôm nay nếu biết sống theo gương Mẹ và vững lòng cậy trông nơi Mẹ, Mẹ sẽ đỡ nâng, để dẫu không tránh hết được những nỗi lo phận vụ, người ta cũng gặp được tâm tình an ủi, ơn lành nâng đỡ mà sống thiên chức của mình một cách can đảm và tin tưởng. Xin Đức Mẹ Tàpao xuống ơn trên tất cả mọi người, cho kẻ làm cha sức khỏe, cho người làm mẹ an hòa và cho thiếu nhi là con cái không bao giờ quên ơn nghĩa mẹ cha. Chúc các cha mới một đời phục vụ vui tươi. Chúc quý khách hành hương tháng sáu, khi thưởng thức trái cây đủ loại mùa hè, không quên thưởng thức “trái tim tình yêu” của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Nguồn: XBVN

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang