Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Tiếp tục cuộc hành trình

Những chuyện liên hệ đến cuộc đời tù tội của ĐHY Nguyễn Văn Thuận khá dài. Ở đây chúng tôi chỉ ghi lại một số mốc quan trọng trong cuộc hành trình này:
GIAI ĐOẠN BỊ QUẢN CHẾ Ở GIANG XÁ
Vì có tin đồn ở Saigon rằng Đức TGM Nguyễn Văn Thuận đã chết, nên công an và Mặt Trận Tổ Quốc đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa ngài và Đức TGM Nguyễn Văn Bình để xóa tan tin đồn này. Đầu tháng 9 năm 1977, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội báo tin cho ngài biết Đức TGM Nguyễn Văn Bình sẽ đi Roma qua ngã Hà Nội, ngài sẽ được gặp Đức TGM Bình. Ngày 13.9.1977 công an đã đền trại Thanh Liệt chở ngài ra Cục Công An ở Hà Nội gặp Đức TGM Bình. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong khoảng 20 phút và chỉ hỏi thăm nhau về sức khỏe.

Ngày thứ bảy 13.5.1978, vào khoảng 4 giờ chiều, một trung úy công an đến gọi ngài lên văn phòng làm việc. Tại đây, ngài được ông Cục Trưởng Cục Công An tiếp và cho biết ngài được phóng thích, nhưng bị quản chế ở Giang Xá. Ngày 26.5.1978, tức 13 ngày sau, công an đến đưa ngài về Giang Xá.
Giáo xứ Giang Xá là một giáo xứ nằm ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, phía nam Hà Nội. Huyện này trước đây thuộc tỉnh Hà Đông, nay là tỉnh Hà Tây. Giang Xá lúc đó có khoảng 350 giáo dân, thuộc Giáo Phận Hà Nội, nhưng chỉ có Ban Hành Giáo do giáo dân đảm trách, chứ không có linh mục. Ngài bị cấm không được làm các nghi lễ phụng vụ hay giảng dạy cho giáo dân. Tuy nhiên, nhờ thái độ khoan dung và hòa nhã khi nói chuyện, mọi người đã nhận ra rằng ngài không phải là loại ác ôn như công an đã mô tả. Ngài đã chinh phục được cả những cán bộ có trách nhiệm canh giữ ngài cũng như các giáo dân có nhiệm vụ theo dõi ngài.
Ngày 21.11.1988, ngài nhận được lệnh phóng thích của Bộ Nội Vụ, nhưng không được trở về Nha Trang hay Saigon mà bị bắt buộc cư trú ở Tòa TGM Hà Nội.
ĐI VÀO CHỖ CHẾT
Trong thời gian ở Tòa Giám Mục Hà Nội, ngài bị sưng tuyến tiền liệt rất nặng. Kinh nghiệm cho biết, vào bệnh viện chữa trị là một điều rất nguy hiểm đối với hàng giáo sĩ công giáo, nhất là đối với hàng giáo phẩm cao cấp. Trường hợp của Đức Giám Mục Nguyễn Văn Hòa ở Quy Nhơn và Đức TGM Nguyễn Kim Điền ở bệnh Viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, là những thí dụ điển hình. Các giáo sĩ thường tìm các y sĩ quen biết nhờ chữa trị tại nhà.
Tuy nhiên, vì tình trạng sưng tuyến tiền liệt của ngài đã đến giai đoạn nghiêm trọng, không còn chữa tại nhà được, Tòa Giám Mục Hà Nội đã quyết định đưa ngài vào bệnh viện để xin chữa trị. Tại đây, các bác sĩ khám nghiệm và cho biết trường hợp của ngài phải giải phẫu và cắt bỏ tuyến tiền liệt.
Ngày 24.11.1988 ngài phải trải qua một cuộc giải phẫu dài ba tiếng đồng hồ tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Sau khi mổ xong, bác sĩ trưởng khoa chẳng những không cho uống thuốc men gì mà còn cấm các bác sĩ và y tá không ai được chữa trị cho ngài khi không có lệnh của ông. Vì thế, vết thương ở chỗ mổ bị nhiễm trùng, sưng lên rất lớn. Các bác sĩ phải đưa vào mỗ lại lần thứ hai, lấy ra toàn máu đông và mủ. Tuy nhiên, sau khi mổ lại xong, vết thương tiếp tục sưng đến nỗi ngài không còn đi tiểu tiện được, nhưng bác sĩ trưởng khoa cũng như các bác sĩ điều trị vẫn không cho ngài uống một viên thuốc nào. Ngài tưởng sắp chết. Nhưng nhờ một sự giúp đỡ lén lút, ngài được cứu thoát! Cho đến hôm nay, nhà cầm quyền cộng sản cũng không hiểu tại sao ông Nguyễn Văn Thuận đã không chết lúc đó!
Nhìn lại quãng đường này, ngài viết: “Người ta tưởng tôi đã chết rồi. Dân chúng đã cử hành nhiều lễ cầu hồn cho tôi. Nhưng Thiên Chúa biết viết thẳng trên những đường cong”.
BỊ BUỘC RỜI KHỎI VIỆT NAM
Trong thời gian bị quản chế tại Tòa Giám Mục Hà Nội, Tòa Thánh và Giáo Hội Việt Nam đã tìm một giải pháp để Đức TGM Thuận có thể làm mục vụ tại Việt Nam. Vì biết chính quyền không muốn Đức TGM Thuận trở về Sài Gòn, Tòa Thánh đã đề nghị cho Đức TGM Thuận làm Phó TGM Giáo Phận Hà Nội, nhưng chính quyền không chấp thuận.
Đại Tá Nguyễn Hồng Lâm, nhân vật thứ ba trong Bộ Công An, đã nói với Đức TGM Thuận như sau:
- Vatican không thể bổ nhiệm ông nếu không có sự tham khảo chúng tôi trước. Lần này các vị lãnh đạo Roma đã đi quá xa…
Đại Tá Lâm coi việc đề nghị Đức TGM Thuận làm Phó TGM Hà Nội là một âm mưu còn lớn hơn việc bổ nhiệm ngài làm Phó TGM Sài Gòn vào năm 1975. Đức TGM Thuận đã trả lời:
- Đây là một sự hiểu lầm. Tòa Thánh “chỉ đề nghị” chứ không phải là “bổ nhiệm” tôi…
Đại Tá Lâm nói:
- Ông nói luôn với giọng nhỏ nhẹ, nhưng ông gây cho chúng tôi khá nhiều vấn đề khó khăn giải quyết… Tại sao ông không đi thăm cha mẹ ông? Ông ở đó với các vị một thời gian rồi trở về khi mọi sự đã lắng dịu.
Đức TGM Thuận trả lời:
- Tôi đã đi thăm cha mẹ tôi rồi.
Ông Lâm nói tiếp:
- Vậy thì tại sao ông không đi Roma một thời gian?”
Sau cùng, Đức TGM Thuận trả lời:
- Được, để tôi suy nghĩ.
Khi mọi cuộc thảo luận và dàn xếp bị thất bại, ngày 21.3.1991, Đức TGM Nguyễn Văn Thuận bị trục xuất ra khỏi Việt Nam. Ngài đã đến Thụy Sĩ rồi từ đó xin qua Roma.
 Lữ Giang
Ghi chú: Trích trong cuốn “Vài đòng về ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận” của Lữ Giang phát hành 10.000 cuốn năm 2008.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang