Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

CẢM NHẬN VỀ SỨ ĐIỆP TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 46 CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

( Lễ Chúa Thăng Thiên, Chúa Nhật ngày 20 tháng 5 năm 2012 )
 
Với sự tiến bộ của các ngành khoa học và kỹ thuật, xã hội hôm nay được xem là một xã hội phát triển rất nhanh. Con người dường như cũng theo dòng chảy của sự ồn ào, náo nhiệt. Trước sự phát triển quá nhanh và ồ ạt như thế làm cho rất nhiều người bị cuốn theo lối sống vội vã, lao mình về phía trước mà không xác định được mục tiêu. Trong bối cảnh như thế, sứ điệp ngày thế giới truyền thông lần thứ 46 của Đức Thánh Cha là một tiếng nói cảnh tỉnh, giúp con người nhận ra giá trị của sự thinh lặng để lắng nghe, đi sâu vào cõi lòng và khám phá rõ hơn về bản thân của mình. Chủ đề của sứ điệp ngày thế giới truyền thông, Đức Thánh Cha nói đến “sự thinh lặng và lời nói: Con đường phúc âm hóa”. Mục đích chính của sứ điệp là mời gọi con người thinh lặng để trở về cõi lòng và lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa.

Nếu như lời nói là phương tiện để chuyển tải các ý tưởng của con người đến với con người, thì phương tiện truyền thông cũng chuyển tải các sự kiện, những ý tưởng đến với mọi người. Có nhiều cách để truyền thông, không phải chỉ có lời nói mới chuyển tải một thông điệp đến với người khác, nhưng người ta có thể cảm nhận bằng con tim, ánh mắt, bằng các giác quan. Để diễn tả tình yêu, người ta không nhất thiết phải nói nhiều nhưng nhờ những hành động mà đối phương có thể cảm nhận được. Cách lắng nghe không những bằng tai nhưng còn bằng mắt, con tim và bằng sự cảm nhận nữa. Hai người yêu nhau, họ không cần phải nói nhiều nhưng chỉ cần ngồi bên nhau là họ đã đủ để cảm nhận được tình yêu rồi.
“Trong thinh lặng chúng ta có thể lắng nghe và hiểu rõ mình hơn; trong thinh lặng, tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu.” (Sứ điệp Truyền Thông Xã Hội năm 2012). Thật vậy, sự thinh lặng rất cần thiết, muốn có được những ý tưởng để viết một bài thơ hoặc phổ một bản nhạc, người nghệ sĩ cần có một không gian thật tĩnh lặng, cần dốc hết tâm trí để hoàn thành một tác phẩm. Cũng vậy, người Kitô hữu khi gặp một vấn đề khó khăn gì cũng cần đắm mình trong sự thinh lặng để suy nghĩ, cầu nguyện hầu có thể tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề.
Thế giới ngày nay thật khó để lắng nghe nhau vì thiếu sự thinh lặng. Không có sự thinh lặng, con người chỉ biết đi tìm chính mình, ý riêng của mình mà thôi. Bởi vì chỉ trong sự thinh lặng con người mới khám phá ra những giá trị mà con người cần tìm đến. Cũng trong sự thinh lặng, con người mới mở lòng ra để lắng nghe, học hỏi từ người khác. Không những thế, nhờ thinh lặng chúng ta có thể biết mình để rồi thanh luyện cho tinh ròng và lành mạnh hơn.
“Nếu Thiên Chúa nói với con người ngay cả trong thinh lặng thì trong thinh lặng con người cũng khám phá ra khả năng nói với Thiên Chúa và nói về Chúa” (Sứ điệp Truyền Thông Xã Hội năm 2012). Đối với Thiên Chúa, con người không có lời lẽ nào để diễn tả hết sự cao cả của Thiên Chúa. Nhưng trong thinh lặng, con người chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, và chìm ngập trong tình yêu của Người.
Thinh lặng và nói là hai yếu tố bổ túc cho nhau, không loại trừ nhau. Nhờ thinh lặng chúng ta nhận ra thánh ý Thiên Chúa, để qua đó, chúng ta có thể truyền thông cho mọi người một cách có hiệu quả hơn. “Đôi khi sự thinh lặng còn nói nhiều hơn một câu trả lời vội vã”. (Sứ điệp Truyền Thông Xã Hội năm 2012). Càng thinh lặng nhiều, càng có những phân định chín chắn hơn, loại trừ những gì không cần thiết. Chúng ta cần có sự hài hòa giữa lời nói và sự thinh lặng. Thinh lặng để nói và nói những gì mà chúng ta khám phá ra trong sự thinh lặng “Chỉ trong dòng nước lặng lờ mới phản chiếu cảnh vật rõ ràng, không bị méo mó. Và chỉ khi tâm trí tĩnh lặng ta mới nhận thức được đầy đủ về mình và thế giới” ( H. Margolius).
Chúa Giêsu là mẫu gương truyền thông tuyệt vời, lời nói của Ngài thật uy quyền bởi vì Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Ngài không chỉ truyền thông bằng lời nhưng bằng cả cuộc sống, từ việc xuống thế làm người cho đến lúc chết trên Thập Giá, Ngài không cần phải nói nhiều nhưng qua chính cuộc sống của Ngài, Tin Mừng Nước Thiên Chúa được nhiều người đón nhận.
Mong rằng mọi Kitô hữu năng kết hiệp mật thiết với Chúa trong sự cầu nguyện, vì trong thinh lặng con người cảm nếm được hương vị ngọt ngào của Tình Yêu. Qua đó, Tình Yêu Chúa thúc đẩy mọi Kitô hữu trở thành những chứng nhân Tin Mừng.
Ngày lễ Chúa Thăng Thiên được chọn là ngày thế giới Truyền Thông Xã Hội nhằm nói lên một ý nghĩa rất quan trọng, ngày Chúa Giêsu lên trời là ngày bắt đầu sứ vụ rao giảng của các Tông đồ với lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” (Mc 16,15). Do đó, mỗi kitô hữu phải có nhiệm vụ truyền thông ơn cứu độ của Chúa cho mọi người qua lời nói, hành động và bằng chính cuộc sống hằng ngày. Người đã về trời nhưng Người vẫn ở với mỗi người chúng ta mọi ngày cho đến tận thế như lời Người đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).
 
Têrêsa Mai An

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang