Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Nguồn Gốc Tự Do Tôn Giáo



Đọc Dignitatis humanae*, bởi ĐC Minnerath
* Dignitatis Humanae là Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo của Công Đồng Vatican II, được Đại Hội Đồng biểu quyết trong ngày 07.12.1965 với 2208 phiếu thuận, 70 phiếu chống dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Bản tuyên ngôn này đã trải qua 4 kỳ đại hội tranh luận sôi nổi vào những năm 1962, 1963, 1964 và 1965. Nó đặt nền tảng cho quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh với các chính quyền dân sự tại các quốc gia trên thế giới (MK).
Rôma, 04.04.2012 (Zenit.org) – Tự do tôn giáo xuất phát từ Kitô Giáo, và hiện là “mối quan hệ xã hội”, Đức Cha Minnerath tuyên bố trong một bài tham luận về Tuyên Ngôn Nhân Phẩm (Dignitatis Humanae) của Công Đồng Vaticanô II (1965) ở Rôma.
Đức Cha Roland Minnerath, tổng giám mục Dijon, đã bình luận về sự cống hiến và tính thời sự của Dignitatis Humanae, trong chu kỳ “Đọc Lại Công Đồng Vaticanô II”, do Học Viện Pháp – Trung Tâm Saint-Louis, hợp tác với Viện Đại Học Latran tổ chức hôm 03.05.2012.
Theo vị tổng giám mục Pháp, Dignitatis Humanea là “một trong những văn bản trọng đại của Công Đồng Vaticanô II”: lấy thái độ về tự do tôn giáo, “văn bản này đã có tác dụng trực tiếp lên các mối quan hệ của Giáo Hội và các quốc gia, lên các mối quan hệ đại kết và liên tôn”.
Tự do tôn giáo, phát minh của Kitô Giáo
Giáo Hội không thể không bảo vệ tự do tôn giáo: và vì thế, ĐC Minnerath xác quyết, “chính trên đất màu mỡ của Kitô Giáo mà ý niệm “tự do tôn giáo” đã nảy sinh và mang nhiều hoa trái”.
Đúng là “Kitô Giáo đã làm cho tôn giáo trở nên một sự lựa chọn riêng của mình, phân biệt sự phụ thuộc tôn giáo với phụ thuộc quốc gia, văn hóa, hay chủng tộc”, ngài giải thích. Sự “phân biệt nền tảng” giữa “cái gì thuộc về Xê-Da và cái gì thuộc về Thiên Chúa”, ngài nhấn mạnh, “sẽ khiến những tự do cơ bản mà các xã hội Tây Phương đang được thụ hưởng được triển nở”.
Kitô Giáo cưu mang tự do tôn giáo, “như một đòi hỏi nội tại của bản chất”, và như “sáng tác của Kitô Giáo”, ngài nói tiếp, “tự do tôn giáo công nhận công lý Thiên Chúa và tự do tín ngưỡng, công nhận quốc gia pháp quyền và xã hội đa nguyên, công nhận tự do cá nhân của con người và tự do tập thể của Giáo Hội”.
Ngài nhận xét, ngày nay, giáo dân đang chứng kiến một “sự tiến triển của thuyết thế tục hóa” và của các tôn giáo vốn “không bao gồm những phân biệt riêng tư của Kitô Giáo, sự quan tâm đến tình trạng độc lập giữa thần quyền và thế quyền”: khắp nơi, luật pháp “đã lấn sang lãnh vực tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo”, khi áp đặt “những “quy định trái ngược với sự tôn trọng sự sống và hôn nhân”“tiến hành phá hủy có hệ thống nhân chủng học theo quan niệm Kitô giáo và Do Thái Giáo”.
Tự do tôn giáo, quan hệ xã hội
Tự do tôn giáo hiện đại, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh, được “tách rời khỏi mọi tư tưởng chân lý tôn giáo chủ quan”. Như vậy, nó đòi hỏi “sự trung lập tôn giáo của Nhà Nước”, có nghĩa là “tôn giáo không còn là mối quan hệ thánh đối với xã hội (ở Tây Âu)” như trước đây nữa. Ngày nay, ngài đánh giá, “mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, chính là tự do tôn giáo”.
Tuy nhiên, không phải bất cứ thứ tự do nào: ở thế kỷ XIX, ngài nhắc nhở, tự do tín ngưỡng được hiểu như là “tự do không tín ngưỡng”, nghĩa là “một sự giải phóng đối với giáo huấn và luân lý Công Giáo”. Và sự tự do thờ phượng được coi “như một sự cào bằng mọi tín ngưỡng dưới con mắt Nhà Nước, dẫn đến một sự tách rời triệt để giữa Giáo Hội và Nhà Nước”.
Tự do tôn giáo, ngài ghi nhận, đã không được coi như “chiều kích nhân bản học” mà như một “quyền dẫn xuất từ lý tưởng dân chủ đa nguyên”. Nó trở thành đồng nghĩa với “thuyết tương đối tôn giáo”, và kể cả một số tín hữu đã hiểu tự do tôn giáo như là sự “tự do cá nhân để tin tưởng và hành động tùy theo sở thích của mình ngay trong lòng Giáo Hội”
Ngoài ra, trong không gian công cộng, “tự do tôn giáo được hiểu một cách ngày càng hạn chế, như một sự lựa chọn thầm kín cá nhân, không đáng kể đối với đời sống cộng đồng”: Như vậy tự do tôn giáo đích thực là gì ?
Cống hiến của Dignitatis humanae
Đối với Dignitatis humanae, Đức Cha Minnerath bình luận, tự do tôn giáo là một quyền đặt nền tảng ngay trên “phẩm giá con người”. Phẩm giá này được “gắn liền với bản chất con người vốn được sinh ra có tự do và khả năng vươn tới chân lý”, ngài giải thích: như vậy, quyền này của con người và cộng đồng là “bất khả tương nhượng”, và “vượt ra khỏi tầm tay của các quyền lực chuyên chính của con người”.
Tuy nhiên, “quyền” được đề cập trong tuyên cáo là một “quyền tự nhiên chủ quan” có thể ngăn chặn những “đòi hỏi của kẻ khác”, ví dụ như sự ép buộc. Đó không phải là quyền, ngài xác định, vì nó “cho phép quyết định bất cứ chuyện gì về vấn đề tôn giáo”. Thực chất “tin tưởng có nghĩa là gắn liền với một Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra, là tự nguyện vâng theo Lời Ngài, và không tuyên xưng một quan điểm chủ quan nào”.
Về phần Nhà Nước thì “họ phải phục vụ con người”, vị tổng giám mục nhắc lại: Nhà Nước “có bổn phận bảo đảm tự do cho công dân trong các sinh hoạt tôn giáo, đồng thời chăm lo cho sự tôn trọng các quyền một cách bình đẳng cho hết mọi người”.
Ngài nhấn mạnh, bản Tuyên Ngôn đã xác định quyền tự do tôn giáo và tố cáo “sự chuyên chế hóa tự do” vì nó “tháo gỡ con người khỏi mọi lệ thuộc và lề luật Thiên Chúa”.
Sau cùng, Đức Cha Minnerath nhận xét rằng định nghĩa của những hiến pháp hiện đại “phù hợp” với định nghĩa của Giáo Hội trên 2 điểm:
Một mặt, “tự do tuyên xưng đức tin coi như được bảo đảm khi tự do dân sự trên lãnh vực tôn giáo được áp dụng”.
Mặt khác, “tự do của Giáo Hội, mà trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội không ngừng đấu tranh để giành lấy từ những xu hướng thế quyền, được bảo đảm ở nơi nào mà quyền tự do tôn giáo được cam kết đối với mọi người và mọi cộng đồng (tôn giáo)”.
Nguồn: http://www.zenit.org/article-30728?l=french
Tác giả Anne Kurian – Mai Khôi phỏng dịch

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang