Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Xuống Núi

Tháng 11 năm 2011, tạp chí Time (Mỹ) đã tiến hành cuộc thăm dò và bình chọn Nhân vật tiêu biểu trong năm trên tạp chí của mình với danh sách 34 ứng cử viên gồm đủ mọi thành phần, từ các nhà lãnh đạo chính trị nổi bật đến các biểu tượng của văn hóa pop. Kết quả cuối cùng, nhân vật được chọn là Người biểu tình trên khắp thế giới.
 Theo ông Rick Stengel - Quản lý biên tập của tạp chí Time - Những người biểu tình này đang đánh liều cuộc sống của mình và đang làm thế giới thay đổi tốt hơn từng ngày. Những cuộc biểu tình năm qua đã đem lại những đổi mới và hứa hẹn cuộc sống nhiều tự do, an vui hơn cho người dân khắp nơi.

... Trong lịch sử loài người, đã có một cuộc chiến thắng khác, tuy vĩ đại nhưng âm thầm, đang diễn ra từ hơn hai ngàn năm nay khắp nơi trên thế giới. Đó là cuộc chiến thắng của Đức Kitô mà tiêu biểu là chiến thắng trên mọi bệnh tật, đau khổ và cả sự chết! Thật vậy, Đức Giêsu Kitô đến để đánh bại tận gốc rễ hiện thân của Sự Dữ là mọi Đau Khổ và qua các việc chữa lành bệnh tật là dấu chỉ diễn tả "bước trước" chiến thắng của Người đối với Sự Chết và sự Phục Sinh của Người!
Theo nhãn giới Do thái giáo và quần chúng lúc đó, thì Ðấng Cứu Thế phải là nhà lãnh đạo trổi vượt, một nhà cải cách xã hội tài ba; một tướng lãnh bách chiến bách thắng để có thể lật đổ ách thống trị của ngoại bang là người La mã đang cai trị họ thời vua Herode và đưa dân tộc họ lên hàng số một, làm bá chủ hoàn cầu; Đấng Cứu Thế phải biết dùng lửa từ trời xuống thiêu đốt tất cả kẻ thù của mình. Thế nhưng ... mọi người lúc bấy giờ không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Bởi vì, họ không thể chấp nhận một "Thiên Chúa được biểu lộ ra từ sự yếu hèn, từ sự thất thế, từ sự không ra gì". Làm sao chấp nhận một Đấng Cứu Thế không học hành gì (x. Ga. 7,15), được xem là hạng vô lại, tội lỗi (x. Ga. 9,24), thích ăn nhậu giao du với bọn thuế vụ và quân tội lỗi bất hảo (x. Mt. 9,11), lại còn khoái lân la chuyện trò với hạng dân thường và bọn gái điếm (x. Lc. 7,36-38), giống như một kẻ phiêu bạt giang hồ, rày đây mai đó, không nhà không cửa, thậm chí không có chỗ để gối đầu! (x. Mc. 8,20). Ngay cả thân nhân của Ngài cũng xem Ngài là người mất trí (x. Mc. 3,21). Các môn đệ đã sống với Chúa Giêsu, đã từng nghe lời Ngài giảng dạy và đã từng tận mắt chứng kiến phép lạ Ngài làm, cũng còn quan niệm sai lầm về Ðấng Cứu Thế và cuộc đời của Ngài.
Mặc dù thay mặt các anh em đồ đệ tuyên xưng chắc nịch: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt. 16,16); nhưng Phêrô vẫn chưa hiểu đủ về sứ mệnh và đường lối của Thầy mình. Nói cách khác tầm hiểu biết của Phêrô về Ðức Kitô còn giới hạn và mơ hồ. Ðối với các tông đồ thì việc Thầy họ chịu đau khổ không thể nào chấp nhận được. Vì thế ông Phêrô lên tiếng can ngăn Thầy mình khỏi phải chịu đau khổ khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ hình và tử nạn mà Người sẽ phải chịu (x. Mt. 16,21; 17,22-23; 20,17-19). Ông muốn Ðức Kitô đi theo đường lối, suy nghĩ của loài người; nghĩa là phải tránh cảnh khổ nạn, chết chóc. Các tông đồ lo lắng, hoang mang, không thể nào chấp nhận cuộc đời Thầy mình lại kết thúc bằng hành trình đi lên Giêrusalem, nơi đó Thầy sẽ phải chịu đau khổ, và chịu chết nhục nhã.
Hiểu được tâm trạng đó của các tông đồ, và để loại bỏ những quan niệm sai lầm về Ðấng Cứu thế; Chúa Giêsu đã biến đổi hình dạng qua biến cố Biến hình trên núi, để cho các tông đồ thưởng nếm trước vinh quang sáng láng của sự Phục Sinh, và cảm nhận trước hạnh phúc Nước Trời mai sau (x. Mt. 17,1-8). Qua đó, Chúa Giêsu củng cố niềm tin cho các ông và tiên báo về sự Phục Sinh của Ngài sau khi phải trải qua con đường thập giá.
Một chân lý mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ mình phải hiểu và xác tín là: Sau khi đi hết con đường thập giá thì các ông sẽ thấy ánh vinh quang Phục Sinh hé lộ. Vì thế, Ngài không cho phép Phêrô dựng lều trên núi, không cho phép các môn đệ "ngủ quên" trong vinh quang hạnh phúc ở trên núi. Nhưng buộc các ông phải cùng với Ngài đi xuống núi, trở về với cuộc sống đời thường, cọ xát với những công việc tầm thường và kể cả những công việc bất thường, ... để rồi lại cùng với Ngài tiến lên Giêrusalem đau khổ và chịu chết.
Chúa Giêsu đã đến trong thế giới này để đem lại ý nghĩa và mục đích mới cho đau khổ và sự chết. Đó là chìa khoá để mở cửa đi vào sự sống vĩnh cửu. Từ đây đau khổ và chết chóc không còn là một án phạt, không phải là điểm chấm hết của kiếp nhân sinh; mà là một mối lợi cho con người (x. Pl. 1,21). Cũng qua đó, một chân lý mới dần tỏ hiện rạng rỡ: Qua thập giá tới vinh quang. Thập Giá và vinh quang Phục Sinh là hai thực thể gắn liền với nhau. Thập giá mà không có vinh quang thì thập giá trở thành vô nghĩa. Trái lại vinh quang Phục Sinh mà thiếu vắng thập giá thì vinh quang đó chỉ là ảo tưởng và mơ hồ!
Để được thông phần vinh quang Phục Sinh với Đấng-Chịu-Đóng-Đinh "buộc lòng" mọi tín hữu Kitô phải chấp nhận Xuống Núi mỗi ngày:
 Từ nay, hành trình đức tin của các tín hữu Kitô đã "rẽ ngoặc" sang cung đường mới: Họ được chúc phúcđược hưởng phúc không chỉ bởi niềm tin đơn thuần mà thôi (Gl. 2,26); mà còn cộng hưởng nhờ bởi các đau khổ (x. Gl. 1,29); người tín hữu chấp nhận đau khổ không như thể đau khổ là ngõ cùng không lối thoát, hoặc như thể một bế tắc không thể né tránh của số phận con người (x. 2Cr. 4,17; 1Pr. 4,13). Nhưng họ vui lòng chấp nhận, cùng sống, cùng tâm tư tình cảm, (x. 2Tm. 2,3; Gl. 2,20; Pl. 2,5) và thậm chí cùng chết với Đấng-Ban-Niềm-Tin cho mình; đó mới được hạnh phúc thật! (x. 2Tm. 2,11).
Từ nay, hành trình đức tin của các tín hữu Kitô là cuộc đồng hành theo Đức Giêsu trên Con-Đường-Thập-Giá - đó là mọi ngõ ngách của đau khổ, sự cùng tận của sự chết - rồi mới tới vinh quang Phục Sinh. 
 Từ nay, hành trình đức tin của các tín hữu Kitô là cuộc dấn thân vác thập giá đời mình - nỗi sợ hãi, sự thất vọng, thói ích kỷ, lòng ghen tương đố kỵ, ... - theo Chúa mỗi ngày, cho đến hết cả đời mình .
 Từ nay, hành trình đức tin của các tín hữu Kitô không ngừng được mời gọi kết hợp với Hy-Tế-của-Đức-Kitô, không ngừng được mời gọi chiêm ngắm Đức-Giêsu-Vinh-Quang, không ngừng được mời gọi tiếp xúc với Ngài trong niềm tin tưởng. Nhưng chiêm ngắm vinh quang Phục Sinh không phải là công việc làm cho các tín hữu xa rời thực tế cuộc sống, quên trách nhiệm và bổn phận của mình, ngại khó khăn, và không biết nỗ lực vượt qua thử thách; mà qua đó họ được thêm thần lực chiến đấu chống lại tội lỗi và sự dữ vẫn đang hiện diện lan tràn.
Hành trình xuống núi của người tín hữu Kitô là đồng nghĩa với mang lấy gánh nặng của cuộc sống trần đời và những bất trắc, chông chênh của nó. Cũng như vì muốn cứu nhân loại, Thiên Chúa đã xuống núi, sẵn sàng chịu sự nhục nhã: Trở nên một con người, chịu người đời khinh khi, nhục mạ, khạc nhổ vào mặt và chết trần trụi trên thập giá. Nhưng sẽ nhục nhã hơn nếu sự hy sinh của Thiên Chúa không cứu được mỗi người chúng ta - là con của Ngài!
Thánh sử Marcô tường thuật lại: "Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: "Elôi, Elôi, lema sabactani?", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mc. 15,33-34). Khi chịu khổ nạn, lời thống khổ này của Chúa Giêsu đã bật tung cách thế bao hàm sự tin tưởng tột đỉnh và lòng tín thác hoàn toàn của Ngài trong bàn tay của Thiên Chúa. Mặc dù dường như lúc đó Thiên Chúa vắng mặt, dường như lúc đó xem ra Người hoàn toàn thinh lặng, chẳng quan tâm đến cục diện khổ nạn của Chúa Con, Người chẳng biểu lộ một động thái nào, và chỉ hướng theo một chương trình có sẵn mà trí khôn con người không tài nào hiểu nổi...
Trong biến cố hiển dung, cùng với dấu chỉ của đám mây còn có lời Thiên Chúa Cha phán: "Ðây là Con Ta yếu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người" (Mt. 17,5). Trái lại, khi cái chết tới gần Ðấng-Chịu-Ðóng-Ðinh, thì thinh lặng rơi xuống, bao trùm cả mặt đất, không nghe tiếng nói nào. Chỉ có đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung. Động đất. (x. Mt. 27,51-54). Một cảnh tượng chết chóc nặng nề, sầu não! Nhưng chính ngay lúc đó, ý nghĩa sự hiện diện, sự gần gũi của Thiên Chúa Cha trong Mầu nhiệm Ngôi Hai Cứu Chuộc được nổi bật hơn bao giờ hết. Quả thật Ðấng-Chịu-Ðóng-Ðinh là Con Thiên Chúa! (x. Mc. 15,39).
Ngày nay, lắm khi điều này cũng xảy ra với chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa: Trước các hoàn cảnh khó khăn và đau khổ, lắm khi Thiên Chúa xem ra như không nghe thấy, không hay biết. Chúng ta đừng sợ hãi nhưng hãy tín thác nơi Người tất cả gánh nặng trong con tim; chúng ta hãy dâng lên Người nỗi khổ đau của chúng ta, chúng ta phải xác tín rằng Thiên Chúa vẫn gần gũi, vẫn đồng hành với mỗi người cả những lúc dường như Người vắng bóng và im hơi lặng tiếng!
Để xuống núi an toàn, đòi hỏi người tín hữu Kitô phải có một đức tin kiên trì và một tâm hồn tín thác mạnh mẽ vào Chúa. Chỉ bằng việc suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa, bằng kinh nghiệm đau khổ cá nhân và bằng lời cầu nguyện liên lỉ, họ mới có thể cảm nghiệm được chính Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của mình nên giống thân xác vinh hiển của Người (x. Pl. 3,21).
Lạy Chúa Giêsu là Thiên Chúa! Chúa đã chấp nhận đau khổ vì yêu mến loài người.Con xin dâng lên Chúa những đau khổ của con về phần xác, phần hồn và cả tinh thần: những nỗi lo âu, sợ hãi, cô đơn và buồn chán, những hiểu lầm và nghi kỵ, những thiệt thòi và tủi hổ của đời con. Xin Chúa đến ở bên con và đồng hành với con để biến đổi đời sống con trong đồng hành xuống núi với Ngài. Amen.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang