Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

TÌNH YÊU GIỮ VỮNG ĐỨC TIN

Trong tuần lễ đầu tháng Tư 2012, một người Việt Nam ở Baltimore, Maryland đã may mắn là một trong ba người có vé số trúng Mega Millions 640 triệu đôla.
Ông Nguyễn Văn Mạnh được chia cho 184 triệu, nhưng ông quảng đại tặng 100 triệu cho quỹ phúc lợi của Hoa Kỳ, và dùng 80 triệu để thành lập một tổ chức ở Việt Nam nhằm chuộc lại những phụ nữ đã bị bán rồi cấp vốn cho họ làm ăn sinh sống.
Điều ngạc nhiên hơn nữa là tình thương của ông đối với người con trai, là người đã nghe lời xúi giục của vợ mình để đẩy ông vào nhà dưỡng lão sau khi ông cho hai vợ chồng căn nhà của ông. Ông nói đó là hành động bất nhân, nhưng “nước mắt chảy xuôi” nên ông vẫn cho họ 4 triệu còn lại. Ông quả thật là một người nhân từ hiếm có.

Ở Nữu Ước, vào tháng Năm 2011, cũng có câu chuyện trúng số mà qua đó chúng ta thấy được lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Hai mẹ con bà Bentivegna là người Công Giáo nhưng người con trai, 28 tuổi, thì không tin có Thiên Chúa. Ngày hôm trước, trong một cuộc đối thoại với người mẹ, anh mỉa mai nói, “sao má không xin Chúa cho một triệu đôla đi”. Bà mẹ là một người rất tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa nên bà không xin một điều như vậy. Người con trai lại chế nhạo thêm nữa khi anh ngửa mặt lên trời nói lớn, “Này Chúa, tôi không biết Chúa có thật hay không, nhưng nếu Chúa có thật, hãy cho má tôi trúng một triệu đôla.” Chưa hết, anh còn nói với bà mẹ, “Nếu ông Giêsu muốn con tin vào ông ta thì đó là điều ông ấy phải làm.”
Ngày hôm sau, bà mẹ mua tấm vé số cạo “Lotto Tree” trong cuộc bán đấu giá của nhà thờ. Và tấm vé số ấy đã trúng một triệu đôla. Dĩ nhiên, người con đã tin vào Chúa, và bà mẹ thì rất vui mừng vì bà nói, Chúa đã làm hai phép lạ: một là cho bà trúng số và hai là người con của bà trở về với Chúa. (http://www.christianpost.com/news/atheist-converts-after-mock-prayer-for-mother-to-win-1m-lottery-is-answered-50600/)
Khi xin Chúa mà được những gì chúng ta xin ngay lập tức, có lẽ không ai mà không tin Chúa. Nhưng tin những gì có thể thấy thì dễ, tin những gì không thấy thì mới khó – đó là lúc chúng ta cần đến đức tin.
Thông thường, người ta có thể tin bằng ba cách: hoặc được chứng kiến tận mắt, hoặc được thấy các dấu tích còn sót lại, hoặc được nghe các nhân chứng kể lại. Bài phúc âm hôm nay cho chúng ta nghe lời chứng của Gioan khi ông được nhìn thấy các dấu tích phục sinh của Đức Kitô.
Câu chuyện bắt đầu vào sáng sớm Chúa Nhật, bà Maria Mađalêna ra thăm mộ khi trời còn mờ tối. Và khi thấy tảng đá lấp cửa mộ đã bị lăn sang một bên, bà hoảng hồn. Có lẽ, bà nghĩ ai đó đã vào mộ để lấy xác Đức Giêsu, chứ bà không nghĩ đến sự phục sinh của Đức Giêsu. Do đó, bà hốt hoảng chạy về báo tin cho ông Phêrô và Gioan. Hai ông chạy đến mộ và đi vào bên trong, dĩ nhiên họ không thấy xác Đức Giêsu mà chỉ thấy các dấu tích là khăn liệm, được xếp lại cẩn thận và được đặt sang một bên.
Đoạn phúc âm này tuy ngắn ngủi và đơn sơ, nhưng nếu suy nghĩ, chúng ta thấy nó giải đáp được vấn đề mà ngay từ thời xa xưa người ta đã thắc mắc: Đức Giêsu có phục sinh thật hay không, hay đó chỉ là sự bịa đặt của các môn đệ?
Trước hết, chúng ta phải hiểu là ngày xưa, phụ nữ không có giá trị trong xã hội như thời bây giờ. Có thể nói, phụ nữ là công dân hạng hai trong xã hội thời đó. Bởi vậy, nếu có đưa ra nhân chứng đáng tin cậy thì người ta không đưa ra phụ nữ, bởi vì lời chứng của họ không có giá trị bằng lời của đàn ông. Thế nhưng trong bài phúc âm hôm nay, người đầu tiên được thấy ngôi mộ trống lại là một phụ nữ, bà Maria Mađalêna!
Đoạn phúc âm này khiến những ai nghi ngờ sự phục sinh của Chúa Giêsu phải đặt câu hỏi: Nếu câu chuyện phục sinh là sự bịa đặt của các môn đệ thì chẳng lẽ các ông lại dại dột đến độ dùng phụ nữ làm người chứng đầu tiên, vì như vậy, đâu có ai tin vào sự phục sinh? Thế nhưng, không những phúc âm của Gioan mà cả ba cuốn phúc âm khác cũng đều viết rằng các bà là những người chứng đầu tiên cho sự phục sinh của Chúa Giêsu. Người ta phải hiểu điều này như thế nào?
Đứng trước sự kiện này người ta phải tin rằng đây là một sự thật được ghi chép lại chứ không phải sự bịa đặt. Chính các bà, chứ không phải các tông đồ, là những người đầu tiên ra thăm mộ từ sáng sớm. Và các bà đã thấy ngôi mộ trống, không có tử thi, nhưng các khăn liệm thì còn đó, và khăn che đầu thì được xếp lại để riêng ra một bên. Giả như có người lấy xác Đức Giêsu, tại sao họ để lại khăn liệm?
Trước đây, Lagiarô sau khi chết bốn ngày nằm trong mộ đã được Đức Giêsu cho ông sống lại, nhưng Lagiarô ra khỏi mồ vẫn còn khăn liệm quấn chung quanh. Phải chăng, điều đó có nghĩa sự sống lại của Lagiarô chỉ là phục hồi sự sống cũ, và một ngày nào sau đó ông phải trở lại lòng đất – ông vẫn bị cái chết chế ngự, ông vẫn còn cần đến khăn liệm. Nhưng sự sống lại của Đức Giêsu là sự phục sinh hoàn toàn mới và vĩnh viễn. Đức Giêsu sẽ không chết nữa! Vì vậy Người đã sống lại mà không cần đến khăn liệm của tử thi.
Trong các Chúa Nhật kế tiếp chúng ta sẽ được thấy thân thể phục sinh của Đức Giêsu lạ lùng như thế nào qua những cuộc gặp gỡ với các môn đệ. Hôm nay, qua thái độ của các nhân vật trong bài phúc âm, chúng ta thử tìm hiểu xem điều gì cần thiết cho đức tin của chúng ta.
Trước hết, chúng ta cần có sự hiểu biết về Kinh Thánh. Cũng như ông Gioan, khi nhìn thấy ngôi mộ trống với các khăn liệm còn để lại, ông tin rằng Đức Giêsu đã sống lại bởi vì sự kiện này đã được tiên báo trong Kinh Thánh.
Thiên Chúa đã nói với loài người qua các ngôn sứ Do Thái, và sự Mặc Khải đó được ghi chép lại trong Kinh Thánh. Nếu chúng ta muốn tìm hiểu về Thiên Chúa, muốn biết chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta phải đọc Kinh Thánh.
Kiến thức về Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta tin, nhưng để giữ vững đức tin, chúng ta còn cần một yếu tố khác nữa được thấy trong bài phúc âm hôm nay, đó là lòng yêu mến Thiên Chúa qua tấm gương của bà Maria Mađalêna.
Bà là người thân cận với Đức Giêsu, bà đã từng chứng kiến các phép lạ của Đức Giêsu nhưng bà cũng được chứng kiến cái chết nhục nhã của Đức Giêsu cách đó ba ngày, và bà đã được thấy người ta chôn Đức Giêsu trong một ngôi mộ mượn của người khác – bà biết Đức Giêsu nghèo thê thảm.
Nhưng hình ảnh của Đức Giêsu đối với bà không phải là một người có khả năng làm phép lạ, không phải là một người có quyền thế, được nổi tiếng khắp nơi – để rồi khi chứng kiến cái chết thảm thương của Đức Giêsu trên đồi Canvê, bà đã vỡ mộng và tuyệt vọng.
Hình ảnh của Đức Giêsu đối với bà Maria Mađalêna, có lẽ là một người bạn chân tình: thông cảm, tha thứ, có sao nói vậy, có vui cùng hưởng có khổ cùng chia. Chính tình bạn ấy là động lực thúc đẩy bà đi theo con đường thập giá của Đức Giêsu cho đến cùng. Chính tình cảm ấy đã thúc giục bà chuẩn bị dầu thơm lên đường ra mộ từ sáng sớm để ướp xác Đức Giêsu – vì lúc Đức Giêsu từ trần đã cận ngày Sabát, là ngày cấm làm việc, nên họ không kịp tẩm liệm. Và chính tình cảm của bà đối với Người Bạn Yêu Dấu Giêsu đã giúp bà được vinh dự là người đầu tiên được gặp Đức Giêsu Phục Sinh.
Chúng ta đang sống trong một thời đại, tuy văn minh và giầu sang vật chất, nhưng cũng nhiều đổ vỡ đau thương để chúng ta nhận thấy rằng điều cần thiết cho cuộc đời thì không phải kiến thức, hay tiền tài, hay danh vọng, hay thế lực, nhưng điều cần thiết cho cuộc đời là tình yêu, là bác ái, là lòng thương người.
Khi có tình yêu, người ta dễ thông cảm, bỏ qua những khuyết điểm của nhau, dễ chấp nhận những hoàn cảnh khó khăn, dễ thấy hạnh phúc trong những điều tầm thường nhất. Khi yêu nhau người ta không nhìn đến bề ngoài mà nhìn đến bên trong tâm hồn, bởi vì những gì bề ngoài thì có thể thay đổi, nhưng một tâm hồn yêu mến thì bền vững cho đến cùng.
Tương tự như vậy, khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa, những sung sướng hay đau khổ trong đời sống không còn quan trọng. Chúa có làm phép lạ hay không, có cho tôi trúng số hay không, có ban cho tôi những gì tôi xin hay không, điều đó không quan trọng. Khi chúng ta thực sự yêu mến Thiên Chúa, tất cả những gì xảy đến trong đời – dù những đau khổ khó hiểu đi nữa – sẽ được chúng ta nhìn với một ý nghĩa: đó là giúp chúng ta sống trung tín trong tình yêu của Thiên Chúa.
Vào dịp lễ Phục Sinh nhiều người được gia nhập Hội Thánh Chúa qua các bí tích tháp nhập – rửa tội, thêm sức, và thánh thể. Sở dĩ Hội Thánh cử hành bí tích rửa tội trong dịp lễ Phục Sinh là vì ý nghĩa “chết đi – sống lại”. Khi rửa tội, chúng ta được dìm vào trong nước, có nghĩa chúng ta chết đi đời sống cũ, và khi trồi lên mặt nước, chúng ta khởi đầu một đời sống mới. Tương tự như Đức Giêsu đã chết đi trong thân xác cũ và phục sinh trong thân xác mới.
Trong ý nghĩa này, để sống tinh thần Phục Sinh và để tập yêu mến Thiên Chúa, chúng ta hãy thay đổi lối sống cũ của mình, và khởi đầu một đời sống mới giống như Chúa Kitô.
Pt Giuse Trần Văn Nhật

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang