Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 37)

CẠM BẪY VÀ SA LẦY
Trên một số bãi biển xứ Bretagne bên Pháp, đặc biệt quanh vùng Mont Saint-Michel, đôi khi xảy ra những biến cố rất đáng sợ khiến những du khách không có kinh nghiệm có khi sẽ gặp phải cái chết: đó là sự sa lầy. Nhà đại văn hào Victor Hugo đã từng chứng kiến và đã mô tả lại cảnh tượng ghê rợn đó như sau: "Thủy triều xuống, anh ta đi dạo trên cát không xa bờ biển bao nhiêu. Ban đầu chưa nhận biết điều gì đang xảy ra nên anh ta chỉ thấy dường như mình càng lúc càng nặng hơn, khó bước tới hơn. Bất thình lình anh ta lún xuống, đôi chân ngập sâu trong cát. Anh ta định rút chân quay lại thì càng lún sâu hơn. Cát đến mắt cá rồi đến nửa chân. Mỗi lần cử động là mỗi lần lún xuống. Bấy giờ anh mới nhận ra anh đang bị sa lầy trong bể cát di động. Anh cầu cứu nhưng vô ích. Anh la hét. Anh khóc than. Anh cầu khẩn. Anh khua đôi tay. Càng lúc cát đến ngực, đến vai. Giờ đây chỉ còn lại cái mặt. Anh định mở miệng kêu cứu lần cuối thì cát đã lấp đầy miệng. Chỉ còn im lặng và đôi mắt trợn tròn thao láo, nhưng rồi cát cũng đóng chúng lại: thế là đêm tối và cái chết."

Đây cũng là hình ảnh cuộc đời của nhiều người, nhất là giới trẻ : mất cảnh giác, buông thả mình dần dần lún sâu vào trong vực thẳm của sa đọa tội lỗi giăng ngập tràn trong xã hội hiện nay (lối sống thác loạn, ăn chơi sa đọa, chạy đua theo tiền tài danh vọng, nghiện ngập, ma túy,…), cuối cùng đành phải nhận lấy một số phận đau thương, chỉ còn lại đêm tối rợn rùng và cái chết thảm khốc muôn đời.
Đời sống con người xem ra không đơn giản như chúng ta tưởng vì ngoài việc phải mang vác một tấm thân đầy dẫy yếu đuối thiếu sót, còn phải đối phó với bao nghịch cảnh lôi cuốn, bao gương xấu ảnh hưởng. Thêm vào đó luôn luôn bị lực lượng của tối tăm ma quỷ cám dỗ thì làm sao có thể đứng vững, có thể sống tốt nếu không biết cố gắng, biết cảnh giác, biết phấn đấu đến cùng cho lẽ phải, điều thiện…
PHÙNG HƯNG
KHI MÌNH KHÔNG LÀM ĐƯỢC NỮA, CHÚA SẼ LÀM.
"Ngày ấy, Chúa dụ tôi bằng ơn huệ của Người" - đó là lời quả quyết của một doanh nghiệp trẻ, Đỗ Hằng Cẩm Vân (1971).
Vân kể: "Hồi nhỏ, lúc 12, 13 tuổi, tôi rất ghét những người có đạo. Họ cứ lợi dụng những dịp lễ lạc để ăn diện". Tuy miệng nói, trí suy như thế, nhưng hình như lòng cô không hẳn đã như vậy, nên vào dịp lễ Chúa Giáng Sinh năm 1986, một bạn Công giáo rủ đi lễ, Vân đi liền. Vào nhà thờ thấy hình đẹp, hát hay cũng thích. Lúc người ta lên rước lễ, Vân cũng lên theo, nhưng các anh chị giữ trật tự phát hiện đuổi về chỗ. Vân kể: "Quê thật, bị đuổi trước mặt mọi người. Lúc đó tôi ghét đạo hơn, vì đạo gì ích kỷ quá. Người ta lên ăn có một miếng bánh thôi chứ có gì nhiều đâu mà cũng không cho!". Nhưng cũng chính dịp ấy lại khơi lên trong lòng Vân vô vàn thắc mắc; tại sao người ta biết mình không có đạo? Hay là người ta có phép lạ? Tại sao chỉ có một miếng bánh nhỏ xíu mà ai cũng xếp hàng lên đón nhận một cách cung kính? Rồi Vân tự rút ra kết luận hành động cho mình: "Tôi phải học đạo, xem họ có bí mật gì!".
Khi cha Phụng, DCCT Sài Gòn hỏi: "Con học giáo lý để trở lại đạo?". Vân phản ứng lại: "Con có đạo đâu mà trở lại!". Quả vậy, tuy mang danh là Phật giáo, nhưng cả gia đình Vân chẳng ai quy y cả. Hễ có chuyện xui quẩy hay chuẩn bị có việc khó khăn phải đối phó là ai nấy trong gia đình Vân đi tứ phía cúng bái. Hễ nghe chỗ nào "linh" là tới.
Những ngày đầu học giáo lý, Vân phải đối phó với sự chống đối của mẹ. Cứ mỗi lần muốn đi lễ, Vân phải nói dối là đi chơi với bạn mới không bị la. Học hết sáu tháng, mọi người đều xin rửa tội, riêng Vân xin học thêm một khóa nữa, vì Vân tự thấy khóa đầu mình "cúp cua" hơi nhiều. Nhưng thật hữu ích, nếu không có khóa hai chắc Vân sẽ mất đi cơ hội đặc biệt với Chúa. Vân kể: "Những ngày mưa, Vân đang lưỡng lự không biết có nên đi học giáo lý hay không, nên nảy ra ý xin Chúa cho tạnh mưa. Lời nguyện dứt thì mưa cũng hết. Thế là Vân phải đến lớp". Điều này Vân đã kiểm nghiệm nhiều lần, nếu mình cứ xin và để Chúa làm thì cái gì Chúa cũng cho mình được". Hết khóa thứ hai Vân xin rửa tội.
Sống với Chúa một thời gian thì đau khổ, khó khăn ập đến như bóng đêm dài vô tận. Lúc đó, Vân không thấy Chúa nữa và cũng bỏ đạo. Vân kể: "Lúc đó, thấy ai đi lễ là tôi lại lẩm bẩm trách Chúa, rằng Ngài keo kiệt, rằng Ngài chỉ dụ tôi vào đạo chứ không yêu tôi thật. Vì với những khó khăn nặng nề tôi đang phải đối phó, chỉ cần Ngài đưa tay "búng một cái" là xong thôi mà". Ở nhà lâu cũng buồn, nên một nữ tu, là bạn ngày xưa đến rủ đi lễ, Vân bắt đầu đi lại. Lúc ấy Vân đến với Chúa trong một tâm trạng vô định, không có gì cho Chúa, không làm được gì cho Chúa và cũng không biết xin Chúa gì nữa. Vân chỉ biết mình đã mất tất cả. Chính trong lúc kiệt quệ ấy, Chúa đã đến cứu chữa Vân, khơi lại niềm hy vọng cho Vân.
Vân lại hạnh phúc trở lại với Chúa và bắt đầu lao vào kinh doanh khách sạn. Vân quyết không để nơi mình làm ăn thành ổ của tội lỗi, nên dù có đến 58 phòng ở, Vân vẫn cứ báo là hết chỗ đối với những ai đến khách sạn có dấu hiệu không lành mạnh. Nhưng lạ một điều, Chúa lại gởi các tiệc cưới đến nhiều hơn để bù lại cho những thiếu hụt do từ chối đón khách "có vấn đề". Nhưng sự êm ả ấy không được bao lâu thì khách sạn của Vân đã bị kiểm tra. Vân bị gọi đi chất vấn, và có nhiều vấn đề mâu thuẫn nảy sinh mà bất cứ ai khi bước ra làm ăn kinh doanh cũng gặp phải, Vân cảm thấy thật chán chường.
Ngán ngẫm với công việc, Vân quyết định bán khách sạn. Nhưng ở thời điểm này ai dại gì mua khách sạn? Một lần nữa qua lời khẩn cầu của Mẹ Maria La Vang, Chúa đã giúp Vân bán được khách sạn.
Vân nói: "Khi lao vào công việc, mình vướng bận mọi sự, không thể đi đâu được, ngay việc đi tạ ơn Mẹ La Vang cũng không thể sắp xếp đi". Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang lần đầu tiên, Maria Martin Đỗ Hằng Cẩm Vân đã tài trợ cho 25 người không có khả năng đi hành hương Đức Mẹ La Vang, cả tiền xe lẫn ăn uống.
NGUYỄN LÊ PHAN ANH
CHÓ ĐI NHÀ THỜ
Từ 3 năm nay, chủ nhật nào chú chó Preta cũng rời khỏi nhà của mình ở thành phố Sobrado, miền Bắc Bồ Đào Nha vào lúc 5h sáng, chạy một mình trên quãng đường dài 26km đến một ngôi nhà thờ ở Ermesinde để kịp buổi cầu nguyện vào lúc 7h30. Tại đây, chú thường ngồi ở một chỗ gần với bệ thờ. Bất cứ khi nào người cầu nguyện đứng lên thì chú đứng lên và ngược lại, khi nào người ta ngồi xuống thì chú cũng ngồi xuống. Khi buổi cầu nguyện kết thúc, chú lại chạy về nhà.
Đôi lúc, chú chó này được chở về trên xe ôtô nhưng chú chỉ lên xe của người mà chú biết. Nhà thờ ở Ermesinde trở nên rất đông người đến cầu nguyện kể từ khi có sự có mặt của chú chó Preta.
Còn bạn, khi đọc câu chuyện này, bạn nghĩ gì về việc đi đến nhà thờ cũa mình?!!
SƯU TẦM (Từ Reuters)
MỘT NGÀY ĐẸP TRỜI
Bạn có muốn thử sống một ngày thi hành ý Chúa với trọn tấm lòng mình. Một ngày sống đúng mẫu người mà Chúa kỳ vọng nơi bạn chăng? Đa số trong chúng ta sẽ trả lời: Có.
Và khi kết thúc ngày sống đặc biệt ấy, chúng ta sẽ ngợi khen và chúc tụng Chúa với cả tấm lòng thành.
Phụng vụ Mozarabic, được sử dụng ở Tây Ban Nha từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, có một lời nguyện rất hay để cầu xin Chúa giúp sống đúng lý tưởng ấy:
"Lạy chúa, xin giúp chúng con sống ngày hôm nay trong niềm vui và trong an bình. Xin đừng để chúng con vấp ngã hay vương tỳ vết. Ước gì khi kết thúc một ngày sống trọn vẹn, chúng con có thể ngợi khen tán dương Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là nguồn muôn ân phúc và là Chúa tể muôn loài. Amen!"
THU NGÔ (Sưu tầm)


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang