Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 22)

Chúng ta hãy cho đi, hãy ban phát tình yêu chúng ta đã lãnh nhận cho những người xung quanh. Hãy cho đi, cho đến khi nó trở thành một việc hy sinh, vì tình yêu đích thực luôn đòi hỏi hy sinh. Đó là lý do vì sao các bạn phải yêu cho đến khi chính tình yêu đó làm các bạn đau khổ.
Các bạn hãy yêu với thời gian, với đôi bàn tay, với con tim của các bạn. Các bạn cần cho đi tất cả những gì các bạn có (như bà góa nghèo trong Phúc Âm). Trước đây đường (sugar) rất hiếm ở Calcuta - Một ngày kia, một cậu bé An Độ, chừng 4 tuổi, cùng với bố mẹ, đem đến cho tôi một tách đường. Cậu bé nói: "Con đã nhịn đường trong 3 ngày. Bà hãy lấy phần đường của con để cho các em nhỏ của bà" – Cậu bé đã yêu đến độ phải hy sinh. Lần khác, một thanh niên An Độ đến nhà chúng tôi và nói: "có một gia đình người An với ba đứa con, đã khá lâu họ không có gì ăn." 

– Tôi vớ ngay túi gạo dành nấu bữa tối, đi với người thanh niên đến tìm gia đình này – Tới nơi, tôi thấy ngay bóng dáng của thần chết hiện rõ trên khuôn mặt những đứa trẻ. Thân hình chúng chỉ còn da bọc xương. Tuy bị cơn đói hành hạ, người mẹ của những đứa trẻ này cầm lấy túi gạo chúng tôi đem đến, chia làm hai phần, ra khỏi nhà, đem theo một phần gạo. Lúc trở về nhà, tôi hỏi bà: "Bà vừa đi đâu về? Bà đã làm gì?". Bà trả lời tôi: "Họ cũng rất đói". Tôi hỏi: "Họ là ai?". Hình như đó là một gia đình người Hồi Giáo cùng với 8 đứa con, đang sống bên kia đường. Bà ấy thừa biết họ cũng rất đói. Bà ấy biết nên bà cho đi đến độ phải hy sinh. Đó là điều đánh động tôi. Một nghĩa cử qúa cao đẹp phải không các bạn? Đó là tình yêu đang hành động. Người mẹ ấy đã chia sẻ cho người khác đến phải rướm máu trong lòng. Tối hôm đó, tôi đã không đem thêm gạo cho gia đình bà, vì tôi muốn họ cảm nghiệm được niềm vui của một tình yêu chia sẻ. Ước gì các bạn thấy được nét mặt của những đứa con của bà! Chúng đã hiểu rất sơ sài mẹ chúng đã làm, tuy nhiên nét mặt sáng lên trong một nụ cười. Khi tôi đến trở lại, chúng trông vẫn rất đói và buồn. Nhưng mẹ chúng đã dạy cho chúng hiểu thế nào là yêu thương. Người nghèo khổ của chúng tôi đã là như vậy đó thưa các bạn.
Ở Calcuta (An Độ), có một đêm, chúng tôi lượm một số người ngoài đường về. Một người đàn bà đang ở trong tình trạng nguy cấp. Tôi nói với các em tôi, để tôi chăm sóc bà ấy cho và tôi đã hết tình chăm sóc cho bà. Khi tôi đặt bà nằm xuống, bà nắm chặt tay tôi, miệng mở một nụ cười tươi mà tôi chưa bao giờ thấy trên khuôn mặt nào khác. Một nụ cười hết sức tinh tế. Bà ấy chỉ nói lên hai tiếng: "Cám ơn" rồi tắt thở. Trong một lúc bàng hoàng tôi tự hỏi, mắt tôi không rời khỏi xác người chết, tôi phải nói gì nếu tôi ở trong trường hợp của bà ấy? Tôi tìm ra câu giải đáp rất đơn giản. Phải chăng tôi sẽ nói lên một câu nào đó để người ta để ý đến tình trạng của tôi. Có thể tôi sẽ nói: "Tôi lạnh! Tôi đói qúa!", hoặc tôi có thể nói lên một câu nào tương tự như thế. Người đàn bà khốn khổ này đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi đã cho bà ấy. Bà ấy cho tôi chính tình yêu biết ơn của bà. Đó là cách thức người nghèo của chúng tôi sống đó, thưa các bạn. Các bạn có biết họ không? Họ có thể là những người đang sống ngay trong nhà các bạn. Những con người cô đơn có mặt khắp đây đó, có thể là những người đang sống ngay bên cạnh bạn.
Thánh Gioan, tác giả Tin Mừng đã giúp chúng ta hiểu rõ chuyện này "Làm sao bạn có thể nói rằng bạn yêu một Thiên Chúa mà bạn không thấy được, nếu bạn không yêu thương người đồng loại mà bạn thấy!". Thánh Gioan đã định nghĩa một người tuyên bố mình yêu mến Thiên Chúa nhưng lại không thương mến anh em mình, loại người như thế là loại người nào. Thánh Gioan viết: "Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối." (1Ga 5,20).
Vậy chúng ta cần phải cầu nguyện, cần phải hy sinh, cần phải trọn vẹn mở cõi lòng với Thiên Chúa, để rồi Ngài có thể dùng chúng ta như ý Ngài muốn.
Mẹ Theresa Calcuta
NIỀM PHỤC SINH TỪ XÓM BÊLEM
Tại xóm Bêlem, tối 14.04.2001, anh Giuse và chị Maria chịu Thanh Tẩy.
Maria dáng người nhỏ nhắn, hiền lành, là mẹ của hai con. Gia đình Maria đã lâu rồi không còn giữ truyền thống tôn giáo. Cô kể: "Hồi nhỏ, em thấy ông bà nội có đi đạo ở các thánh thất Cao Đài, nhưng đến ba, rồi anh chị em, chẳng có ai có đạo cả!". Gần nhà Maria ở, có rất nhiều người Công giáo và ai cũng gọi xóm ấy là Bêlem, chứ thật ra tên hành chánh được gọi là ấp gì đó, mà rất ít người nhớ. Ngay cán bộ xã, huyện có xuống cũng gọi là xóm Bêlem. Cứ tối tối, thấy các gia đình Công giáo quây quần với nhau đọc kinh mà lòng Maria nôn nao. Có lần cô hỏi thăm về đạo với một bạn trẻ Công giáo, bạn ấy nói rất nhiều, nhưng cô chỉ nhớ mỗi một điều là "hãy cầu nguyện". Thế là từ đó Maria cầu nguyện. Ngay khi chưa về nhà chồng, Maria đã muốn theo đạo lắm rồi, nhưng sợ ba mẹ phật lòng, nên phải đợi mãi đến thời gian gần đây, khi hai vợ chồng đã nhiều đêm nói chuyện với nhau về Chúa, mà cả hai chẳng ai rõ ai biết đúng hơn, do đó cả hai rủ nhau đi học đạo. Giuse coi việc chu toàn bổn phận với vợ con là quan trọng, cũng như trước đây sống với cha mẹ, anh đã cố gắng như thế. Anh không hề có một định kiến nào đối với tôn giáo, nhưng trung thực mà nói, anh không có khoắc khoải nào lớn để phải cậy dựa vào tôn giáo. Ngày anh đưa Maria về làm vợ, là ngày cuộc đời anh bắt đầu đổi khác. Anh kể: "Từ ngày đó, tôi có một chỗ cậy dựa, có một người chia sẻ". Cũng từ đó, Giuse nhận ra nơi lòng mình không phải đã ngủ yên như đã tưởng, mà nó bắt đầu nẩy lên bao khó khăn, khoắc khoải và khát vọng. Chính những lúc tưởng là mình có thể làm được điều gì đó lớn lao, thì lại bị gẫy đổ. Khi không dự phòng tương lai thì thôi, còn nếu đã có dự định mà thất bại thì cuộc đời tăm tối làm sao. Những lúc ấy cô vợ nhỏ bé lại trở nên mạnh mẽ và lớn lao biết bao, nhưng cô cũng không làm được gì cho anh hơn những gì cô đã cố gắng hết sức. Cô đề nghị anh thử cầu nguyện.
Từ ba năm nay, mỗi khi gặp khó khăn, hai vợ chồng chen lẫn vào với cộng đoàn Công giáo để bước vào nhà thờ xem lễ và khấn vái. Mọi chuyện trong đời thường vẫn ngổn ngang với những khó khăn bất trắc, nhưng có một điều lạ là những khó khăn dù lớn gấp mấy cũng không làm hai vợ chồng tuyệt vọng. Ngày qua ngày, cuộc đời như vui tươi hơn với anh chị.
Trước ngày lãnh nhận các Bí tích gia nhập đạo, chị Maria, tức Trần Thị Kim Nga, 27 tuổi nói: "Em ước ao ngày được rửa tội từ lâu lắm rồi, nhất là từ lễ Giáng Sinh vừa qua". Còn anh Giuse Nguyên Cư, 30 tuổi cho biết: "Hai con của tôi, cháu lớn nhận Đức Mẹ làm thánh hiệu, còn cháu bé nhận thánh Anphongsô. Chúng tôi muốn từ đây gia đình chúng tôi thuộc về Chúa".
Niềm vui Phục Sinh đang từ xóm Bêlem, Hữu Phước, Xuân Lộc, Việt Nam đang lan toả đến những vùng xung quanh, và chúng ta cũng xin cho niềm vui ấy cũng ngập cõi lòng mình.
NGUYỄN LÊ PHAN ANH


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang