Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Vài nét về đất nước Li Băng nơi Đức Thánh Cha sắp viếng thăm



Với đà leo thang trong cuộc nội chiến tại Syria, hai nước trong vùng Vịnh là Ả rập Saudi và Qatar đã yêu cầu công dân của mình rời khỏi Li Băng là nước láng giềng của Syria. Cả hai nước này trong thời gian qua đều đã công khai bày tỏ sự ủng hộ của họ cho các lực lượng nổi dậy tại Syria. Các cường quốc trên thế giới có lập trường chống lại chế độ Damascus của tổng thống Bashar al-Assad cũng kêu gọi công dân của họ nhanh chóng rời khỏi Li Băng.
Thiết tưởng cũng cần nói thêm là từ tháng Ba năm 2011 cho đến nay, trong các buổi triều yết chung hàng tuần diễn ra vào sáng thứ Tư hàng tuần và trong nhiều dịp khác nhau, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án tội ác diệt chủng của nhà cầm quyền Damascus đang làm mọi cách để giữ lấy ngai vàng của mình. Tiêu biểu là tuyên bố của Tòa Thánh hôm 28 tháng Năm sau cuộc tàn sát tại Houla trong hai ngày 25 và 25 tháng Năm làm 108 người chết trong đó có 49 trẻ em và 34 phụ nữ. Liên Hiệp Quốc ước tính là cho đến nay ít nhất 12,000 thường dân vô tội đã bị giết trong cuộc nội chiến. Các cơ quan cứu trợ Công Giáo tại Syria cho rằng việc tàn sát thường dân vô tội của chế độ độc tài Bashar al-Assad “diễn ra hàng ngày”.

Trong bối cảnh đó, nhiều người tin rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Li Băng trong thời gian từ 14 đến 16 tháng 9 sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm 22 tháng 8, Đức Giám Mục Kamil Zeidan, chủ tịch Uỷ Ban trung ương phụ trách tổ chức chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, tuyên bố trong một buổi họp báo tại Beirut là chiếc papamobile của Đức Thánh Cha đã được chở tới Li Băng hôm 22 tháng 8 qua đường biển và đã được Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia, khâm sứ Tòa Thánh tại Li Băng tiếp nhận, và được lưu trữ tại Dinh Tổng Thống tại Baabda, về phía đông nam Beirut. Diễn biến này cho thấy Đức Thánh Cha quyết tâm thực hiện chuyến viếng thăm của ngài dù cho nguy hiểm là rất cao.
Chuyến tông du đến Li Băng của Đức Thánh Cha như thế là chắc chắn sẽ xảy ra như dự trù. Vì thế chúng tôi xin điểm hầu quý vị vài nét về đất nước này.
Li Băng rộng 10,400 cây số vuông. Theo thống kê hồi tháng 7 vừa qua dân số Li Băng hiện nay là 4,140,289 người trong đó người Ả rập chiếm 95%, người Armenia 4% và các sắc dân khác là 1%.
Người Kitô hữu tại Li Băng trước đây chiếm đa số. Họ không nhận mình là người Ả rập nhưng tự xưng là hậu duệ của người dân Ca-na-an cổ và thích được gọi là Phoenicia. Chỉ mới 3 thập niên trước 90% dân Li Băng theo Kitô giáo. Do đó, hiến pháp Li Băng quy định rằng tổng thống nước này phải là người Công Giáo Maronite.
Tuy nhiên, thống kê mới nhất cho thấy người Hồi Giáo thuộc các hệ phái Shiite, Sunni, Druze… ngày nay đã chiếm tới 59.7%. Người Kitô hữu chỉ còn lại 39%, trong đó đông nhất là anh chị em tín hữu Công Giáo nghi lễ Maronite hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh, rồi đến Chính thống Hy Lạp, Công Giáo Melkite, Chính Thống Giáo, Công giáo Armenia Syria, Công giáo Armenia, Chính Thống Syria, Công giáo La Mã, Chaldean, Assyria, Coptic, Tin Lành.
Miền đất Li Băng tuy nhỏ nhưng phong cảnh rất đẹp và có một truyền thống lịch sử lâu đời. Trong Cựu Ước, tiên tri Ezekiel đã đề cập đến cây hương nam (còn gọi là cây bá hương) miền Nam Li Băng.
Sau Thế chiến thứ nhất, Pháp được quyền quản trị phần phía bắc của cựu tỉnh của đế quốc Ottoman. Năm 1920, Pháp tách Li Băng ra khỏi khu vực này và sau đó trao trả độc lập cho Li Băng vào năm 1943.
Cuộc nội chiến kéo dài từ 1975 đến 1990 đã tàn phá đất nước, nhưng Li Băng kể từ đó đã đạt được những tiến bộ hướng tới việc xây dựng lại các thể chế chính trị dân chủ. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, Li Băng đã tiến hành thành công nhiều cuộc bầu cử. Hầu hết các lực lượng dân quân đã bị giải tán, với ngoại lệ là tổ chức Hezbollah, mà Mỹ coi là một tổ chức khủng bố, và một nhóm chiến binh Palestine.
Vụ ám sát thủ tướng Rafiq Hariri và 22 người khác hồi tháng 2 năm 2005 đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn chống lại sự hiện diện của quân đội Syria tại Beirut. Những cuộc biểu tình này thường được biết đến với tên gọi là cuộc cách mạng cây Hương Nam - the Cedar Revolution – đã dẫn đến việc quân Syria phải triệt thoái khỏi quốc gia này vào tháng Tư năm 2005. Tuy nhiên, Syria vẫn còn một tầm ảnh hưởng rất lớn tại Li Băng và tiếp tục chi phối nhiều mặt trong đời sống chính trị và xã hội của quốc gia này.
Tháng 6 năm 2005, Li Băng đã tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên xây dựng hiến pháp mới theo đó tổng thống của nước cộng hòa là một Kitô hữu, trong khi Thủ tướng là một người Hồi Giáo Sunni và Chủ tịch quốc hội là một người Hồi giáo Shiite.
Đặng Tự Do
(Nguồn: vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang