Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Việc độ vong trong Kitô giáo và Phật giáo


Người đăng: hoctran | 28.08.2012 
 
Người Công giáo coi tháng 11 dương lịch hàng năm là tháng cầu nguyện cho những người quá cố, còn gọi là tháng các linh hồn mà cao điểm là ngày 2-11, là ngày lễ cầu hồn. Nhưng người Phật tử và người theo «đạo tổ tiên» lại coi tháng 7 âm lịch hàng năm mới là tháng để tưởng nhớ, cúng kiến và chú nguyện cho những người đã khuất, mà cao điểm là lễ Vu Lan ngày rằm tháng 7, hay ngày Xá tội vong nhân.

Phật tử cũng như Kitô hữu đều tin rằng sau khi chết còn có một đời sống khác, và những người còn sống ở trần gian có thể giúp đỡ người đã chết – hiện đang sống trong một đời sống khác – thoát khỏi cảnh khổ của họ, hay giảm bớt đau khổ cho họ. Tuy nhiên, quan niệm về số phận của các vong nhân và về việc độ vong (1) của hai tôn giáo này có nhiều điểm khác biệt. Trong chiều hướng hội nhập văn hóa và tìm hiểu các tôn giáo, chúng ta thử so sánh hai quan niệm ấy đồng thời rút ra những điểm đồng dị.
Quan niệm của Kitô giáo
Số phận đời sau
Người Kitô hữu tin rằng con người chỉ có hai đời sống: đời này và đời sau. Đời này ngắn ngủi, hữu hạn, còn đời sau vĩnh cửu, vô hạn. Nhưng số phận của đời sau – hạnh phúc hay đau khổ – lại hoàn toàn tùy thuộc vào cách sống của con người trong cuộc đời ngắn ngủi này, nhất là vào tình trạng tâm hồn trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. Người nào khi chết vẫn có ân nghĩa với Thiên Chúa sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Ngài. Người nào chết trong trong tình trạng thù nghịch với Ngài, tức mắc tội trọng, thì bị phạt đời đời xa cách Ngài là nguồn hạnh phúc của mình.
Sự thanh luyện
Tuy nhiên, để xứng đáng thấy Thiên Chúa, xứng đáng kết hiệp với Ngài, Đấng tuyệt đối hoàn hảo, và để hưởng hạnh phúc đời đời, con người cũng phải trở nên hoàn hảo, trong trắng như Chúa Giêsu đã nói: «Các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo» (Mt 5, 48), «Nếu sự công chính của các con không vượt hơn những người Pharisiêu, các con không được vào Nước Trời» (Mt 5, 20), «Phúc cho những tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa» (Mt 5, 8). Hạnh phúc vĩnh cửu đòi hỏi gắt gao như thế thì dù những người thánh thiện nhất cũng không đạt được vì «nhân vô thập toàn». Do đó, để xứng đáng vào Nước Trời, để đạt được tình trạng hoàn hảo trên, con người cần phải được thanh luyện một thời gian trước khi vào.
Sự thanh luyện đó đã được Giáo Hội định tín trong Công Đồng chung thứ 14, năm 1274 tại Lyon: «Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là “Thanh Luyện” (purgatoriis seu catharteriis)» (2). Tín điều đó đã được lặp lại trong nhiều Công Đồng sau đó (3).
Mục đích của việc thanh luyện là làm cho linh hồn trở nên hoàn hảo, hoàn toàn vị tha, đầy tình thương, không còn một chút tâm địa ích kỷ, độc ác, tham lam nào nữa. Thiên Đàng đòi hỏi một sự hoàn hảo như thế thật là hợp lý, vì đó là một «nơi» (4) hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thánh thiện, là «nơi» chúng ta sẽ trở về để hưởng hạnh phúc muôn đời. Không cần phải xét về phía Thiên Chúa, mà ngay chính chúng ta cũng đòi hỏi điều đó.
Thật vậy, thử hỏi: khi trở về nơi lý tưởng đó để hưởng hạnh phúc, ta có thể hoàn toàn hạnh phúc khi phải sống chung với thân nhân, bạn bè với những tính nết xấu như họ đang có bây giờ không? Nếu họ còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu, thì họ có thể hoàn toàn hạnh phúc và làm cho ta và những người chung quanh họ cũng hoàn toàn hạnh phúc cho đến đời đời, không hề gây ra một chút đau khổ nào không? Bản thân ta cũng vậy, ta sẽ còn đau khổ và còn làm người khác đau khổ nếu ta còn một chút xấu xa, ích kỷ, độc ác… Chưa hoàn hảo mà đã sống ở Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền – không vương chút đau khổ – của Thiên Đàng rồi, và biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn trong sạch, tốt lành, nếu còn chút gì xấu xa thì phải thanh luyện cho hết.
Sự thanh luyện đó được gọi là «luyện ngục». Chữ ngục khiến người ta liên tưởng tới một nơi chốn, một cảnh tù đày. Thực ra không nên hiểu cụ thể như thế. Nên hiểu đó là một tình trạng của tâm hồn được thanh luyện, được thánh hóa bằng những đau khổ nội tại cũng như ngoại tại:
· Đau khổ nội tại là đau khổ vì khát khao được ở gần Thiên Chúa, kết hợp với Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc của mình mà không được. Sau khi chết, linh hồn hết sức sáng suốt để nhận ra Thiên Chúa là nhu cầu khẩn thiết nhất, là nguồn hạnh phúc đích thực của mình, nên lòng khao khát Thiên Chúa lúc đó hết sức lớn lao. Tương tự như người rất đói, rất thèm ăn, và có ngay trước mặt một mâm cơm thịnh soạn, đầy hấp dẫn với đủ thứ cao lương mỹ vị, mà lại bị trói chân trói tay không ăn được. Hay như hai tình nhân yêu nhau tha thiết mà phải sống xa nhau.
· Còn đau khổ ngoại tại cũng được thần học bàn tới, nhưng không được định tín. Giáo Hội Hy Lạp phủ nhận loại đau khổ này. Khổ hình này được thần học truyền thống gọi là «lửa». Một vài giáo hoàng diễn tả luyện ngục có lửa (5). Sắc lệnh của Công Đồng chung Firenze (1438–1445) không còn dùng từ ngữ «lửa» để diễn tả hình phạt nữa, vì các nghị phụ Hy Lạp không chấp nhận. Các nhà thần học hiện nay cũng không thích lý thuyết nói về lửa đó nữa.
Trong tình trạng thanh luyện, người ta thường chỉ nghĩ tới đau khổ của các linh hồn đang trông chờ ngày gặp mặt Chúa mà không lưu tâm tới tình trạng tích cực của họ. Chắc chắn các linh hồn ấy có một hạnh phúc rất lớn, rất căn bản là biết chắc chắn mình được cứu rỗi, được Thiên Chúa yêu thương (6), đồng thời họ mến Chúa hết sức vì không còn gì trở ngại lòng yêu mến ấy nữa, và họ cũng ý thức được sự cần thiết của việc thanh luyện này, nên họ sẵn sàng và ước ao chịu mọi khổ hình để sớm gặp Chúa. Lúc đó, khổ hình đối với họ không còn là «khổ» nữa. Cũng như một thí sinh sẵn sàng chấp nhận mọi cực nhọc, mệt mỏi của việc học để chuẩn bị một kỳ thi với hy vọng sẽ có một tương lai huy hoàng. Việc thanh luyện vì thế trở thành tự nguyện. Họ sung sướng vì được thanh luyện, được khổ vì Chúa, vì tình yêu.
Việc độ vong
Thời gian thanh luyện lâu hay mau chắc chắn tùy thuộc vào tình trạng hay mức độ hoàn hảo của mỗi linh hồn, và vào tình thương can thiệp của Chúa. Các tín hữu còn sống có thể giúp các linh hồn được thanh luyện theo những điều kiện nhất định, đó là một tín điều.
Công Đồng Trentê định tín lễ Misa có thể được dâng lên để cầu nguyện cho người sống và kẻ chết, cho họ được tha tội, tha hình phạt, cho việc đền tội và cho những nhu cầu khác (7), đặc biệt cho những người chết trong Đức Kitô đang được tinh luyện (8). Ngoài lễ Misa, các tín hữu còn có những hình thức độ vong khác (9) như cầu nguyện, bố thí và làm các việc đạo đức (10). Người còn sống có thể đền tội thay cho họ bằng những hy sinh hãm mình, chấp nhận những đau khổ Thiên Chúa gửi đến một cách vui vẻ, vì một chi thể có thể đền tội thay cho một chi thể khác trong cùng một thân thể, vả lại, tội không chỉ có tính cách cá nhân mà còn có tính xã hội: sự liên đới chịu trách nhiệm. Đương nhiên, tín hữu còn sống càng trong sạch thánh thiện bao nhiêu thì khả năng độ vong càng hữu hiệu bấy nhiêu: một chi thể «chết» không thể giúp cho một chi thể khác «sống» được.
Mọi việc độ vong đều phải qua tay Thiên Chúa, chứ không trực tiếp ảnh hưởng tới các linh hồn. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn luôn tự do. Sự độ vong của chúng ta không phải là một pháp thuật có sức ép buộc Thiên Chúa phải tha cho các linh hồn theo ý ta, hay ảnh hưởng tới Thiên Chúa một cách máy móc, tự động theo những định luật.
Việc độ vong trong Giáo Hội bắt nguồn từ việc làm của Giuđa Macabêô theo như đoạn Kinh Thánh 2 Mcb 12, 40-60. Thời đó, sau một trận đánh, có một số binh sĩ Do Thái tử trận. Khi lục soát các tử thi, người ta tìm ra dưới áo họ ẩn dấu các đồ vật để cúng tế các thần ngoại lai mà luật cấm. Người Do Thái tin rằng tuy họ chết đi khi mang tội đó, nhưng họ vẫn được cứu rỗi. Họ cầu nguyện để xin Chúa tha tội cho những người ấy. Rồi họ quyên góp 2. 000 quan tiền nhờ Giuđa gửi lên Giêrusalem để tế lễ chuộc tội. Bản văn khen ông: «Đó là việc làm rất tốt lành và có giá trị cao quí do tin vào việc sống lại, vì nếu không tin vào sự sống lại thì cầu nguyện cho người chết là uổng công vô ích. Nếu ông nghĩ tới phần thưởng dành cho họ thì quả là tư tưởng lành thánh và đạo đức. Vì thế, ông đã dâng lễ xá tội để người quá cố được tha thứ tội lỗi».
Quan niệm của Phật giáo
Luật luân hồi và nhân quả
Trước hết, người Phật tử quan niệm cuộc đời hiện tại không phải là kiếp sống duy nhất của mình, mà chỉ là một trong hàng trăm ngàn kiếp sống kế tục nhau như những mắt xích trong cả một chuỗi xích dài vô tận. Kiếp hiện tại là quả của kiếp quá khứ mà cũng là nhân cho kiếp tương lai. Nghĩa là nếu kiếp này mình làm lành thì kiếp sau gặp hiền, làm ác thì kiếp sau gặp dữ. Bất cứ một động tĩnh nào trong tư tưởng, lời nói, hay việc làm xảy ra nơi con người, đều có nguyên nhân trong quá khứ và đều gây ra hậu quả trong tương lai. Đó là luật nhân quả. Chuỗi nhân quả không bao giờ chấm dứt. Vì thế, con người chết đi để bắt đầu một cuộc sống mới, một kiếp khác. Và cuộc sống mới này mang hình thức nào tùy thuộc cái nghiệp đã gây ra trong những kiếp trước. Đó là luật luân hồi.
Lục đạo
Luân hồi có sáu nẻo, gọi là lục đạo, tức sáu cảnh giới, sau khi chết, con người sẽ phải đầu thai vào một cảnh giới trong đó. Lục đạo gồm có: Thiên, Nhân, Atula, Ngạ quỉ, Súc sinh, Địa ngục (xếp theo mức độ từ sướng tới khổ).
– Thiên: cảnh giới của loài «thiên thần» tốt lành, vô hình đối với con người, vì mang thân xác vi tế hơn con người, sống trong những điều kiện dễ dàng hạnh phúc hơn, đời sống cũng lâu dài hơn con người rất nhiều.
– Nhân: cảnh giới của con người, điều kiện sống khó khăn hơn, nhưng lại là cảnh giới thuận tiện nhất để tu giải thoát, nhờ có sự quân bình tương đối giữa sướng và khổ.
– Atula: cảnh giới của một loài «thiên thần» xấu, là những sinh linh nhiều tham vọng, ham quyền lực, kiêu căng, ghen ghét, ganh tị, v.v… nên thường xuyên có chiến tranh, và những đau khổ thiên về tinh thần. Họ cũng vô hình dưới mắt con người tương tự như những sinh linh trong cảnh Thiên, nhưng họ phải chịu nhiều đau khổ.
– Ngạ quỉ: (11) cảnh giới của những sinh linh tham lam vật chất, của cải, tiền bạc, lạc thú vật chất như ăn uống, nhục dục… Lúc nào họ cũng khao khát những thứ đó mà không bao giờ được thỏa mãn, khiến họ luôn luôn khổ đau. Họ cũng là những sinh linh vô hình dưới mắt con người.
– Súc sinh: cảnh giới của loài vật mà chúng ta vẫn thấy: thú vật, chim chóc, cá… ít hiểu biết, kém ý thức. Đời sống thấp kém, hầu như không có đời sống tinh thần. Thường xuyên sống trong sợ hãi, có thể bị thú khác hoặc bị người giết ăn thịt, hoặc có thể bị thúc đẩy đi giết các thú khác. Tất cả đều sợ đói.
– Địa ngục: Cảnh giới của những sinh linh độc ác, hận thù, ích kỷ, ghen ghét, hay giận dữ, hay gây đau khổ cho người khác. Họ cũng vô hình dưới mắt con người. Họ phải chịu những cực hình rất đau đớn, khắc nghiệt. Đời sống trong các địa ngục dài hay ngắn tùy theo từng địa ngục khác nhau, tùy theo sự trầm trọng của điều xấu họ đã làm cho người khác.
Tất cả các cảnh giới trên đều bị chi phối bởi luật vô thường, nên không có ai cứ được hay phải ở mãi trong một cảnh giới nào, vì không có một điều phúc đức nào vô cùng để đáng thưởng đời đời, mà cũng không có một tội ác nào vô cùng để đáng bị phạt đời đời cả. Do đó, sinh linh cứ tái sinh, cứ bị trôi lăn trong lục đạo đó mãi. Chỉ có những con người biết tu tập trí tuệ để giác ngộ được con đường giải thoát mới ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó.
Trong lục đạo, chỉ có hai cảnh giới được coi là sướng, là cảnh giới thiên nhân, nhưng cảnh giới nhân là quí hơn cả. Xét về hạnh phúc thì cảnh giới thiên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhưng chính vì thế, mà họ bị ru ngủ không muốn đi tìm sự giải thoát thật sự, để rồi khi họ hưởng hết phúc lành, thì họ lại rơi vào một cảnh giới khổ hơn. Các atula thì tâm trí bị thu hút vào việc tranh cãi và hơn thua. Các ngạ quỉ thì quan tâm đến những thèm khát không được thỏa mãn. Súc sinh thì u mê chỉ nghĩ đến thức ăn và thỏa mãn tính dục. Còn sinh linh ở địa ngục thì bị hành khổ đủ cách nên không có đầu óc đâu mà nghĩ đến đạo giải thoát. Chỉ có con người sướng khổ tương đối quân bình, nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát tâm đi tìm con đường giải thoát. Chỉ có con người là có nhiều tự do quyết định hơn cả, có đầu óc sáng suốt hơn cả để có thể đạt tới trí tuệ giải thoát. Nên trong lục đạo, chỉ có con người là có nhiều cơ may, nhiều khả năng để thành Phật nhất. Do đó, theo Đức Phật, được làm người là cả một cơ hội quí báu, không nên uổng phí (12).
Việc độ vong
Trong Phật giáo, không có chỗ đứng cho một Thiên Chúa sáng tạo, một Thiên Chúa điều khiển và chi phối mọi sự. Tất cả đều xảy ra theo qui luật của vũ trụ. Một người bị rơi vào địa ngục hay đầu thai vào cảnh giới nào hoàn toàn không do một Đấng Tối Cao nào phán xét và định đoạt cả. Cũng y như một người sử dụng dao không khéo bị đứt tay, hay một người ích kỷ bị mọi người ghét, một người vui vẻ được nhiều người thương. Đó là luật nhân quả tác động một cách khách quan như bao định luật khác. Việc độ vong cũng chỉ dựa vào định luật mà cứu, chứ không cầu khần ai được cả. Cũng như muốn cứu một người bị điện giật, bị bệnh ung thư… điều quan trọng là có biết cách cứu hay không, có biết những định luật về điện hay về bệnh tật hay không. Định luật có nhiều thứ, vật lý, tâm lý, siêu vật lý, siêu tâm lý…
Quan niệm của người Phật tử về việc độ vong căn cứ trên câu chuyện trong kinh Vu Lan: Mục Kiền Liên được Đức Phật chỉ dạy cách cứu mẹ mình – là bà Thanh Đề – thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Phật dạy ông mời những vị cao tăng vừa «an cư kiết hạ» (13) suốt ba tháng xong, tới chú nguyện để vong linh mẹ ông chuyển tâm địa độc ác thành tâm địa lành, nhờ đó mà thoát khỏi kiếp ngạ quỉ, sinh vào cảnh giới hạnh phúc hơn.
Trong việc cứu bà Thanh Đề, mẹ của Mục Kiền Liên, Phật đã áp dụng tới sức mạnh của sự chú nguyện (14) của rất nhiều người có năng lực tinh thần rất mạnh (các cao tăng sau thời gian tinh tấn tu hành – ba tháng «linh thao») để tác động vào bản thân của Bà Thanh Đề khiến bà thay đổi tâm địa (từ tâm ích kỷ bỏn xẻn độc ác, thành tâm vị tha quảng đại từ bi). Tâm thay đổi thì sướng khổ cũng thay đổi theo như câu: «Tội tùy tâm sinh, tội tùng tâm diệt», hay «Khổ tùy tâm sinh, khổ tùng tâm diệt». Nhờ vậy bà thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ sinh vào cảnh giới lành, không có sự can thiệp của thần linh nào vào đây cả.
Lễ Vu Lan cũng như tháng 7 âm lịch là dịp để cho người Phật tử đặc biệt làm công việc cứu độ ấy bằng sự chú nguyện, không những cho cha mẹ ông bà tổ tiên mình, mà còn cho nhiều người khác nữa.
Sự đồng dị giữa hai quan niệm
Những điểm tương đồng
· Điểm căn bản nhất là cả hai tôn giáo đều cho rằng các tín đồ còn sống đều có thể cứu độ những vong linh quá cố.
· Những đau khổ sau khi chết đều là kết quả của những việc làm sai trái, không hoàn hảo của đương sự khi còn sống. Vì điều thiện sinh quả lành là hạnh phúc, điều dữ sinh quả dữ là đau khổ.
· Mỗi năm, cả hai tôn giáo đều có một ngày lễ đặc biệt để tưởng nhớ và cứu độ người quá cố, thậm chí dành ra cả tháng để làm công việc này.
· Việc cầu nguyện của Kitô hữu, hay việc chú nguyện của Phật tử để độ vong có hữu hiệu hay không thì tùy thuộc vào lòng thành tâm, sự trong sạch, thánh thiện hay mức độ tu luyện tâm linh của tín hữu còn sống. Và nhiều người cùng họp nhau cầu nguyện hay chú nguyện thì việc độ vong có kết quả hơn.
· Việc độ vong trong cả hai tôn giáo đều được coi là bổn phận của những người còn sống, để tỏ lòng thảo hiếu đối với ông bà cha mẹ cũng như cửu huyền thất tổ, để tỏ lòng biết ơn đối với các ân nhân, và lòng từ bi bác ái đối với những vong linh khác, nhất là những vong linh mồ côi.
Những điểm dị biệt
· Theo Phật giáo, mọi việc lành dữ của con người đều gây ra những hậu quả tốt xấu theo định luật tự nhiên trong vũ trụ, không có ai xét xử hay luận phạt cả. –– Còn theo Kitô giáo, Thiên Chúa là Đấng xét xử mọi việc làm và thưởng phạt công bằng. Như thế, một đằng chỉ có định luật tự nhiên tác động một cách máy móc, một đằng là có Đấng cầm cân nảy mực.
· Kitô giáo quan niệm chỉ có hai «đời»: đời này và đời đời (vĩnh cửu). Đối với những người tốt lành nhưng chưa hoàn hảo thì còn một giai đoạn trung gian để chịu những đau khổ thanh luyện. Việc độ vong chỉ nhắm đối tượng là những người này, chứ không độ vong cho những người đã hưởng mặt Chúa hay vĩnh viễn phải xa lìa Chúa. –– Còn Phật giáo quan niệm có vô số kiếp liên tục tiếp theo nhau, không có giai đoạn trung gian (15). Trừ những người tu giải thoát hay thành Phật, tất cả mọi người đều phải đầu thai lại vào một trong sáu nẻo của lục đạo. Việc độ vong chỉ nhắm tới những người đang đau khổ từ kiếp người trở xuống. Không có một sinh linh nào đáng thất vọng vì bị hư mất đời đời đến nỗi không độ vong được.
· Việc độ vong của Phật giáo là dùng sức mạnh tinh thần của việc chú nguyện để ảnh hưởng trực tiếp tới tâm địa của những người đang bị đau khổ trong kiếp sau của họ, hầu trợ thêm sức lực tâm linh cho họ để họ thay đổi tâm địa từ xấu thành tốt. Nhờ vậy họ thay đổi được số phận. Như vậy cũng là áp dụng những định luật tâm linh vốn tác động một cách máy móc để đạt mục đích. Người sống cũng có thể nhờ những người khác có nhiều năng lực tinh thần hơn – càng đông càng tốt – để chú nguyện thay cho mình. Những người khác đó có thể là những người đang cùng sống với mình, mà cũng có thể là những vị Phật hay Bồ Tát hoặc đang ở một cõi nào đó hoặc đang hiện thân làm người đồng thời với mình. Việc cầu siêu chính là nhờ những vị «thánh» ấy chú nguyện dùm. –– Còn người Kitô hữu dùng lời cầu nguyện, những việc đạo đức, những việc thiện, sự hy sinh hãm mình, và nhất là dâng thánh lễ hay xin lễ để cầu xin Thiên Chúa, hoặc gián tiếp nhờ các thánh cầu bầu cùng Chúa. Thiên Chúa sẽ tác động tới các linh hồn đang thanh luyện cách nào đó để họ vẫn trở nên hoàn hảo xứng đáng hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa, nhưng được giảm phần đau khổ do thanh luyện. Mọi sự đều hoàn toàn tùy thuộc vào tình thương của Thiên Chúa chứ không theo định luật tự nhiên nào tác động cách máy móc cả. Người sống không thể tác động trực tiếp tới các linh hồn được.
Để kết luận
Việc độ vong trong Kitô giáo và Phật giáo có những nét tương đồng và dị biệt: tương đồng ở những nét rất căn bản, còn khác biệt ở những nét phụ thuộc. Cả hai bên đều tin tưởng rằng chết không phải là hết, mà là bước vào một cuộc sống khác. Cả hai đều nói lên sự liên hệ giữa người sống và người chết. Người còn sống và người đã chết tuy sống trong hai cảnh giới khác biệt, nhưng vẫn có thể lo lắng cho nhau, biểu lộ tình yêu thương, sự quan tâm lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, làm lợi cho nhau.
Chính nhờ niềm tin ấy, mà trong tâm tư người còn sống, thì người đã chết dường như vẫn sống, vẫn hiện diện một cách nào đó bên người sống. Vì thế, người còn sống nhiều khi vẫn nói chuyện với người đã khuất, và tin tưởng rằng người đã khuất kia vẫn nghe được lời của họ. Nhiều người chết đã lâu, cả hàng mấy chục năm, nhưng người sống vẫn luôn luôn nhớ tới trong kinh nguyện, trong lời nguyện cầu. Nhờ vậy mà người chết vẫn cứ sống mãi trong lòng người còn ở lại trần thế. Chính tình yêu giữa người sống và người chết đã làm được như thế.
Chỉ có sự quên lãng, do thiếu tình yêu, hay do tình yêu quá phai lạt của người còn sống đối với người đã chết, mới làm cho người chết chết thật sự. Nghĩa là làm cho người chết không còn hiện diện trong tư tưởng của người sống nữa. Vì thế, sự hờ hững, quên lãng của người còn sống đối với người đã khuất khiến cho người chết chết thêm một lần nữa.
 GS. Nguyễn Chính Kết
Chú thích
(1) Độ vong: cứu những linh hồn đã quá cố đang đau khổ vì hình phạt.
(2) DS 856/464.
(3) Xem DS 1580 / 840; 1620 / 983; 1867 / 998, v.v…
(4) Tạm gọi như thế. Thật ra, Thiên đàng, luyện ngục hay hỏa ngục không phải là những nơi hiểu theo nghĩa không gian vật lý cho bằng là những tình trạng tâm linh hoặc tâm lý. Chẳng hạn Thiên Đàng là tình trạng tâm linh hoàn toàn hạnh phúc, không còn một chút đau khổ, của những tâm hồn hoàn hảo, thánh thiện, còn Hỏa Ngục là tình trạng tâm linh hết sức đau khổ của những tâm hồn độc ác, xấu xa, ích kỷ…
(5) Đức Innôcentiô IV (1243-1254)và Đức Clêmentê VI (1342-1352). Lửa ở đây là lửa mầu nhiệm, vừa là vật chất vừa là tinh thần, vì có thể vừa đốt được thân xác mà vừa đốt được cả linh hồn.
(6) Xem DS 1488 / 778.
(7) Xem DS 1753 / 950.
(8) Xem DS 1743 / 940.
(9) Xem DS 1820 / 693.
(10) Xem DS 856 / 464.
(11) Nguyên nghĩa là quỉ đói.
(12) Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Phật Đạo (phẩm 8) nói rõ điều đó.
(13) An cư kiết hạ: là thời gian Phật qui định cho chư tăng ở mỗi địa phương phải hội về một nơi thuận tiện để chuyên tu mỗi năm, từ 16-4 đến 15-7 âm lịch. Tương tự như tĩnh tâm, cấm phòng, hay linh thao bên Kitô giáo.
(14) Chú nguyện: (chú: chú ý, tâp trung tư tưởng hay năng lực tinh thần vào việc gì; nguyện: cầu mong, ước muốn) Khác với cầu nguyện ở bên Kitô giáo, chú nguyện là tập trung hết năng lực tinh thần của mình để ước muốn điều gì, năng lực được tập trung lại đó nếu đủ có thể làm biến chuyển, thay đổi tình thế. Đây là vấn đề sức mạnh của tư tưởng mà các nhà tâm lý học hiện đại đều công nhận.
(15) Tuy nhiên, cũng có những giáo phái Phật giáo tin có giai đoạn trung gian giữa lúc chết và lúc đi đầu thai. Giai đoạn này lâu hay mau tùy theo từng trường hợp.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang