Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Tương quan với nữ giới: Một góc nhìn về sự trưởng thành nhân bản


Posted on jostran on Tháng Tám 12, 2012
 
Dẫn nhập
Thiên Chúa tạo nên người nam với những nét đặc thù riêng và người nữ với những phẩm tính đặc trưng. Để có một cuộc sống tròn đầy, hai người nam nữ phải kết hợp mật thiết với nhau bằng cả cuộc đời. Sự khác nhau của hai giới sẽ bổ túc cho nhau trên  nhiều phương diện cuộc sống, cách riêng là mặt tình cảm để làm cho cuộc sống thăng hoa hơn. Tuy nhiên, người chọn đời sống tu trì hoàn toàn không được biểu lộ tình cảm như người sống đời hôn nhân. Trong các mối tương quan với người khác giới, người ứng sinh linh mục làm sao để có những ứng xử giao tiếp đúng với đấng bậc và sứ vụ của mình. Mẫu gương đời dâng hiến của Đức Kitô luôn ý nghĩa cho người theo Ngài để xử sự và vươn lên trong mọi hoàn cảnh nhằm trưởng thành tình cảm và tâm linh. Nhưng con người lại luôn mang sẵn trong mình những yếu đuối bản năng, những ham muốn phái tính, sự yếu đuối luôn rình rập đe dọa những người thánh hiến bất cứ lúc nào. Dân gian vẫn hay mỉa mai: “lòng muốn hướng thiện, nên mới ngồi thiền, nhưng vì chưa thiến, nên toàn chỉ thiên”. Tương quan với người khác giới của người sống tu trì là vấn đề nhảy cảm và dễ gây hiểu nhầm.

Là ứng sinh linh mục, người trẻ phải làm thế nào để trưởng thành phái tính trong đời tu, làm thế nào để tạo mối tương quan tốt với nữ giới? Để rồi từ đó người tu sĩ sống đời dâng hiến trọn vẹn hơn và hướng chiều bản thân minh theo chiều kích tâm linh đồng thời qua đó giới thiệu Chúa cho mọi người.
1. Trưởng thành tình cảm để sống tròn đầy
Tình cảm vẫn thường hiểu là một hiện tượng tâm lý chủ quan do nhiều nguyên nhân gây nên. Nó thường làm chúng ta phản ứng vô thức hay có chủ ý đối với những gì xung quanh và mang đến kết quả tích cực hay hậu quả tiêu cực đồng thời cũng làm trỗi dậy trong con người những bản năng. Tình cảm tự thân không tốt không xấu, người ứng sinh cố gắng trưởng thành nó để hoàn thiện khả năng yêu thương của bản thân đồng thời qua đó trưởng thành toàn vẹn con người. Chúng ta cần điểm qua một vài nhận định của những học giả đi trước về người trưởng thành. “Người trưởng thành là người biết yêu và trách nhiệm về chính bản thân mình: có nghĩa vụ làm cho mình lớn lên và triển nở tới mức độ sung mãn. Dĩ nhiên đây không phải là thứ tình yêu khép kín và quy ngã, mà là thứ tình yêu rộng mở”. Dưới một góc nhìn khác về trưởng thành tình cảm thì, “người trưởng thành tình cảm là người tập luyện, trong sự cô tịch được đảm nhận, giữ tất cả chỗ của mình, nhưng không gì hơn chỗ của mình”. Vậy, người trưởng thành trên hết phải ý thức trách nhiệm về bản thân, cần rèn luyện để giữ thế quân bình bản thân, nhất là nhà tu trong mọi không gian và thời gian luôn thể hiện đúng cung cách và tác phong của mình.
Là con người, chúng ta nên biết chấp nhận trọn vẹn bản tính nhân loại của mình, kể cả bản năng tính dục. Thừa nhận sự thật là biết rõ về mình để tránh những vấp ngã để thay đổi để làm cho mình lớn lên. Nếu phủ nhận, điều đó sẽ không giúp ích cho quá trình trưởng thành, bởi “loại bỏ bất cứ chức năng nào của thân xác là loại bỏ toàn thể con người mình”. Nếu muốn có tương quan tốt với người khác giới thì nhất quyết người ứng sinh cần trưởng thành tình cảm. Để trưởng thành nhân bản có nhiều cách và nhiều phương thế giúp ta như: sống coi trọng giá trị hơn nhu cầu, có lòng tự trọng, biết xấu hổ trong vai trò đấng bậc của mình…, về mặt siêu nhiên biết kết hợp với Chúa bằng đời sống thiêng liêng, đón nhận các bí tích để ta đủ sức mạnh noi theo khuôn mẫu hoàn hảo là Đức Giêsu Kitô.
Dù người ứng sinh có trưởng thành mấy đi nữa cũng không chối bỏ được bản năng giới tính của mình. Bản năng phái tính luôn gắn liền nơi con người và nếu không cảnh giác người ứng sinh có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Người ứng sinh có trách nhiệm thì không cho phép để mình đi chệch ra ngoài con đường đang theo đuổi, luôn luôn ý thức về bản thân mình, bởi vì “chính con người mới có tình yêu sinh dục. Nhưng để là con người thì không nhất thiết phải ứng xử theo tình dục. Một người trưởng thành có thể không tự cho phép mình ứng xử theo tình dục, huống chi là một người sống đời thánh hiến trưởng thành”. Khi đã quyết chọn đời tu, điều đó đồng nghĩa từ bỏ hết những cách thể hiện tình cảm khác ngoài nhà tu. Trong mọi trường hợp hãy tự xác định mục đích của cuộc đời, xem mình thật sự tin và theo Chúa trọn vẹn chưa.
2. Tương quan lành mạnh với nữ giới
Ngày nay, chúng ta không nghi ngờ gì về vai trò của người nữ trong sự đóng góp xây dựng Giáo Hội và xã hội. Mọi người đều được mời gọi nêu cao tinh thần bình đẳng tôn trọng người phụ nữ. Hơn ai hết, người ứng sinh phải biết ứng xử, tương quan tốt với người khác giới để giữ lấy hình ảnh của mình, mang lại sự tự do cho bản thân và người khác, đồng thời tôn trọng và hòa điệu với các giá trị nhân bản để làm sáng tỏ lên giá trị Tin Mừng.
* Tránh các thái cực
Khi tiếp xúc với nữ giới bất cứ ở độ tuổi nào ứng sinh cần tránh hai thái cực: một là thái độ quá quyến luyến vồ vập hay là sở hữu thân mật, hai là với cái nhìn khắt khe khó chịu và thiếu tôn trọng khi tiếp xúc với họ.
Nếu người ứng sinh gặp gỡ người khác bằng sứ vụ yêu thương của Thiên Chúa nhưng lại thân mật bằng thể lý thì đó là sự đại họa cho đời tu. Sự thân mật của người độc thân thánh hiến phải luôn dành cho tất cả mọi người, bởi tình yêu người độc thân thánh hiến không hướng tới một người duy nhất. Vì ứng sinh là người hướng tới chức linh mục và sẽ phản ánh “hình ảnh sống động và trong suốt của Đức Kitô Linh Mục”. Trong tâm thức người giáo dân, bản chất người đi tu gắn liền đời sống độc thân và nhất thiết người ứng sinh không được quan hệ thân thiết với bất kỳ người nữ nào. Nếu ứng sinh thân thiết quá mức với một ai đó người dân không những có cái nhìn khác về họ mà còn sẽ hiểu nhầm. Trên hành trình tiến đến chức thánh người ứng sinh cần ghi nhớ “họ phải thấu hiểu nét ưu việt của đức trinh khiết dâng hiến cho Chúa Kitô, để vì thế tận hiến trọn hồn xác cho Chúa bằng một quyết định đã được cân nhắc chín chắn và đại lượng”. Vậy nên, trong thời gian đào tạo người thụ huấn phải cố gắng rèn luyện, xác tín và thực hiện những yêu cầu đã được thiết định trên con đường mình đang đi.
Mặt khác, có nhiều người lại nhìn nữ giới bằng cái nhìn khắt khe, khó chịu đến nỗi gắt gỏng. Có người xem phụ nữ là “bảy quỷ”, không ít người sống đề phòng giới nữ như “rắn độc thì nhỏ cũng độc”. Cách nhìn này dường như phủ nhận vai trò của nữ giới và không tôn trọng họ, xem nữ giới như đối tượng phá vỡ ơn gọi của mình. Người theo lối hành xử này vẫn tự xem mình là cứng rắn, can đảm và trung thành với ơn gọi tuyêt đối. Nhưng xem ra đây lại là cách gồng mình để đánh lừa suy nghĩ nội tâm, tự mặc cho người khác phái những hình ảnh “độc dữ” để in hằn sự lừa dối cảm giác cho mình, với lối cư xử này hóa ra chưa trưởng thành và rất yếu đuối.
Cả hai cách tiếp cận trên chưa thể hiện được sự quân bình bản thân, một là thể hiện tâm hồn hời hợt với đời sống thiêng liêng, thiếu tình thương và tình liên đới với anh em trong cộng đoàn để rồi vươn ra ngoài tìm sự thân mật bù trừ. Hai là thiếu trưởng thành liên vị, thiếu tình thương và sống độc đoán không nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô nơi người khác giới để rồi không tôn trọng họ.
* Thái độ tích cực khi tương quan
Để sống tốt và nuôi dưỡng lý tưởng độc thân vì nước trời, người ứng sinh phải tập làm quen và xây dựng cách nhìn về người khác giới cách trong sáng và sâu xa đồng thời khước từ dứt khoát lời mời gọi sống đời hôn nhân. Xem người khác giới như Thánh Phaolô trong thư Timôthê đã đề cập: “đối xử với các bà cụ như là mẹ, và với các thiếu nữ như chị em với tấm lòng trong sạch”, yêu thương và thật lòng tôn trọng họ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng họ trong cương vị người tông đồ. Nếu làm được như thế người ứng sinh sẽ ấm lòng và gần gũi được với mọi người, mang lại cho mình một lối sống đơn sơ, và ngày càng nên giống Thầy Chí Thánh của mình.
Hơn nữa, trong tương quan cần coi trọng giá trị của mình cũng như của người khác, trào lưu sống hôm nay dường như người ta đi ngược lại với giá trị nhân văn để chạy theo nhu cầu hưởng thụ. Khi tương quan với người khác giới, ứng sinh linh mục cần nêu bật đươc giá trị của mình bằng những câu hỏi: “tôi là ai?”, “là ứng sinh linh mục tại sao lại như thế?”, “cái đó phù hợp với tôi không?” điều đó sẽ góp phần giữ gìn giá trị bản thân cũng đồng nghĩa coi trọng giá trị người khác.
Khi tiếp xúc với người khác phái, phải xử sự cách nhẹ nhàng và nghiêm chỉnh, tránh gây tổn thương hoặc làm mất lòng, tránh nói những lời thô tục nghĩa từ không trong sáng dễ làm gương xấu, thậm chí kể cả cách ăn mặc cũng phải phù hợp để hình ảnh người chủng sinh trên đường theo Đức Kitô không bị băng hoại. Cần có thái độ tôn trọng, nhờ đó các ứng sinh sống hài hòa, cởi mở, thân thiện, đối thoại và liên đới với người khác giới. Nếu có những trao đổi gặp gỡ, ứng sinh nên chọn địa điểm phù hợp, thời gian hợp lý có khoảng cách và giới hạn nhất định về thể lý cũng như tâm lý, luôn luôn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa khắp mọi nơi để làm chủ cơn sóng u ẩn bất kham. Tất cả nhằm tránh hiểu nhầm cho người khác và giảm thiểu những xáo trộn trên đường hoàn thiện tình cảm, trong tương quan giao tiếp biết Chúa, hiểu mình và hiểu người chắc chắn sẽ lành mạnh tốt đẹp.
c.  Tình bạn và thái độ độc hữu trong đời tu
Xã hội hiện thời có rất nhiều mối nguy hiểm đe dọa đến đức khiết tịnh, có nên chăng người ứng sinh cần những tình bạn khác giới? Khi mà khoảng cách trắng đen mập mờ dễ làm cho cuộc sống độc thân nguy hại, người ứng sinh cần suy xét kỹ càng đừng để làm tổn hại đến đời sống và công việc của người độc thân.
Tuy nhiên, trong đời tu không nhất thiết sống “kiểu đổ bêtông” là không tạo lập tình bạn với người khác giới, nhưng để có một tình bạn đẹp nhất thiết phải trưởng thành tình cảm ở một mức độ nào đó… “Đối với nhiều người, tình bạn nam nữ quả thật đáng nghi ngại, dễ bị biến thái thành tình dục hơn là tình bạn. Tuy nhiên, vẫn có những tình bạn danh tiếng trong Giáo Hội như Phanxico Assisi và Clara, giữa Phanxico Sale và Gioana Santan, Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila, v.v… Tình bạn đã làm cho cuộc đời họ nên phong phú”. Cần nói rõ rằng chính tình bạn khác phái này sản sinh cho ta thêm năng lưc nội tâm, giúp ta thêm cảm xúc yêu thương có lòng trắc ẩn và biết quan tâm người khác hơn. Phải chăng tình bạn khác giới là kênh lan truyền cảm hứng sống mà Thiên Chúa không muốn cắt đứt khi Ngài đã dựng nên nó?
Đời độc thân thánh hiến không tồn tại thân mật riêng tư. Khi quyết tâm theo Chúa và sống cho giáo hội thì ứng sinh phải tự nguyện chấp nhận những yêu cầu đã đươc thiết định, một trong những yêu cầu đó là không được thể hiện tình cảm như cảnh đời hôn nhân. “phải biết dung nạp sự từ khước đời sống hôn nhân, sao cho cuộc đời và công việc của họ không những không bị thiệt thòi do bậc độc thân gây ra, nhưng hơn thế nữa, họ làm chủ được hồn xác, phát triển được sự trưởng thành trọn vẹn hơn, và đạt đươc hạnh phúc Phúc Âm cách toàn hảo hơn” Nếu người ứng sinh tìm cho mình sự độc hữu khác giới, điều đó cũng sẽ đem đến sự dằn vặt trong quá trình trưởng thành và tiến tới thừa tác vụ thánh. Sự yếu đuối và mối nguy hiểm sẽ đè bẹp người ứng sinh, đừng quên rằng con người luôn tồn tại bản năng và muốn đáp ứng những ham muốn đòi hỏi. Tất cả chúng ta biết và hiểu “tính dục là tặng phậm của Tạo Hóa nhưng cũng là nhiệm vụ liên quan sự phát triển con người tới mức chín muồi. Khi nó không được tích hợp trong con người, tính dục trở nên tầm thường và hủy diệt”. Nên tập thói quen sống hòa đồng với mọi người, cách riêng với nữ giới ở mọi lứa tuổi, đừng cố gắng lựa chọn cho riêng mình một ai đó với bất cứ lý do gì, bởi nếu chỉ một người thì đó là tình bạn dành riêng ít thấy tồn tại nơi môn đệ Chúa Kitô.
Kết luận
Tương quan lành mạnh với nữ giới, điếu đó hết sức cần thiết và quan trọng, nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay. Một số người chạy theo tính dục và coi nó là “number one”. Người ứng sinh phải can đảm đứng lên lội ngược dòng đời để minh chứng rằng “đời sống độc thân đáng hân hoan đón nhận,… là ân huệ quý giá của Thiên Chúa mà họ phải khiêm tốn cầu xin và phải mau mắn đáp ứng với tự do và quảng đại”. Người sống đời dâng hiến, không những tương giao tốt mà còn giúp mọi người trưởng thành hơn khi tiếp xúc với mình. Người ứng sinh cố gắng rèn luyện đời sống thiêng liêng, gắn kết ngày càng mật thiết với Đức Kitô để mang hương Kitô lan rộng và bao phủ trên các khía cạnh cuộc sống. Khi đời sống thiêng liêng tròn đầy và tình liên đới anh em cộng đoàn sung mãn cùng với xác quyết mục đích đời tu rõ ràng, điều đó ắt sẽ giúp chúng ta tương quan tốt với người khác giới.
Ai đó đã nói một lời đáng để chúng ta suy nghĩ “mãnh lực của sắc đẹp không tự nơi đàn bà, mà ở nơi sự yếu đuối của những đàn ông nhìn ngắm họ”. Là chủng sinh xin đừng để “ngọn lửa” dâng hiến bị vùi tắt, hãy vun xới cho mình trở nên can đảm, mạnh mẽ hơn.
GB. Nguyễn Xuân Giáp, Tiền chủng viện Xã Đoài
Tài liệu tham khảo
1. Gm. Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, Đức tin và văn hóa 2005,
2. Philomena Agudo, fmm, I chose you, chuyển ngữ Nguyễn Ngọc Kính, ofm, nhà xuất bản phương đông,
3. Micae Trần Minh Huy, Đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng của linh mục tương lai trong bối cảnh Việt nam ngày nay, xuất bản và giữ bản quyền Học viện đời sống thánh hiến tại Á Châu,
4. Tông huấn  Pastores Dabo Vobis,
5. Thánh công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đào tạo linh mục, 10,
6. L.m Thái Nguyên, Huyền nhiệm của tình bạn,  www.simonhoadalat.com,

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang