Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Tấm Khăn Liệm thành Torino (2)


Phỏng vấn giáo sư Bruno Barberis
Vào hạ tuần tháng 5 năm nay giáo sư Bruno Barberis, chuyên viên nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino, đã thuyết trình các bài cuối cùng trong chương trình khóa học lấy bằng chuyên môn về khoa nghiên cứu Tấm Khăn Liệm, do đại học giáo hoàng Nữ Vương các Tông Đồ ở Roma tổ chức.
Giáo sư Barberis đã bắt đầu nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino năm 1975, và từ năm 1977 giáo sư là thành viên “Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh thành Torino” và của “Trung tâm quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm học”, là cơ quan tổ chức các cuộc nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăm Liệm. Giáo sư là tác giả của hơn 20 cuốn sách và hơn 150 bài viết về Tấm Khăn Liệm trên bình diện khoa hoc cũng như trên bình diện phổ biến kiến thức đại đồng. Các bài nghiên cứu này được đăng trên các tạp chí khoa học và nhật báo Italia và quốc tế. Giáo sư cũng đã chủ tọa 2.000 buổi diễn thuyết về Tấm Khăn Liệm trong nước Itaia cũng như tại hải ngoại.

Sau đây là phần hai cuộc phỏng vấn giào sư dành cho hãng thông tấn ZENIT ngày 9 tháng 6 năm nay.
Hỏi : Thưa giáo sư Barberis, theo kinh nghiệm của giáo sư, khoa học và đức tin đối thoại với nhau hay chống đối nhau?
Đáp: Tương quan giữa đức tin và khoa học là một đề tài vô cùng thời sự. Vì trong thời đại của chúng ta thường có các mâu thuẫn và lập trường chống đối liên quan tới các đề tài như vậy. Việc phổ biến trên Internet, các cuộc tranh luận trên đài truyền hình, các bài viết trên báo chí đã góp phần một cách đáng kể vào việc quảng bá các đề tài này, ngay cả giữa những người không bao giờ chú ý đến, hay không đọc sách về các đề tài đức tin và khoa học. Nhưng người ta cũng ghi nhận nguy cơ của việc thông tin xấu, vì rất thường khi những người được mời phát biểu về các đề tài này lại không phải là các chuyên viên, và họ cũng không có sự khách quan và phương pháp sít sao cần thiết.
Và như thế người ta thường chứng kiến các cuộc tranh luận xung đột, trong đó người ta bênh vực các ý kiến tiên thiên và hầu như luôn luôn thiếu sự nghiêm chỉnh, thiếu các lý luận và các suy diễn nghiêm xác. Do đó ít khi người ta có được các suy tư đúng đắn liên quan tới khoa học và đức tin, nhằm mục đích minh giải và kiểm thực xem có khả năng đối thoại xây dựng và hội nhập hay không. Và đây là điểm nòng cốt. Có đúng thật là khoa học và đức tin không thể hòa hợp với nhau được như nhiều người chủ trương hay không? Có đúng thật là các khám phá khoa học có thể cho phép con người hiểu biết tất cả sự thật liên quan tới cuộc sống của mình cũng như ý nghĩa của tất cả những gì bao quanh, và do đó đức tin cùng lắm chỉ là một cái gì thuần túy chủ quan và riêng tư thôi hay không?
Hỏi: Thưa giáo sư, nếu đức tin và khoa học có tương quan với nhau, thì tương quan ấy bao gồm bao nhiêu loại?
Đáp: Ông Ian Barbour, một học giả người Mỹ, đã đưa ra giả thuyết bốn loại tương quan khác nhau giữa khoa học và đức tin: tương quan xung khắc, tương quan tùy thuộc, tương quan đối thoại và tương quan hội nhập. Ngày nay, xem ra hai kiểu xung khắc và tùy thuộc thắng thế. Nhưng phải hỏi xem có thể có một cuộc đối thoại ích lợi và xây dựng, hay hơn nữa, một sự hội nhập đích thật của hai tri thức trong một viễn tượng liên ngành hay không. Đây là các câu hỏi nền tảng mà chúng ta không thể tránh né, trong tư cách là các thành phần của xã hội trong đó chúng ta sống, và như là các cá nhân phải suy tư về nền tảng cuộc sống là người của chúng ta, và về ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống trong vũ trụ mênh mông bát ngát bao quanh chúng ta.
Một trong các giáo sư thường đề cập tới vấn đề này là giáo sư Joseph Ratzinger, tức Đức Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI, trong rất nhiều sách vở, và các tài liệu chính thức cũng như các diễn văn. Các diễn văn ý nghĩa nhất đã được thu thập trong một cuốn sách hay của ông Umberto Casale tựa đề “Đức tin và khoa học. Một cuộc đối thoại cần thiết”.
Trong số các diễn văn của Đức Thánh Cha mà tôi muốn nhắc tới, có bài thuyết trình mà Đức Hồng Joseph Ratzinger đọc tại rạp hát Regio ngày 12 tháng 6 năm 1998, nhân dịp ngài đến viếng Tấm Khăn Liệm thành Torino. Đức Hồng Y Ratzinger nói: “Nếu con người không thể tự vấn một cách có lý lẽ về các điều nòng cốt của cuộc sống, về nguồn gốc, vận mệnh, về cái nó phải và có thể làm, mà phải để các vấn đề định đoạt này cho một tâm tình tách rời khỏi tôn giáo, thì khi đó nó không nâng cao lý trí, mà lấy mất đi phẩm gía của lý trí. Sự tan rã của con người được đưa vào như thế đồng thời làm nảy sinh ra bệnh tật của tôn giáo và bệnh tật của khoa học”. Rồi Đức Hồng Y nói thêm: “Không có sự lựa chọn nào khác, lý trí và tôn giáo phải trở lại với nhau, mà không tan biến trong nhau... Điều này liên lụy tới con người và liên lụy tới thế giới”.
Hỏi : Thế riêng cá nhân giáo sư, thì giáo sư nghĩ gì về vấn đề này?
Đáp : Tôi đã không bao giờ nghĩ rằng giữa đức tin và khoa học có sự không thể hòa hợp được, miễn là luôn luôn có sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai lãnh vực. Khoa học là nguồn mạch các giá trị của sự hiệp thông, chứ không phải là sự đối kháng với các giá trị của đức tin. Trong mỗi lãnh vực của khoa học, nhờ các nghiên cứu và tìm hiểu con người đã từ từ ý thức được mình là nơi chứa đựng một đặc ân duy nhất: đó là có thể đọc ra cái luận lý của Vũ trụ, nghĩa là của thực tại trong đó chúng ta sống. Đàng khác, khoa học không thể chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa, và cũng không thể chứng minh được sự không hiện hữu của Thiên Chúa. Khoa học chỉ có thể tìm hiểu các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên. Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, và nó cho phép chúng ta bước vào trong thế giới của sự siêu việt để thử hiểu biết và lãnh hội được ý nghĩa của nó.
Khoa học gia Galileo Galilei đã có các kiểu diễn tả nổi tiếng về việc phân chia nhiệm vụ giữa khoa học và đức tin và tính cách bổ túc cho nhau của chúng. Ông nói như sau: “Ý của Chúa Thánh Thần là dạy cho chúng ta biết lên trời thế nào, chứ không phải trời đi như thế nào”; “Thánh Kinh và thiên nhiên đều bắt nguồn từ Ngôi Lời Thiên Chúa: Thánh Kinh như là lời Chúa Thánh Thần đọc cho mà viết, thiên nhiên như là kẻ rất vâng lời thi hành các mệnh lệnh của Thiên Chúa”. Nếu khi đọc các chương đầu của sách Sáng Thế, mà chúng ta yệu sách tìm thấy nơi đó một miêu tả khoa học đúng đắn việc tạo thành Vũ trụ và sự phát triển của sự sống trên trái Đất này, thì chúng ta phạm một lỗi lầm lượng định nghiêm trọng. Lý do là vì các trang sách đó là một suy tư thần học tuyệt diệu đã được các soạn giả sống nhiều thế kỷ trước Chúa Kitô biên soạn ra, chứ không phải là một khảo luận về vũ trụ học.
Đức Gioan Phaolô II đã nói với các tham dự viên một đại hội các khoa học gia như sau: “Khoa học và đức tin đều có gốc rễ trong một ơn tuyệt vời mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người: đó là lý trí. Khoa học và đức tin, cả hai đều không thể thiếu để con người có thể tiến triển trong sự hiểu biết một cách trọn vẹn, bằng cách phát triển tất cả con người, chứ không phải chỉ phát triển một phần của nó mà thôi”.
Hỏi : Như thế khi áp dụng các điều trên đây vào việc nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino, chúng ta cũng phải chú ý tới hai bình diện, có đúng thế không thưa giáo sư?
Đáp: Vâng, đúng thế. Việc đọc hiểu, nghiên cứu và suy niệm về hình người trên Tấm Khăn Liệm thành Torino, một cách nòng cốt, dẫn đưa tới hai bình diện suy tư. Một đàng, việc nghiên cứu hình diễn tả một lợi ích rất cao trên bình diện khoa học. Nhất là trong bốn mươi năm qua các nhà khoa học đã tìm hiểu cặn kẽ các đặc tính và nguồn gốc của nó, bằng cách đưa ra các nghiên cứu trong các lãnh vực khác nhau của khoa học như: vật lý, hóa học, sinh học, tin học, y khoa, thống kê vv... Vì thế trong các năm này Tấm Khăn Liệm đã là trung tâm của một cuộc thảo luận rộng rãi, sôi nổi, có thứ tự trên bình diện khoa học và liên ngành.
Đàng khác, truyền thống đã luôn luôn coi Tấm Khăn Liệm như là khăn liệm xác Đức Giêsu thành Nagiarét, và trong thời gian mới hơn sau này việc đồng hóa đó đã có được các kết quả đáng kể từ các nghiên cứu chú giải Kinh thánh. Và điều này đã lôi kéo sự chú ý của lãnh vực đức tin Kitô và mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi về tương quan giữa Tấm Khăn Liệm và đức tin. Các cuộc trưng bầy mới đây vào các năm 1998, 2000 và 2010 đã góp phần vào việc minh nhiên ý nghĩa mục vụ và tinh thần của Tấm Khăn Liệm. Hai kiểu hiểu việc tìm tòi về Tấm Khăn Liệm thường gặp phải các đụng độ đôi khi chia rẽ cả các nhân viên làm việc nghiên cứu cũng như dân chúng.
Tấm Khăn Liệm là đối tượng của đức tin, của lòng sùng kính hay là đối tượng của lợi ích khoa học và nghiên cứu? Rất thường khi trong các năm qua hai kiểu tìm hiểu tấm Khăn Liệm đối nghịch nhau, như thể là một kiểu phải nhất thiết loại trừ kiểu kia, vì không thể hòa hợp với nhau. Và thế là nó đã dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng, có lẽ chưa từng có trong quá khứ, nhờ các phương tiện truyền thông tân tiến cũng như bởi sự chú ý mà các lần trưng bầy cuối cùng đã khơi dậy trên bình diện quốc tế.
Thật là nguy hiểm, khi đối chọi kiểu tìm hiểu khoa học với kiểu tìm hiểu tôn giáo, bởi vì một đàng người ta có nguy cơ giản lược Tấm Khăn Liệm thành “một đồ vật chết”, một hình ảnh chỉ có ý nghĩa trong nó và cho nó, mà không gọi hỏi cuộc sống chúng ta; đàng khác là nguy cơ biến Tấm Khăn Liệm thành một loại ngẫu tượng phục vụ cho các luận thuyết tiên thiên và bị lèo lái. Tôi xác tín sâu xa rằng phó thác việc trình bày tấm Khăn Liệm cho một kiểu tìm hiểu triệt để khoa học hay triệt để mục vụ không thôi, thì không đúng đắn, cũng không ích lợi cho những người nhận là các nhà khoa học cũng như dân chúng.
(ZENIT 8-6-2012) (2/3)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: RV)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang