Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Người Công giáo có thể học được điều gì trong tháng Ramadan của Hồi giáo?


Người đăng: DangTrinh | 23.07.2012 
 
Tháng Ramadan thiêng thánh của Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 20 tháng Bảy tại nhiều quốc gia, là một thời gian nhịn chay, cầu nguyện và sám hối, khi tín đồ Hồi giáo xa lánh các hoạt động trần thế để cố gắng sống gần Thượng Đế và lề luật của Ngài hơn.
Theo quan điểm của người phụ trách đối thoại với Hồi giáo ở Vatican, Ramadan cũng là một cơ hội để người Công giáo học nơi tín đồ Hồi giáo gương vâng phục Đấng Toàn Năng – và nhờ đó củng cố chính niềm tin Công giáo của mình.

Đức ông Khaled Akasheh hiện đang điều hành Ủy ban liên lạc với người Hồi giáo của Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn, một văn phòng được Đức giáo hoàng Phaolô VI thành lập vào năm 1964, trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II.
Đức ông Akasheh nói: Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của Vatican II là “Giáo hội nhìn nhận tất cả những gì là đúng đắn và cao đẹp trong các tôn giáo”. Vì thế Hội đồng cổ vũ một nền văn hóa trong đó bất đồng thần học không có nghĩa là không tôn trọng những gì người khác cho là thánh thiêng.
Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ, nhiều người Công giáo vẫn cảm thấy một sự căng thẳng giữa thái độ phải có là tôn trọng các truyền thống tôn giáo khác và lời Chúa Kitô mời gọi đem chân lý đến cho mọi dân tộc.
Đức ông Akasheh cho biết: “Vừa thi hành sứ mạng truyền giáo vừa đối thoại có lẽ là thách đố lớn về mặt thần học” khi giao tiếp với các tôn giáo khác.
Các chuyên gia Công giáo dấn thân trong cuộc đối thoại không đưa ra “bất kỳ lời kêu gọi rõ ràng nào mời những người khác theo tôn giáo của chúng ta, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không trung thành với đức tin và sứ vụ của mình, bởi vì khi đối thoại, chúng ta nói rõ mình là ai (bày tỏ căn tính của mình)”.
Đối với Đức ông Akasheh, người sinh ra tại Jordan và giảng dạy tại Chủng viện của Tòa Thượng Phụ Latinh ở Jerusalem, đối thoại là tiến trình làm chứng cho niềm tin của chính mình, học hỏi về những người khác và chia sẻ những mối quan tâm chung.
Đức ông nói, bài diễn văn nổi tiếng của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI năm 2006 ở Regensburg, Đức, là một phần của tiến trình đó.
Câu mà Đức giáo hoàng trích dẫn từ bài phát biểu của một hoàng đế Byzantine vào thế kỷ 14, mô tả di sản của tiên tri Mohammed là “xấu xa và phi nhân”, đã gây ra những phản ứng bạo lực ở nhiều nơi trong thế giới Hồi giáo.
Nhưng tiếp theo sau cuộc tranh luận ấy, một giai đoạn hoàn toàn mới trong cuộc đối thoại đã mở ra: Đức giáo hoàng đã gặp riêng các đại sứ của các nước có đa số người Hồi giáo và gặp các nhà lãnh đạo Hồi giáo của Italia; 138 học giả Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đã viết một thư ngỏ gửi cho Đức giáo hoàng Bênêđictô và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác đề nghị đối thoại về các giá trị được chia sẻ; và một Diễn đàn mới về đối thoại Công giáo-Hồi giáo đã được tổ chức lần đầu tiên tại Vatican vào năm 2008.
Một lần nữa, đối thoại với Hồi giáo cũng nằm trong chương trình nghị sự của Đức giáo hoàng vào tháng Chín, khi ngài gặp các nhà lãnh đạo Hồi giáo trong chuyến viếng thăm ba ngày tại Liban.
Đức ông Akasheh cho biết cuộc đối thoại liên tôn ở cấp độ thần học nên được dành cho các chuyên gia, là những người hiểu biết rõ đức tin của chính mình; được ủy thác lên tiếng chính thức nhân danh cộng đồng đức tin của mình, hiểu biết niềm tin, văn hóa và ngôn ngữ của người đối thoại; và không bao giờ thỏa hiệp về mặt thần học để đạt được đồng thuận.
Đây không phải là loại đối thoại then chốt kiểu thương lượng hay dàn xếp hòa bình, vốn dựa trên sự thỏa hiệp và nhượng bộ.
Vì vậy, nói chuyện thần học với người Hồi giáo có thể khiến cho người Công giáo bình thường gặp một số nguy hiểm.
Đức ông cảnh báo: “Có một mối nguy hiểm khi chúng ta không đủ vững vàng và đâm rễ sâu nơi căn tính Kitô giáo của mình, hoặc thiếu kiến thức cơ bản về giáo lý của tôn giáo khác, hoặc không hiểu đối thoại liên tôn thực sự cần có những gì”.
Và Đức ông Akasheh kết luận: Tình bằng hữu giữa tín hữu Công giáo và Hồi giáo là một điều tốt, nhưng cách tốt nhất trong đời sống hằng ngày để người Công giáo dấn thân cùng với người Hồi giáo lân cận, là “trở nên người Công giáo tốt hơn, người tín hữu tốt hơn”.
 (CNS, 20-07-2012)
Huy Hoàng
Nguồn: WHĐ

* Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập. Tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi từng năm, không có ngày thống nhất.
Nhiều người gọi Ramadan một cách đơn giản là “tháng nhịn ăn” hoặc “tháng ăn chay”, nhưng cả hai cách gọi đó đều không đúng, tên gọi tháng Ramadan cho là chính xác.
Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc… nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng (kể cả không sinh hoạt tình dục), nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày – cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi.
Luật của đạo cũng quy định rõ: Cho những người đang ốm, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người đang đi du lịch ở nước ngoài mà nước này không lấy đạo Hồi làm quốc giáo, được miễn trừ.
Tại một số quốc gia theo đạo Hồi còn có quy định: Đối với học sinh nhỏ tuổi, binh lính và công nhân lao động nặng thì không phải nhịn.
Ý nghĩa
Khi chuẩn bị bước vào tháng Ramadan, báo chí các nước Ả Rập cũng như các nước theo đạo Hồi, đều có những bài viết nói rõ ý nghĩa của từng quy định nói trên. Thứ nhất, nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc.
Thứ hai, hành động này nhằm luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng. Về điểm này, đây là có một sự rèn luyện rất kiên cường. Tại các nước Ả Rập, nước nào cũng có sa mạc; và thời tiết của xứ sa mạc thì nóng, khô… Nhưng suốt một ngày trong tháng Ramadan, không ai được động đến một giọt nước.
Các ngày trong tháng Ramadan được phân ra theo mức độ như sau: từ 1-10 Ramadan được coi là những ngaỳ cầu nguyện để được “sự nhân từ của Allah” (God’s Mercy) , từ 11-20 Ramadan được coi là những ngày “Allah xoá tội” (God’s Forgiveness) , từ 20-30 Ramadan được coi là những ngày cầu nguyện để “tránh phải xuống Địa Ngục (Salvation from Hellfire)
Các nước Hồi giáo đều là “xứ sở uống trà” nhưng đến các cơ quan làm việc trong tháng Ramadan, không có một chén trà mời khách, thậm chí một ngụm nước lọc cũng không có!
Mỗi buổi chiều trong suốt cả tháng Ramadan này, ở các phường trong thủ đô và các thành phố lớn, đều tổ chức những bữa ăn từ thiện. Bàn ghế được kê thành từng dãy tại vườn hoa hoặc những vỉa hè rộng.
Khoảng 17 giờ, những người nghèo mang theo cả con cái đến những tụ điểm này, ngồi vào bàn một cách rất trật tự. Mặc dù đã nhịn ăn, nhịn uống cả ngày, trước mặt lại là những hộp thức ăn đang tỏa mùi thơm và những ly nước lạnh rót sẵn, nhưng không một ai động đến, có người còn lẩm nhẩm đọc kinh Coran. Chỉ đến khi tiếng loa từ các giáo đường vang lên, đọc xong câu nguyện ở điều 1, mọi người mới bắt đầu ăn uống. Các gia đình khá giả thì tổ chức ăn ở nhà một cách linh đình.
Một thống kê của nhà nước Ai Cập cho biết trong tháng Ramadan, lượng thực phẩm tiêu thụ trong dân thường gấp 2 hoặc 2,5 lần các tháng khác trong năm.
Sau khi ăn uống, mọi người đi chơi, hoặc ra vườn hoa ngồi nói chuyện râm ran. Phải thật khuya, mọi người mới về nhà nằm nghỉ.
Khoảng 2 giờ – 3 giờ sáng, mỗi phố lại có một người mang một cái trống nhỏ, tiếng rất đanh, vừa đi thong thả vừa đánh theo nhịp ngũ liên, vừa hô to để đánh thức mọi người dậy lo nấu nướng, kịp ăn uống trước khi mặt trời mọc để sang một ngày nhịn mới.
Ramadan – Một trong năm tín điều bắt buộc
Tháng Ramadan là một trong 5 tín điều bắt buộc của những người theo đạo Hồi. Năm tín điều đó là:
Một, phải đọc to hoặc nhẩm trong miệng câu sau đây mỗi khi bắt đầu làm lễ: “Không có thánh thần nào khác ngoài Thượng Đế Allah và Mohamed là Thiên sứ của Người” (LA ELAHA ILLA-ALLAH, MOHAMMADAN RASUL-ALLAH).
Hai, năm lần đọc câu trên cũng chính là 5 lần hành lễ trong ngày vào những thời điểm đã được quy định: Sáng sớm trước khi mặt trời mọc, trước lúc giữa trưa, lúc giữa buổi chiều, lúc mặt trời vừa lặn và buổi tối trước khi đi ngủ.
Ba, đóng góp tiền từ thiện (tiếng Ả Rập gọi là Zakat). Trước kia, có những giáo chức đi thu để chia lại cho người nghèo. Nay nghĩa vụ này để tùy sự hảo tâm tự giác của tín đồ và thông thường mọi người đóng góp vào ngày cuối của tháng Ramadan.
Bốn, thực hiện những quy định trong 30 ngày của tháng Ramadan.
Năm, hành hương đến thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi. Mỗi tín đồ Hồi giáo có nghĩa vụ cố gắng để trong đời mình có ít nhất một lần hành hương đến Mecca (và cũng chỉ những người theo đạo mới được phép đến đó).

Theo Wikipedia

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang