Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Canh tân đời sống đức tin


Người đăng: | 01.07.2012

Năm thánh Giáo Hội tại Việt Nam đã bế mạc đã bế mạc một cách tốt đẹp ngày 6.1.2011. Kết thúc, nhưng cũng là khởi đầu cho công cuộc canh tân Giáo Hội bằng quyết tâm thực hiện những gì đã được suy tư, nghiền ngẫm, thảo luận, đúc kết, đặc biệt qua Đại Hội Dân Chúa tại Sài gòn từ 21-26.11.2010. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định hoàn cảnh kinh tế xã hội văn hóa, sự phát triển nói chung hiện nay đã tác động sâu rộng trên đời sống đức tin và luân lý. Đây là một thách đố lớn cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. “Nhưng chính thách đố này lại trở thành cơ hội thuận lợi thúc đẩy Giáo Hội canh tân, tự vấn lương tâm trong tư cách cộng đồng cũng như trong tư cách cá nhân, xem chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu”[1]. Giáo dục đức tin phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là tinh hoa và cùng đích của hết thảy nổ lực giáo dục gia đình, học đường và xứ đạo.

Nhằm thúc đẩy hành động, Đức Hồng Y Ivan Dias, đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trong dịp lễ bế mạc Năm Thánh tại Lavang đã có lời mời gọi Giáo Hội tại Việt Nam vạch ra những hướng đi mục vụ và truyền giáo cụ thể trong những năm sắp đến.

Năm sắp đến, như một sự quan phòng của Chúa, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI lại quyết định mở năm đức tin cho toàn thể Giáo Hội, với mong muốn Giáo Hội canh tân đời sống đức tin để tái truyền giáo và truyền giáo.

1. Đức tin truyền thống (foi de tradition)

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa đã bộc lộ trăn trở “Sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh”  truyền giáo. Sống đức tin là thể hiện lòng tin của mình ra bên ngoài bằng một cung cách sống, xuất phát từ một sự hiểu biết đạo lý, xác tín, dẫn đến hành động. Cung cách sống đạo là hiệu quả của việc giáo dục đức tin và việc thực hành đạo.

1.1. Giáo dục đức tin: học giáo lý

Công cuộc đào tạo và giáo dục đức tin nơi người tín hữu Việt Nam được thể hiện qua việc dạy và học giáo lý, tham dự phụng vụ và đời sống cầu nguyện. Dạy và học giáo lý thường được bắt đầu rất sớm từ trong gia đình. Đứa trẻ ngay khi ngồi trên gối mẹ đã tập tành chấp tay lạy Chúa, cúi đầu lạy Mẹ, ngờ nghệch làm dấu thánh giá trước tượng ảnh thánh. Lên tuổi đến trường, em vào các lớp khai tâm. Giáo xứ nào, bên cạnh tháp chuông cũng có phòng học giáo lý. Đứa trẻ cùng các bạn ê a suốt mấy năm mới đến tuổi khôn, chuẩn bị vỡ lòng, xưng tội và rước lễ lần đầu. Vốn liếng giáo lý có khi không đầy hai bàn tay nhưng nơi em đã bắt đầu chớm nở một cung cách sống đức tin. Vào nhà thờ, em giữ thinh lặng trong giờ phụng vụ, rước lễ một cách cung kính, sau rước lễ đã biết tâm sự với Chúa Giêsu: “Giêsu ơi ở cùng con luôn mãi, Chúa lìa con, con biết đâu nương nhờ”. Chẳng bao lâu nghe Cha sở gọi tên đi học Thêm sức ở tuổi 10 – 12. Dịp này cầm được cuốn sách “kinh nghĩa” địa phận Huế (sách bổn), em rất hãnh diện. Học chưa thuộc 10 phần, 8 giái, thì bìa sách đã rách nát ! Sau Thêm sức 2 hay 3 năm, qua lớp Bao đồng, em thuộc thêm được 3 nghĩa, 12 điều và, ở vài giáo xứ, cả các Kinh cầu (trừ Kinh cầu Hài Đồng, vì quá dài). Chương trình Giáo lý Bao đồng ôn tập toàn bộ giáo lý gồm các phần “giữ tin xin chịu”. “Giữ” 10 điều răn Đức Chúa Trời và 6 điều răn Hội Thánh. “Tin” các tín điều trong kinh Tin kính. “Xin” trên nền tảng là kinh Lạy Cha và việc cầu nguyện riêng. “Chịu” là nhận lãnh các bí tích và ơn Chúa.

1.2. Tập thực hành

Tháng tư năm 2004, vào các ngày 20-22, Ủy Ban Giáo Mục Đặc Trách Giáo Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phối hợp với Tòa Tổng Giám Mục Huế đã tổ chức cuộc tọa đàm về “Sống đạo theo cung cách Việt Nam – Chứng từ của người giáo dân”. Cung cách sống đạo của người tín hữu Việt Nam được mô tả qua những nét thờ phượng, kinh kệ lễ bái, với những buổi cầu nguyện đậm nét màu sắc văn hóa dân tộc như các buổi đọc kinh, nguyện ngắm với cung điệu trầm bổng phù hợp với tâm tình dân tộc Việt, những cuộc rước kiệu mang tính lễ hội với muôn hình muôn vẻ. Tất cả tạo nên một tập tục, một nếp sống đạo.

Thế là gia đình, giáo xứ là cái nôi khai sinh đức tin, là môi trường giáo dục thực hành và là một khung thành bảo vệ cung cách sống đức tin. Cộng đồng chuyển tải gia sản đức tin từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cá nhân thừa kế cách sống đức tin của tập thể. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi là “đức tin thừa kế” hay đức tin truyền thống[2], đức tin do ông bà tổ tiên truyền lại cho con cháu.

1.3. Đặc tính

Đức tin truyền thống nặng hình thức tập thể, thiếu xác tín cá vị. Đặc biệt nặng về phụng tự và luật lệ.

Nặng hình thức tập thể. Cơ chế tổ chức và việc giáo dục tôn giáo lâu đời đã hoàn hảo hóa một nếp sống đạo “cha truyền con nối”, cái cung cách thực hành cộng đồng, từ thế hệ cha ông. Tuy là những hành vi cá nhân, nhưng cùng làm chung trong một sinh hoạt tập thể. Một số nhận định của các nhà trí thức về cung cách sống đạo Việt Nam phản ảnh tình trạng đó. Trong bài tham luận dành cho tọa đàm nói trên, giáo sư tiến sĩ Đỗ Quang Hưng thuộc viện nghiên cứu tôn giáo đã trích dẫn bài viết của Tư Cù như sau: “Trong cung cách sống đạo hiện nay, nếp sống của người Kitô hữu thường được quy định bằng những luật lệ, được diễn giải thành những hành vi cụ thể: làm dấu, đọc kinh, xưng tội, sinh hoạt mùa Vọng, mùa Chay, kiêng thịt, ăn chay,… Có lẽ nhiều “chức sắc” trong Giáo Hội vẫn đặt người Kitô hữu vào vị thế như những tín hữu thời trung cổ, nghĩa là những Kitô hữu ít học và cần những hướng dẫn tỉ mỉ, rõ ràng để giữ luật bằng cách chu toàn những việc cụ thể…”. Thiếu xác tín cá vị, thiếu đời sống nội tâm. “Người Kitô hữu cố gắng giữ luật để khỏi phạm tội chứ ít hiểu rằng giữ luật là một sự tín trung với Chúa[3]

Nặng về phụng tự và luân lý  nghĩa là mới “giữ” đạo, thể hiện đức tin qua những thực hành tập thể, cùng đọc kinh, cùng rước kiệu, cùng nguyện ngắm, chú trọng đến hình thức bề ngoài hơn là gặp gỡ Chúa trong tinh thần như bạn hữu, xuất phát từ một xác tín của cá nhân. Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, một tân tòng đầy nhiệt huyết đã nhận định: “Hình như người công giáo Việt Nam chỉ mới có lòng sùng đạo (religieux, pieux), có thể là quảng đại, sẵn sàng hy sinh tài sản, thì giờ, sức lực, nhưng mới chỉ là giữ đạo chứ chưa thể hiện đạo, nghĩa là chỉ đặt nặng về phụng tự (cullte) và luật lệ chứ ít thấy có một đời sống nội tâm thiêng liêng sâu sắc (vie intérieure, spirituelle)[4].

Do đó, khi thoát ra khỏi sinh hoạt đạo đức tập thể quen thuộc, người tín hữu dễ dàng bị hụt hẩng. Tác giả Tư Cù ghi nhận: “Trong một thời gian dài, người Kitô hữu Việt Nam thường tụ tập lại thành xóm đạo và đời sống có phần đóng kín trong những sinh hoạt của làng xóm mình… Mọi sinh hoạt đạo và đời thường được tổ chức một cách kỹ lưỡng và bao trùm hết đời sống. Đời sống Đức tin của mỗi người, do đó vẫn còn được tháp nhập vào sinh hoạt đạo đức trong giáo xứ và vẫn “chạy” trong quỹ đạo của những tổ chức tôn giáo”[5].

2. Đức tin xác tín cá vị (foi de conviction)

Đức tin xác tín cá vị là đức tin của mỗi cá nhân, xác tin về các điều mình tin, về sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Đức tin ấy chi phối mọi tâm tư hành động của mình họ.

2.1. Chúa Giêsu giáo dục đức tin xác tín cá vị

Chúa Giêsu muốn huấn luyện cho mỗi môn đệ một đức tin xác tín riêng của mình, không phải là niềm tin tập thể quần chúng. Vì vậy, một hôm Thầy trò đang đi trên đường đến các làng xã vùng Xêdarê Philipphê, Chúa Giêsu hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai? Các ông đáp: Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”[6]. Người không dừng lại ở đây vì Người muốn huấn luyện riêng môn đệ, nên lại hỏi “Còn anh em bảo Thầy là ai ? Ông Simon Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô”[7]. Vị đại diện các tông đồ thấy rằng Đức Giêsu không thể được xếp vào bất cứ hạng người nào, cho dầu đó là vị đại tiên tri đi nữa. Người phải cao trọng hơn nhiều và vượt hẳn tầm các tiên tri. Bài giảng trên núi, những hành động biểu lộ quyền năng của Người, quyền tha tội, cách thức giảng dạy không dựa trên uy tín của bất cứ tiên tri nào, cách thức nói về truyền thống lề luật, tất cả biểu lộ Người còn cao hơn một tiên tri.

2.2. Đức tin chính xác

Chúa Giêsu muốn huấn luyện cho họ một đức tin chính xác: Người là “Con Thiên Chúa Chúa hằng sống”[8]. Vì vậy, Người chia sẻ cuộc sống riêng tư của Người với Chúa Cha, rất thân tình. Thánh Luca ghi nhận như là một mâu thuẩn: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cùng ở đó với Người”[9]. “Một mình” mà lại có “các môn đệ ở đó”. Như vậy các môn đệ được hòa quyện vào trong cái riêng tư của người, cái dành cho một mình Người với Chúa Cha. Từ đó xuất phát những lời nói, hành động và tất cả uy tín của Người. Họ được thấy điều mà đám đông không thấy: Sự hiệp thông và hiệp nhất của Người với Chúa Cha. Người muốn kéo các môn đệ vào trong sự hiệp thông đó.

2.3. Điểm phân cấp môn đệ

Sau khi đã rao giảng tại miền Galilê, Chúa Giêsu quyết định đi lên Giêrusalem để chịu thương khó, hoàn tất công trình cứu chuộc. Đây là khúc quanh lịch sử đời của Người. Đây cũng là điểm phân cấp các môn đệ thành hai lớp: những người chỉ theo nghe giảng dạy không dấn thân xa hơn, và những người quyết định đi theo Chúa đến cùng, sống chết với Người. Những người nầy mới là môn đệ thật, sống gắn bó với Người, mới có được quyết định “lên Giêrusalem” với Người.

Hai câu hỏi của Đức Giêsu về dư luận quần chúng và về sự xác tín cá vị của các tông đồ giả thiết một bên là sự hiểu biết của dư luận quần chúng của tập thể vô danh. Sự hiểu biết nầy không nhất thiết là sai lạc. Nhưng còn nhiều khiếm khuyết. Một bên là sự hiểu biết sâu sắc của người môn đệ, cùng với sự xác tín của cá nhân, động lực thúc đẩy đi theo con đường của Đức Giêsu, thông hiệp với Người.

Không có xác tín cá nhân và đầy đủ thì môn đệ sẽ sống theo chiều gió, dễ bỏ cuộc, thậm chí phản bội. Chính vì thế, sau khi Phêrô trả lời Người “Thầy là Con Thiên Chúa”, Đức Kitô cho các môn đệ trung tín biết thêm “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó không úp mở”[10]. Dầu con đường trước mắt đầy chông gai gập ghềnh đau khổ thậm chí chết chóc, Ngài vẫn kiên định đi lên, vì đó là ý Cha trên trời. Ngài muốn cho các môn đệ của Ngài ý thức rõ ràng con đường Ngài sẽ đi và Ngài muốn họ cùng đi với Ngài. Từng bước, Chúa Giêsu huấn luyện đức tin cho từng người môn đệ thâm tín. Đó là đức tin xác tín cá vị.

3. Canh tân đời sống đức tin

3.1. Rượu mới phải đựng trong bầu da mới

Thời mới với nhiều thay đổi cần một lối sống đức tin mới. Đã có một thời người giáo dân Việt Nam sống đạo với đức tin truyền thống và đã gặt hái được những hoa thơm trái ngọt. Nay thời buổi ấy không còn nữa. Môi trường văn hóa xã hội đã đổi thay. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 đã ghi nhận những sự kiện mới: Tiến trình toàn cầu hóa, tiếp cận với những thông tin và thành quả đa dạng về khoa học kỹ thuật, kéo theo nhiều thay đổi trong xã hội. Chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bày chân lý nữa vời trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh, đã đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì đề hưởng lợi[11]. Mặt khác, những hoạt động khác nhằm xóa dấu ấn của Thiên Chúa trong xã hội cũng như nơi lòng người ; thay vào đó cổ súy cho một  sự tôn vinh con người đến tuyệt đối, con người không cần Thiên Chúa. Sống trong môi trường văn hóa xã hội như vậy làm sao người trẻ tránh được những ảnh hưởng tiêu cực khiến tin vào Thiên Chúa phai mờ  nếu chưa phải mai một.

Mặt khác, “khung thành” gia đình và giáo xứ không còn để bảo vệ con cái mình hữu hiệu như ngày trước, vì con cái theo công ăn việc làm đã ra khỏi nhà, xa giáo xứ. Hằng ngày, không có đức tin xác tín cá vị, họ càm thây bơ vơ lạc lõng không nơi nương tựa, dễ buông xuôi, bỏ những thói quen “giữ” đạo, hết đi lễ ngày Chúa nhật..

3.2. Tiềm tàng một nguy cơ

Cung cách sống đức tin truyền thống ẩn chứa một nguy cơ lớn: Người tín hữu có thể bỏ Giáo Hội. Được hỏi về tình trạng sống đạo suy thoái của Giáo Hội tại Pháp, Đức Cha Gilbert Louis, Giám mục địa phận Chalons en Champagne đã chia sẻ: 80% người công giáo Pháp ngày nay không còn đến nhà thờ ngày Chúa nhật, vì nhiều lý do thuộc các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng lý do sâu xa nhất là đa số người Pháp giữ đạo theo “đức tin truyền thống” chứ ít người có đức tin xác tín cá vị. Bây giờ, dưới tác động mãnh liệt của những thay đổi sâu rộng trong nền văn hóa xã hội, họ đặt lại mọi vấn đề, kể cả đức tin. Hạt giống đức tin được gieo vãi vào lòng khi chịu phép rửa tội, được thể hiện trong sinh hoạt thờ phượng của cộng đồng, được bảo vệ trong “ khung thành” gia đình và giáo xứ. Nay ra khỏi khung thành đó, cá nhân thường mất sức sống như cá lìa khỏi nước. Họ không bỏ Chúa, nhưng họ rời xa Giáo Hội.

3.3. Cần một bước chuyển

Môi trường gia đình và giáo xứ ban đầu vẫn cần thiết như vườn ương cho cây đức tin đâm chồi nảy lộc. Nhưng đức tin truyền thống này còn phải được triển nở biến thành đức tin xác tín. Đã hẳn có được một số kiến thức giáo lý là điều cần, thêm một lối thể hiện lòng tin trong cung cách thờ phượng của tập thể là điều có ích, nhưng đức tin ấy phải trở thành đức tin của cá nhân, một sự xác tín cá vị. Một đức tin xác tín và trưởng thành phải đủ khả năng thực hiện những chọn lựa cá nhân. Thuở nhỏ, cha mẹ tôi đã chọn Đức Kitô cho tôi. Nay trưởng thành và hiểu biết, chính tôi phải lãnh trách nhiệm về sự chọn lựa quan trọng làm nên ý nghĩa của đời sống đức tin của tôi. Tôi không thể bằng lòng với một di sản. Ngày nay tôi không thể tiếp tục sống đạo chỉ với niềm tin “thừa kế”!

Phải tìm gặp Đức Giêsu. Chính tôi bây giờ phải nói lên khát vọng sâu xa của bản thân như những người Hy Lạp xưa mong muốn được thấy Chúa Giêsu. Chính cá nhân tôi phải can đảm lên đường tìm gặp Đức Kitô và sống với Người.

Phải làm một bước chuyển. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chia sẻ những bước đường trưởng thành tâm linh của bản thân Ngài như sau: “Phần đông đã nhận lãnh đức tin từ thuở nhỏ qua Giáo Hội, nhưng sau đó đặt vấn đề, ngờ vực về đức tin của mình, rồi vượt qua các ngờ vực ấy. Cha rất cảm thông. Phần Cha, Cha đã sống tuổi thơ và thanh niên trong một bầu khí đức tin mà có thể nói Cha không bao giờ bị cắt đứt. Vấn đề căn bản của Cha không phải là ngờ vực, mà là vấn đề bước chuyển, từ một đức tin được thừa kế, nặng tình cảm hơn lý trí, qua một đức tín ý thức và trưởng thành đầy đặn, sâu sắc về mặt lý trí, bằng một sự lựa chọn cá nhân. Trên nền tảng của niềm xác tín chủ yếu là Thiên Chúa, “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” theo công thức tuyên tín tuyệt với của Thánh Phêrô. Và rồi Đức Giêsu đã giúp Cha hiểu biết Chúa Cha và sống với Chúa Thánh Thần”[12]

Phải sống liên kết với Chúa Giêsu bằng một mối liên hệ thâm tình. Ngày nay, Đức Kitô vẫn đang tiếp tục chất vấn từng người, từng thế hệ Kitô hữu: “Đối với các con, các con nghĩ Thầy là ai?”, bởi vì Người biết rõ rằng rất nhiều người tưởng mình có đức tin, mang danh là kitô hữu, nhưng chưa hẳn là gặp gỡ Người. Dựa trên kinh nghiệm mục vụ, Đức Hồng Y Suenens quả quyết: “Quá nhiều kitô hữu được rửa tội và thêm sức lúc còn bé, nhưng lớn lên không chứng thực nguồn phong phú của bí tích nằm sẵn nơi mình. Sở dĩ có tình trạng này là vị họ chưa từng gặp gỡ thật sự Chúa Giêsu Kitô, chưa khám phá khuôn mặt, lời nói, những đòi hỏi của Ngài và chưa từng liên kết với Ngài bằng một mối liên lạc thâm tình[13]”.

Theo Đức Hồng Y, tin vào Đức Kitô thật sự là phải gắn bó với Đấng đã phục sinh cách trọn vẹn, để Người làm linh hoạt cuộc sống chúng ta và biến chúng ta trở thành tông đồ của Ngài giữa lòng thế giới. Đúng như chứng tá sống động của Thánh Phaolô, vị tông đồ Dân Ngoại. Sau lần gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh trên đường Damas, con người Saolô kiêu căng và đầy thù hận đối với kitô hữu ấy đã được biến đổi hoàn toàn, từ tâm tư đến hành động, thành một thụ tạo mới mang tên Phaolô, sống một cuộc sống mới, trung kiên theo Đức Kitô và chu toàn một sứ mạng mới là đem Tin Mừng cứu độ cho chư dân.

Lời kết

Giáo Hội tại Việt Nam, ban đầu nhỏ bé như “hạt cải”, nhưng qua hơn bốn thể kỷ với những bước thăng trầm, đã lớn lên thành cây đại thụ. Sức sống ấy đang tiếp tục lan tỏa nhờ Giáo Hội luôn luôn tự hỏi “sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mạng chúng ta lãnh nhận từ Chúa Giêsu”.[14]

Thời đã qua “sống đức tin theo cung cách Việt Nam” với đức tin truyền thống, đã đem lại thành quả tốt đẹp. Thời nay, để được tốt hơn, cần phải tăng cường đức tin xác tín nơi mỗi người, sống gắn bó với Chúa Giêsu với một đời sống nội tâm thật sâu sắc thân tình.

Giáo Hội tại Việt Nam chắc hẳn quyết tâm giáo dục đào tạo lại con cái mình “để thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu”[15].



Huế lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu 2012
Lm. Gioakim Lê Thanh Hoàng

[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đậi Hội Dân Chúa 2010, số 9
[2]  Xem bài nói chuyện của Đức Gioan Phaolô II với Giới Trẻ Thể Giới tại Gerland ngày 6.10.1986.
[3] Đỗ Quang Hưng, Bài thuyết trình,  trong Tọa đàm tại Huế, ngày 20-22 tháng 4 năm 2004.
[4] Nguyễn Khắc Dương, Quia respexit humilitatem meam, Thế Tâm, 1997, trang 176
[5] Tư Cù, Vài nhận định về đời sống Kitô giáo tại Việt Nam,Thời sự thần học số 23, tháng 3.  2001
[6] Mc 8, 27-28
[7] Mc 8,29
[8] Mt 16,16
[9] Lc 9,18
[10] Mc 8, 31-32
[11] Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 4 tt.
[12] Đức Gioan Phaolô II, Bài nói chuyện với Giới trẻ Thế Giới tại Gerland ngày 6..10.1986
[13] Hông y Suenens, “Người Kitô Hữu Giáo Dân”, tr.8
[14] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 9
[15] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 9

Nguồn: Truyền thông GHXHCG

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang